Không gian và thời gian trong người tình của marguerite duras

10 2.6K 12
Không gian và thời gian trong người tình của marguerite duras

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG NGƯỜI TÌNH CỦA MARGUERITE DURAS Hà Thị Thu Hằng 1 “Người tình” của Marguerite Duras là cuốn tiểu thuyết mới đoạt giải thưởng Goncourt năm 1984. Nghệ thuật xây dựng không gian và thời gian là nét sáng tạo độc đáo của nhà văn. Không gian trong “Người tình” di động và đa chiều, chồng chéo nhau: bến phà qua sông, căn phòng trai xuân, không gian gia đình, không gian bến tàu… được triển khai theo mạch hồi ức, của nhân vật. Đó là không gian tẩu thoát, giải phóng cô bé da trắng khỏi cuộc sống tẻ nhạt. Thời gian đàn hồi, có khi gia tốc với tốc độ nhanh, thường diễn tả sự lớn lên của cô gái hay tâm trạng muốn chạy trốn khi viết về gia đình; có khi giảm tốc, thậm chí đứng yên, ngưng đọng lúc nhà văn muốn níu kéo thời gian, sợ những khoảnh khắc đẹp trôi qua mất. Thời gian đồng hiện thể hiện sự tồn tại của quá khứ, hiện tại và tương lai, tạo thành những vết đứt gãy. Xây dựng thời gian độc đáo trong tác phẩm giúp nhà văn thành công trong việc khám phá đời sống tinh thần của con người. 1. Đặt vấn đề Tiểu thuyết mới Pháp được dịch ra tiếng Việt chưa nhiều nhưng nhìn chung đã để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, nhất là lớp trẻ. Họ thích những cuốn sách này vì nhiều lẽ, trong đó, cái vẻ là lạ, phá cách so với tiểu thuyết truyền thống hình như thu hút nhiều người hơn cả. Người tình của nữ văn sĩ Marguerite Duras ra đời khi trào lưu tiểu thuyết mới đang có những hướng đi cách tân. Đây là cuốn sách có dung lượng không lớn nhưng đã để lại tiếng vang trên văn đàn nước Pháp khi mới xuất hiện, đem đến cho tác giả của nó giải thưởng Goncourt danh giá năm 1984. Ở nơi mà M.Duras đã nhận làm quê hương thứ hai của mình, cuốn Người tình cũng được đón nhận một cách nồng nhiệt. Có lẽ, chính cách viết là lạ của tiểu thuyết mới đưa chúng ta về vùng đất Nam Kì xưa với những khoảng không gian, thời gian đầy nghệ thuật đã thuyết phục độc giả. 2. Nội dung 2.1. Không gian nghệ thuật đa chiều Có thể nói, không gian nghệ thuật trong Người tình là không gian di động và đa chiều, chồng chéo nhau: bến phà qua sông, căn phòng trai xuân, không gian gia đình, không gian bến tàu… Không gian ở đây di động không phải theo thời gian như trong tiểu thuyết truyền thống mà theo mạch hồi ức của nhân vật, tức là theo dòng hồi ức của người kể chuyện. Hơn nữa, dòng hồi ức đó lại thường xuyên bị xáo trộn, nhảy cóc nên không gian ở đây cũng được tổ chức theo kiểu nhảy cóc như vậy. Trước hết là không gian bến phà trên dòng sông Mê Kông - nơi cô gái gặp người tình của mình lần đầu tiên. Chuyến phà ấy tồn tại thực, cụ thể, rõ ràng ở vùng sông nước 1 ThS, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh miền Nam Việt Nam chứ không phải là không gian chung chung: Đó là lúc đi qua một nhánh sông Mê Kông trên chuyến phà nối Vĩnh Long và Sa Đéc trong một vùng đồng bằng trồng lúa bao la và lầy lội ở phía nam Nam Kỳ, Tràm Chim (1) . Người đọc hình dung ra một không gian rất thật, mênh mông, rất Việt Nam, rất Á Đông. Có thể nói, trong cuốn sách của mình, tác giả đã dùng hai từ thôi nhưng đủ để nói lên hết đặc điểm của vùng sông nước Mê Kông: lầy lội và lúa bao la. Đến bây giờ vẫn còn một vùng đồng bằng mênh mông như thế ở đây tuy cuộc sống đã bớt nghèo khó hơn xưa. Với cô bé đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, không gian đó vừa đẹp, thơ mộng nhưng cũng chứa đựng nhiều mối nguy hiểm (như sự dữ dội của dòng sông mùa lũ…). Trong tiểu thuyết Người tình khi nhà văn đã bảy mươi tuổi, cả không gian bao la của miền sông nước Việt Nam ùa về trong từng trang viết, gợi nên bao niềm nuối tiếc: …sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy đâu, như sông Mê Kông và những nhánh của nó xuôi ra biển, những vùng nước sắp sửa biến mất trong các vực thẳm của đại dương ấy. Trong mênh mang hút mắt, những dòng sông ấy chảy xiết, nước đổ như thể mặt đất nghiêng (tr.20). Thật là hiếm thấy ở một nhà văn chính gốc Pháp khi bà đã đem lòng yêu mến mảnh đất vốn là thuộc địa của chế độ thực dân Pháp. M.Duras tự hào khoe với một người bạn (mà sau này là tác giả của cuốn Marguerite Duras - một cuốn sách viết khá đầy đủ về cuộc đời và những nét nổi trội trong sự nghiệp văn chương của bà) về sông Mê Kông một cách say sưa : Chị sẽ chẳng tìm thấy gì giống như ở Việt Nam đâu. Yann sẽ dẫn chị tới bờ sông Seine, cách Paris 30 kilômét, ở đó dòng sông lượn khúc, lá rụng thành tầng trên rìa sông và mặt đất trở nên xôm xốp. Nó không giống như sông Mê Kông, ôi sông Mê Kông. Không có từ ngữ nào để M.Duras thể hiện hết tình yêu của mình với mảnh đất cội nguồn tuổi thơ. Dòng sông đó, mảnh đất đó suốt đời đã ám ảnh nhà văn, cho đến chết. Bên cạnh một thiên nhiên thơ mộng, miền nam Việt Nam thời thuộc địa của người Pháp còn là những khu phố sầm uất. M.Duras đã đưa người đọc quay về với lịch sử của vùng đất ấy: Đó là Chợ Lớn. Đó là ở phía ngược lại với những đại lộ nối khu phố tàu với trung tâm Sài Gòn, những con đường lớn kiểu Mỹ với những chuyến tàu điện, xe kéo, xe khách ngược xuôi (tr.57). Tiểu thuyết mới thường miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ đồ đạc. Các nhà văn thường chú ý đến những gì không thuộc về con người để nói về chuyện của con người. Marguerite Duras đã tả thật kĩ càng trung tâm của không gian tình yêu là căn phòng trai xuân của người tình ở khu Chợ Lớn. Đó là một không gian khép kín, cách biệt hoàn toàn với không gian bên ngoài. Bút pháp của tiểu thuyết mới được thể hiện rõ nét trong đoạn văn tả về căn phòng trai xuân: Đó là một khu nhà ở phía nam thành phố. Nơi ở hiện đại, có thể nói là đã được trang bị một cách vội vã, với những đồ đạc theo phong cách tân thời (tr.57); Cô hết sức chú ý đến bề ngoài của các đồ vật, đến ánh sáng, đến tiếng ồn ào của thành phố, giữa nơi đó căn phòng như bị chìm nghỉm xuống (tr.58); Tiếng guốc gỗ khua như nện vào đầu, những giọng nói nghe chói tai…(tr.64); căn phòng bị bao vây bởi những tiếng inh ỏi không ngừng của thành phố (tr.64). Khi yêu nhau, người ta thường tìm đến những nơi hoa thơm cỏ lạ, đến những không gian yên tĩnh, nơi không ai quấy rầy để hưởng thụ tình yêu. Marguerite Duras đã xây dựng không gian tình yêu của cô gái người Pháp và anh chàng người tình Trung Hoa thật lạ lùng. Căn phòng trai xuân lạc vào một mê cung của những tiếng ồn đinh tai nhức óc và ánh sáng thật kỳ dị, không gian hỗn tạp của mọi thứ âm thanh (tiếng guốc gỗ khua trên phố, tiếng nói chí chóe đến chói tai của thứ tiếng Tàu, tiếng còi hú, tiếng ồn ào của xe cộ), và hỗn tạp của mọi mùi vị [mùi caramen bay vào phòng, mùi lạc rang, xúp Tàu, thịt nướng, thảo mộc, hoa nhài, bụi bặm, xăng dầu, lửa than củi…mùi của thành phố là mùi của các làng quê hẻo lánh, của rừng (tr.65)]. Nó được ngăn cách với thế giới bên ngoài thật mỏng manh: Những cánh cửa chớp có những hàng khe thưa ấy, bằng tấm rèm vải ấy (tr.65). Đến nhân vật chính của chúng ta cũng phải nhận xét một cách ngỡ ngàng rằng: Không có một vật liệu chắc chắn nào ngăn cách chúng tôi với những người khác (tr.65). Vậy mà họ đã ở bên nhau, làm tình với nhau ở trong căn phòng trai xuân ấy suốt thời gian một năm rưỡi, chủ yếu là vào ban ngày, dưới cái nóng nực bức bối của thời tiết vùng nhiệt đới, trong hỗn tạp, trong điên loạn. Cho dù có khi chạy trốn không gian ban ngày đầy bế tắc và cô đơn để tìm đến đêm thì với cặp tình nhân này, căn phòng độc thân vẫn cứ là một nơi cùng quẫn, điêu tàn. Tuy nhiên, chính căn phòng trai xuân này là nơi giải thoát của cả hai nhân vật khỏi hiện tại - không gian đào tẩu, không gian giải thoát. Với cô bé, đây là nơi cô có thể thoát khỏi kí túc xá - nơi đơn điệu, quy phạm và tẻ nhạt, không một ý nghĩa gì. Đặc biệt, đến với người tình trong căn phòng độc thân là cô được giải thoát khỏi gia đình bằng đá của cô. Đó là lãnh địa, là nơi thân thiết mà cô thấy lại chính mình, được yên ổn, cảm nhận được sự tách biệt với thế giới. Cuối cùng, trong phần cuối của cuốn sách, Marguerite Duras đã xây dựng được một không gian mang đậm tính chất truyền thống: không gian bến tàu lúc cô gái lên đường về Pháp. Đó là một không gian chứa đầy nỗi khủng khiếp: Con tàu biển phát ra ba hồi còi, rất dài, vang to khủng khiếp, cả thành phố đều nghe thấy được, và ở phía bến cảng vòm trời trở nên đen kịt (tr.168), nó lại phát ra những tiếng gào rống khủng khiếp và buồn bã một cách bí ẩn (tr.169). Trong một đoạn ngắn xuất hiện hai lần tính từ khủng khiếp (terrible). Sự lặp lại đó nhằm mục đích nhấn mạnh tâm trạng nhân vật chính. Tiếng còi tàu khủng khiếp hay chính cô bé đang trong tâm trạng khủng khiếp khi cảm nhận được một sự mất mát lớn lao, hay chính là tiếng kêu gào cho một mối tình chết yểu. Đó cũng là sự thông báo chấm dứt cuộc sống của cô gái ở Đông Dương - nơi mà cô đã có biết bao nhiêu kỉ niệm hạnh phúc cũng như đắng cay. Đã qua rồi những không gian chiến trận lớn lao, kì vĩ trong những cuốn tiểu thuyết của thế kỉ XIX. Tiểu thuyết mới gần gũi với chúng ta cũng bởi không gian của nó là không gian sinh hoạt của con người. Những không gian đời thường mà nhà văn đã tái hiện trong tác phẩm Người tình chẳng qua để phục vụ cho một loại không gian khác. Đó là không gian tâm tưởng, không gian của hồi ức, của những kỷ niệm đẹp đẽ và đau đớn. Đây là điểm mới mẻ của tiểu thuyết mới được Marguerite Duras thể hiện trong kiệt tác này. Ngoài việc mở rộng không gian đến đa chiều, nhà văn đã có những cách tân trong nghệ thuật xây dựng thời gian với hai kiểu thời gian trực cảm và thời gian đồng hiện. 2.2. Thời gian trực cảm và thời gian đồng hiện Trong tiểu thuyết truyền thống, thời gian đóng một vai và là vai lần đầu: nó tạo lên con người, nó là tác nhân và là giới hạn của số phận con người. Cho dù đề cập đến thăng hay trầm, thời gian thực hiện một sự tiến triển, nó vừa là vật bảo đảm cho thắng lợi của một xã hội đang chinh phục thế giới, vừa là định mệnh của một bản tính: thân phận hữu hạn của con người. Những khát vọng cũng như các sự kiện chỉ có thể được xem xét trong tiến trình thời gian: sinh ra, lớn lên, cực điểm, xuống dốc và sụp đổ (2) . Nhưng trong tiểu thuyết hiện đại thời gian hoàn toàn bị cắt khỏi trật tự tuyến tính của nó. Thời gian không trôi theo quy luật tự nhiên mà tuân thủ theo quy luật của tâm hồn con người. Có lẽ chưa có một tiểu thuyết nào của M.Duras dấu ấn thời gian in đậm như trong Người tình. Có thể thấy rõ hai kiểu thời gian cơ bản của tiểu thuyết này là kiểu thời gian trực cảm và kiểu thời gian đồng hiện. 2.2.1. Thời gian trực cảm Trước hết phải nói đến thời gian trực cảm trong tác phẩm. Dòng thời gian trực cảm có một sự đàn hồi ghê gớm. Thời gian có khi có sự gia tốc với tốc độ nhanh, có khi lướt qua các sự việc, thường diễn tả sự lớn lên của cô gái hay tâm trạng muốn chạy trốn khi viết về gia đình. Thời gian giảm tốc, thậm chí đứng yên, ngưng đọng khi nhà văn muốn níu kéo thời gian, sợ những khoảnh khắc đẹp trôi qua mất. Câu chuyện thời trẻ được kể lại “rành rọt”, chi tiết khi tác giả đã bảy mươi. Thoạt tiên ta nghĩ rằng nhà văn sẽ kể lể từ khi trẻ cho đến lúc già đi, đến bây giờ. Nhưng không phải, chính sự đàn hồi lúc nhanh, lúc chậm, lúc ngưng đọng, đứng yên của thời gian dẫn đến sự đàn hồi của sự kiện đã tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo của kiệt tác đoạt giải Goncourt năm 1984 này. Những kỷ niệm cứ ùa về như những làn sóng, lúc dữ dội, lúc dịu êm, lúc cồn cào những nhớ nhung da diết. Thời gian trôi thật nhanh khi nhân vật “tôi” nói về gương mặt của mình: Mười tám tuổi mà mọi thứ đã là quá muộn. Từ mười tám tuổi đến hai mươi nhăm tuổi, nét mặt tôi thay đổi theo một hướng bất ngờ (tr.9). Tác giả lướt ngọn bút những lúc nói về khuôn mặt khi cảm thấy khuôn mặt ấy già đi nhanh quá. Bà sợ già chăng? Không, nhân vật “tôi” không sợ tuổi già, bà chỉ muốn nhấn mạnh đến gương mặt thời trẻ đã già đi, nhấn mạnh đến một tâm hồn đã không có tuổi thơ, tuổi già đến khi đang ở tuổi thơ. Mười lăm tuổi rưỡi đã có thể kiếm tiền về cho gia đình. Cũng chính lúc mười lăm tuổi rưỡi đó, ngay lúc đó, tuổi thơ của nhân vật “tôi” đã chết. Độc giả cũng dễ dàng nhận ra rằng thời gian tăng tốc tối đa khi tác giả nói về gia đình mình. Viết về gia đình, về nơi không bao giờ muốn cho cô bé thỏa mãn niềm đam mê viết sách, nhà văn lướt qua thật nhanh như muốn trốn chạy: Chuyện đó đã kéo dài. Chuyện đó đã diễn ra trong bảy năm. Chuyện đó đã bắt đầu khi chúng tôi mười tuổi. Và rồi chúng tôi mười hai tuổi. Và rồi mười ba tuổi. Và rồi mười bốn tuổi, mười lăm tuổi. Và rồi mười sáu tuổi, mười bảy tuổi (tr.16). Chuyện gia đình, chuyện những đứa con và bà mẹ đau khổ vật lộn với con đập chắn nước đại dương đọng lại trong nhân vật tôi như vậy đấy. Gia đình là nơi làm cho nhân vật “tôi” sợ hãi nhất, hơn cả bóng đêm, hơn cả bà già điên ở Sa Đéc. Những con người trong gia đình cũng vô danh, không có tuổi tác. Gia đình đã để lại một nỗi đau nhức nhối trong tim cô bé mười lăm tuổi rưỡi. Cũng là thời gian gia tốc đó nhưng khi nhân vật tôi hồi tưởng về người tình Trung Hoa thì lại theo một hướng khác. Người tình mà cô bé gặp gỡ trên chuyến phà qua sông Mê Kông đã để lại những ấn tượng đặc biệt. Rồi điều gì đến đã đến: Ngày ấy đã đến rất nhanh, một ngày thứ năm. Anh đến đón cô hàng ngày ở trường trung học để đưa cô về ký túc xá. Và rồi một lần anh đến ký túc xá vào một chiều thứ năm. Anh đưa cô lên chiếc ô tô đen (tr.57). Tưởng như người kể chuyện chỉ lặp lại luẩn quẩn các tình tiết. Nhưng không, mọi chuyện diễn ra quá nhanh như một sự lặp lại. Bởi vì đó là lúc cô bé thực sự không còn bé nữa. Những cảm giác đầu tiên của mối tình đầu tiên, đáng nâng niu và lưu giữ lại thật lâu. Vì đối với một người con gái, mối tình đầu thật quan trọng. Đó vừa là cảm xúc của trái tim vừa là ý thức về trí tuệ. Vậy nên đâu dễ mờ phai. Cả khi hai người bên nhau, trong cuộc tình chóng vánh, những câu bắt đầu bằng: “Cô nói với anh”, “anh hỏi”, “cô nói rằng”, “anh nói với cô” đã thể hiện bước đi lẹ làng của thời gian. Đối thoại ở đây đã phá vỡ quy luật, không dấu ngoặc kép, cũng không gạch đầu dòng mà cứ liên tiếp liên tiếp: Cô nói với anh: em muốn anh đừng yêu em thì hơn. Thậm chí nếu anh yêu em, em vẫn muốn anh làm như cách thường lệ với đàn bà. Anh nhìn cô có vẻ kinh ngạc, anh hỏi: đó là điều em muốn sao?(tr.59). Thời gian gia tốc rồi giảm tốc độ, có khi đứng yên, ngưng đọng. Câu chuyện xoay quanh một chuyến phà qua sông Mê Kông, lúc cô bé mười lăm tuổi rưỡi và đến năm mười bảy tuổi thì cô bé về Pháp nhưng thời gian trong cuốn tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở một năm rưỡi đó. Tất cả những mốc thời gian nhằm vào một mục đích cầm nhịp cho khoảnh khắc qua phà, khoảnh khắc gặp người tình để rồi ám ảnh tác giả suốt cuộc đời. Thời gian của Người tình vì vậy mà nhiều lúc chậm lại, ngưng đọng đến mức tối đa. Thời điểm mười lăm tuổi rưỡi cứ tràn ra suốt mấy trang liền của cuốn tiểu thuyết: Để tôi nói thêm với bạn, lúc này tôi mười lăm tuổi rưỡi, Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn mùa (tr.11), Mười lăm tuổi tôi đã có gương mặt của lạc thú mà tôi thì vẫn chưa biết mùi lạc thú (tr.17), Mười lăm tuổi rưỡi. Đang là lúc qua sông (tr.18), Mười lăm tuổi rưỡi tôi đã dùng son phấn (tr.29), mười lăm tuổi rưỡi. Cơ thể mảnh mai, gần như gầy còm, bộ ngực vẫn còn trẻ thơ, thoa phấn hồng nhạt và bôi son đỏ (tr. 35). Không chỉ lúc mười lăm tuổi rưỡi mà ngay cái ngày gặp gỡ ấy tác giả cũng níu lại, kéo dãn nó ra thật dài: ngày hôm ấy hẳn là tôi đã đi đôi giày cao gót dát kim tuyến vàng đáng nhớ ấy. Tôi không thấy một đôi giày nào khác mà tôi có thể đi ngày hôm đó được (tr.21), điều đáng nói trong ngày hôm ấy là việc cô đã đội trên đầu một chiếc mũ đàn ông vành phẳng, Ngày hôm ấy tôi cũng dùng loại son môi đỏ đậm (tr.19). Thời gian lại như đứng yên khi cô bé mười lăm tuổi rưỡi. Vì sao vậy? Vì mười lăm tuổi rưỡi cô bé cảm thấy mình đang lớn lên, đang trở thành một thiếu nữ. Và đặc biệt lúc mười lăm tuổi rưỡi ấy, cô đã gặp người tình trên bến phà qua sông, để rồi suốt đời không thể quên được. Kiểu thời gian trực cảm đã có tác dụng rất lớn trong việc khắc họa tâm lí nhân vật. Thời gian đã thoát ra khỏi quy luật của nó để phục vụ cho quy luật của tâm hồn con người. 2.2.2. Thời gian đồng hiện Ngoài kiểu thời gian trực cảm, trong Người tình, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của thời gian đồng hiện của loại tiểu thuyết mới. Đồng hiện thời gian trần thuật tức là sự tái hiện quá khứ - hiện tại - tương lai cùng lúc. Người kể chuyện vì vậy bị chi phối bởi nhiều kiểu thời gian chứ không đứng im một chỗ, không kể tuần tự. Tính chất đồng hiện thời gian đã giúp cuốn tiểu thuyết Người tình có sức lôi cuốn độc giả rất lớn. Từ khoảnh khắc cô bé mười lăm tuổi rưỡi gặp gỡ anh chàng người Hoa, thời gian cứ loang ra như những vòng tròn đồng tâm lúc ta ném hòn đá xuống nước, khi quá khứ, khi hiện tại, lúc là tương lai, không theo một trật tự nào mà theo ký ức của tác giả: mười tám tuổi, từ mười tám đến hai mươi nhăm tuổi, rồi quay lại mười tám, năm mười bảy tuổi, ở tuổi mười chín, lúc này tôi mười lăm tuổi rưỡi, tôi mười tám tuổi, mười lăm tuổi, mười lăm tuổi rưỡi, tôi bốn tuổi, năm hai mươi ba tuổi, từ năm 1932 đến năm 1949, tháng 12 năm 1942, con trai tôi được hai tuổi, khi chúng tôi mười tuổi, Có thể thấy thủ pháp đồng hiện thời gian trần thuật được M.Duras sử dụng với mật độ dày đặc từ mở đầu cho đến khi kết thúc. Cho nên thời gian trong Người tình có khi ngưng đọng, có khi đứt gãy thành từng mảng, thời gian mảnh vỡ, xáo trộn. Người đọc phải dùng khả năng liên tưởng của mình để nối các mạch ngầm đằng sau các câu, các đoạn đứt gãy thành một thể thống nhất mới hiểu được cái hay của tác phẩm. Với bút pháp đồng hiện thời gian, tác giả Người tình kể cho chúng ta ở thì quá khứ xen lẫn hiện tại. Kể lại quá khứ nhưng nhà văn bảy mươi tuổi vẫn để động từ ở thì hiện tại (présent): Il dit qu’il est seul, atrocement seul avec cet amour qu’il a pour elle. Elle lui dit qu’elle aussi elle est seule. Elle ne dit pas avec quoi (Anh nói rằng anh đang cô đơn, cô đơn khủng khiếp với tình yêu anh dành cho cô. Cô nói với anh cô cũng vậy, cô cũng cô đơn. Cô không nói vì sao) (3) . Rõ ràng cuộc đối thoại này đã diễn ra hơn năm mươi năm về trước, cuộc tình say đắm đã qua đi hơn nửa thế kỉ mà tác giả lại đặt động từ ở thì hiện tại. Những đoạn như thế này trong tác phẩm rất nhiều. Chính nhờ sự lấn át của hiện tại so với quá khứ, đặc biệt là những đoạn kể về cuộc tình đã làm cho các sự kiện trở nên sống động như đang diễn ra trước mắt người kể, và cả người đọc. Thế mới biết được cuộc tình, người tình Trung Hoa ấy đã ám ảnh mạnh mẽ thế nào trong suốt cuộc đời của M.Duras. Xây dựng cuốn tiểu thuyết với nghệ thuật sáng tạo thời gian co giãn, đồng hiện linh hoạt đầy bất ngờ, nhiều thú vị là sự thành công lớn của nhà văn M.Duras. Ngoài tài năng ra, chúng ta cảm thấy khâm phục hơn ở nhà văn cá tính này là bà có một kí ức tuyệt vời, vẹn nguyên và vĩnh cửu với thời gian. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả này chúng ta cũng cần phải nhắc đến ảnh hưởng của kỹ thuật điện ảnh trong tác phẩm. Đối chiếu với tiểu thuyết thế kỉ trước, chúng ta nhận ra ngay những điểm mới lạ mà Người tình mang lại. Trong tiểu thuyết truyền thống, thời gian thường được xây dựng theo một trật tự. Có khi đó là thời gian của hàng thế kỉ, của một thế kỉ hay ít hơn cũng vài chục năm trong cuộc đời con người. Nhà văn thường kể về một khoảng thời gian lớn hơn cuộc đời của mình trong sự thể hiện cái uyên bác, tầm khái quát của bản thân về thời đại. Đến Marcel Proust, ông đã đi ngược thời gian khi xây dựng Đi tìm thời gian đã mất, đánh dấu cho một thời kì tiểu thuyết không còn tuân thủ theo quy luật của thời gian. Ở những đoạn một câu chuyện cũ nào đó gợi lại một câu chuyện cũ khác xảy ra trước đó, tác giả dừng lại để triển khai chuyện xảy ra sau đó, kéo nó lên cận cảnh, dàn nó ra cùng một hàng và cùng một bình diện với những chuyện cũ sau đó, “hiện tại hóa” nó đi. M.Proust đã nhào nặn thời gian theo ý mình một cách linh động và sáng tạo: Nhớ lại trước đây không gặp họ vào cùng một ngày như ngày hôm nay, tôi nghĩ bụng họ sẽ không tới, và ở lại trên bãi tắm là vô ích. Thế nhưng chính hôm đó tôi lại gặp họ. Ngược lại, một hôm, khi tôi tính toán phải là một ngày tốt lành trong lúc có thể giả định là có những quy luật ấn định việc quay trở lại của chùm sao ấy, thì hôm đó, họ lại không tới. Nhưng ngoài tình trạng bấp bênh không rõ sẽ gặp họ hay không ngay ngày hôm ấy… (4) . Thời gian đã nói giùm nhà văn về những biểu hiện tinh tế của tâm hồn khi đang yêu với cảm giác chờ đợi, hồi hộp, lo lắng. Thì hiện tại - ngày hôm nay xen lẫn vào thì quá khứ - hôm đó, một hôm. Tất cả tạo nên một cảm giác rối rắm nhưng thực ra nhà văn đã thể hiện một cách thống nhất những cảm giác phức tạp của con người. Do đó, cùng là chuyện cũ, cùng là quá khứ nhưng giữa sợi dây chuyền của những chuyện đã qua, được gợi lại theo trình tự thời gian sau trước, có những chuyện trước bỗng nhiên được tháo ra khỏi sợi dây chuyền, được đưa về phía sau, nhờ đó trở thành gần gũi hơn, “sống” hơn so với những chuyện trong thực tế đã xảy ra sau đó, nghĩa là gần hơn với tác giả (5) . Với M.Proust, trở về với thời gian là trở về với chính bản thân mình, tìm lại chính mình. Học hỏi nghệ thuật thuật xây dựng thời gian từ M.Proust, song Marguerite Duras đã thể hiện trong tác phẩm của mình một cách linh động và sáng tạo, nhất là với dạng thời gian đồng hiện. Với M.Duras, trở về với quá khứ để tìm lại những khoảnh khắc đẹp đẽ, níu nó về hiện tại, biến nó thành một hiện tại sống động. Chưa một lần trở lại Đông Dương kể từ sau lần xa cách định mệnh ấy, Marguerite Duras đã trở về với Việt Nam trong tâm tưởng, trong hồi ức, trong văn chương. Những tác phẩm trước Người tình cũng chưa thể hiện hết tài năng của Marguerite Duras trong việc tạo ra cho mình một loại thời gian mới mẻ. Cũng là sự thể hiện thời gian nhưng trong Đập chắn Thái Bình Dương, tác giả lại có cách viết khá bình thường. Có nhiều lúc, M.Duras để thời gian ngưng đọng nhưng xem ra những đoạn này không nhiều: Nàng không ngờ đó là một ngày đáng ghi nhớ trong đời. Ngày ấy, lần đầu tiên, ở tuổi mười bảy, nàng đi một mình, giữa một thành phố thuộc địa lớn Suzanne cố gắng đi với vẻ tự nhiên. Đã năm giờ chiều (6) . Cùng chủ đề tình yêu và Đông Dương nhưng cuộc sống trong tác phẩm này được dàn trải trong thực tại chứ không như Người tình - một kí ức sống động. Nhìn chung, nghệ thuật xây dựng thời gian ở Đập chắn Thái Bình Dương được tổ chức tuyến tính quen thuộc như trong những cuốn tiểu thuyết truyền thống. Đến tác phẩm Nỗi đam mê của Lol.V.Stein, nhà văn mới có những bước táo bạo trong nghệ thuật đổi mới thời gian. Thời gian trong cuốn sách này đã có sự xáo trộn khá thú vị. Trong khi để cho hai nhân vật - hai người bạn thân - là Lol.V.Stein và Tatiana Karl nói chuyện sau mười năm không gặp nhau, nhà văn đã trải dài thời gian của cuộc trò chuyện ở thì hiện tại để rồi khéo léo lồng vào đó thì quá khứ. Đó là những kỉ niệm sống động về những ngày hai cô bé còn học chung, kỉ niệm về đêm vũ hội mà Lol.V.Stein mất người chồng chưa cưới mười năm về trước. Hiện tại và quá khứ đan xen một cách tự nhiên, không hề có sự chỉ dẫn của nhà văn. Thời hiện tại và tương lai có khi cũng được lồng vào nhau: Tới hai ngày nữa tôi mới gặp lại Tatiana ở khách sạn “Những khu rừng”, tức là ngày kia. Tôi muốn sẽ gặp nàng ngay tối hôm nay sau khi ở nhà Lol về. Tôi tin tối nay những ham muốn của tôi về Tatiana mãi mãi được thỏa mãn (7) . Như vậy, sự cách tân trong nghệ thuật xây dựng thời gian trong tiểu thuyết đã được nhà văn Marguerite Duras thực hiện ở nhiều cuốn sách trước đó của bà. Để đến Người tình, sau hơn bốn mươi năm cầm bút, sự cách tân đó rõ ràng hơn, hoàn thiện hơn. Qua cách xây dựng thời gian nghệ thuật, nhà văn đã cho chúng ta thấy Người tình không chỉ là cuốn tiểu thuyết mới mà còn là sự thể nghiệm cách viết rất mới lạ của Marguerite Duras so với các tác giả tiểu thuyết mới. Cả hai dạng thời gian cơ bản của tiểu thuyết này là thời gian trực cảm và thời gian đồng hiện được nhà văn nhào nặn và phân bổ rất hài hòa dưới bàn tay tài nghệ của mình. Sự am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã giúp nhà văn thực sự thành công trong cuốn tiểu thuyết để đời. Cách vận dụng thời gian linh hoạt và sáng tạo của các nhà tiểu thuyết mới nói chung và của Marguerite Duras nói riêng thể hiện sự thay đổi về cách nhìn nhận thời gian trong tiểu thuyết ngày nay. Nhà văn là người đi tiên phong trong việc khám phá đời sống tinh thần của con người, thời gian giờ đây không chỉ tuân theo quy luật của tự nhiên mà còn phải tuân thủ theo quy luật của tâm hồn, có tác dụng giải mã những điều ẩn kín bên trong tâm hồn con người. Bên cạnh sự lôi cuốn của thời gian nghệ thuật, Người tình còn thu hút tác giả bởi hệ thống nhân vật được nhà văn tạo nên qua cách biểu đạt đầy sáng tạo. 3. Kết luận Không gian và thời gian nghệ thuật của Người tình là sự sáng tạo độc đáo của nhà văn Marguerite Duras dựa trên những mảng kí ức chắp vá. Dù không còn nguyên vẹn như những ngày xưa nhưng Sài Gòn đó, Sa Đéc đó vẫn vẫn vương dấu chân người đàn bà đầy duyên nợ. Nếu có dịp, hãy đến với những vùng đất ấy để hiểu hơn những gì M.Duras đã viết, hiểu hơn về nhà văn, và yêu hơn quê Việt tươi đẹp của chúng ta! CHÚ THÍCH (1) Người tình, Marguerite Duras (2007), Lê Ngọc Mai dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.19. Các trích dẫn tác phẩm trong bài từ đây về sau, nếu không được chú thích gì thêm, đều được lấy từ sách này. (2). Alain Robbe-Grillet (1997), Vì một tiểu thuyết mới, Lê Phong Tuyết dịch, Nxb Hội nhà văn, H., tr. 72-73. (3). Marguerite Duras (1984), L'Amant, Les Éditions de Minuit, tr.48-49. (4). Marcel Proust (2006), Đi tìm thời gian đã mất, Nguyễn Trọng Định dịch và giới thiệu, Nxb Văn học, H., tr.531. (5). Lộc Phương Thủy (2005), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Nxb Văn học, H., tr.151- 152. (6). Marguerite Duras (1989), Đập chắn Thái Bình Dương, Lê Ngọc Mai dịch, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, tr.170. (7). Marguerite Duras (1992), Nỗi đam mê của Lol.V.Stein, Diệp Anh dịch, Nxb Đà Nẵng, tr.107. SPACE AND TIME IN L’AMANT OF MARGUERITE DURAS Ha Thi Thu Hang Abstract L’amant was a novel has just win the 1984 Goncourt. The art of space and time is estabishhed with the creative and unique feature of Marguerite Duras. The space in L’amant is roving in multi way and overlappedness: ferry landing, room of virgin youngman, space of family, space of ferry, that described about the recollect of principal character. Those are a space of get away, get free for the little white skin girl from monotonous life. Elastic time and somtime high acceleration for described the grow up of the girl or the state of her mind when she want to get away form her family when the writer wrote about her family; somtime slowdown, somtime stop and standstill when the writer want to cling the time afraid of the beautiful time by pass. Time at once show the exist of past and present both future that made a break crack. Estabishtion the unique time in the novel that made the writer successed in finding out the spirits of human life. . KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG NGƯỜI TÌNH CỦA MARGUERITE DURAS Hà Thị Thu Hằng 1 Người tình của Marguerite Duras là cuốn tiểu thuyết mới đoạt giải. xây dựng thời gian với hai kiểu thời gian trực cảm và thời gian đồng hiện. 2.2. Thời gian trực cảm và thời gian đồng hiện Trong tiểu thuyết truyền thống, thời gian đóng một vai và là vai. nào của M .Duras dấu ấn thời gian in đậm như trong Người tình. Có thể thấy rõ hai kiểu thời gian cơ bản của tiểu thuyết này là kiểu thời gian trực cảm và kiểu thời gian đồng hiện. 2.2.1. Thời

Ngày đăng: 05/09/2015, 08:56

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan