Gián án Những hướng tìm tòi trên phương diện kết cấu của tiểu thuyết lịch sử sau 1975

6 390 3
Gián án Những hướng tìm tòi trên phương diện kết cấu của tiểu thuyết lịch sử sau 1975

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Những hướng tìm tòi trên phương diện kết cấu của tiểu thuyết lịch sử sau 1975 ThS. Ngô Thị Quỳnh Nga (Khoa Ngữ văn - ĐH Vinh) 1. Kết cấuphương tiện cơ bản và tất yếu của sáng tác nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa rộng, có thể nói sáng tác tức là kết cấu. Bất cứ phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Đối với các tác phẩm tự sự, kết cấu là cách xây dựng các nhân vật, các sự kiện và hành động, cách tổ chức các phương thức trần thuật nhằm diễn tả chủ đề tư tưởng của tác phẩm; cách phân bố các chương, các lớp, các cảnh trong một chỉnh thể thống nhất để xây dựng nên một bức tranh về đời sống, qua đó đặt ra và giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội. Mỗi tác phẩm văn học có một kết cấu riêng tuỳ thuộc vào đặc trưng thể loại, quan điểm nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật mà nhà văn tự đặt ra cho mình. Tiểu thuyết lịch sử là thể loại lấy các sự kiện, biến cố, nhân vật lịch sử làm đề tài, cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, do quan niệm nghệ thuật và mục đích sáng tác khác nhau nên ở mỗi nhà văn, mỗi giai đoạn sáng tác có những đặc trưng riêng về kết cấu tác phẩm. Các nhà văn truyền thống viết về đề tài lịch sử nhằm tái hiện lại bức tranh hoành tráng của lịch sử dân tộc, qua đó thể hiện thái độ ngưỡng vọng, tự hào của người viết. Các tác giả này mong muốn tác phẩm của mình sẽ là tư liệu lịch sử sinh động, góp phần “truyền lửa” cho hậu thế. Họ quan niệm sáng tác trước hết là phải trung thực với mọi chi tiết lịch sử mà biên niên sử có ghi. Mục đích và quan niệm sáng tác này đã chi phối đến hình thức kết cấu tác phẩm. Hình thức kết cấu phổ biến của các tác phẩm này là viết theo lối ghi chép biên niên. Tác phẩm chủ yếu ghi chép, minh họa lại các sự kiện, biến cố lịch sử. Nội dung được triển khai theo trình tự thời gian, ít có sự xáo trộn, vì vậy, khi xung đột trong tác phẩm được giải quyết thì tác phẩm cũng hết. Câu chuyện được kể theo dòng sự kiện, đi theo những cái đã biết, ít thấy yếu tố bất ngờ, sáng tạo của nhà văn. Chưa cần đọc hết truyện, người đọc đã đoán biết được diễn biến tiếp theo và kết thúc bởi nhà văn chỉ mô phỏng lại những gì đã có sẵn trong các sách biên niên sử, dã sử, truyền thuyết. Hình thức kết cấu biên niên có ưu điểm làm sáng rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, người đọc dễ nắm bắt nội dung, phù hợp với lối tư duy của người Việt Nam. Tuy nhiên, với cách viết này nhà văn còn quá lệ thuộc vào những cái có sẵn, chưa phát huy được khả năng độc lập sáng tạo. Bởi vậy,tác phẩm chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Tôn trọng kết cấu biên niên tạo nên những tác phẩm hao hao giống nhau. Mặc dù nhiều nhà văn đã có ý thức đưa vào các yếu tố “tiểu thuyết” nhưng đó đơn thuần chỉ là vấn đề kỹ thuật, chưa tạo thành mục đích, yêu cầu nghệ thuật của mỗi nhà văn. Công việc của các nhà văn viết về đề tài lịch sử vẫn chỉ là “vẽ ra cái quá khứ với ý đồ biện hộ tính cách chính danh của một triều chính . Và viết tiểu thuyết lịch sử theo cái nhìn quá khứ đó, nhà văn trở thành đồng loã với quyền lực chính trị, làm công việc kẻ lông mày cho xác chết” [2]. Sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới, không khí dân chủ, cởi mở trong môi trường sáng tạo đã khuyến khích các nhà văn không ngừng tìm tòi, thể nghiệm những điều mình ấp ủ từ lâu. Nhiều cây bút đã mạnh dạn vượt lên trên những qui định, khuôn khổ truyền thống, mở những lối đi riêng, tìm những cách thức mới, hình thức mới, phương thức thể hiện mới trong sáng tác. Người viết văn xem quá trình sáng tác như “ một trò chơi kỳ vĩ”, “một trò chơi mà anh có thể mạo hiểm cả đời mình” [dẫn theo [7]). Ngay cả với các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, một đề tài được coi là ổn định và nghiêm túc nhất cũng được người viết đưa vào “một trò chơi vô tăm tích” (tên bài viết của Phạm Thị Hoài). Quan niệm này cho thấy các nhà văn sau đổi mới xem việc sáng tác văn chương như là cuộc hành trình của sự sáng tạo, khám phá, và thử nghiệm, trong đó có thể có thành công hoặc thất bại. Viết về đề tài lịch sử, nhiều tác giả đã “ không chịu đi theo vết chân đi trước”mà “rẽ trái, đạp cỏ lau, đạp đá tai mèo, dẫn nhân vật băng qua những vùng đất mới” [8]. Người viết không chấp nhận “buông mình trôi xuôi theo dòng chảy lịch sử”[8], luôn cố gắng vượt thoát khỏi những công thức sáng tác truyền thống cứng nhắc, làm sống dậy những “xác chết biên niên” bằng hình thức kết cấu linh hoạt, ngẫu hứng. Kết cấu tác phẩm được nhào nặn lại hoàn toàn theo ý đồ chủ quan của người nghệ sĩ. Ưu thế của văn chương cho phép người viết được xáo trộn, đảo ngược, lắp ghép, chắp nối, thêm bớt các sự kiện, biến cố, những chi tiết về cuộc đời nhân vật tạo nên kết cấu hỗn loạn, rời rạc, lỏng lẻo, tuỳ tiện, chắp vá . 2. Kết cấu phổ biến nhất của tiểu thuyết lịch sử sau 1975sự lồng ghép, đan cài nhiều truyện trong một truyện. Bên trong mỗi tác phẩm chứa đựng nhiều cuốn tiểu thuyết nhỏ về cuộc đời, số phận từng nhân vật. Tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác kể về những cuộc đời khác nhau trong xã hội. Mỗi số phận tạo thành một truyện kể hấp dẫn. Quang Trung - Nguyễn Huệ là người đã làm nên những chiến công phi thường, đạt đến đỉnh cao vinh quang nhưng cũng lại là người gặp nhiều trắc trở, bi kịch trong cuộc đời. Ông đã làm nên được những điều phi thường khiến kẻ thù phải khiếp sợ, nhưng ông lại không vượt qua được những rào cản của gia đình, của quyền lực chính trị để bảo vệ tình yêu của mình với An. Để thực hiện khát vọng thống nhất ba miền Nam Bắc ông đã phải đau đớn dứt bỏ cả tình anh em máu mủ. Kể về triều đại Tây Sơn nhưng Nguyễn Mộng Giác lại dành tới năm chương đầu miêu tả cảnh chạy loạn của gia đình ông giáo Hiến, thay vì giới thiệu gốc gác, thân thế các nhân vật anh hùng như các tiểu thuyết lịch sử khác thường làm. Ở các chương tiếp theo, cuộc đời các nhân vật “xuất chúng” Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ luôn được đặt trong mối quan hệ với các thành viên gia đình ông giáo Hiến và những người dân bình thường khác. Số phận của những người thường dân đã được tái hiện sinh động như những cuốn tiểu thuyết nhỏ. Đó là cuộc đời đầy bi kịch của thầy giáo Hiến, một nhà nho có tài chữ nghĩa, có hiểu biết rộng, luôn khao khát được cống hiến, góp phần tạo nên những giá trị chuẩn mực trong đời sống, nhưng lại là người bảo thủ, không bắt nhịp được với thời cuộc. Số phận của nhân vật An tiêu biểu cho số phận của những người phụ nữ Việt Nam ở mọi thời biến động. Chiến tranh khiến vợ chồng cô kẻ Bắc người Nam. Một mình cô phải xoay xở ngược xuôi, làm đủ thứ nghề để nuôi dạy hai con. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào An cũng luôn sống đàng hoàng, tự tin, không bao giờ chịu ngồi yên chấp nhận sự đưa đẩy của số phận. Bên cạnh đó còn có những số phận gây ám ảnh người đọc không kém như Nguyễn Lữ, Thọ Hương, Kiên, Lãng . Câu chuyện về cuộc đời của mỗi nhân vật tưởng như độc lập nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Họ là những mảnh đời góp nhặt từ cuộc sống đầy biến động, phức tạp tạo nên bức tranh đa chiều, nhiều màu sắc về xã hội Tây Sơn. Các sự kiện, biến cố trong tiểu thuyết “Gió lửa” của Nam Dao được dán ghép với nhau một cách “tuỳ tiện cố ý”. Tác phẩm mở đầu bằng không khí huyền thoại, đưa người đọc vào thế giới cổ tích xa xăm. Tác giả không vội vã giới thiệu ngay nhân vật trung tâm của bức tranh lịch sử mà thử thách sự chờ đợi của người đọc bằng những câu chuyện về cuộc đời các nhân vật hoàn toàn xa lạ. Đó là câu chuyện về dòng họ Hà ở bản Mê Thượng, chuyện tình của nàng Mây và Đèo Kha, về Toàn Nhật, Trọng Thức . Nhân vật Nguyễn Huệ chỉ xuất hiện ở giữa tác phẩm. Nguyễn Huệ được xây dựng là một con người có số phận, tính cách đa dạng. Con người này vừa xuất chúng lại vừa bình thường thậm chí tầm thường. Ông vừa là một người lãnh đạo sáng suốt vừa là một nhà nho đĩnh đạc, lại vừa là con người rất bình thường, cũng có lúc tự ti, cuồng dâm, tàn bạo. Tiểu thuyết “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo lại là những câu chuyện về cuộc đời mỗi con người mang màu sắc huyền thoại, đậm tính liêu trai. Thái hậu Ỷ Lan - người đàn bà quyền biến, tài giỏi, có công lớn với đất nước nhưng lại chết trong nỗi ám ảnh về cái chết của hoàng hậu họ Dương và bảy sáu cung nữ do bà ra lệnh giết. Cuộc đời vua Thần Tông trải qua những kiếp khác nhau từ chàng Từ Lộ có tình yêu say đắm, trong sáng với Nhuệ Anh, đến một Từ Lộ trong lòng chỉ có sự hận thù, rồi trở thành một đạo sĩ đức hạnh, sau đó đầu thai vào cậu bé Dương Hoán và trở thành vua Thần Tông. Đó là cuộc đời một con người mang nhiều số phận khác nhau nhằm thoả mãn cơn khát quyền lực, dục vọng. Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh được chia làm từng phần nhỏ, mỗi phần là câu chuyện về một cuộc đời, một sự kiện, biến cố. Nếu từng phần này được tách ra sẽ trở thành một truyện ngắn hoàn chỉnh có tiêu đề, có mở đầu, diễn biến và kết thúc (“Hồ Quý Ly”: I: Hội thề Đồng Cổ, II. Hồ Nguyên Trừng, III. Ông vua già, IV. Cái chết của ông vua già, V. Trần Khát Chân, VI. Cô gái vườn mai, VII. Vua Thuận Tôn và bà hoàng Thánh Ngẫu, VIII. Trong vườn ngự uyển, IX. Một ngày của thái (1) (Minh Đạo I), X. Một ngày của thái (2) (Minh Đạo II) XI. Ngôi chùa đổ, XII. Đường lên Yên Tử, XIII. Hội thề Đốn Sơn; “Mẫu Thượng Ngàn”: I. Người trở về, II. Nhụ và Điều, III. Đồn điền Messmer, IV. Họ Vũ, họ Đinh, V. Pierre và Julien, VI. Người Cổ Đình, VII. Bà tổ cô, VIII. Philippe Messmer, IX. Con chim cu cườm, X. Đối thoại, XI. Bà Ba Váy kể chuyện, XII. Tai họa lớn, XIII. Ông Đùng, bà Đà, XIV. Người kẻ Đình. XV. Chương kết). Cốt truyện như là sự lắp ghép của các mảnh sự kiện, biến cố. Giữa các phần có mối quan hệ khá lỏng lẻo, tồn tại gần như độc lập với nhau. Cách kể nhiều truyện trong một truyện này tạo nên kết cấu lỏng lẻo, rời rạc, chắp vá. Người đọc rất khó tóm tắt nội dung tác phẩm. Muốn tóm tắt được đầy đủ ta phải lần lượt kể lại từng câu chuyện nhỏ. Để hiểu tác phẩm người đọc phải có sự tập trung cao độ, tự lắp ráp các mảnh cốt truyện. Cảm xúc của độc giả bị thay đổi liên tục qua từng phần. Tác giả đôi khi cũng bị rối khi quá say sưa đi vào từng số phận riêng. Nhưng bù lại, cách kể này luôn đem đến những điều bất ngờ, thú vị. Chắp nối được các mảnh hiện thực đó ta sẽ có được bức tranh đầy đủ, sống động, tươi nguyên về cuộc sống. Điểm nhìn được di chuyển theo nhiều chiều không gian, qua nhiều nhân vật nên hiện thực hiện lên khách quan, đầy đủ hơn. 3. Viết về đề tài lịch sử các tác giả truyền thống thường đi theo dòng thời gian, sự kiện. Nhiều nhà văn sau 1975 lại dẫn dắt người đọc theo con đường vòng vèo, quanh co, khám phá lịch sử không chỉ ở những sự kiện bên ngoài mà còn ở những góc khuất, ngã rẽ phức tạp. Người viết không đi theo lối kể truyện có trước, có sau. Các yếu tố sự kiện được triển khai theo mạch vận động cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật. Thực tế cho thấy, cái tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm văn xuôi viết về đề tài lịch sử sau 1975 không phải ở những kết cấu rạch ròi, những sự kiện trọng đại mà là kết cấu theo dòng chảy suy tư của nhân vật. Con người được khám phá ở chiều sâu tâm linh, trong dòng chảy của ý thức, phát hiện ra biết bao điều bí ẩn mà ta chưa nghĩ tới. Trong “Sông Côn mùa lũ”, bên cạnh những trang văn miêu tả khí thế hào hùng của khởi nghĩa Tây Sơn, nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn dành trọn nhiều chương để nói về các trạng thái tâm lý nhân vật. Đó là những thế giới tâm hồn nhiều uẩn khúc. Sau những giờ phút “đóng vai trò lịch sử” Nguyễn Huệ trở về là con người đời thường với bao trăn trở, suy tư. Những cuộc đối thoại với chính mình thường xuyên diễn ra khiến lòng ông lúc nào cũng ngổn ngang, rối bời. Trong lòng Nguyễn Huệ chứa đựng một khối cô đơn khổng lồ. Ông cô đơn vì không ai hiểu mình, không ai cùng mình gánh vác sứ mệnh lớn lao, và vì “càng muốn hoà hợp vào sự dung dị, lịch sử càng tránh ông với phần còn lại, buộc ông phải đứng ở vị trí cao, sáng hơn” [3]. Nguyễn Huệ trong “Gió lửa” của Nam Dao cũng được miêu tả trong những dòng suy tư. Khi thì là nỗi đau vì mối tình đầu với An bị từ chối, khi thì là nỗi cô đơn, khao khát tìm kiếm sự hoà hợp, khi lại là ước muốn được thấu hiểu “niềm hạnh phúc của những kẻ bình thường” [1] . Cuộc đời Hồ Quí Ly (trong “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh) không chỉ có những mưu toan, thủ đoạn, bên trong con người ấy còn có những điều mà ta chưa lường hết được. Đó là những cơn bão lòng, những bi kịch nội tâm thể hiện qua những lần nói chuyện với con trai và qua dòng độc thoại. Trong “Giàn thiêu”, cái chết oan uổng của Thái hậu họ Dương cùng bảy sáu cung nữ ám ảnh Hoàng thái hậu Ỷ Lan suốt cả cuộc đời. Vào giờ phút lâm chung, trong cơn mê sảng bà vẫn “khóc gọi tên Dương thái hậu rồi nghiến răng kèn kẹt” [4]. Vua Thần Tông, kiếp sau của Từ Lộ có lúc chìm sâu trong những cảm giác miên man, mơ hồ. Gặp bà chùa Trầm - cũng chính là Nhuệ Anh, Thần Tông bị xúc động mãnh liệt. Nhiều cảm xúc không rõ rệt cùng xuất hiện trong lòng ông: “thổn thức mà trống vắng mà cồn cào, lo sợ. Sợ giây phút cái hình ảnh đang hiển hiện trước mặt vào kia bỗng chốc sẽ tan biến vào thinh không như một ảo giác” [4]. Đó chính là những phút giây tĩnh lặng trong tâm hồn con người có nhiều ham muốn, là phút giây ông trở lại là con người thực của mình. Với cách kể chuyện theo dòng chảy của ý thức, tác giả như dẫn dắt người đọc vào thế giới bí ẩn, quanh co của tâm hồn con người, mạch truyện cứ chùng chình, luẩn quẩn trong dòng suy nghĩ của nhân vật khiến người đọc khó tìm thấy lối ra. Kết cấu của truyện cũng trở nên thiếu mạch lạc, nhiều chỗ đứt đoạn. Xây dựng tác phẩm theo mạch tâm trạng nhân vật, nhà văn có điều kiện đi sâu vào diễn biến tâm lý phức tạp, làm cho nhân vật hiện lên với tất cả những gì vốn có của nó. 4. Được tự do bài trí các sự kiện theo ý đồ chủ quan của mình, các nhà văn đã xáo trộn thời gian tuyến tính một cách “tuỳ tiện” bằng “kỹ thuật dán ghép thời gian”. Kỹ xảo điện ảnh đã được vận dụng vào trong xây dựng kết cấu. Thông thường, khi viết về lịch sử, xã hội hay số phận con người, người ta thường đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ phát sinh đến cao trào. Mọi diễn biến của cuộc sống phản ánh trong tác phẩm đều được đặt trên một trục thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Nhưng trong các tác phẩm viết về đề tài lịch sử sau 1975 trật tự đó lại bị xáo trộn hoàn toàn, đặc biệt là trong tiểu thuyết. Các biến cố, sự kiện trong tác phẩm không theo trình tự thời gian nhất định mà có sự dán ghép biến cố xa bên cạnh biến cố gần, đưa lịch sử ra khỏi trạng thái tĩnh, trở nên sống động, tươi mới. Thời gian bị xáo trộn khủng khiếp bởi quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen đồng hiện trong tác phẩm và bởi nhà văn đã đặt điểm nhìn theo dòng hồi ức của nhân vật. Hồi ức thường không đi theo đường thẳng, vì vậy hồi ức của nhân vật đã bẻ gãy trật tự tuyết tính thông thường, để điểm nhìn của mình mặc cho hồi ức, cho liên tưởng lôi cuốn và chi phối. Trong các tác phẩm “Sông Côn mùa lũ”, “Gió lửa”, “Hồ Qúy Ly”, “Mẫu thượng ngàn” . thời gian bị gián đoạn bởi dòng hồi ức của nhân vật và người kể chuyện. Quá khứ gắn với mối tình đầu dành cho An vẫn thường hiện về trong tâm trí Nguyễn Huệ (“Gió lửa” - Nam Dao) cắt ngang thực tại. Những lúc ấy tất cả những gì thuộc về An hiện lên như mới xảy ra hôm qua: kỷ niệm những trò đùa nghịch thưở học trò ở nhà thầy giáo Hiến, câu nói đùa của An “đứa nào biết thầy muốn gì, tao sẽ gọi bằng chồng” [1]; những lần trò chuyện với An bên cầu ao, ngày An cưới “Huệ ốm liệt giường”[1] . Câu chuyện đang từ hiện tại bỗng đột ngột chuyển về quá khứ, kể về An, về Huệ thuở thiếu thời làm rõ thêm một phẩm chất trong con người Nguyễn Huệ - con người uy danh, có lúc tàn bạo cũng có lúc đa cảm, yếu đuối. Sau đó tác giả lại tiếp tục trở về với câu chuyện ở thì hiện tại. Nhân vật Hồ Quý Ly (tiểu thuyết ”Hồ Quý Ly”) được miêu tả từ điểm nhìn hiện tại trong vai trò là một thái sư, rồi quay về quá khứ, lúc ấu thơ với trò nghịch ngợm “nuôi ngọn lửa tí xíu trong một hốc đá” [5] cùng công chúa Huy Ninh; rồi lại trở về với hiện tại, với nhịp sống hàng ngày: những âm mưu, toan tính, những giằng co và cả sự cô đơn. Quá khứ với bát canh sâm và những cử chỉ yêu thương mà bà Huy Ninh dành cho ông hiện lên giữa hiện tại cô đơn, trống vắng. Quá khứ - hiện tại, thực - ảo cùng hiển hiện trong một con người khiến con người này hiện lên sinh động, phức tạp hơn. “Giàn thiêu” được đánh giá là cuốn tiểu thuyết “có tính điện ảnh cao” [9]. Tác phẩm đã tận dụng triệt để kỹ xảo điện ảnh, đặc biệt là trong cách lắp ghép thời gian. Thời gian vừa bị trôi ngược từ hiện tại về quá khứ, từ kết quả đến nguyên nhân, vừa bị bẻ gãy, xáo trộn bởi dòng hồi ức. Tác phẩm mở đầu ở thời điểm vua Nhân Tông mất, Dương Hoán lên ngôi (năm 1118). Tiếp đó là chiều ngược của thời gian kể về kiếp trước của Dương Hoán, từ chàng Từ Lộ đến Đạo Hạnh. Sau đó tác giả quay lại kể tiếp từ thời điểm Dương Hoán lên ngôi đến khi Dương Hoán mất, Lý Anh Tông lên ngôi (năm 1138). Trình tự kể và trình tự phát sinh câu chuyện trong tác phẩm có khi không trùng khít với nhau. Giữa cốt truyện và kết cấu tác phẩm có độ lệch pha. Muốn kể lại tác phẩm theo dòng sự kiện ta phải đảo lại các chương như sau: (tiểu sử của Từ Lộ) II III IV V VI VII VIII XIV XVII XVIII XIX XX (tiểu sử của Dương Hoán – Lý Thần Tông) I IX chương X XI XII XIII XV XVI XXI XXII XXIII XXIV XXV. Trong tác phẩm, nhiều đoạn, thời gian hiện tại bị nghẽn mạch bởi sự đan xen của thời gian quá khứ. Chẳng hạn, ở chương X, ngắm đức vua (Dương Hoán) “ nôn nóng như một đứa trẻ đòi một thứ đồ” [4], viên Tổng thái giám chợt nhớ lại những câu chuyện đã xảy ra mười hai năm về trước. Đó là hồi ức về cái chết không bình thường của thái hậu Ỷ Lan; chuyện Dương Hoán được thái hậu lựa chọn kế ngôi. Trong kí ức của Tổng thái giám còn có cả những kỷ niệm thời Dương Hoán hai tuổi: chuyện Dương Hoán chơi đùa với con rắn lục trong khi đám thị vệ, cung nữ hoảng hồn, chuyện lựa chọn thái tử . Sau đó tác giả lại tiếp tục trở về với câu chuyện Dương Hoán đang kể dở. Chương XII (“Đọa xứ”), gặp Thần Tông, bà chùa Trầm (Nhuệ Anh) thấy như vừa quen vừa lạ. Những cảm giác mơ hồ, bất định từ quá khứ hiện về: “Bến Đá sông Gâm. Bè nứa và chiếc nón lá của người tỳ kheo. Cơn giông sầm đổ. Rồi trời quang tạnh và hoa gạo như những bụm máu qua vai một người con trai. Thác Oán. Túp lêu lau sậy le lói bếp lửa. Người đàn ông Cá Bơn .” [4]. Kết cấu thời gian này làm cho mạch truyện trở nên chậm rãi, lắng đọng. 5. Đoạn kết trong các tác phẩm viết về đề tài lịch sử truyền thống thường có mô hình kết thúc có hậu, đến cuối tác phẩm mọi vấn đề đều được giải quyết một cách trọn vẹn. Vì vậy lịch sử trở thành những gì đã qua, đã chết, đã hoàn tất ở thì quá khứ. Với các nhà văn sau 1975, lịch sử như là cái gì đó đang vận động, cần được khám phá, nhìn nhận lại. Bởi vậy, kết thúc tác phẩm thường là kiểu kết thúc bỏ ngỏ, chưa hoàn kết. Mỗi tác giả có một cách kết thúc khác nhau, tuỳ vào cách nhìn nhận đời sống của mỗi nhà văn. Tác phẩm không đi theo mô hình chung kết thúc khi xung đột được giải quyết. Trong nhiều tác phẩm, cho đến những dòng cuối xung đột vẫn chưa được giải quyết mà còn mở ra những khả năng xảy ra khác; cuộc đời của nhân vật đang tiếp diễn. Tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” mở đầu bằng cảnh gia đình An chạy loạn về An Thái, kết thúc cũng lại là cảnh chạy loạn của mẹ con An. Cách kết thúc đầu cuối tương ứng đó đã khắc sâu trạng thái tâm lý hoảng loạn của người dân trước những biến động của lịch sử. Số phận của người dân thật nhỏ bé và bấp bênh, luôn phụ thuộc vào sự xoay chuyển của những người cầm quyền. Tiểu thuyết “Gió lửa” lại có một kết thúc đầy ám ảnh. Đó là lời cầu kinh sám hối mong thoát khỏi lời nguyền của Chế Mân. Những người có tâm huyết xây dựng một kỷ nguyên mới tốt đẹp như Nguyễn Huệ, Trọng Thức, Ngô Thì Nhậm . đã ra đi khi dự định còn dang dở. Những người đang sống như Toàn Nhật, Dương Quang, Đặng Thị Mai . vẫn đang dốc lòng mình làm những điều tốt đẹp cho đời. Đặc biệt là thế hệ sau như Nguyễn Trường Tộ sẽ là những người hoàn thành ước mơ mà lớp cha ông đi trước chưa làm được. Họ sẽ là những người xoá bỏ lời nguyền của Chế Mân. Kết thúc tác phẩm đem đến cho người đọc niềm tin vào sự phát triển đi lên của đất nước. Lịch sử trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” vẫn đang vận động biến chuyển với kết thúc bỏ ngỏ. Giải quyết xong vụ hành thích phe đối lập, Hồ Quý Ly tiếp tục những toan tính, thủ đoạn để đạt được mục đích của mình và vẫn cô đơn. Xã hội vẫn đang trong thời “thiên tuý”, chưa có hình thái mới thay thế. Nhưng ta vẫn tin tưởng sẽ có sự thay đổi, dù là chậm bởi vẫn có những người khao khát cống hiến và mong muốn cân bằng xã hội như Nguyên Trừng. Ở tiểu thuyết “Giàn thiêu”, truyện kết thúc nhưng dường như vẫn chưa hết chuyện. Dương Hoán - kiếp kháccủa Đạo Hạnh chết nhưng các đệ tử của Đạo Hạnh vẫn thấy “Nhục nhân đại sự vẫn an thiên trên bệ đá, dù khô đét những vẫn sinh động lạ thường, như đang sống hiện nhiên vậy” [4]. (Với những người đọc giàu trí tưởng tượng chắc hẳn họ sẽ còn tưởng tượng thêm chi tiết li kì khác sau cái chết của Dương Hoán). Kết thúc lửng này tạo cho người đọc nhiều suy nghĩ về con người. Sự ham hố cõi trần đeo bám con người ở mọi kiếp. Đó dường như là tính cánh bất biến tồn tại trong mỗi con người. 6. Trên một không gian nhất định, với những vật liệu khác nhau, mỗi kiến trúc sẽ tạo nên một công trình theo phong cách của họ. Nhà văn cũng vậy. Cùng sử dụng chất liệu lịch sử nhưng mỗi người có cách sắp xếp sự kiện khác nhau tạo thành những tác phẩm mang dấu ấn riêng của người sáng tạo. Sự đa dạng, linh hoạt trong hình thức kết cấu đã đưa tác phẩm thoát khỏi sự minh họa. Nhiều khi lời của người kể hoà vào dòng suy tư của nhân vật không phân biệt được đâu là lời người kể, đâu là lời nhân vật, tạo nên kết cấu đa thanh. Lịch sử không còn là những cái đã biết, đã hoàn tất mà là cái cần được khám phá. Kết cấu truyện viết về đề tài lịch sử truyền thống chỉ cho ta nhìn thấy con người ở bề ngoài, khi họ “đóng vai trò lịch sử”. Sự thay đổi kết cấu trong tiểu thuyết lịch sử sau 1975 ưu tiên cho việc xây dựng lịch sử trong con người, con người được sống cuộc sống thực sự của chính mình. Cách kết cấu không theo một khuôn mẫu nào tạo nên những điểm nhìn đa dạng và thường xuyên thay đổi làm cho con người hiện lên với tất cả mọi ưu khuyết như nó vốn có. Nhân vật không chỉ được khai thác ở hành động mà còn được khám phá ở chiều sâu tâm linh, những ưu tư, những hồi ức. Đây là những bổ sung quan trọng cho khoa học lịch sử. Những sáng tạo trong kết cấu đã thể hiện khả năng bứt phá, làm mới mình và nỗ lực vươn tới đỉnh cao nghệ thuật của các nhà văn sau 1975. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nam Dao, Gió lửa, http//amvc.free.fr. 2. Nam Dao, Về tiểu thuyết lịch sử, http//:amvc.free.fr. 3. Nguyễn mộng Giác, Sông Côn mùa lũ, http/:dactrung.net. 4. Võ Thị Hảo (2003), Giàn thiêu, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội. 5. Nguyễn Xuân Khánh (2002), Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 6. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 7. Trần Thị Mai Nhân (2007), “Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000”, Văn học (7). 8. Nhiều tác giả (2000), “Hội thảo về tiểu thuyết Hồ Quý Ly”, Văn Nghệ (41). 9. Đỗ Minh Tuấn, “Muốn đưa Giàn thiêu lên phim”, http//:www.vnn.vn. . Những hướng tìm tòi trên phương diện kết cấu của tiểu thuyết lịch sử sau 1975 ThS. Ngô Thị Quỳnh Nga (Khoa Ngữ văn - ĐH Vinh) 1. Kết cấu là phương. ngoài, khi họ “đóng vai trò lịch sử . Sự thay đổi kết cấu trong tiểu thuyết lịch sử sau 1975 ưu tiên cho việc xây dựng lịch sử trong con người, con người

Ngày đăng: 27/11/2013, 23:11

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan