Không gian nghệ thuật trong sáng tác của franz kafka

8 1.5K 16
Không gian nghệ thuật trong sáng tác của franz kafka

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA FRANZ KAFKA Đỗ Thị Mai Liên 1 Tìm hiểu không gian nghệ thuật trong một số sáng tác của Franz Kafka, chúng tôi thấy: Kafka đã có những cách tân độc đáo trong việc tạo dựng không gian nghệ thuật. Không gian trong thế giới nghệ thuật của ông được thể hiện một cách sinh động, phong phú với các hình thức cụ thể: không gian huyền thoại, không gian “lắp ghép”, không gian “hộp”, không gian mê cung Mỗi kiểu không gian được sử dụng có mục đích và ý đồ nghệ thuật khác nhau, song đều nhằm thể hiện những cảm nhận của nhà văn về thế giới và thân phận của con người trong thế giới ấy. 1. Đặt vấn đề Franz Kafka là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX. Cùng với M.Proust, J.Joyce, W.Faukner…, Kafka đã mang đến những cách tân táo bạo cho nghệ thuật tiểu thuyết. Khảo sát tiểu thuyết Lâu đài, Vụ án và một số truyện ngắn của ông, chúng tôi thấy, Kafka có những cách tân độc đáo trong việc tạo dựng không gian nghệ thuật. Không gian trong thế giới nghệ thuật của ông được thể hiện một cách sinh động và phong phú qua các hình thức cụ thể: không gian huyền thoại, không gian “lắp ghép”, không gian “hộp”, không gian mê cung… Mỗi kiểu không gian được sử dụng có mục đích và ý đồ nghệ thuật khác nhau, song đều nhằm thể hiện những cảm nhận của nhà văn về thế giới và thân phận của con người trong thế giới ấy. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Không gian huyền thoại Không phải ngẫu nhiên mà Kafka được tôn vinh là ông vua huyền thoại, bởi ngoài tính chất phi lý, thế giới nghệ thuật của ông đậm màu sắc huyện thoại, siêu thực. Để tạo nên những điển hình nghệ thuật, các nhà văn bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX thường đặt nhân vật vào trong những hoàn cảnh điển hình, làm rõ mỗi quan hệ biện chứng giữa con người với môi trường bằng cách xác lập một không gian lịch sử, cụ thể, đảm bảo cho nhân vật một mối quan hệ bình ổn với hoàn cảnh trong sự vận động và phát triển tương ứng. Điểm mới mẻ trong cách kiến tạo không gian nghệ thuật của Kafka là ông đã chối từ các quy tắc thẩm mĩ trên để xây dựng nên một thế giới nghệ thuật mang màu sắc huyền thoại với không gian “bất định”, không gian nổi bật tính chất phi lịch sử, phi cụ thể của nó. Đọc tác phẩm của Franz Kafka, người ta khó tìm thấy không gian địa lí được định danh một cách tường minh trên văn bản nghệ thuật theo kiểu các nghệ sĩ bậc thầy Balzac, Tolstoi, Stendhal, Dostoevski… đã làm trước đó. Không gian trong sáng tác của Kafka chỉ là những ngôi làng, lâu đài, nhà 1 Lớp Cao học K12- Lí luận văn học, trường ĐHSP Hà Nội 2 thờ, thành phố, ngân hàng, quán trọ vô danh…, người ta chẳng biết chúng ở đâu, của nước nào, chỉ biết rằng chúng đang tồn tại. Cách kiến tạo không gian này khiến ta như bước vào “một làng nọ”, “một vương quốc nọ”, hay “một lâu đài”, “một căn nhà” nào đó trong thánh địa của thần thoại, cổ tích. Tính chất bất định, ước lệ của kiểu không gian này khiến cho thế giới nghệ thuật của Kafka nhuốm sắc màu huyền thoại, và câu chuyện được kể trở nên huyền hoặc, xa xăm, đồng thời lại mang tính khái quát cao độ. Không gian bất định khiến câu chuyện càng sâu sắc hơn, ý nghĩa phổ quát càng lớn hơn, thông điệp truyền tải càng nhiều hơn. Không gian ấy không chỉ là xã hội Tiệp Khắc dưới thời đế chế Áo-Hung hay bất cứ một khu vực, một quốc gia nào. Khi nó chẳng phải là một địa danh cụ thể thì nó có thể là cả thế giới này. Số phận con người trong đó cũng không phải là số phận cụ thể thuộc một dân tộc nào mà là số phận của con người nói chung: bị lưu đày, bị bỏ quên, hoang mang, lo sợ, tha hoá Lang thang trong thế giới phi địa danh, thế giới bất định, các nhân vật của Kafka cứ lặng lẽ tồn tại như những dấu chấm đơn côi giữa cuộc đời. Đột ngột bước vào trang sách một cách bí ẩn, không cần tới một tiểu sử, thậm chí không có lấy một cái tên, con người tồn tại mơ hồ, trừu tượng, trượt dài trong cái phi bản ngã. Tạo nên những con người vô danh sống trong một thế giới phi địa danh, những thông điệp mà Kafka gửi đến người đọc không còn là vấn đề của một tầng lớp nào, một khu vực nào, một xã hội cụ thể nào, mà đó là vấn đề sống còn của mọi số phận, có tính nhân loại phổ quát. Cái án mà Jozep K. bỗng dưng bị gán cho trong Vụ án là cái án chung của loài người. Nó đã treo sẵn trên đầu mỗi người và trên hành trình sống của mình, bất cứ ai trong một thời điểm lịch sử nào đó cũng có thể phải chịu giống K.: sinh ra - bị bắt - bị kết tội - không được tha hẳn - chạy tội cho đến chết. Tình trạng bị bỏ rơi như K. trong Lâu đài cũng là tình trạng phổ biến của con người trong xã hội nói chung. Bác nông dân vô danh trong truyện ngắn Trước cửa pháp luật với niềm tin được dung dưỡng cả đời về pháp luật là nạn nhân đại diện cho muôn vàn nạn nhân khác, những kẻ bị cầm tù suốt đời trước cửa công quyền. Sự va chạm giữa huyền thoại tính và hiện đại tính trong không gian tác phẩm của Kafka đã mang tới cho bạn đọc những cảm giác hư - thực đầy ám ảnh, gợi ra nhiều chiều liên tưởng. Tính chất huyền thoại của không gian trong sáng tác của Kafka có được một phần nhờ sự miêu tả những con người trong không gian ấy. Trong Lâu đài, ta bắt gặp những những nhân vật như ngài West West, ngài Klamm - họ như những bóng ma mà không ai gặp được nhưng tiếng tăm, quyền lực lại hiện diện khắp mọi nơi như một ám ảnh, một đe doạ. Hình ảnh Klamm hữu danh vô hình trong lâu đài được miêu tả có sự hoá thân kỳ diệu: “Ông ta hoàn toàn khác khi đến làng và lại hoàn toàn khác lúc ra đi. Ông ta khác trước khi uống bia và khác sau đó, khác lúc thức và khác lúc ngủ, khác lúc ở một mình và khác trong khi nói chuyện. Ông ta hoàn toàn khác khi ở trong lâu đài và ngay ở trong làng thôi, người ta cũng mô tả về ông rất khác nhau”. Những con người như thế xuất hiện trong không gian nghệ thuật của Kafka là hiện thân cho sự đe dọa, áp bức vô hình đầy phi lý với con người. Đây cũng là chiếc đòn bẩy để Kafka nhận thức và mô tả “cái vắng mặt”- một thế lực bất khả tri” thống trị con người. Người cha trong Hoá thân cũng có sự biến đổi một cách kỳ lạ tới mức Gregor Samsa không nhận ra cha của mình trước và sau khi anh bị biến thành bọ nữa. Khi anh chưa bị biến thành bọ và vẫn kiếm được tiền nuôi sống gia đình thì “bố anh, người thường mệt mỏi nằm bẹp trên giường…” [4, tr.50]. Nhưng khi Gregor bị biến thành bọ, không còn khả năng kiếm tiền để nuôi gia đình nữa thì người cha ấy khoẻ mạnh lạ thường: ông “đường bệ trong bộ đồng phục xanh bảnh bao, khuy vàng choé…, phóng ra những tia nhìn tinh nhanh, sắc sảo…” [4, tr.51]. Người bệnh nhân trong Một thầy thuốc nông thôn cũng vậy. Ban đầu, dù khám rất kỹ, ông thầy thuốc vẫn không thể phát hiện căn bệnh nào của bệnh nhân. Nhưng chỉ một lát sau, ông thầy thuốc bỗng phát hiện bên hông anh này một vết lở loét khủng khiếp. Những kiểu “hoá thân” phi lý này chỉ có chiều kích không gian huyền thoại mới dung chứa nổi. Hình ảnh những đám đông quái dị, nhốn nháo luôn ở trạng thái chạy nhảy, hò hét điên cuồng, hay múa may loạn xạ… xuất hiện trong nhiều tác phẩm gợi cho người đọc hình ảnh những cuộc hội họp ghê rợn của lũ quỷ sứ trong đêm được phản ánh trong các truyền thuyết, huyền thoại cổ. Đó là đám đông nào nhiệt, ầm ĩ ở toà án trong tiểu thuyết Vụ án - đám đông chỉ quen sống trong không gian ngột ngạt, nếu có kẻ nào đó ra ngoài gặp không khí trong lành lập tức sẽ ngất xỉu. Hay sự vây hãm điên cuồng của lũ trẻ do một đứa con gái gù cầm đầu, cứ bám lấy K. khi anh đến tìm họa sĩ Titoreli, làm cho K. rối tung và như bị mất phương hướng… Trong Lâu đài, đám đông ma quái lại là những người nông dân bẩn thỉu, nhem nhuốc, sặc sụa mùi rượu bia, chen lấn, xô đẩy để thực hiện những vũ điệu tạp nham trong những chuỗi cười khả ố, ghê rợn xung quanh Olga khi cô này đưa K. đến quán rượu. Một thầy thuốc nông thôn lại gây ấn tượng mệt mỏi và bức bí trước cảnh tượng kẻ đứng người ngồi la liệt bên cạnh chỗ bệnh nhân đang nằm… Hầu hết đám đông nhếch nhác, uế tạp lại thường xuất hiện trong không gian tranh tối tranh sáng nhập nhẹm nên càng tạo dấu ấn ma quái cho không gian của con người. Với kiểu không gian này, người đọc khó có thể nắm bắt được thế giới một cách hiện thực, vì Kafka không có ý định mô tả, phản ánh sao cho “ngang tầm” hiện thực. Những tư liệu có thật chỉ là những cái cớ để thông qua đó ông dựng lên những huyền thoại với dụng ý thể hiện những cảm nhận của nhà văn về sự phi lý xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của con người hiện đại và thân phận cô đơn, lưu đày của con người trong thế giới ấy. 2.2. Không gian “lắp ghép” Khám phá thế giới nghệ thuật của F. Kafka, độc giả nhiều khi phải kinh ngạc vì khả năng tưởng tượng của tác giả khi tạo lập không gian cho con người. Bằng ngòi bút điêu luyện của mình, Kafka đã tổ chức lại những không gian hiện thực theo một cách riêng, khác với kiểu cách vốn có của đời sống hiện thực. Nhà văn Tiệp Khắc gốc Do thái viết bằng tiếng Đức này thường xuyên xây dựng kiểu không gian mang tính chất ngẫu hợp, lắp ghép. “Chối bỏ nguyên tắc về các mối liên hệ phổ biến của thực tại, ông để cho các sự vật hiện tượng tự tuỳ ý, lộn xộn, ngẫu hợp, bất chấp các quy luật của không gian và có khi ông cũng chẳng thấy cần thiết để cấp cho nó một sự tương thích giữa cái hiện tượng và cái bản chất, cái bên trong và cái bên ngoài” [3, tr.190]. Trong Vụ án, toà án ngự trị khắp nơi; toà án nằm trên gác mái mục rỗng của một khu nhà tối tăm bẩn thỉu ở ngoại ô, toà án ẩn sau cánh cửa nhà hoạ sĩ Titoreli, toà án có mặt ở nhà thờ lớn, thậm chí căn phòng xử án bỗng chốc trở thành nơi sinh sống, giặt giũ của vợ chồng viên mõ toà. Trong khi K. đang say sưa buộc tội thế giới toà án thì “chẳng hiểu thế nào, K. chỉ thấy một gã đàn ông lôi chị vào cái xó gần cửa và ghì chặt chị vào lòng (…). Một nhóm người xúm quanh các diến viên của màn kịch ấy và những kẻ đứng trên ban công có vẻ khoái trá được giải khuây trong không khí nghiêm túc mà K. đã đem đến cho cử toạ”. [4, tr.120]. Ở Lâu đài, “chưa từng thấy ở đâu mà bộ máy hành chính và cuộc sống lại lẫn lộn như ở đây, đến mức dường như bộ máy hành chính và cuộc sống đổi cho nhau vậy.” [4, tr.369]. Nơi K. đến ngủ trọ cũng được gọi là quán rượu, ngay sau quầy bar mà Frieda vẫn rót bia cho khách là phòng làm việc của Klamm. Ở đó, thình thoảng cô có thể nhòm qua lỗ hổng quan sát những cử chỉ của Klamm. Các văn phòng hành chính của lâu đài là nơi K. có thể chui tọt vào một phòng bất kỳ, gặp gỡ với người mình chưa từng quen biết chỉ để ngủ một giấc! Đến buổi tối, anh chàng K., Fieda và hai gã giúp việc biến một lớp học sơ cấp thành phòng ngủ, buổi sáng, cô giáo với đám học sinh biến lại “căn hộ kỳ quặc” đó thành lớp học của mình. Milan Kundera từng sửng sốt: hoàn toàn không tưởng tượng được cái “cảnh mang tính thơ hài hước mênh mông này” - “đấy là cuộc gặp gỡ bất lịch sự một cách lộng lẫy giữa hai không gian: một lớp học sơ cấp và một phòng ngủ” [2, tr.228,229]. Lồng ghép những không gian đối nghịch vào nhau, Kafka đã tô đậm hình ảnh về sự tồn tại một thế giới phi lý trong tâm thức người đọc. Cho nên đọc các tác phẩm của Kafka người đọc đều có cảm giác bấp bênh giữa hư và thực: “Cái thế giới có trong tác phẩm ấy vừa giống lại vừa không giống hiện thực bên ngoài, nó vừa có thể xảy ra lại vừa không thể hình dung.”[4, tr.954]. Với không gian lắp ghép, ngẫu hợp, Kafka muốn thể hiện trạng thái tồn tại hỗn độn và phi lý của thế giới. Trong không gian ấy, con người cũng chỉ như những mảnh vỡ, những quân cờ, vật vờ vô nghĩa, tồn tại mà như không, có đấy mà như không có. Kiểu không gian lắp ghép này của Kafka đã khai mở cấu trúc mảnh vỡ - đặc trưng của thời hậu hiện đại sau này. 2.3. Không gian “hộp” Đọc tác phẩm của Kafka, ta thấy mọi đường nét không gian dường như đều mang không khí u ám, thảm đạm, ngột ngạt, tù túng. Không gian này thường trở đi trở lại và trở thành một trong những không gian chủ đạo trong thế giới nghệ thuật của Kafka. Đó là kiểu không gian “hộp đen”. Trong không gian ấy, con người cứ ngoi ngóp, giãy giụa vô vọng trong kiếp lưu đày đơn độc và một cách tuyệt vọng tìm cách lý giải bi kịch số phận của chính mình. Người ta có thể tìm thấy trong thế giới nghệ thuật của Kafka vô số những căn phòng kỳ dị kiểu như phòng cha của Georg Bendemann, vừa tối tăm, vừa u uất trong một buổi ban mai mùa xuân đầy nắng ấm áp (Lời tuyên án); phòng ở kiêm xưởng vẽ của hoạ sĩ Titoreli (Vụ án), một căn phòng mà ngang dọc mỗi chiều không nổi lấy được trên hai bước chân, khách muốn ra phải trèo qua giường; hay phòng của thương gia Bloc trong nhà luật sư Huld (Vụ án) không có cửa sổ, thấp lè tè, muốn nằm trên giường phải bước qua chân nó. Không gian trong Lâu đài cũng bị cô đặc trong hộp đen, nó cầm tù và chỉ chực thủ tiêu con người. Sáu ngày K. ở làng là sáu ngày tù ngục. Lâu đài như một hành tinh lạ khép kín, “không hiếu khách”, không có gì ngoài nó, không có môi liên hệ nào với thế giới xung quanh. Lọt vào cái không gian đã được quyền lực bao vây và niêm phong như cái hộp đó, K. liên tục mở những con đường từ làng đến lâu đài song chàng đều bị ngáng trở. Luẩn quẩn trong làng với thế giới của những căn phòng mờ tối, những hành lang hun hút đầy ngóc ngách, có thể đột ngột chuyển hướng bất cứ lúc nào, K. luôn thất bại trong nỗ lực thăm dò trữ năng của chính mình, dần dần bị biến thành một kẻ vô tích sự. Không gian trong Trước cửa pháp luật cũng là một cái hộp. Bác nông dân tìm mọi cách để vượt ra nhưng đều không mang lại kết quả. Thế là bác bị cầm tù trong cái hộp ấy. Người nghệ sĩ trong Vô địch nhịn ăn thì tự cầm tù mình, tự làm biến dạng mình và cuối cùng là tự giết chết mình trong cái hộp bằng một chu trình ngược thuyết tiến hoá. Con thú trong Hang ổ tự giam cầm, đày đọa mình trong cái hang ổ thiếu sinh khí, trùng điệp những mê cung do chính nó tạo ra. Kafka thường xây dựng trong thế giới nghệ thuật của mình hình tượng những cánh cửa, những khu văn phòng, những dãy hành lang bí ẩn. Đó là vô số những cái hộp nhỏ trong cái hộp to giam hãm, thủ tiêu con người. Trên hành trình tìm hiểu cơ cấu của thế giới và tìm hiểu số phận của mình, nhân vật của Kafka bị ném vào không gian hộp đen trong cái tối tăm, ngột ngạt vô cùng. Hễ thoát khỏi hộp đen này con người lại rơi vào hộp đen khác và quẩn quanh trong không gian ấy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Jozep K. trong Vụ án không thoát ra khỏi không gian toà án, K. không đi thoát khỏi làng để đến được lâu đài (Lâu đài), chàng trai trẻ không đi thoát khỏi làng mình để đến được làng gần nhất (Làng gần nhất), bác nông dân không đi thoát được sang bên kia cánh cửa (Trước cửa pháp luật), người đưa tin của hoàng đế không đi ra khỏi được hậu cung (Thông điệp của hoàng đế), con thú đào hang không ra khỏi khu pháo đài kiên cố của chính nó (Hang ổ)… Đó là những kiểu cầm tù khác nhau, trong những cái hộp không gian có kích cỡ cũng khác nhau. Tóm lại, các nhân vật đều thất bại trong việc đạt đến cái đích trước mắt. Những cái hộp hữu hình và vô hình đã cầm tù họ suốt đời, đến chết. 2.4. Không gian mê cung Có thể nói, với Kafka, không hình ảnh nào giúp ông hình dung một cách chính xác về thời đại mà ông đang sống hơn vòng xoáy của những mê cung. Không gian mê cung thực sự là một sáng tạo nghệ thuật của Kafka. Nó là một thủ pháp quan trọng của nhà văn trong việc diễn tả cái phi lý, tạo nhiều lớp nghĩa và những hiệu ứng thẩm mỹ cao. Dưới ngòi bút của Kafka, mê cung có mặt ở mọi nơi, mọi lúc gắn liền với cuộc sống bao quanh nhân vật. Kiểu không gian này cho thấy cái bí hiểm mịt mùng đến tận cùng của thế giới, gây tâm lí hoang mang, bất an, làm cho nhân vật mất phương hướng và không thể tiếp cận đích đến của mình. Bước chân của họ hụt hẫng tuột trôi vào mê cung vô định, nơi chỉ có duy nhất một người bạn - “thần chết” - đón chờ. Trong tác phẩm của Kafka, hầu hết các nhân vật khắc khoải trong nỗi cô đơn, thảng thốt lo âu của kẻ dò đường giữa không gian của những mê cung trùng điệp hang ổ chằng chịt không lối thoát; những dãy hành lang hun hút, thăm thẳm, dật dờ sáng tối; những con đường dài lê thê, ngoắt ngoéo, đầy chướng ngại như con đường đến với lâu đài của K., con đường đến toà án tối cao của Jozep K., con đường đến làng gần nhất, con đường sứ giả mang thông điệp của Hoàng đế đến cho bạn. Không gian mê cung trong tác phẩm của Kafka còn là không gian của các thiết chế quyền lực bí hiểm về bộ máy luật pháp, toà án, bộ máy quản lí hành chính đầy bất công, phi lý. Trong truyện ngắn Hang ổ, để tự bảo vệ mình, con vật đã đào một mê cung với hệ thống đường hầm chằng chịt những đường ngang lối dọc, kẻ thù của nó nếu tấn công vào hang sẽ bị “chết ngợp trong dãy mê cung này”. Cái hang ổ tưởng như là nơi trú thân yên bình nhưng cuối cùng chính nó lại khiến con vật trở nên hoang mang, lo âu, sợ hãi, bé nhỏ, cô đơn, bị lạc trong đó. Tự mình tạo ra mê cung để rồi chính mình lại sợ hãi cái mê cung luẩn quẩn ấy, con vật vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của nỗi sợ hãi tự thân. Tiểu thuyết Vụ án là mê cung của các thiết chế quyền lực, toà án, pháp luật phi lí. Jozep K. không có tội tình gì, thế mà một sáng kia anh bị bắt. Trên hành trình tìm hiểu căn nguyên tội lỗi và tìm giải pháp để thoát cái tội mà anh không hề biết, Jozep K. hoang mang trên dãy hành lang hun hút, tối tăm, ngột ngạt dẫn tới căn phòng xử án. Anh bị bao vây, lọt thỏm giữa hệ thống chằng chịt, trùng điệp đầy bí hiểm của hệ thống mê cung toà án. Nơi nào con người này đặt chân đến nơi đó có toà án. Toà án hiện diện khắp mọi nơi: trên mái chóp của khu chung cư, trong nhà thờ, rạp hát Những người đại diện cho pháp luật - hai tên cảnh sát, viên đội, thẩm phán, họ bắt giữ, hỏi cung và thẩm vấn không cần biết tội lỗi của anh là gì. Bị trói buộc bởi thứ pháp luật phi lí, Jozep K. không thể tự minh oan cho mình. Anh hoang mang, lo sợ, tìm mọi sự giúp đỡ từ ông chú, luật sư Huld, hoạ sĩ Titoreli…, nhưng họ cũng chẳng thể giúp gì cho anh. Jozep K. với một tội lỗi nặng, với cái án treo lơ lửng trên đầu, càng đi tìm sự thật càng tuyệt vọng. Mòn mỏi trên hành trình tìm tội lỗi, cuối cùng jozep K. đã bị xử tử mà không biết tội trạng. Cho đến cuối đời anh vẫn bị dằn vặt bởi câu hỏi vô vọng: “Viên quan toà anh chưa bao giờ gặp ở đâu? Toà án tối cao anh chưa từng đến bao giờ ở đâu?”. Pháp luật vốn là để bảo vệ con người, nhưng tiếp xúc với hệ thống luật pháp của Kafa ta lại chỉ thấy điều ngược lại. Luật pháp trong tác phẩm của Kafka là cả một thách thức lớn, con người không thể hiểu, cũng không thể tiếp cận được nó. Trong truyện ngắn Trước cửa pháp luật, bác nông dân cứ nhẫn nại đợi cho đến chết mà không dám “vào gặp pháp luật”, vì theo lời gã gác cửa thì đằng sau cánh cửa ấy là một mê cung: “Nếu bác muốn thì cứ thử vượt quyền tôi mà vào thử xem. Nhưng bác nên nhớ rằng: tôi có sức mạnh đấy nhé. Đã thế, tôi mới chỉ là bảo vệ ở vòng ngoài, trong kia trước mỗi vòng cửa còn có các nhân viên bảo vệ khác nữa, người bảo vệ vòng trong lại khỏe hơn người vòng ngoài. Ngay cả tôi còn không dám nhìn mặt người bảo vệ vòng ba cơ đấy” [4, tr.758]. Mê cung trùng điệp của nhiều vòng bảo vệ pháp luật khiến bác nông dân sợ hãi tới mức chỉ ghé mắt vào chứ không đủ can đảm bước chân qua. Vận dụng tối đa thủ pháp lạ hoá, Kafka đã cho thấy sự xa lạ, bí hiểm vô cùng của pháp luật trước con người: “Hoá ra luật pháp ấy không phải dành cho con người. Nó là hiện thân của sự phi lí, của cái cao siêu mà con người không thể với tới” [4, tr.963]. Trong Lâu đài, sự lưu đày của nhân vật trong mê cung lại càng được nhấn sâu hơn. Lâu đài là một thế giới của những mê cung. Ở đó từ những căn nhà, con đường, cho tới bộ máy hành chính cai quản nó đều là những mê cung. K. không thể tiếp cận lâu đài khi mà chàng tưởng mình đã đứng ngay trước nó rồi: “Chàng tiếp tục đi về phía trước, nhưng con đường còn rất dài. Hoá ra con đường chính của làng lại không dẫn lên quả đồi có lâu đài mà chỉ dẫn đến gần đó rồi như cố ý nó rẽ ngang, không bỏ xa lâu đài mà cũng không đến gần (…). K. hết sức ngạc nhiên thấy cái làng này mới dài làm sao, đi mãi không hết. Những ngôi nhà nhỏ nối đuôi nhau vô tận” [4, tr.313]. Nhìn từ xa, K. có thể trông thấy lâu đài, song chàng không bao giờ tiếp cận được nó. Lâu đài như một mê cung chìm sâu trong bóng tối, câm lặng, mờ ảo với những con đường quanh co vô tận chẳng dẫn tới đâu, phủ đầy tuyết trắng. Lâu đài trong tiểu thuyết này cũng như luật pháp trong Vụ án, trong Trước cửa pháp luật đều tồn tại không cụ thể, nó hiện diện khắp mọi nơi mà cũng không có ở đâu cả: “Toà lâu đài là hình ảnh huyền thoại về một tổ chức quyền lực quan liêu với những sợi dây vô hình đã trói buộc cuộc đời của từng con người” [4, tr.942]. Nhân vật ngụp lặn mệt nhoài trong ảo ảnh của những mê lộ huyền hoặc kia. Hành trình của nhân vật trong những mê cung chính là sự lưu đày của con người trong thế giới hiện đại. Thiết chế quyền lực mờ ám và phi lí được bày ra như những cái bẫy trong mê cung của nó. Trên con đường dài lê thê tới lâu đài, K. rơi vào mê cung của những văn phòng hành chính bất tận với bộ máy hành chính quan liêu. K. được mời đến lâu đài làm nhân viên đạc điền, nhưng cho đến tận cuối tác phẩm K. vẫn chưa đo đạc cái gì, mà anh cũng không tìm được ai giao cho cái công việc ấy. Cái án treo bị quyết định rời khỏi làng vẫn lơ lửng trên đầu. Như một tội nhân đi tìm một nơi có thể đưa ra lời phán xét về số phận, K. càng đi càng lạc lối. Hàng đống giấy tờ bề bộn trong tủ nhà ông viên chức Sortini đã góp phần tích cực ngăn cản K. đi tới đích. Giữa cái mớ bòng bong đầy bí ẩn mà càng gỡ càng rắc rối, K. đã bị mất phương hướng, mất mục đích. Anh trở thành “kẻ xa lạ” trong mê cung dẫn tới lâu đài. Và chỉ trong mấy ngày K. đạc điền đã “hóa thân” thành K. tư vấn trang phục phụ nữ. Tóm lại, các nhân vật của Kafka lộ hành giữa những mê cung đều thất bại trong việc tìm đến đích. Kết thúc Vụ án, Jozep K. phải chết “như một con chó” trong những mê cung không có lối thoát của toà án mà không biết được căn nguyên tội lỗi của mình, bác nông dân trong Trước cửa pháp luật chờ đợi cho đến chết vẫn không vào được bên trong cánh cửa để một lần được “diện kiến” pháp luật, K. trong Lâu đài tha thiết tới được lâu đài để tìm hiểu cặn kẽ nhiệm vụ công việc của mình, chứng minh sự tồn tại của mình, nhưng lâu đài như một ảo ảnh mà anh chỉ nhìn thấy chứ không bao giờ tới đó được. Những thứ mà nhân vật của Kafka “được sở hữu” trong các cuộc hành trình chỉ là “sự tha hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết” [4, tr.941]. Càng đối diện với những mê cung hun hút ấy, hiện thực luẩn quẩn không có lối thoát của kiếp người càng hiện hữu: “Trong mê cung của những thiết chế mờ ám và phi lí được bày đặt ra như những cái bẫy (…) con người không phải là chủ nhân mà là nạn nhân của thế giới!” [4, tr.944]. 3. Kết luận Ở không gian nào, nhân vật của Kafka vẫn rơi vào trạng thái hoang mang, bất an, băn khoăn, day dứt khôn cùng về một thế giới không sao tiếp cận nổi, không thể lí giải được. Thể hiện tất cả những điều này, Kafka cho thấy khát khao của nhà văn trong việc “tìm kiếm sự thật về kiếp người và mong ước con người được sống với Con Người, được hoà hợp với gia đình, xã hội và tìm được chính mình trong một thế giới có ý nghĩa” [4, tr.947]. Các kiểu không gian biểu hiện trong thế giới nghệ thuật của Franz Kafka rất phong phú với nhiều dạng thức khác nhau. Sự phân chia của chúng tôi như trên cũng chỉ là một hướng tiếp cận. Khám phá thế giới nghệ thuật của Kafka chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là đủ bởi phía sau “tảng băng trôi” ấy luôn ẩn chứa những bí mật mà không dễ gì nhận biết một cách rạch ròi. Thế giới nghệ thuật của ông luôn mở, và mỗi lần trên hành trình khám phá lại thấy những màu sắc mới, những trữ lượng ngữ nghĩa nghệ thuật mới được khai lộ. Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này, bóng dáng và những ảnh hưởng của Kafka vẫn còn hiển hiện không chỉ trong văn chương mà cả trong đời sống, không chỉ ở một vài quốc gia mà ở khắp nơi trên trái đất này - những nơi mà ở đó con người vẫn chưa thực sự thoát khỏi mô hình thế giới mà Kafka đã từng tiên cảm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trương Đăng Dung, Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6, H., 2003, tr. 192-198. 2. Milan Kundera, Tiểu luận: Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001. 3. Lê Thanh Nga, Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Franz Kafka, Luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Viện Văn học, 2007. 4. Nhiều tác giả, Franz Kafka Tuyển tập tác phẩm, Nxb Hội nhà văn, H., 2003. ART SPACE IN WRITINGS OF FRANZ KAFKA . Do Thi Mai Lien Abstract Studying art space in a number of writings created by Franz Kafka, we find: Kafka got a unique innovation in the creation of art spaces. Space in the world of his art is expressed vividly, richly with specific forms: the legendary space, "assembly" space, "box" space, “maze” space Each type of Art space is used with purpose and intent of different art, nevertheless all of them are aimed at expressing the feelings of the writer about the world and the fate of his people in that world. . KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA FRANZ KAFKA Đỗ Thị Mai Liên 1 Tìm hiểu không gian nghệ thuật trong một số sáng tác của Franz Kafka, chúng tôi thấy: Kafka đã có những. trong việc tạo dựng không gian nghệ thuật. Không gian trong thế giới nghệ thuật của ông được thể hiện một cách sinh động, phong phú với các hình thức cụ thể: không gian huyền thoại, không gian. tính trong không gian tác phẩm của Kafka đã mang tới cho bạn đọc những cảm giác hư - thực đầy ám ảnh, gợi ra nhiều chiều liên tưởng. Tính chất huyền thoại của không gian trong sáng tác của Kafka

Ngày đăng: 04/09/2015, 13:11

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan