Dạy học dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm

8 677 7
Dạy học dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

DẠY HỌC DỰA VÀO NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM Nguyễn Khải Hoàn 1 Nghiệp vụ là công việc chuyên môn của một nghề nhất định. Nghiệp vụ sư phạm là các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh của nhà giáo. Tuy nhiên, việc dạy học nghiệp vụ sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập. Sinh viên ra trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giáo dục hiện nay. Bài viết này giới thiệu về khả năng áp dụng nghiên cứu trường hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. 1. Bối cảnh và vấn đề Nghiên cứu trường hợp (Case Study - NCTH) bắt đầu được khởi xướng từ những năm 40 của thế kỷ 20 bởi James B.Conant ở Đại học Havard, Hoa Kỳ (1949). Tuy nhiên, sự khởi xướng này đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà giáo dục thời ấy bởi Conant không sử dụng các “case” như vấn đề cho sinh viên (SV) thảo luận mà chỉ đưa vào bài giảng của mình. Đến những năm 80, các trường Luật và Thương mại của Đại học Havard bắt đầu sử dụng rộng rãi các “case” là các ví dụ điển hình trong thực tế để làm nội dung chính cho sinh viên SV thảo luận trong các môn học (Christensen, 1986). Từ thành công ở các trường này, NCTH đã dần được mở rộng sang các ngành đào tạo khác. Nhiều trường đại học thành lập riêng các trung tâm nghiên cứu và phát triển NCTH, tiêu biểu như Đại học Buffalo - Hoa Kỳ. Hiện nay, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại học Nha Trang và một số trường đại học khác đã áp dụng NCTH vào việc thực hiện một số chuyên đề nghiên cứu, một số môn học thực hành cho giáo viên (GV), SV và đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về áp dụng NCTH trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP) cho SV. Trong dạy học, ngay cả khái niệm NCTH cũng được giải thích rất khác nhau, theo một số hướng sau: - NCTH đồng nghĩa với phương pháp dạy học theo tình huống, đây là điểm chồng chéo lâu nay giữa các khái niệm như dạy học nêu vấn đề, dạy học theo tình huống, vấn đáp, dạy học tìm tòi, v.v Trong khi đó, NCTH đã trở thành chiến lược học tập mang tính chất nghiên cứu, không đồng nhất với những quan điểm, cách tiếp cận hay kĩ thuật dạy học của nhà giáo. - NCTH là một phương pháp dạy học, đây là quan điểm ở các tài liệu dự án từ nước ngoài. Không có gì lạ, vì các dự án thường gọi mọi thứ nằm ở giữa mục tiêu và kết quả dạy học đều là phương pháp dạy học, từ triết lí, nguyên tắc, kĩ thuật, biện pháp, chiến lược, hình thức, kĩ năng, công nghệ dạy học v.v đều là phương pháp dạy học. Vấn đề không chỉ ở đó. Điều quan trọng là quan điểm trên nhầm việc học với việc dạy. Người học nghiên cứu trường hợp, chứ không phải giáo viên. Giáo viên phải dạy thế nào cho SV có thể học theo kiểu nghiên cứu, như các nhà nghiên cứu. Chính dạy thế nào mới là phương pháp dạy học. Còn NCTH là cách học mà chúng ta mong muốn sinh viên làm được. Trong đó trường hợp (Case) là phương tiện dạy học, do giáo viên thiết kế làm chỗ dựa cho sinh viên học tập và cho chính mình để hướng dẫn học tập. 1 ThS, Trường Cao đẳng Tuyên Quang. Đào tạo NVSP hiện nay đang là một chủ đề “nóng” trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ GV đến năm 2020. Từ trước đến nay, các trường đại học, cao đẳng đều chú trọng trang bị các kiến thức, kỹ năng về NVSP cho SV. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong một xã hội tri thức, thì đào tạo NVSP quả là một vấn đề không phải dễ dàng. Nếu yếu về NVSP, giáo viên không thể giỏi nghề của mình và thiếu tính chuyên nghiệp trong nhiệm vụ giáo dục. Dựa vào NCTH để cải thiện phần nào kết quả đào tạo NVSP là vấn đề có ý nghĩa lí luận và thực tiễn sâu sắc, mang tính phức tạp. Đó là vấn đề kép, đòi hỏi nghiên cứu lâu dài và giải đáp một số câu hỏi cơ bản sau: 1. Có thể áp dụng NCTH như là phương pháp khoa học vào dạy học không và áp dụng thế nào để có kết quả tốt? 2. Nếu nhiệm vụ dạy học được thực hiện trong đào tạo NVSP thì khi đó các “trường hợp” sẽ được tổ chức thế nào và quá trình học tập sẽ ra sao? 3. Khi dạy học dựa vào NCTH thì thiết kế các hoạt động của người học như thế nào dựa trên những “trường hợp” đã định? 2. Nội dung 2.1. Khái niệm nghiên cứu trường hợp (NCTH) Thuật ngữ “Case Study” trong tiếng Anh được hiểu là nghiên cứu trường hợp (NCTH) - là phương pháp nhận thức cụ thể về một trường hợp (biến cố, sự kiện, công việc, nhiệm vụ…) dựa trên sự hiểu biết toàn diện về trường hợp đó; hiểu biết này có được nhờ vào sự mô tả và phân tích trường hợp này như một thực thể toàn diện trong bối cảnh riêng biệt của nó, và giải quyết vấn đề nếu có trong trường hợp đó. Trường hợp (Case) là biến cố xảy ra ngẫu nhiên, không liên quan đến chủ định của ai cả. Khi người ta phát hiện, quan tâm đến tính chất của trường hợp nào đó và chọn nó để tìm hiểu, nghiên cứu thì lúc đó quá trình nhận thức trường hợp này được gọi là nghiên cứu trường hợp (Case Study) [Đặng Thành Hưng, 2002]. Theo chúng tôi, NCTH là một trong các chiến lược học tập, hay phương pháp học tập có tính chất nghiên cứu dựa trên những trường hợp đặc trưng được sử dụng phổ biến trong các ngành y học, xã hội học, quản trị học, luật học và giáo dục học. Nó dựa trên sự tìm hiểu sâu sắc về một cá nhân, một nhóm hoặc thậm chí là một sự kiện để tìm ra nguyên nhân của một vấn đề và thấu hiểu được những nguyên lý gốc rễ, cơ bản của nó. Mục tiêu cơ bản của phương pháp này là tìm hiểu rõ về trường hợp nghiên cứu bằng cách theo dõi sát sao và toàn diện trường hợp đã chọn trong một thời gian đủ dài và ngay tại môi trường tự nhiên của nó. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra lời giải thích tại sao mọi việc xảy ra như đã xảy ra, và thông qua đó xác định các vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu rộng rãi hơn trong tương lai. 2.2. Đặc điểm, phân loại và các bước tiến hành NCTH 2.2.1. Đặc điểm của NCTH Theo các nghiên cứu trước đây, NCTH trước hết là một nghiên cứu điều tra một cá nhân hay một tập thể về một vấn đề cụ thể như tâm lý, xã hội học… NCTH được thực hiện thông qua điều tra nghiên cứu một hay nhiều trường hợp; các trường hợp được lựa chọn căn cứ theo mục đích nghiên cứu. Về cơ bản, NCTH là loại nghiên cứu chuyên sâu trong hoàn cảnh cụ thể chứ không phải là một thống kê khảo sát sâu rộng. Nó là một phương pháp được sử dụng để thu hẹp một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng vào một chủ đề nghiên cứu dễ dàng hơn. NCTH có các đặc điểm cơ bản sau: (1) Nghiên cứu hoạt động của con người trong bối cảnh thực tiễn. (2) Sử dụng lượng lớn thông tin với nhiều nguồn dẫn chứng khác nhau (3) Được phép hưởng lợi từ những nghiên cứu trước đó (4) Nhấn mạnh vào những đánh giá chi tiết đối với những sự kiện hay hoàn cảnh cụ thể và mối quan hệ của chúng. (5) Kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào kỹ thuật sắp xếp và xử lý thông tin nên không có câu trả lời nào là duy nhất. (6) Cho phép khái quát từ kết quả nghiên cứu một trường hợp (dùng phê phán hay bác bỏ giả thuyết). 2.2.2. Phân loại NCTH Có nhiều hệ thống khác nhau để phân loại NCTH. Hệ thống phân loại của GAO (1990) dựa vào mục đích nghiên cứu để chia NCTH thành 6 loại: (1) NCTH minh họa (Illustrative): nghiên cứu mang tính mô tả, với mục đích cung cấp các thông tin sinh động thu được từ thực tế để bổ sung cho các nguồn thông tin các có liên quan đến trường hợp nghiên cứu. (2) NCTH thăm dò (Exploratory): cũng là nghiên cứu có tính mô tả, nhưng nhằm mục đích tạo ra các giả thuyết làm cơ sở cho những nghiên cứu trong tương lai về trường hợp nghiên cứu chứ không chỉ đơn thuần minh họa. (3) NCTH đặc trưng (Critical instance): xem xét một trường hợp hoặc rất đáng chú ý hoặc thật sự cần thiết để kiểm chứng giá trị của những khẳng định liên quan đến một chương trình, một chính sách, hoặc một chiến lược. (4) NCTH triển khai chương trình / dự án (Program implementation): tìm hiểu các tác nghiệp tại các địa bàn khác nhau nhằm mục đích kiểm tra. (5) NCTH tác động chương trình (Program effect): sử dụng NCTH để xem xét tác động của một chương trình. Thường được thực hiện ở nhiều địa bàn và sử dụng các công cụ đánh giá đa phương pháp (multimethod assessments). (6) NCTH tích lũy (Cumulative): tổng hợp kết quả từ nhiều NCTH khác nhau để trả lời một câu hỏi lượng giá (evaluation question). Câu hỏi này có thể thuộc loại mô tả, quy phạm/đánh giá (normative), hoặc tác động/thực nghiệm (cause-and-effect). 2.2.3. Các bước tiến hành NCTH Kết quả nghiên cứu và sử dụng NCTH ở trong và ngoài nước cho thấy thường có 6 bước trong một quá trình tiến hành NCTH như sau: - Xác định vấn đề cần nghiên cứu: hình thành các câu hỏi về tình hình hoặc vấn đề được nghiên cứu và xác định mục đích để nghiên cứu. Các đối tượng nghiên cứu trong một NCTH thường là một chương trình, một thực thể, một người, hoặc một nhóm người. - Chọn các trường hợp, xác định dữ liệu thu thập và kỹ thuật phân tích. Lựa chọn một hoặc nhiều trường hợp thực tế và phương pháp tiếp cận để thu thập dữ liệu. NCTH cần lựa chọn kỹ các trường hợp và cẩn thận xem xét các lựa chọn về nội dung, chủ đề nghiên cứu để có để tăng hiệu lực của nghiên cứu. - Chuẩn bị thu thập dữ liệu: NCTH tạo ra một lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho nên cần chuẩn bị cơ sở dữ liệu để hỗ trợ phân loại, lưu trữ và lấy dữ liệu để phân tích. - Thu thập dữ liệu trong thực tế: các dữ liệu phải được thu thập và lưu trữ một cách toàn diện và có hệ thống. - Đánh giá và phân tích dữ liệu: đánh giá, phân tích dữ liệu bằng nhiều cách diễn giải để tìm ra mối liên kết giữa các đối tượng nghiên cứu và các kết quả với tài liệu tham khảo cho các câu hỏi nghiên cứu ban đầu. - Xây dựng báo cáo: báo cáo NCTH cần tổng hợp, thu gọn vấn đề phức tạp thành vấn đề đơn giản, dễ hiểu để áp dụng các kinh nghiệm trong tình huống vào cuộc sống thực. 2.3. NCTH trong dạy học NCTH đã được các nền giáo dục trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nó hướng cho SV tới những bài tập mang tính chất tư duy, suy luận, phân tích và một môi trường học tập đầy tính cạnh tranh. SV nước ngoài thường xuyên phải trả bài bằng các buổi thuyết trình, các buổi tranh luận sôi nổi và các bài tập thực hành với thời lượng lên tới 80% tổng số tiết học. Đó chính là lí do tại sao SV nước ngoài tuy không quá giỏi lý thuyết nhưng lại rất giỏi trong thực hành, trong xử lí tình huống thực tế, giải quyết vấn đề thực tế và họ hoàn toàn tự tin bắt đầu công việc khi ra trường. NCTH là phương pháp học tích hợp nhiều hình thức học tập nên tích cực hóa động cơ người học. NCTH nhằm rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn cho SV. Với NCTH trong dạy học đòi hỏi cả GV và SV cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên lớp. Trong quá trình dạy học, SV chủ động, tự lực nghiên cứu bài học còn GV chỉ là người điều phối, dẫn dắt. Để dạy học dựa vào NCTH thành công, giáo viên cần trải qua (và có kĩ năng) những nhiệm vụ chuyên môn sau: - Nghiên cứu người học của mình và ít nhất cũng có thể ghép nhóm học tập theo nhiều cách khác nhau để tổ chức việc học phù hợp nhất với cá nhân hoặc nhóm. - Nhận diện đúng nội dung và nhiệm vụ học tập có tính nghiên cứu và người học nên học theo kiểu nghiên cứu. Nội dung đó có thể được thiết kế thành các trường hợp để học tập. - Thiết kế được các “trường hợp” dựa trên phân tích nội dung học tập cần thiết trong chương trình đào tạo. - Sử dụng các biện pháp và kĩ thuật dạy học cụ thể thích hợp để khuyến khích và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu dựa vào trường hợp đã định. - Có kĩ năng thiết kế các mẫu hoạt động học tập thích hợp với yêu cầu và môi trường học tập kiểu nghiên cứu. - Am hiểu và có thể cung cấp các nguồn học liệu phong phú hỗ trợ sinh viên nghiên cứu. - Có thái độ và kĩ năng hợp tác với sinh viên như là đồng nghiệp trong công tác nghiên cứu. - Biết thiết kế trọn vẹn các đơn vị nội dung học tập (module, bài học, học phần, chủ đề v.v ) có chứa các trường hợp cần dựa vào. 2.4. Đào tạo NVSP dựa vào NCTH 2.4.1. Khả năng áp dụng a) Trong nội dung NVSP đã tiềm tàng các khả năng để NCTH NVSP có nội dung rất phong phú, được hợp thành bởi những thành phần sau: (1) Tâm lý học: bồi dưỡng cho SV những quy luật tâm lý chung và đặc thù của con người theo từng độ tuổi. (2) Hệ thống tri thức về giáo dục học: bao gồm những kinh nghiệm về dạy học và giáo dục con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ đã được khái quát hóa thành các quy luật và tính quy luật. (3) Hệ thống thực hành: bao gồm những kỹ năng cần thiết để giáo dục và dạy học; các kĩ năng xã hội khác trong đó có kĩ năng giao tiếp và ứng xử đối với học sinh và những lực lượng giáo dục khác. NVSP chứa đựng nhiều khái niệm, phạm trù, nguyên tắc rất gần gũi với cuộc sống đời thường nhưng lại không dễ tìm tòi, khám phá. Với những đặc điểm và bản chất nêu trên, NCTH là một phương pháp, một cách thức tiếp cận phù hợp vì nó tích hợp nhiều hình thức học tập giúp SV dễ dàng tiếp cận hơn với nội dung, chương trình môn học. b) Dạy học NVSP luôn gắn liền với quá trình phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề của GV và SV Dạy học NVSP dựa vào NCTH tạo cơ hội cho người học phát triển toàn diện các kỹ năng như: Phân tích để xác định vấn đề; xây dựng và viết tình huống; thu thập và xử lý thông tin; giao tiếp và làm việc theo nhóm; trình bày vấn đề/ quan điểm trước tập thể; tranh luận, đưa ra luận điểm và bảo vệ ý kiến; năng lực tư duy phê phán, phản biện; so sánh, đánh giá các phương án; ra quyết định và giải quyết vấn đề; sáng tạo khi đưa ra các giải pháp cho vấn đề. NCTH trong dạy học NVSP có thể mang lại những ưu điểm nổi trội như: Tăng tính thực tiễn của môn học; nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú của SV; cung cấp kinh nghiệm, cách nhìn và giải pháp mới cho cả GV và SV. c) Áp dụng NCTH trong dạy học NVSP cho phép phát huy khả năng tự đào sâu kiến thức của cả GV và SV Trong dạy học NVSP, GV luôn phải hướng dẫn SV xử lý các tình huống sư phạm, giải quyết các vấn đề trong học tập có liên quan đến hoạt động sư phạm sau này. Trong quá trình hướng dẫn SV nghiên cứu, GV cũng tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân như: Cách gợi ý dẫn dắt vấn đề cần nghiên cứu, cách điều phối thảo luận vấn đề đi đúng trọng tâm không bị lệch hướng, cách phân phối thời gian NCTH một cách phù hợp không gây ảnh hưởng đến tiến độ bài học, cách khai thác và phát triển các vấn đề, tình huống sư phạm thành các “Case” NVSP để SV tự nghiên cứu GQVĐ… Như vậy, không chỉ SV mà bản thân GV cũng được rèn luyện kỹ năng GQVĐ nảy sinh từ thực tế, tự nâng cao năng lực chuyên môn và sư phạm cho mỗi GV. Áp dụng NCTH trong dạy học NVSP mang lại những thách thức và cơ hội lớn cho cả người dạy và người học, như: GV cần nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng các trường hợp phù hợp với nội dung môn học, thường xuyên phải cập nhật thông tin, đưa ra các ý tưởng (vấn đề) và có các biện pháp quản lý, theo dõi sự tiến bộ của SV; SV được rèn luyện khả năng tư duy độc lập, tích cực, năng động, sáng tạo trong GQVĐ, còn NCTH là môi trường, điều kiện hoạt động, có tác dụng khuyến khích và định hướng cho việc GQVĐ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy học của cả GV và SV. d) Là môi trường rất hữu ích để đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện hơn cho các chuyên đề, bài học, môn học tiếp theo Áp dụng NCTH trong đào tạo NVSP, SV được tiến hành NCTH với các trường hợp (case), gắn với các tình huống cụ thể theo phương châm “Dạy bằng cách học - Học bằng cách thực hành” - mô hình mà các nền giáo dục tiên tiến hiện nay đang áp dụng ở đại học bởi nó có thể giúp SV phát triển: Kiến thức và tư duy: Do có cơ hội được trực tiếp tìm hiểu, suy luận, đánh giá về vấn đề được đặt ra từ các “case”. Kỹ năng: Bao gồm kỹ năng đọc và phân tích tình huống (thông qua tìm hiểu vấn đề, tài liệu); kỹ năng trình bày, lập luận (thông qua việc trình bày và bảo vệ ý tưởng); kỹ năng hợp tác (thông qua làm việc nhóm); kỹ năng ra quyết định (thông qua việc xây dựng các kết luận, giải pháp). Thái độ: Yêu thích môn học hơn (do nhận thức được ý nghĩa thực tiễn của bài học); trân trọng ý kiến người khác (thông qua thảo luận, tranh luận); nâng cao ý thức cộng đồng (thông qua làm việc nhóm); biết phê phán (thông qua việc nhận xét các ý tưởng của người khác). 2.4.2. Điều kiện áp dụng Để áp dụng NCTH trong dạy học NVSP một cách thực sự đem lại hiệu quả trong quá trình đào tạo GV, cần có những điều kiện cần thiết như sau: (1) GV phải nắm vững bản chất, nội dung, yêu cầu của NCTH để có thể hướng dẫn SV học tập theo thiết kế dạy học dựa vào các “case” mà mình xây dựng trong NVSP. (2) Cần thiết kế gọn lại chương trình đào tạo giáo viên theo hướng “tích hợp”, “liên môn” Lựa chọn chủ đề và tính phù hợp trong việc đưa ra các “case” NVSP để giúp SV tự tìm hiểu, nghiên cứu thiết kế được các “case” NVSP khác sáng tạo hơn. (3) Dạy học NVSP dựa vào NCTH đòi hỏi có nhiều thời gian, trong khi thời lượng dành cho các môn học nhìn chung lại có xu hướng giảm bớt. Điều này đòi hỏi SV phải dành thêm thời gian tự học, tự nghiên cứu để chuẩn bị trước những yêu cầu do GV đặt ra. (4) Để xây dựng được những “case” có hiệu quả cao, GV cần đầu tư nhiều thời gian để tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau từ thực tiễn cuộc sống và lĩnh vực nghề nghiệp có liên quan; hoặc cần được tập huấn để tự sáng tạo những “case” phù hợp với môn học. (5) Dạy học dựa vào NCTH cũng đòi hỏi môi trường học tập có tính hợp tác, có tính học thuật và môi trường quản lí dạy học trong nhà trường cũng phải tạo thuận lợi cho những nhân tố này. 2.4.3. Phương hướng tiến hành - Phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ và thói quen giảng dạy, học tập của các GV và SV trong nhà trường đối với dạy học NVSP. Khuyến khích các GV và SV chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với phương pháp NCTH, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển, ứng dụng NCTH trong dạy học NVSP và các môn học thực hành khác. - Phân tích, tổng hợp các thành tựu nghiên cứu về áp dụng NCTH trong dạy học các môn thực hành nhằm xây dựng hệ thống cơ sở lý luận cho việc thiết kế các “case” trong dạy học NVSP ở trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên. - Sắp xếp lại nội dung, chương trình đào tạo NVSP theo hướng tích hợp và có sự liên thông theo chuẩn NVSP, chuẩn đầu ra của các hệ đào tạo và đặc biệt là theo chuẩn nghề nghiệp GV các bậc học do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành. - Thiết kế và tiến hành các hoạt động để SV thực hiện các NCTH phù hợp với nội dung đào tạo NVSP ở trường đại học, cao đẳng theo phương châm “Dạy bằng cách học - Học bằng cách thực hành” . - Hướng dẫn SV nghiên cứu, thiết kế các “case” để sau khi hoàn thành công việc, SV nắm được nội dung, bản chất của môn học NVSP và quan trọng hơn, đó là được tham gia vào thực tiễn nghiên cứu khoa học, thực tiễn cuộc sống, nghề nghiệp ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, cao đẳng. Sau này các em có thể áp dụng NCTH vào dạy học. - Phải thay đổi cốt lõi các chiến lược dạy học từ phía giáo viên - phải xác định dạy HSSV cái gì, dạy như thế nào và nhằm mục đích gì. Tập trung chú ý đến tính liên tục trong quá trình phát triển của người giáo sinh sư phạm, từ việc tăng cường kiến thức nội dung và những kỹ năng sư phạm cơ bản cho đến việc trau dồi tu dưỡng năng lực và những phương pháp thực hành chung của một xã hội tri thức. - Chú trọng hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của SV, để SV có thể tiếp tục trưởng thành trong nghề nghiệp, điều này liên quan mật thiết đến yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới về kiểm tra, đánh giá và tiếp cận được những vấn đề mới trong giáo dục. - Xây dựng một ngân hàng các trường hợp phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu một cách chuyên nghiệp và chất lượng. 3. Kết luận - Đào tạo NVSP dựa vào NCTH là một cách thức tiếp cận phù hợp với việc dạy và học trong một xã hội tri thức như ngày nay vì nó tích hợp nhiều hình thức học tập giúp SV dễ dàng tiếp cận hơn với nội dung, chương trình môn học. Việc học của sinh viên cũng tiếp cận hoạt động nghiên cứu. - Việc áp dụng NCTH trong dạy học NVSP là một hướng đi phù hợp, là hoạt động cơ bản để rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho SV. Những khả năng, điều kiện và phương hướng mà chúng tôi đưa ra ở trên hy vọng sẽ góp phần tạo nên những thay đổi trong chất lượng đào tạo GV hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đặng Thành Hưng, Dạy học hiện đại (Lí luận - Biện pháp - Kĩ thuật), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002. 2. Trịnh Thúy Giang, Tổ chức dạy học theo nhóm với kĩ thuật ghép hình để dạy Giáo dục học bằng phương pháp Case Study, Tạp chí Giáo dục, số 251, kì 1 (12/2010). 3. Vũ Thị Lan, Một số biện pháp thiết kế nội dung dạy học thực hành kỹ thuật Điện dựa vào nghiên cứu trường hợp, Tạp chí Giáo dục, số 275, kì 1 (12/2011). 4. http://www.ublib.buffalo.edu/libraris/projects/cases/case.html 5. http://www.materials.ac.uk/guides/casestudies.asp 6. http://www.gao.gov/special.pubs/10-1-9.pdf TEACHING BASING ON CASE STUDY IN TRAINING PEDAGOGICAL OMPETENCE Nguyen Khai Hoan Abstract Professional competence is a special ability of a particular career. Pedagogical professional competence is teachers’ teaching and educating activities. However, nowadays pedagogical professional competence teaching has a lot of problems. Students have been trained at pedagogical institutes aren’t yet able to meet the needs of present educational realities. This article presents the application of case study in training students of pedagogic professional competence. . DẠY HỌC DỰA VÀO NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM Nguyễn Khải Hoàn 1 Nghiệp vụ là công việc chuyên môn của một nghề nhất định. Nghiệp vụ sư phạm là các hoạt động dạy. viết này giới thiệu về khả năng áp dụng nghiên cứu trường hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. 1. Bối cảnh và vấn đề Nghiên cứu trường hợp (Case Study - NCTH) bắt đầu được khởi. nhầm việc học với việc dạy. Người học nghiên cứu trường hợp, chứ không phải giáo viên. Giáo viên phải dạy thế nào cho SV có thể học theo kiểu nghiên cứu, như các nhà nghiên cứu. Chính dạy thế

Ngày đăng: 05/09/2015, 06:54

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan