QUAN ĐIỂM QUẦN CHÚNG TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM

5 688 5
QUAN ĐIỂM QUẦN CHÚNG TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian VN Châu Minh Hùng Trong thực tế, quan điểm quần chúng có khi thống nhất với quan điểm chính thống (khi triều đại tiến bộ phù hợp với lòng dân) và nhiều khi đối lập (khi bản chất của triều đại hay hiện tượng nảy sinh của nó trái với lòng dân). Trường hợp thống nhất, truyền thuyết rất gần với chính sử. 1. Truyền thuyết dân gian thường được xem là “lịch sử của thời tiền sử”, ”dã sử ” hay “lịch sử hoang đường” [5]. Thói quen trong cách nhìn nhận ấy đã dẫn đến những nhầm lẫn nghiêm trọng về mặt khoa học. Cái gọi là “tiền sử” hay “dã sử” là một cách đối lập về phương diện lịch đại so với lịch sử chính thống. Trong khi, về mặt sự kiện, nhiều truyền thuyết vẫn tồn tại đồng đại với chính sử. Còn về sự ra đời, bao giờ truyền thuyết cũng đi sau chính sử. Phải có một độ lùi về mặt thời gian rất xa mới có truyền thuyết. Sử gia viết lịch sử ở thì hiện tại hay quá khứ gần, còn quần chúng chỉ xây dựng truyền thuyết ở chuyện “ngày xửa ngày xưa”, quá khứ đã hoàn thành qua mấy lớp sương mù của thời gian [2]. Khi xem truyền thuyết là “lịch sử hoang đường”, chúng ta tưởng chừng đã yên tâm về mặt thi pháp, tư duy thẩm mỹ của một thể loại văn học đặc thù [3], [6], nhưng rốt cuộc vẫn phải băn khoăn vì ngay trong chính sử của thời phong kiến lại có đầy những nhân tố thần linh, quỷ quái. Lịch sử bao giờ cũng mang sắc màu huyền thoại như một tất yếu trong thế giới tinh thần của nhân loại. Theo Lévi-Strauss, đó là cấu trúc tư duy chung của con người ở các thời đại, chỉ khác nhau ở cách nhìn, cách biểu đạt mà thôi. Yếu tố hoang đường chẳng bao giờ là hoang đường mà chẳng qua là một phương tiện biểu đạt của tư tưởng [4]. Cần phải thấy truyền thuyết dân gian là sản phẩm của dân gian, một cách huyền thoại hoá lịch sử trên tinh thần quan điểm quần chúng. 2.1. Ít có nhà viết sử như Tư Mã Thiên nhìn lịch sử bằng quan điểm quần chúng. Nhà viết sử đầy bản lĩnh ấy sẵn sàng chịu nhục hình để sống mà viết nên những trang sử thấm đẫm tinh thần quần chúng. Sử kí của ông là bộ sưu tập huyền thoại dân gian đúng hơn là lịch sử trong con mắt của sử quan. Thường áp lực hay sự nô dịch bởi chính trị làm cho sự thực của lịch sử trong trang viết của sử gia ít nhiều bị xuyên tạc hoặc nguỵ trang kín đáo. Không phải vô cớ mà Aristote nói “thơ thật hơn lịch sử” [1]. Lịch sử có những vùng mờ mà chính truyền thuyết với tư duy nghệ thuật qua cái nhìn tự do, dân chủ của quần chúng đã làm sáng tỏ những vùng mờ tối ấy bằng những cách biểu đạt tinh tế. Cái “hoang đường” mà ta quen gọi cho truyền thuyết thực chất lại chân thực hơn những điều tưởng chừng sáng rõ trong chính sử. Trong thực tế, quan điểm quần chúng có khi thống nhất với quan điểm chính thống (khi triều đại tiến bộ phù hợp với lòng dân) và nhiều khi đối lập (khi bản chất của triều đại hay hiện tượng nảy sinh của nó trái với lòng dân). Trường hợp thống nhất, truyền thuyết rất gần với chính sử. Những truyền thuyết về thời đại vua Hùng, truyền thuyết Nguyên Phong thời Lý - Trần, truyền thuyết Lam Sơn [3]… xét về quan điểm không khác với chính sử. Cho nên, nhiều bộ sử lớn của dân tộc ta và nhân loại đôi lúc cũng dùng truyền thuyết dân gian xen vào trang viết của mình. Ở Việt Nam, có trường hợp chuyển truyền thuyết dân gian thành truyền kỳ như một thứ bổ túc cho lịch sử chính thống bằng cách sửa đổi môt số tình tiết cho phù hợp với thể chế triều đại như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, hay Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ… Tuy nhiên, chính trường hợp đối lập mới là điều dễ thấy nhất về quan điểm quần chúng trong truyền thuyết so với chính sử. Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam thể hiện rất rõ ở lập trường lợi ích quần chúng đối lập với tầng lớp quý tộc phong kiến. Quần chúng xây dựng truyền thuyết như viết lịch sử cho chính mình đúng hơn là ngợi ca một triều đại. Trong điều kiện chế độ chưa có tự do dân chủ thì hiển nhiên những tư tưởng nổi loạn phải tìm cho mình một hình thức biểu đạt kín đáo, tinh tế. Chính những hình ảnh, hình tượng đa nghĩa làm cho truyền thuyết trở thành một thứ lịch sử mang hình thức nghệ thuật. 2.2. Chủ nghĩa Mac - Lênin khẳng định, quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử. Lịch sử chính thống đề cao vai trò cá nhân, trong khi đó truyền thuyết xem nhân vật lịch sử là nhân tố kết tinh từ sức mạnh quần chúng. Tư tưởng này có cả một hệ thống trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Ở Việt Nam, từ truyền thuyết thời đại vua Hùng đến truyền thuyết thời Trần hay thời Lê sau này, theo chúng tôi, quần chúng mới là nhân vật chính chứ không phải các ông vua ở các thời đại ấy. Truyền thuyết về tứ bất tử (Thánh Gióng, Tản Viên, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) và những đứa con của Lạc Long Quân trong các đền thờ thành hoàng ở các làng Việt cổ là những thần tượng kết tinh từ đời sống tinh thần quần chúng. Truyền thuyết Nguyên Phong hiển hiện hàng loạt anh hùng xuất thân từ nhân dân như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê Phụ Trần… Rõ nhất là các truyền thuyết Lam Sơn, vai trò Lê Lợi chỉ rõ nét khi Lê Lợi chưa ngồi ở ngai vàng, còn nhân vật chính lại là những con người bình dị như Hồ Ly phu nhân, nàng Ri Thạch Thành, bà Hoa Nương ở đất Hội Hiền… [3]. Những con người ấy, lịch sử có thể ghi công hoặc lãng quên, nhưng đối với dân gian mãi mãi là những linh hồn bất tử. Không nên giới hạn lịch sử ở công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mà cần nhìn lịch sử ở những phương diện quan trọng khác như lịch sử văn hoá, lịch sử xây dựng đất nước. Chính những truyền thuyết Trầu cau, Bánh chưng bánh dày, Quả dưa đỏ… đã tạo nên những nền tảng lịch sử đầu tiên của dân tộc. Câu chuyện tình yêu - tình nghĩa trong một gia đình lao động bình dị đã sáng tạo ra biểu tượng trầu cau trong phong tục hôn nhân và văn hoá giao tiếp của người Việt. Hoàng tử Lang Liêu không dùng cao lương mỹ vị của cung đình mà biết tận dụng cơm gạo bình dị của nhân dân để làm nên những chiếc bánh tượng trưng cho cả đất trời, nhân gian này để dâng vua. An Tiêm từ chối lộc vua với câu nói bất hủ “của cho là của nợ”, điều mà Nguyễn Trãi sau này tự răn mình: “lưng khôn uốn, lộc nên từ”. Lao động từ chính bàn tay của mình và niềm vinh quang mà An Tiêm có quyền được kiêu hãnh hơn là sống vinh thân phì gia ở cung đình. Theo chúng tôi, hiền sĩ đất Việt thường tìm về quần chúng để giữ gìn khí tiết hơn là ẩn dật với thiên nhiên như hiền sĩ phương Bắc. Quan điểm quần chúng thể hiện sâu sắc nhất ở một số truyền thuyết lớn ở Việt Nam. Đó là những truyền thuyết đánh giặc giữ nước. Chiến tranh xâm lược làm cho lịch sử đất nước này trải qua bao đau thương, gánh nặng lịch sử bao giờ cũng đè lên sự sống của quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết Thánh Gióng, khi đất nước lâm nguy, không thấy quan lại nào đứng ra gánh vác mà sứ mệnh lịch sử lại đặt lên vai một đứa bé chưa biết nói cười. Không biết ai đã lập nên cái đền thờ Phù Đổng với cách gọi Thiên Vương hay Thiên Tử cho Gióng. Trong truyền thuyết, nguồn gốc và cả cái tên Gióng rất dân dã. Sự xuất hiện của bàn chân khổng lồ trên đồng ruộng không phải xác lập cái ngôi thiên tử cho Gióng mà chỉ là một biểu tượng cho sự hoà hợp giữa đất và trời, giữa thần linh và người mẹ nông dân đã cho ra đời một anh hùng quần chúng. Gióng thầm lặng như cái bản nhiên của người lao động, chỉ nói một câu “xin đi đánh giặc”. “Gióng ăn ba nong cơm bảy nong cà” với bao công sức gom góp từ quần chúng. Gióng đánh giặc xong bay về trời. Về trời không chỉ mang nghĩa là về với cõi bất tử mà còn mang nghĩa về với cõi hư không. Cả đánh giặc lẫn bay về trời đều nhằm mục đích tránh hiểm hoạ cho dân. Bởi cái to lớn khổng lồ của Gióng là cái hùng, cái cao cả của thời chiến nhưng cũng có thể là cái bi hay cái hài khi cuộc chiến đã đi qua, theo cách nói của Mac. Gióng là lẽ sống hồn nhiên vô tư của người lao động. Cái “hoang đường” trong truyền thuyết chẳng bao giờ là hoang đường mà luôn đứng trên đôi chân của hiện thực. Mâu thuẫn thường gặp trong nghiên cứu văn học dân gianViệt Nam lại tập trung ở hai truyền thuyết nổi tiếng: An DươngVương và Sự tích Hồ Hoàn Kiếm. Mặc dù đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mac - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng các nhà nghiên cứu folklore vẫn đề cao vai trò cá nhân của An Dương Vương và Lê Lợi mà gần như không nói đến vai trò lịch sử của quần chúng [3], [5], [6]. Ảnh hưởng của chính sử thường làm ta quên mất nguyên bản của truyền thuyết. Có thể xem đây là hai truyền thuyết có tính liên hoàn vì sự xuất hiện của nhân vật Thần Kim Quy. Lưu ý đây không phải là nhân vật chức năng như ông Bụt, bà Tiên trong cổ tích mà được loại hình hoá như là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Bởi lẽ, chính Thần Kim Quy đóng vai trò chủ đạo về tấn kịch của lịch sử chứ không phải hai ông vua có thực kia. Con Rùa vốn hiền lành chậm chạp trong đời sống hoang dã đã từng đi vào nhiều chuyện dân gian với sự kiên trì và trí tuệ. Phải chăng đây là một cách huyền thoại hoá tinh thần quần chúng. Quần chúng đã hoá thân sức mạnh tinh thần của mình bằng một biểu tượng mang tính văn hoá lịch sử đậm nét. Gọi là truyền thuyết An Dương Vương vì ta quen thần tượng hoá vai trò lịch sử của cá nhân. Còn sự thực trong dân gian, truyền thuyết này còn mang nhiều tên gọi khác: Thần Kim Quy, Chiếc nỏ thần, Sự tích thành Cổ Loa, Sự tích ngọc trai - giếng nước, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Trong các trang chính sử sau này khi viết lại thời tiền sử ấy, chế độ phong kiến đề cao vai trò của An Dương Vương là điều dễ hiểu. Song, nguyên tác cái truyền thuyết này đâu có đề cao An Dương Vương. An Dương Vương có ý tưởng xây thành Cổ Loa nhưng “thành xây lên sụp xuống mãi không xong”. Bọn yêu tinh, ma quỷ trong câu chuyện chỉ có thể là cách nói kín đáo, ám chỉ sự tham nhũng ranh ma của lũ gian thần. Thành Cổ Loa hùng vĩ, gương mặt Âu Lạc sáng ngời một thời rõ ràng được xây dựng từ xương máu và trí tuệ của nhân dân. Nhân dân đã hư cấu nên vị Thần Kim Quy biểu đạt cho lý tưởng của chính mình: trí tuệ thông minh và trái tim bao dung độ lượng. Dùng nỏ thần trừ ma quỷ và đánh giặc là trí tuệ. Mở biển rẽ nước cứu thoát An Dương Vương là lượng hải hà bao dung. Cá nhân thường mắc phải sai lầm và thiển cận là tất yếu. Nước mất nhà tan là sai lầm của An Dương Vương về ý thức chính trị: mất cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ thù. Hiểu câu nói của Thần Kim Quy: "giặc ở sau lưng nhà vua đấy" chính là Mỵ Châu là một cái nhìn thiển cận. Việc An Dương Vương chém đầu con gái của chính mình và cầm sừng tê giác bảy tấc (xem như báu vật của quốc gia) đi xuống biển có thể xem là “hào hùng” chăng [5], hay chỉ là một hành vi chạy trốn trách nhiệm của giới cầm quyền. Rốt cuộc nỗi đau nước mất nhà tan vẫn thuộc về quần chúng. Quần chúng hóa giải bi kịch của mình bằng chuyện tình yêu “ngọc trai, giếng nước” để đối lập với chiến tranh thù địch. Vẫn trên tinh thần quan điểm quần chúng, hình tượng thần Kim Quy lại sáng lên một lần nữa ở truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm. Thay bằng chiếc nỏ thần là thanh gươm quý Thần Kim Quy trao cho Lê Lợi. Chiếc nỏ thần ngày xưa để mãi trong tay An Dương Vương có ngày rơi vào tay giặc, bây giờ thanh gươm quý trong tay Lê Lợi giết giặc xong biết đâu lại giết hại công thần. Tính chất hai mặt lợi - hại của vũ khí chiến tranh là câu chuyện muôn thuở của nhân loại. Quần chúng đã hoá giải cái bi kịch ấy bằng ý niệm về sự trả gươm. Nguyên bản truyền thuyết, Lê Lợi không phải tự giác trả gươm mà Rùa Vàng đòi gươm, Lê Lợi rút gươm chém Rùa Vàng, thanh gươm rơi xuống và Rùa Vàng mang thanh gươm lặn xuống nước. Cái bi của lịch sử được thay thế thành cái hài trong cái nhìn lạc quan của quần chúng. Nhân dân đã thanh lọc bi kịch của lịch sử bằng một nụ cười vừa nhẹ nhàng vừa thâm thuý như thế. 3. Khi nói về lịch sử, chúng ta coi trọng về tư liệu lịch sử mà chưa chú ý đúng mức cái hồn của lịch sử. Vì thế mà ở mỗi chúng ta có một thói quen tin vào chính sử hơn là truyền thuyết. Với tính chất truyền miệng, truyền thuyết là thứ lịch sử viết bằng bia miệng, không thể cụ thể hoá minh bạch sự kiện, không gian, thời gian lịch sử như chính sử mà chỉ kết tinh cái hồn của lịch sử qua những hình ảnh, hình tượng mang tính biểu trưng. Hồn lịch sử là hồn của một dân tộc. Yếu tố hoang đường trong truyền thuyết cần được nhìn nhận ở góc độ ấy. Nó chân thực hơn những sự kiện tưởng chừng minh bạch trong chính sử vì nó là sản phẩm tinh thần dân chủ. Nó cũng chẳng phải là kiểu nhận thức ấu trĩ ngây thơ về lịch sử mà rất thâm thuý sâu sắc bởi sự kết tinh của kinh nghiệm thực tiễn. "Viên ngọc quý" mà Hồ Chí Minh nói trong sáng tác dân gian lâu nay ẩn tàng trong truyền thuyết cần được mài sáng hơn nữa. ----- [1] 1. Aristote, Lưu Hiệp - “Nghệ thuật thơ ca, Văn tâm điêu long” - NXB Văn học 1999. [2] 2. M. Bakhtin - “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” - Trường viết văn Nguyễn Du 1992. [3] 3. Vũ Ngọc Khánh – “Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam” – NXB Văn hóa dân tộc 1999. [4] 4. Lévi – Strauss – “Cấu trúc thần thoại” – Trịnh Bá Đĩnh dịch. Chủ nghĩa cấu trúc và văn học – NXB Văn học – Trung tâm nghiên cứu quốc học 2002. [5] 5. Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn… “Lịch sử văn học Việt Nam” - tập 1 – NXBGD 1978. [6] 6. Đỗ Bình Trị – “Những đặc điểm thi pháp của thể loại văn học dân gian” – NXBGD 1999. . điều dễ thấy nhất về quan điểm quần chúng trong truyền thuyết so với chính sử. Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam thể hiện rất rõ. Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian VN Châu Minh Hùng Trong thực tế, quan điểm quần chúng có khi thống nhất với quan điểm chính

Ngày đăng: 02/09/2013, 03:10

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan