Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp luận văn ths luật

107 612 2
Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp  luận văn ths  luật

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT ------------------ Đặng Mai Hoa Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp Luận văn thạc sỹ luật học Hà Nội, năm 2010 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT ------------------ Đặng Mai Hoa Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp Chuyên ngành: Luật hình sự Luận văn thạc sỹ luật học Mã số: 60 38 40 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Tất Viễn Hà Nội, năm 2010 Danh mục từ viết tắt Từ viết tắt Tiếng Việt BLTTHS Bộ luật tố tụng hình sự HĐXX Hội đồng xét xử TAND Tòa án nhân dân TANDTC Tòa án nhân dân tối cao TAQS Tòa án quân sự XHCN Xã hội chủ nghĩa 3 Mục lục Trang Lời cam đoan 1 Lời cám ơn 2 Danh mục từ viết tắt 3 Mục lục 4 Phần mở đầu 6 Chương 1. Cơ sở lý luận về địa vị pháp lý của 10 thẩm phán trong tố tụng hình sự 1.1. Đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự và địa vị pháp lý 10 của những người tiến hành tố tụng 1.2. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong mô hình tố tụng kết hợp 16 xét hỏi và tranh tụng 1.2.1. Khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán 16 1.2.2. Mối quan hệ pháp luật giữa Thẩm phán với các chức danh tư 20 pháp khác trong hoạt động xét xử 1.2.3. Những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử và sự tác động 25 của chúng đến địa vị pháp lý của Thẩm phán 1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định địa vị pháp lý của 31 Thẩm phán 1.3.1. Sự ảnh hưởng của phương thức tổ chức quyền lực nhà nước 31 1.3.2. Yếu tố truyền thống pháp lý 34 1.3.3. Yếu tố văn hóa pháp lý 36 Chương 2. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về 39 địa vị pháp lý của thẩm phán và thực tiễn áp dụng 2.1. Các quy định pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán 39 trong tố tụng hình sự của Việt Nam 2.1.1. Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1980 39 2.1.2. Thời kỳ từ năm 1980 đến năm 1992 42 4 2.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán theo quy định của Bộ luật 45 tố tụng hình sự năm 2003 2.2. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong thực tiễn hoạt động tố 52 tụng hình sự 2.2.1. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc cơ bản của tố tụng 52 hình sự 2.2.2. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên 58 tòa theo tinh thần cải cách tư pháp 2.2.3. Thẩm phán với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy 62 định của bộ luật tố tụng hình sự Chương 3. Những yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra đối với 77 việc hoàn thiện địa vị pháp lý của thẩm phán và một số kiến nghị 3.1. Quan niệm và nội dung cải cách tư pháp 77 3.2. Xác định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp 83 3.3. Yêu cầu cơ bản đối với cải cách Tòa án và Thẩm phán 85 3.4. Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định về địa 94 vị pháp lý của Thẩm phán Kết luận 102 Danh mục tài liệu tham khảo 104 5 Phần mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam đang thực hiện cải cách tư pháp một cách toàn diện. Điều này tạo cho ngành Toà án Việt Nam nhiều cơ hội song cũng đặt ra nhiều thách thức. Thêm vào đó, Việt Nam đã và sẽ tham gia hoặc ký kết các công ước, điều ước quốc tế song phương và đa phương. Do đó, đòi hỏi hệ thống pháp luật bao gồm cả luật nội dung và luật tố tụng cần được hoàn thiện. Thực tiễn trên đây đã đặt ra cho Thẩm phán Việt Nam không những cần phải có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực luật nội dung mà còn phải hiểu biết và áp dụng thành thạo luật tố tụng liên quan để giải quyết các loại tranh chấp. Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết xác định Tòa án giữ vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp, hoạt động của Tòa án là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Đây là bước phát triển mới về nhận thức lý luận trong lĩnh vực tư pháp nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định nhiệm vụ: “Cải cách tư pháp khẩn trương, đồng bộ, lấy cải cách hoạt động xét xử làm trung tâm,...”[10, tr 127] Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Tòa án đã tiến hành xét xử theo hướng nâng cao vai trò tranh tụng, đảm bảo quyền của bị cáo và những người tham gia tố tụng. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định rõ nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020 là phải nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng 6 tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngành Tòa án Việt Nam đang thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động, tăng cường quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Gắn liền với hoạt động của Tòa án là Thẩm phán. Thẩm phán là một trong số những người tham gia tố tụng giữ vai trò then chốt trong quá trình cải cách tư pháp nói chung, đặc biệt là việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Vị trí, vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự là một nội dung rất quan trọng, một mắt xích không thể thiếu trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Do vậy, việc nghiên cứu về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự là một việc làm cần thiết góp phần thực hiện thành công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Việc xác định địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng, xét cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn. Bởi điều đó không những góp phần vào việc xây dựng một hệ thống lý luận về hoạt động tư pháp nói chung và tổ chức, hoạt động của các chức danh tư pháp nói riêng mà còn góp phần xây dựng các văn bản pháp luật về Tòa án, về Thẩm phán cũng như việc hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của ngành Tòa án. Trong tố tụng hình sự, chế định địa vị pháp lý của Thẩm phán không chỉ liên quan và ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Tòa án mà còn liên quan đến những chế định quan trọng khác. Vì thế, có thể nói rằng hiệu quả của thủ tục tố tụng hình sự phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc xác định đúng đắn địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. Trong khoa học pháp lý hiện nay, mô hình lý luận về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự vẫn chưa được xây dựng một cách thống nhất, còn nhiều bất cập. Nguyên tắc độc lập xét xử chưa được thực hiện đầy 7 đủ, vẫn còn nhiều vướng mắc trong hoạt động tố tụng của Thẩm phán khi giải quyết các vụ án hình sự, làm cho hiệu quả xét xử của Tòa án chưa cao. Vì vậy, em đã chọn đề tài: “Địa vị pháp lý của Thẩm pháp trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp” để làm luận văn thạc sỹ. Thông qua đề tài này, em muốn làm rõ thêm vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Thẩm phán trong tố tụng hình sự, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về Thẩm phán trong công cuộc cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu như luận án tiến sỹ của tác giả Đỗ Gia Thư về cơ sở khoa học của việc xây dựng đội ngũ thẩm phán ở nước ta hiện nay hay luận văn thạc sỹ của tác giả Bùi Văn Lương về vai trò của thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự,… Tuy nhiên, các công trình đó mới nhằm đến những khía cạnh nhất định của chế định thẩm phán, chủ yếu dưới góc độ tổ chức và quản lý Thẩm phán trong hoạt động tố tụng. Hơn nữa, các công trình này chưa phân tích nghiên cứu về địa vị pháp lý, vai trò của Thẩm phán gắn với quá trình cải cách hệ thống tư pháp hiện nay. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Mục đích nghiên cứu đề tài là đề xuất các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong quá trình xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, Luận văn có nhiệm vụ: - Phân tích các đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự qua đó thấy rõ được địa vị pháp lý của Thẩm phán tương ứng với từng mô hình tố tụng. - Đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự ở nước ta thời gian vừa qua. 8 - Nêu rõ nội dung, yêu cầu cải cách tư pháp đối với Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng để từ đó đóng góp hoàn thiện quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là các quy định của pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự theo pháp luật Việt Nam từ năm 1945 đến nay, hoạt động của Thẩm phán trong thực tiễn xét xử. Luận văn có tham khảo kinh nghiệm tố tụng hình sự của một số nước. Luận văn chỉ giới hạn việc nghiên cứu địa vị pháp lý của Thẩm phán ở giai đoạn xét xử sơ thẩm về hình sự. 5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn Luận văn sử dụng phép biện chứng duy vật, các luận điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp. Ngoài ra còn sử dụng phương pháp nghiên cứu cụ thể như phương pháp lịch sử, phân tích, tổng hợp, thống kê. 6. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận về địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự Chương 2. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về địa vị pháp lý của thẩm phán và thực tiễn áp dụng Chương 3. Những yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra đối với việc hoàn thiện địa vị pháp lý của thẩm phán và một số kiến nghị 9 Chương 1. Cơ sở lý luận về Địa vị pháp lý của thẩm phán trong tố tụng hình sự 1.1. Đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự và địa vị pháp lý của những người tiến hành tố tụng Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại tới các quyền và tự do cá nhân, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội. Do vậy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm luôn được quan tâm đặc biệt. Để thực hiện hiệu quả công tác này, mọi Nhà nước đều thành lập các cơ quan với chức năng là điều tra, truy tố, xét xử nhằm phát hiện xử lý kịp thời người phạm tội. Các cơ quan này thường được gọi là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (hay Viện công tố), Toà án. Hoạt động của ba cơ quan trên được pháp luật quy định rất chặt chẽ, cụ thể và được tiến hành theo một trình tự nhất định gọi là tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự là trình tự các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và mối quan hệ giữa họ trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Theo giáo trình luật tố tụng hình sự của Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tố tụng hình sự là toàn bộ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, nhanh chóng, chính xác và đúng pháp luật.[25, tr 13]. Khoa học luật tố tụng hình sự của một số nước như Việt Nam, các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây thì quá trình tố tụng hình sự bắt đầu từ thời điểm có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được thi hành. Nếu có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan có thẩm quyền phải khởi tố vụ án để làm căn cứ tiến hành điều tra và truy tố trước Toà án. Hàng loạt giai đoạn tố tụng đó được nối tiếp nhau theo một trình tự chặt chẽ do Luật tố tụng hình sự quy định. Như vậy, có thể hiểu tố tụng hình sự bao gồm các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét 10 xử (bao gồm cả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm) và thi hành án. Tương ứng với mỗi giai đoạn này là quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Mục đích cơ bản của tố tụng hình sự là nhằm tìm ra sự thật khách quan, trừng trị đúng người đúng tội, không làm oan, sai. Nhưng phương pháp được sử dụng để đạt được mục đích đó ở từng quốc gia lại rất khác nhau. Sự khác biệt này thể hiện chủ yếu ở vị trí, vai trò của ba cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó nổi bật là vai trò của Toà án. Tuy nhiên, căn cứ vào một số đặc điểm chung nhất, có thể phân chia thủ tục tố tụng hình sự của các nước trên thế giới hiện nay thành hai hệ thống (hay hai mô hình) chủ yếu đó là: Hệ tố tụng thẩm vấn (hay hệ tố tụng xét hỏi) và hệ tố tụng tranh tụng. Ngoài ra, có quan điểm cho rằng có ba hệ thống tố tụng, ngoài hai hệ thống trên còn có hệ thống tố tụng pha trộn. [35, tr 30] Hệ tố tụng tranh tụng chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ như: Anh, Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia và một số nước là thuộc địa của Anh trước đây. Hệ tố tụng thẩm vấn chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống pháp luật lục địa như: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia,...và các nước XHCN. Sự phân chia các hệ thống tố tụng hình sự thành hệ tranh tụng và hệ thẩm vấn không có nghĩa là sự tranh tụng chỉ có trong hệ tranh tụng còn trong hệ thẩm vấn thì không có tranh tụng và ngược lại. Ngày nay, hai hệ thống tố tụng này đang chịu sự ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau và trong mỗi hệ thống đều chứa đựng một số yếu tố của hệ thống kia. Mô hình tố tụng thẩm vấn "được phổ biến rộng rãi nhất trong thời đại chế độ chuyên chế." [26, tr 13]. "Hệ tố tụng thẩm vấn cho rằng sự thật có thể và phải tìm ra trong quá trình thẩm vấn điều tra. Vì rằng các bên có thể có ý định che dấu sự thật nên nhà nước phải tham gia sớm và liên tục vào việc thẩm vấn điều tra".[35, tr122). Đặc điểm của mô hình tố tụng này là quan toà 11 giữ vai trò trung tâm. Người Thẩm phán vừa làm nhiệm vụ điều tra, buộc tội, xét xử và thi hành án. Theo mô hình tố tụng này, Thẩm phán không có quyền sáng tạo ra pháp luật. Thẩm phán được nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên toà, chúng ta hay gọi những trường hợp này là án tại hồ sơ. Theo TS Nguyễn Thái Phúc "mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn là mô hình tố tụng hình sự mà trong đó các chức năng cơ bản như chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử tập trung vào một cơ quan nhà nước. Mô hình này có các dấu hiệu đặc trưng như: - Không có các bên độc lập vì hoạt động tích cực của các bên bị thay thế bởi hoạt động của cơ quan nhà nước trong tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng. - Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của những cơ quan này. - Không có sự tranh chấp pháp lý của các bên, thay vào đó là ý chí của Nhà nước, của pháp luật và ý chí của Nhà nước là động lực của tố tụng hình sự"[21, tr 3] Những người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác hoàn toàn bị động và chỉ được trả lời những câu hỏi do quan toà đặt ra. Trong tất cả quá trình tố tụng xét hỏi Thẩm phán luôn giữ vai trò chủ động còn luật sư thì bị động hơn. Mô hình tố tụng tranh tụng dựa trên luận điểm cho rằng tố tụng là sự tranh cãi diễn ra ở Toà án giữa Nhà nước và người phạm tội. Trong cuộc tranh cãi đó, hai bên đều có quyền và nghĩa vụ ngang bằng nhau. Tranh tụng giữa hai bên bắt đầu ngay từ giai đoạn trước xét xử. Thẩm phán đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc tự do và theo niềm tin nội tâm của mình. Vai trò tích cực của các bên được đề cao, đặc biệt là vai trò của luật sư. Bên bào chữa, bên buộc tội có lợi ích đối kháng nhau song bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng. Trong đó, bên buộc tội có trách nhiệm chứng minh tội phạm, bên bào chữa có trách nhiệm chứng minh sự vô tội, tình tiết giảm nhẹ 12 trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Do đó, trong phiên toà, Thẩm phán chỉ giữ vai trò là trọng tài đứng giữa hai bên để phân xử. Thay vì giữ quyền độc tôn như trong mô hình tố tụng thẩm vấn, Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn, Công tố viên và Luật sư có sự chia sẻ quyền hạn. Ví dụ, theo pháp luật của Mỹ “việc quyết định có tội hay không có tội là trách nhiệm của Bồi thẩm đoàn, còn Thẩm phán chỉ trên cơ sở kết luận của Bồi thẩm đoàn mà ra phán quyết về mức hình phạt đối với người tội phạm” [9, tr 80]. Như vậy, trong mô hình tố tụng tranh tụng, vai trò của Luật sư, của Công tố viên được đề cao. Qua việc tranh tụng tại phiên toà, sự thật được xác định bằng lý lẽ của bên nào thuyết phục hơn. Thẩm phán không cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ từ trước như trong tố tụng xét hỏi. Cả hai mô hình tố tụng thẩm vấn và tranh tụng có những điểm tương đồng, đó là: - Về nguyên tắc tố tụng: hai mô hình tố tụng trên đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc tư pháp dân chủ, công bằng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án. Đây là những nguyên tắc chung nhất để từ đó hình thành nên địa vị pháp lý của từng cơ quan cũng như của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong cả hai mô hình. - Về mục đích chung của cả hai mô hình tố tụng trên là tìm ra sự thật với nguyên tắc người phạm tội phải bị xử lý. - Về phương pháp tiến hành: tố tụng thẩm vấn cũng như tố tụng tranh tụng đều tiến hành từng bước theo các giai đoạn điều tra, truy tố, chuyển sang Toà án để xét xử. Và xét xử là khâu cuối cùng để đi đến kết luận có tội hay không có tội. Tất cả các giai đoạn trước nhằm phục vụ cho giai đoạn xét xử. Đây là một chuỗi giai đoạn tố tụng được tiến hành theo một trình tự luật định và giữa chúng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết không thể tách rời. Khi nhận được tin báo tội phạm, việc điều tra sẽ do Điều tra viên thực hiện 13 với sự giám sát của Công tố viên. Khi tìm ra được người phạm tội, xác định được sự thật của vụ án, hồ sơ được chuyển sang Toà án và Thẩm phán sẽ tiến hành các hành vi tố tụng để xét xử. Điều tra viên, Công tố viên và Thẩm phán là những nhân vật trung tâm trong tố tụng hình sự trong đó Thẩm phán giữ vai trò quan trọng đưa ra phán quyết cuối cùng. Bên cạnh những điểm tương đồng đó, hai mô hình tố tụng này có những điểm khác biệt. Và đây cũng là yếu tố hình thành sự khác biệt về địa vị pháp lý của những người tiến hành tố tụng nói chung, Thẩm phán nói riêng khi giải quyết vụ án hình sự. Sự khác nhau thể hiện ở cách thức tiến hành, về vai trò của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng. Đối với mô hình xét hỏi thì hoạt động tố tụng tập trung vào giai đoạn điều tra, nên nếu việc điều tra được tiến hành cẩn thận sẽ đảm bảo xác định chính xác tội phạm. Phiên toà trong tố tụng xét hỏi là sự tiếp tục điều tra để tìm ra sự thật. Viện công tố là người chỉ đạo và giám sát hoạt động điều tra của cảnh sát. Kết quả điều tra được phản ánh trong hồ sơ vụ án. Còn trong mô hình tố tụng tranh tụng giai đoạn xét xử được chú ý nhiều nhất, mọi phán quyết đều được căn cứ vào quá trình tranh tụng tại phiên toà. Vai trò của Viện công tố mờ nhạt vì không có trách nhiệm trong hoạt động điều tra. Toàn bộ hoạt động điều tra do cảnh sát tiến hành. Không có hồ sơ chính thức của vụ án nên không có hồ sơ chuyển cho Thẩm phán nghiên cứu trước khi mở phiên toà như đối với mô hình tố tụng thẩm vấn. Điểm khác biệt nữa là vai trò, vị trí của Thẩm phán. Trong mô hình tố tụng thẩm vấn, Thẩm phán trực tiếp xét hỏi. Ngược lại, Thẩm phán trong mô hình tố tụng tranh tụng rất ít khi hoặc không tham gia xét hỏi mà chỉ là người điều khiển phần thẩm vấn cũng như phần tranh luận tại phiên toà. Do Thẩm phán không biết trước hồ sơ nên việc tranh tụng giữa các bên là nội dung chủ yếu của phiên toà và nhiệm vụ của các bên trong quá trình tranh tụng là thuyết phục Thẩm phán chấp nhận lý lẽ của mình. 14 Ngoài hai hệ tố tụng nêu trên, còn tồn tại một hệ tố tụng pha trộn có đặc trưng của cả hệ tố tụng thẩm vấn và hệ tố tụng tranh tụng. Như trước khi xét xử toàn bộ quá trình điều tra không có tính công khai, việc bào chữa của bị can trong giai đoạn này bị hạn chế, Thẩm phán có quyền nghiên cứu hồ sơ trước khi vụ án được xét xử. Tại phiên toà, Thẩm phán giữ vị trí trung tâm, tiến hành xét hỏi bị cáo, nhân chứng và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tìm ra sự thật khách quan. Thẩm phán đảm nhiệm từ việc buộc tội, bào chữa và đưa ra phán quyết cho bị cáo. Vai trò của Kiểm sát viên và Luật sư bị mờ nhạt. Song mô hình này vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của những đặc điểm mô hình tố tụng tranh tụng. Bên cạnh vị trí chủ đạo của Thẩm phán trong việc chứng minh tội phạm còn quy định vai trò của những người tham gia tố tụng khác như luật sư, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,… Mỗi mô hình tố tụng hình sự đều có những ưu thế và những hạn chế của nó. Không có mô hình tố tụng hình sự nào là hoàn hảo. Theo bà Elisabeth Pelsez, thẩm phán Toà án phúc thẩm Rouen (Mỹ):Nhược điểm của tố tụng tranh tụng là làm nảy sinh sự bất bình đẳng giữa các bên trong vụ án hình sự, vì bên nào có nhiều tiền thuê luật sư thì sẽ có nhiều khả năng giành thắng lợi hơn, trong khi đó thủ tục xét hỏi khắc phục được nhược điểm này vì công tác điều tra do thẩm phán độc lập và khách quan đảm nhiệm. Nhược điểm thứ hai của tố tụng tranh tụng là nó rất phức tạp vì khi phiên toà diễn ra chưa có gì khẳng định là chắc chắn cả nên đôi khi dẫn đến hệ quả nguy hiểm. Còn tố tụng xét hỏi bị chỉ trích là không tôn trọng đầy đủ quyền của các bên đương sự, vì chứng cứ do thẩm phán điều tra nên tố tụng xét hỏi bị coi là đi ngược lại nguyên tắc vô tư, khách quan, đôi khi Thẩm phán có sẵn trong đầu quyết định xét xử trước khi diễn ra giai đoạn xét xử, dưới góc độ đó việc tranh luận trở nên vô nghĩa.[16, tr 13] 15 Cho đến nay, các quốc gia đều có sự thay đổi hệ thống tố tụng của mình cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tìm mọi cách phát huy những điểm mạnh, hạn chế những nhược điểm trong mô hình tố tụng mà mình đã lựa chọn. Có quốc gia thuộc mô hình tố tụng này nhưng lại có xu thế chuyển sang lựa chọn mô hình tố tụng kia hay lại lựa chọn mô hình tố tụng hỗn hợp. Điều đáng chú ý là mặc dù các nước cùng thuộc về hệ tố tụng tranh tụng, hệ tố tụng thẩm vấn hay hệ pha trộn nhưng ở mỗi nước việc áp dụng thủ tục đó được thực hiện ở những mức độ và phạm vi khác nhau. Thực tế bất kỳ mô hình tố tụng nào cũng là sự pha trộn với những biến đổi theo một trong hai trường phái pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc pha trộn thiên về tranh tụng. Việc nghiên cứu đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự là nhằm làm rõ sự tác động và chi phối của các mô hình tố tụng này đối với địa vị pháp lý của cơ quan cũng như của người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán. Từ đó, giúp cho việc lựa chọn áp dụng mô hình tố tụng thích hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá và truyền thống pháp lý của từng quốc gia và làm cơ sở cho việc pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng nói chung và Thẩm phán nói riêng. 1.2. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong mô hình tố tụng kết hợp xét hỏi và tranh tụng 1.2.1. Khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán Địa vị pháp lý nói chung theo Từ điển giải thích thuật ngữ pháp lý thông dụng là “tổng thể các điều kiện pháp lý mà pháp luật đòi hỏi để xác định cho một chủ thể có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Theo từ điển Luật học xuất bản năm 2006 thì địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật là vị trí của chủ thể pháp luật trong mối quan hệ với chủ thể pháp luật khác trên cơ sở các quy định của pháp luật. Là sự thể hiện thành một tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể trong các hoạt động của mình. Thông qua địa vị 16 pháp lý có thể phân biệt chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời có thể xem xét vị trí và tầm quan trọng của chủ thể pháp luật trong các mối quan hệ pháp luật. [36, tr 244]. Tố tụng hình sự được chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tương ứng với mỗi giai đoạn đó có các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng gồm có: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Trong mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, pháp luật quy định những người có thẩm quyền thực hiện các hành vi tố tụng theo quy định của BLTTHS. Và những người đó được gọi là những người tiến hành tố tụng với địa vị pháp lý rất khác nhau. Những người tiến hành tố tụng này có chức năng nhiệm vụ và quyền hạn riêng nhưng đều có trách nhiệm là phát hiện nhanh chóng chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tại Toà án, những người tiến hành tố tụng gồm có: Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký toà án. Thẩm phán ở Việt Nam bao gồm: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAND cấp tỉnh, Thẩm phán TAND cấp huyện và Thẩm phán TAQS các cấp. Công việc xét xử của Thẩm phán được coi là một nghề, nghề xét xử. Theo từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1994 đã định nghĩa: "nghề là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội". Nghề Thẩm phán là nghề đại diện cho quyền lực tư pháp, quyền lực nhà nước, là "tượng trưng cho khát vọng của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội về chân, thiện, mỹ về một hệ thống tiêu chí đạo đức: sống làm người" [28, tr 37]. Thẩm phán nhân danh nhà nước để đưa ra phán quyết và khi bản án có hiệu lực pháp luật thì tất cả mọi cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân đều phải chấp hành. Thẩm phán còn được hiểu theo nghĩa là một chức danh tư pháp. Cho đến nay ở nước ta chưa có văn bản pháp luật nào của nhà nước quy định về khái niệm chức danh tư pháp. Có quan điểm cho rằng những người nào trực 17 tiếp thực hiện quyền lực tư pháp thì mới là chức danh tư pháp. Do vậy chức danh tư pháp bao gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký toà án,Hhội thẩm, Thẩm tra viên. GS.TS. Võ Khánh Vinh thì cho rằng "chức danh tư pháp bao gồm những người thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) được đào tạo kỹ năng thực hành nghề và hành nghề theo một chuyên môn nhất định, có danh xưng, được bổ nhiệm hoặc thừa nhận theo pháp luật khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện xác định theo quy định của pháp luật." [6, tr 43]. Trong các chức danh tư pháp thì Thẩm phán được xác định là một chức danh tư pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền tư pháp. Như vậy, chúng ta có thể rút ra khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán là tổng thể các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ pháp lý của Thẩm phán khi tiến hành các hành vi tố tụng được pháp luật quy định. Từ khái niệm trên, chúng ta có thể nhận thấy, nội hàm địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự được phản ánh và thể hiện ở những phương diện: - Các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. - Các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. 1.2.1.1. Vị trí, vai trò của Thẩm phán trong hoạt động tư pháp hình sự Kết quả hoạt động của Toà án là sản phẩm của toàn bộ hoạt động tư pháp. Toà án thực hiện được chức năng xét xử của mình thông qua hoạt động của những con người cụ thể. Trong Toà án có rất nhiều chức danh như Thẩm phán, Thư ký tòa án, Thẩm tra viên, cán bộ văn phòng,... Nhưng chỉ có duy nhất Thẩm phán mới được pháp luật trao cho quyền xét xử. Cho dù bộ máy của Toà án được tổ chức quy mô đến mấy thì tất cả những yếu tố đó điều chỉ phục vụ cho hoạt động xét xử. Trước đây, khi chưa có sự tách biệt giữa ba 18 quyền tư pháp, hành pháp và lập pháp, thì nhà vua chính là quan toà, là người xét xử tối cao. Đến khi cách mạng tư sản ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng mới về tư tưởng. Chính điều này đã hình thành nên một nhánh quyền lực độc lập, đó là quyền tư pháp và cũng từ đó hình thành nên một đội ngũ quan chức mới trong bộ máy nhà nước. Đó là những con người làm công tác tư pháp nói chung và công tác xét xử nói riêng. Hoạt động xét xử của Toà án được thực hiện thông qua HĐXX trong đó Thẩm phán là nhân vật trung tâm. Thẩm phán là những người có vai trò chủ yếu trong công tác xét xử. Thông qua hoạt động xét xử của mình, Thẩm phán góp phần vào việc bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người dân. Mỗi một phán quyết của Thẩm phán có thể dẫn tới chỗ công dân, pháp nhân được hưởng quyền và lợi ích hoặc phải gánh chịu các nghĩa vụ nhất định. Đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự, phán quyết của Thẩm phán dẫn đến hậu quả pháp l‎ý vô cùng nghiêm trọng đối với người bị kết án. Sai lầm trong hoạt động xét xử của Thẩm phán sẽ dẫn đến tình trạng xử oan, sai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà có thể làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự công bằng của xã hội, vào pháp luật của Nhà nước ta. Khác với các công việc khác, để đưa ra được một phán quyết thấu tình đạt l‎ý, Thẩm phán phải huy động nhiều tố chất trong một con người. Đó là sự am hiểu về pháp luật, sự hiểu biết về thực tế, tích luỹ kiến thức về xã hội, tâm sinh lý của từng cá thể, lương tâm của Người thẩm phán. "Cơ sở của các phán quyết là pháp luật, nhưng kết quả của các phán quyết có công bằng, vô tư và khách quan hay không đòi hỏi mỗi Thẩm phán phải có cái tâm trong sáng"[15 tr 38]. Chỉ khi nào có sự kết hợp giữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người Thẩm phán thì lúc đó mới đảm bảo cho phán quyết của Thẩm phán thấu tình đạt lý. Khi xét xử người Thẩm phán phải 19 có niềm tin nội tâm, đó là niềm tin vào công l‎ý. Bởi vì, cho dù hệ thống pháp luật có hoàn hảo, đầy đủ đến đâu chăng nữa thì cũng sẽ không bao giờ dự liệu hết được mọi tình huống xẩy ra trong thực tế. Thậm chí quy định của pháp luật còn chống chéo, không đồng bộ. Song khi xét xử Thẩm phán vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Và đặc biệt là phải đảm bảo công l‎ý. Trong con mắt của người dân, Toà án không chỉ là bảo vệ pháp luật mà còn là biểu tượng của công lý, sự công bằng xã hội. Khi phải đối mặt với quan toà, với công đường người dân chờ đợi sự công minh, sáng suốt. Toà án là người đại diện của công lý và quan toà là cán cân công lý. [6, tr 23]. Qua phân tích trên, chúng ta nhận thấy vai trò trung tâm của Thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như trong hoạt động tư pháp hình sự. 1.2.1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Nhiệm vụ của Thẩm phán được thể hiện như sau: - Đây là những yêu cầu cụ thể do Nhà nước đặt ra đối với chức danh Thẩm phán và được quy định trong Hiến pháp, BLTTHS, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. - Nhiệm vụ của Thẩm phán còn được hiểu là trách nhiệm, là nghĩa vụ pháp lý mà Thẩm phán phải thực hiện trong hoạt động xét xử. Luôn đi đôi song hành với nhiệm vụ là quyền hạn. Đây là quyền năng pháp lý mà pháp luật quy định cho Thẩm phán để thực hiện chức năng xét xử trong tố tụng hình sự. Về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán phải được xác định đầy đủ trên cơ sở vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. Mặt khác, chúng phải được pháp luật quy định cụ thể rõ ràng và chặt chẽ. Có như vậy mới đảm bảo cho Thẩm phán hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ xét xử của mình, tránh tình trạng tuỳ tiện hay lạm dụng quyền hạn trong thực tiễn xét xử. 20 Trong mỗi một giai đoạn lịch sử phát triển đất nước, nhiệm vụ quyền hạn của Thẩm phán cũng có những thay đổi song vẫn dựa trên những nguyên tắc chung của tố tụng hình sự và nhằm mục đích phục vụ chức năng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 1.2.2. Mối quan hệ giữa Thẩm phán với các chức danh tư pháp khác trong hoạt động xét xử Vị trí vai trò của Thẩm phán được thể hiện trong mối quan hệ nội bộ của Toà án (mối quan hệ bên trong) và mối quan hệ với các chức danh tư pháp khác (mối quan hệ bên ngoài). - Xét về mối quan hệ bên trong: trong nội bộ cơ quan Toà án, Thẩm phán có rất nhiều mối quan hệ như quan hệ với lãnh đạo, quan hệ với Thẩm phán khác, quan hệ với Thư ký và các cán bộ khác của Toà án. Tất cả các mối quan hệ này đều thể hiện vị trí trung tâm của Thẩm phán. + Quan hệ giữa lãnh đạo Toà án với Thẩm phán: xét về bản chất đây là quan hệ quản lý hành chính. Một cơ quan đoàn thể nào cũng cần có tổ chức và hoạt động theo một quy chế nhất định. Chánh án, Phó Chánh án là những người lãnh đạo, quản l‎ý toàn bộ mọi mặt của cơ quan Toà án sao cho đảm bảo hoạt động của Toà án với vai trò là một cơ quan nhà nước. Trong mối quan hệ này, Thẩm phán chỉ với tư cách là nhân viên, cán bộ trong cơ quan. Thẩm phán phải chịu sự phân công của lãnh đạo. Chánh án, Phó Chánh án chỉ có thể quản lý về mặt con người còn về lĩnh vực nghiệp vụ thì không thể can thiệp vào công việc xét xử của Thẩm phán. + Quan hệ giữa Thẩm phán với nhau: mối quan hệ này phát sinh trong hoạt động xét xử của Thẩm phán. Và do đó, đây là quan hệ mang tính chất tố tụng.‎ Thẩm phán được hoàn toàn độc lập không bị phụ thuộc vào bất cứ ai cho dù là lãnh đạo Toà án. Bản thân Chánh án, Phó Chánh án cũng là Thẩm phán. Khi tham gia hoạt động tố tụng thì các Thẩm phán đều có những quyền và nghĩa vụ giống nhau theo quy định của tố tụng. Nếu HĐXX có năm thành viên, trong đó có hai Thẩm phán thì một Thẩm phán là lãnh đạo Toà án 21 thì khi biểu quyết quyết định hình phạt, ý kiến của Thẩm phán lãnh đạo Toà án cũng chỉ là một lá phiếu và ‎chỉ được biểu quyết với tư cách là Thẩm phán. + Mối quan hệ với Hội thẩm: Hội thẩm là những người đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử với mục đích đảm bảo tính dân chủ. Hội thẩm là những người được bầu và chịu sự phân công của Chánh án. Họ không phải cán bộ Toà án. Công tác Hội thẩm là công tác kiêm nhiệm. Hội thẩm cũng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử. Khi xét xử vụ án, mọi vấn đề phải được Thẩm phán và Hội thẩm thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử cũng như khi quyết định bản án, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, để cùng với Thẩm phán đưa ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm là mối quan hệ độc lập. Tính độc lập ở đây thể hiện trên hai phương diện: độc lập với các cá nhân khác và độc lập với chính những thành viên trong HĐXX. Mặc dù vậy, trong hoạt động xét xử vị trí của Thẩm phán vẫn là trung tâm. Điều này thể hiện trong toàn bộ quá trình xét xử. Thẩm phán luôn giữ vai trò chủ đạo điều khiển phiên toà từ phần thủ tục đến phần tuyên án. + Quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký Tòa án: theo quy định của BLTTHS thì Thư ký là người tiến hành tố tụng bao gồm những người được xếp vào ngạch công chức "Thư ký Toà án" và những người được xếp ngạch công chức "chuyên viên pháp lý", "thẩm tra viên" được Chánh án phân công tiến hành tố tụng. Thư ký Toà án có các chức năng: giúp Thẩm phán trong công tác chuẩn bị phiên toà khi cần thiết, trước khi bắt đầu phiên toà, phổ biến nội quy phiên toà (điều 171 BLTTHS 2003), báo cáo danh sách những người được triện tập hợp lệ, ghi biên bản phiên toà. Tất cả các công việc trên của Thư ký đều nhằm mục đích phục vụ cho công tác xét xử của Thẩm phán. Mặc dù là người giúp việc cho Thẩm phán để phục vụ phiên toà nhưng Thư ký tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật và theo sự 22 phân công của Chánh án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh án về những hành vi của mình. - Xét về mối quan hệ bên ngoài: hoạt động xét xử của Thẩm phán không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ nội bộ cơ quan Tòa án mà cần phải duy trì mối quan hệ với các chức danh tư pháp khác. + Quan hệ giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên: Kiểm sát viên tham gia tố tụng với hai chức năng chính là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Kiểm sát viên tham gia tố tụng theo sự phân công và chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Viện kiểm sát. Hiệu quả xét xử của Toà án phụ thuộc không ít vào hoạt động của Kiểm sát viên. "Phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa,.." (Nghị quyết 08-NQ/TW). Căn cứ vào kết quả điều tra, Kiểm sát viên có quyền lập bản cáo trạng, có quyền xét hỏi, tranh luận, rút toàn bộ hay một phần quyết định truy tố tại phiên toà. Tại phiên toà, Kiểm sát viên có trách nhiệm chứng minh tính có căn cứ của nội dung truy tố bằng cách đưa ra những chứng cứ, căn cứ pháp lý, lập luận để buộc tội bị cáo, đồng thời bác bỏ các chứng cứ, quan điểm lập luận của bị cáo, người bào chữa. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên đưa ra kết luận, đề nghị và yêu cầu cụ thể đối với HĐXX. Kiểm sát viên không có quyền thay đổi nội dung buộc tội theo hướng tăng nặng đối với bị cáo. Việc thay đổi nội dung buộc tội của Kiểm sát viên chỉ được phép nếu điều đó không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và không vi phạm quyền bào chữa của bị cáo. Ngoài ra, Kiểm sát viên còn kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên toà. Đây là hai chức năng gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử hỗ trợ cho chức năng thực hành quyền công tố. Các chức năng này của Viện kiểm sát được kiểm sát viên thực hiện thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên toà. Ngay cả sau khi phiên toà kết thúc, Kiểm sát viên vẫn còn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ 23 của mình, kiểm sát tính hợp pháp và có căn cứ của bản án mà HĐXX đã tuyên và biên bản phiên toà. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu toà án khắc phục những vi phạm đó hoặc báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Qua phân tích nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm sát viên, có thể nhận thấy mối quan hệ giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên là mối quan hệ phối hợp nhưng có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Mặc dù BLTTHS không quy định cụ thể sự phối hợp này tuy nhiên đây là hai chức danh tư pháp chủ yếu trong tố tụng hình sự để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Mỗi một khâu làm tốt sẽ tạo tiền đề, điều kiện để khâu sau đạt hiệu quả cao. Công tác xét xử của Toà án đạt hiệu quả phải phụ thuộc vào yếu tố con người. Cho dù pháp luật có hoàn hảo mà trình độ, ‎ý thức của những người tiến hành tố tụng không có thì cũng không đạt được hiệu quả mong muốn. Sự phối hợp ở đây không có nghĩa là thông đồng để đưa ra phán quyết sai lầm, bỏ lọt tội phạm. Sự phối hợp ở đây là tạo điều kiện cho cả Thẩm phán và Kiểm sát viên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phối hợp được thể hiện cả về hình thức lẫn nội dung. + Quan hệ giữa Thẩm phán và các chức danh bổ trợ tư pháp khác trong hoạt động tố tụng: diễn biến phiên toà được tiến hành theo ba chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là buộc tội (do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện), gỡ tội (do luật sư, người bào chữa đảm nhiệm) và chức năng xét xử (do HĐXX thực hiện). Trong nhiều vụ án, để đánh giá chính xác, đúng đắn, khách quan các tình tiết, sự kiện phức tạp, các cơ quan điều tra, công tố, xét xử phải huy động sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức chuyên môn có thể cung cấp, xác minh các tài liệu có giá trị chứng cứ (ví dụ như cơ quan công chứng) hoặc có thể cung cấp các kết luận giám định khoa học, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực khác nhau (ví dụ như giám định tư pháp). Hoạt động bổ trợ tư pháp là hoạt động hỗ trợ cho cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của mình. Các chức danh bổ trợ tư pháp bao gồm có Giám định viên, Luật sư, Công chứng viên. Mỗi một chức danh này đều có vai trò, quyền 24 và nghĩa vụ đặc trưng riêng nhưng có điểm chung là hoạt động của các chức danh này là cần thiết, tạo điều kiện thể hiện sự dân chủ, khách quan trong phán quyết của Thẩm phán. Luật sư là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Việc tham gia tố tụng của luật sư là yếu tố ảnh hưởng nâng cao hiệu quả xét xử của Toà án. Luật sư giữ vai trò rất quan trọng trong tranh tụng, đại diện cho bên gỡ tội đối đáp với Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà để làm sáng rõ nội dung vụ án. Đối với công tác giám định, các giám định viên sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để đưa ra kết luận trong lĩnh vực nào đó. Từ những kết luận đó, HĐXX xem xét để áp dụng pháp luật cho đúng và đảm bảo tính khách quan của bản án. Nếu công tác giám định không chính xác sẽ làm sai lệch hồ sơ dẫn đến phán quyết của Toà án không có chất lượng cao, nhiều khi gây ra oan, sai. Người giám định, Luật sư là người tham gia tố tụng. Chính với tư cách tố tụng như vậy nên giữa Thẩm phán và Luật sư, Giám định viên có sự độc lập trong hoạt động tố tụng. Mối quan hệ giữa Thẩm phán với Kiểm sát viên, Điều tra viên khác với mối quan hệ giữa Thẩm phán và Luật sư, Giám định viên. Sự khác biệt này xuất phát từ vị trí tố tụng của các chức danh này. Đây là sự khác biệt về bản chất. Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên là những người tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Trong khi đó thì Luật sư, Giám định viên không có nghĩa vụ này. Họ tham gia tố tụng với quyền là làm sáng rõ vụ án để bảo vệ lợi ích cho thân chủ của mình. Đây là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Quan hệ giữa Thẩm phán với Luật sư, Giám định viên chỉ phát sinh trong những vụ án cụ thể. Nếu vụ án đó không đòi hỏi phải có kết quả giám định hoặc không có luật sư tham gia thì mối quan hệ này không xuất hiện. 1.2.3. Những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử và sự chi phối, tác động đến địa vị pháp lý của Thẩm phán 25 Nguyên tắc hoạt động của Thẩm phán là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo chi phối toàn bộ quá trình xét xử của Thẩm phán. Trong quá trình tiến hành tố tụng, Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự như nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và trước Toà án, nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án,... Trong số 12 nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự thì các nguyên tắc về xét xử chi phối rất mạnh đến địa vị pháp lý của Thẩm phán, đó là: nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số là ba nguyên tắc có tính chất quyết định nhiều nhất đến quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong khi thực hiện chức năng xét xử của mình. 1.2.3.1. Nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật Đây là một nguyên tắc hiến định không chỉ được quy định trong Hiến pháp nước ta mà còn được quy định trong Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới. Việc nghiên cứu về nguyên tắc này không chỉ có ý nghĩa đối với các cơ quan và cán bộ làm công tác tư pháp mà còn cần thiết đối với các cơ quan nhà nước khác. Trong hệ thống các cơ quan nhà nước thì chỉ có Toà án mới có quyền xét xử. Ngoài Toà án không một cơ quan nhà nước nào khác tự nhận về mình chức năng xét xử và cũng không có quyền can thiệp bằng cách này hay cách khác vào hoạt động xét xử của Toà án. Nội dung của nguyên tắc này là đảm bảo tính khách quan, công bằng trong các quyết định do Toà án đưa ra, đề cao trách nhiệm và tính tự chủ của Thẩm phán và Hội thẩm. Nguyên tắc này được thể hiện ở hai khía cạnh độc lập với các yếu tố bên ngoài và độc lập với các yếu tố bên trong. Độc lập với các yếu tố bên ngoài là khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm không bị phụ thuộc vào các quyết định hoặc kết luận của cơ quan điều tra (tức là độc lập với hồ sơ vụ án), độc lập với kết luận của Viện kiểm sát (tức là độc lập với bản cáo trạng và 26 quyết định truy tố của Viện kiểm sát). Tại phiên toà, Thẩm phán và Hội thẩm phải trực tiếp xem xét những chứng cứ của vụ án chứ không phải chỉ căn cứ vào hồ sơ của vụ án hay chứng cứ mà Viện kiểm sát đưa ra trong bản cáo trạng. Bản án của Toà án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét thẩm định tại phiên toà. HĐXX dựa vào kết quả phiên toà, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xử lý vụ án và có quyền kết luận khác với ý kiến của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Không một ai, không một cơ quan tổ chức nào có quyền can thiệp hay dùng áp lực tác động vào hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm có thể tham khảo lắng nghe ý kiến của bất cứ ai nhưng trong hoạt động nghề nghiệp phải luôn luôn thể hiện bản lĩnh của mình để xem xét mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho các ý kiến của bên ngoài làm thay đổi quyết định của mình. Ngoài ra, tính độc lập còn được thể hiện ngay trong mối quan hệ giữa các thành viên trong HĐXX. Thẩm phán và Hội thẩm độc lập với nhau trong suy nghĩ, trong việc xem xét, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đưa ra các kết luận về sự việc phạm tội và người thực hiện tội phạm, không bị lệ thuộc vào quan điểm chính kiến của các thành viên khác trong HĐXX. Theo quy định tại điều 185 và điều 244 của BLTTHS 2003 thì việc xét xử sơ thẩm hoặc trong những trường hợp đặc biệt của xét xử phúc thẩm thành phần HĐXX gồm có Thẩm phán và Hội thẩm. Tuy là những người bán chuyên nghiệp nhưng khi thực hiện quyền xét xử, Hội thẩm độc lập với Thẩm phán. Để đảm bảo được điều này, pháp luật tố tụng hình sự quy định Thẩm phán phải là người phát biểu sau cùng để không ảnh hưởng đến tính độc lập của Hội thẩm. Các vấn đề của vụ án đều được giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Người có ‎ý kiến thiểu số có quyền trình bầy ‎ý kiến của mình bằng văn bản và được lưu vào hồ sơ vụ án. Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử còn được thể hiện trong quan hệ giữa Toà án cấp trên với Toà án cấp dưới. Đây là mối quan hệ 27 tố tụng, Toà án cấp dưới xét xử độc lập không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hành chính của Toà án cấp trên. Toà án cấp trên không thể ra lệnh hoặc bằng các biện pháp hành chính buộc Toà án cấp dưới xét xử theo ý mình. Toà án cấp trên chỉ có quyền quản lý về mặt con người đối với Toà án cấp dưới, còn về chuyên môn đường lối giải quyết từng vụ án cụ thể thì Toà án cấp trên cũng không có quyền can thiệp. Toà án cấp trên không được định hướng hoặc gợi ý cho Toà án cấp dưới để xét xử. Sự chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới chỉ là sự giải thích về mặt pháp luật để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ khi áp dụng quy định pháp luật vào trong công tác xét xử. Nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm không có mâu thuẫn với nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện bằng việc Đảng đưa ra quan điểm, nguyên tắc định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Toà án nói riêng là lãnh đạo về chính trị, tư tưởng về tổ chức cán bộ. Sự lãnh đạo của Đảng không làm giảm đi tính độc lập của Toà án. Đảng không can thiệp vào từng vụ án hay không ra chỉ thị về mức án cụ thể mà chỉ ra đường lối xét xử trong từng giai đoạn. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ: Đảng không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái luật, mọi vi phạm đều đưa ra xử lý theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ, không làm theo kiểu phong kiến, dân thì phải chịu hình phạt, quan thì xử theo lễ. Phải nghiêm trị tất cả kẻ phạm tội bất kỳ ở cương vị nào và phải đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Đảng ta đã xác định "khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" là một trong những đảm bảo cần thiết để nâng cao hiệu quả xét xử của Toà án đồng thời nó cũng là trách nhiệm nặng nề của Toà án. Sự độc lập ở đây không có nghĩa là Thẩm phán và Hội thẩm được xét xử tuỳ tiện mà độc lập trong khuôn khổ pháp luật. Nó đòi hỏi “Thẩm phán và Hội thẩm không một bước xa rời pháp luật, không có bất kỳ một sự lẩn tránh nào đối với pháp luật, không tha thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật 28 nào."[32, tr 48]. Điều này có nghĩa khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm phải tuân thủ, phải dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự là những chuẩn mực, căn cứ để Thẩm phán và Hội thẩm xem xét đối chiếu với sự việc thực tế xảy ra. Trên cơ sở các quy định đó, HĐXX sẽ đưa ra các pháp quyết của mình về hành vi phạm tội của bị cáo một cách chính xác phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án. Như vậy, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập khi xét xử nhưng độc lập trong không khổ và tuân theo pháp luật. Độc lập là điều kiện để HĐXX tuân theo pháp luật. Tuân theo pháp luật là cơ sở không thể thiếu để Thẩm phán và Hội thẩm độc lập khi xét xử. Mối quan hệ này là mối quan hệ ràng buộc [32, tr 49]. Nếu chỉ độc lập mà không tuân theo pháp luật thì dễ dẫn đến tình trạng xét xử độc đoán. 1.2.3.2. Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia Đây là nguyên tắc hiến định và được thể hiện trong điều 15 BLTTHS 2003: "Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của TAQS có Hội thẩm quân nhân tham gia, theo quy định của bộ luật này. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán." Bản chất của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ thu hút sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử tạo điều kiện để hoạt động xét xử được khách quan vô tư, công bằng, chính xác. Kinh nghiệm cuộc sống của Hội thẩm cùng với kiến thức chuyên môn của Thẩm phán kết hợp và bổ sung cho nhau để xác định sự thật khách quan của vụ án đảm bảo cho công tác xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Theo điều 38 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 thì Hội thẩm Toà án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, Hội thẩm TAQS cấp quân khu do Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cử, Hội thẩm TAQS khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử. 29 Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Mọi vấn đề phải được Thẩm phán và Hội thẩm thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Sự ngang quyền này thể hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án từ khâu nghiên cứu hồ sơ đến việc xét xử vụ án tại phiên toà. Thẩm phán và Hội thẩm cùng tiến hành trao đổi bàn bạc những vấn đề cần thiết như kế hoạch xét hỏi, dự tính các tình huống có thể xảy ra tại phiên toà. Sự ngang quyền thể hiện rõ nét nhất tại phiên toà. Hội thẩm cũng có quyền như Thẩm phán trong việc xét hỏi để làm rõ nội dung của vụ án, giải quyết tất cả mọi vấn đề phát sinh như thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng, quyết định hoãn phiên toà, quyết định bản án. Thẩm phán không thể lấy kinh nghiệm xét xử và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình để áp đặt Hội thẩm. Nguyên tắc này có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm. Sự ngang quyền trong xét xử cũng thể hiện tính độc lập giữa bản thân những thành viên của HĐXX. Nếu không có sự độc lập, Hội thẩm rất dễ bị phụ thuộc và chịu ảnh hưởng của Thẩm phán. Do đó, Thẩm phán sẽ có quyền lực tối cao làm cho hoạt động xét xử của Toà án trở nên độc đoán chuyên quyền. 1.2.3.3. Nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số Nguyên tắc này được quy định tại điều 131 Hiến pháp và điều 17 BLTTHS năm 2003. Bản chất của nguyên tắc này là đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ khách quan của việc nghiên cứu, giải quyết vụ án hình sự. Đảm bảo cho các phán quyết của Toà án được khách quan, tránh sự tuỳ tiện trong hoạt động xét xử. Nguyên tắc này có quan hệ mật thiết với nguyên tắc khi xét xử có Hội thẩm tham gia. Theo nguyên tắc này thì dù ở cấp xét xử nào, sơ thẩm hay phúc thẩm thì việc xét xử đều được tiến hành theo hội đồng chứ không phải do cá nhân Thẩm phán. HĐXX sơ thẩm thông thường gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp nghiêm trọng như vụ án liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, vụ án có nhiều bị cáo,.., thì HĐXX có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. 30 Khi xét xử Toà án quyết định theo đa số. Những vấn đề như tội danh và điều khoản của BLHS được áp dụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt, vấn đề bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng vụ án, án phí và quyền kháng cáo bản án, đều được Thẩm phán và Hội thẩm biểu quyết. Về biểu quyết, Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Việc biểu quyết tiến hành bằng giơ tay hoặc phát biểu ý kiến. Các vấn đề đưa ra biểu quyết được quyết định theo đa số. Nếu thành viên nào có ý kiến thiểu số thì được ghi vào biên bản nghị án hoặc người đó có thể trình bầy ý kiến của mình bằng văn bản lưu trong hồ sơ. HĐXX phải ra bản án theo ý kiến của đa số. Cho dù ý kiến đó là của Hội thẩm và Thẩm phán thấy rằng quyết định đó không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này sau khi tuyên án, Thẩm phán phải báo cáo với Chánh án và trao đổi với Viện kiểm sát để quyết định kháng nghị. Nếu Viện kiểm sát không kháng nghị thì Toà án phải báo cáo lên Toà án cấp trên, Viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Như vậy, trong quá trình hoạt động của mình Thẩm phán phải tuân thủ đúng các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự. Những nguyên tắc này là nền móng để từ đó hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán. Do đó, từ việc nghiên cứu nguyên tắc này, chúng ta sẽ có cơ sở để xem xét đến quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong khi thực hiện chức năng xét xử của mình. 1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định địa vị pháp lý của Thẩm phán 1.3.1. Sự ảnh hưởng của phương thức tổ chức quyền lực nhà nước Sự ảnh hưởng của Nhà nước, ý chí giai cấp, pháp luật, đường lối chính sách của Đảng cầm quyền,... đều ảnh hưởng tới quá trình hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán. Quyền lực nhà nước là một thể thống nhất của ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền tư pháp là nhánh quyền lực độc lập với quyền lập pháp, hành pháp và đồng nghĩa với quyền xét xử do Toà án thực hiện. Do đó vị trí, vai trò của Toà án nói chung 31 cũng như của Thẩm phán nói riêng phụ thuộc vào quan điểm tư tưởng chỉ đạo của giai cấp cầm quyền. Ví dụ như ở Mỹ, ba nhánh quyền lực này luôn đối trọng và kìm chế lẫn nhau, sự phân quyền diễn ra mạnh mẽ. Toà án thực sự giữ vai trò kìm chế đối với các nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Toà án có quyền kiểm soát tính hợp hiến của luật. "Ngay kể cả Tổng thống và Quốc hội cũng không được hỏi Toà án tối cao về cách giải thích một đạo luật hay một dự án luật nếu như việc này không nằm trong trường hợp của một vụ kiện cụ thể"[9, tr 62]. Theo cơ chế đối trọng, Tổng thống Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm trước vành móng ngựa của Toà án. Người Mỹ đề cao vai trò của Toà án trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước của mình. “Tiếng nói của Toà án là tiếng nói cuối cùng, sự giải thích của Toà án về Hiến pháp có giá trị hơn quan điểm của Quốc hội và Tổng thống” [9, tr 68]. Chính vì vai trò quan trọng đó của Toà án nên địa vị của Thẩm phán trong pháp luật Mỹ rất được coi trọng. Người ta coi Thẩm phán là một nghề cao quý trong xã hội. "Luật gia được trọng dụng nhất ở Anh là Thẩm phán" [27, tr96). Các Thẩm phán thường được chỉ định trong số các luật sư nổi tiếng. Nói chung các Thẩm phán Toà án tư sản thường được bổ nhiệm với những nhiệm kỳ khá dài, thậm chí có những nước thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời nếu không phạm tội. ở Pháp, Thẩm phán có quyền bất khả bãi miễn.[15, tr 145]. Thẩm phán úc được bổ nhiệm suốt đời, không ai có thể cách chức Thẩm phán trừ khi họ vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp và đạo đức. Việc bãi nhiệm Thẩm phán phải được đưa ra Quốc hội tiểu bang hoặc Liên bang với đa số tán thành thì mới được bãi nhiệm.[15, tr 144]. ở Pháp, Thẩm phán được bảo vệ trước mọi sự đe doạ và tấn công khi làm nhiệm vụ. Nhà nước phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho Thẩm phán nếu có những trường hợp mà pháp luật về bảo vệ không quy định. Thẩm phán không bị điều động sang bất kỳ công việc nào khác trừ trường hợp làm nghĩa vụ quân sự.[15, tr 145]. Đó là những quyền lợi mà Thẩm phán tư sản được hưởng tương ứng với vị trí vai trò của Thẩm phán trong xã hội. 32 Cách thức tổ chức quyền lực nhà nước còn ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán thông qua sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong xét xử. Trong hoạt động xét xử của mình, các Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xét xử được quy định trong luật tố tụng của từng quốc gia. Điều này là nhằm bảo về công lý cho xã hội, tránh sự lợi dụng quyền lực của chính các Thẩm phán và cũng như để cho Thẩm phán tránh được mọi áp lực từ phía các quan chức nhà nước. Mặc dù nhà nước XHCN áp dụng nguyên tắc thống nhất quyền lực nhưng cũng thừa nhận sự độc lập xét xử của toà án. Sự độc lập của Toà án trong nước XHCN có những điểm khác so với sự độc lập trong nhà nước tư sản. Đối với chế độ phân quyền tư sản, Toà án có thể tài phán về hành vi của Quốc hội. Như vậy, Toà án ở một vị thế ngang bằng với Quốc hội thì mới có thể tài phán về hành vi của Quốc hội. ở các nước XHCN, quyền lực nhà nước được cấu trúc theo hình chóp. Đỉnh trên cùng là Quốc hội, Toà án ở vị thế thấp hơn nên không có quyền tài phán về hành vi của Quốc hội. Theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, Quốc hội là cơ quan cao nhất nên không thể có cơ quan nào đứng trên. Tương ứng với sự khác biệt đã phân tích ở trên với hai hệ thống Toà án thì vị trí của Thẩm phán đối với từng hệ thống cũng có sự khác biệt về địa vị pháp lý. Việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án liên bang Mỹ do Tổng thống bổ nhiệm và có sự phê chuẩn của Thượng Nghị viện.[9, tr 74]. Quyền bổ nhiệm Thẩm phán được giao cho cả ngành lập pháp và ngành hành pháp đã tạo ra một sự kiểm soát lẫn nhau trong việc bổ nhiệm Thẩm phán. Nếu như giao phó quyền này cho hành pháp hoặc lập pháp thì các ứng cử viên Thẩm phán thậm chí ngay cả các Thẩm phán sẽ phải lệ thuộc một trong hai ngành này. Kết quả là tư pháp sẽ phải phụ thuộc một trong hai ngành và khi đó sẽ không còn sự độc lập của tư pháp. Trong tác phẩm "Tinh thần của luật pháp", Mongtexkio viết: sẽ không có tự do nếu quyền xét xử không được phân biệt với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền xét xử được sáp nhập vào quyền lập pháp thì sẽ không có tự do. Nếu quyền xét xử được sáp nhập vào quyền hành pháp thì thẩm phán sẽ 33 trở thành những kẻ áp bức.[17, tr84]. Khác với các nước tư sản, Thẩm phán ở các nước XHCN trước đây thực hiện theo chế độ bầu cử, bởi vì nó gắn liền với tổ chức bộ máy nhà nước hoạt động theo cơ chế chủ tịch tập thể ra quyết định dưới hình thức nghị quyết"[28, tr 58]. ở nước ta, chế độ bầu cử Thẩm phán được thực hiện từ 1960 - 1992. Pháp luật quy định Hội đồng nhân dân cấp nào thì bầu ra Thẩm phán Toà án nhân dân ở cấp đó. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật của Việt Nam đã quy định chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán TANDTC và TAQS Trung ương, còn Chánh án TANDTC bổ nhiệm Thẩm phán các cấp còn lại. Như vậy, có thể nhận thấy Thẩm phán là vị trí trung tâm trong hoạt động tư pháp nên không thể tách rời nguyên tắc tổ chức quyền lực của mỗi quốc gia. Theo chúng tôi đây chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán. 1.3.2. Yếu tố truyền thống pháp lý Lịch sử phát triển của đất nước có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành hệ thống pháp luật. Nguồn gốc thuộc địa để lại dấu ấn sâu sắc trong hệ thống pháp luật của các nước đã từng là thuộc địa. Chẳng hạn như hệ thống pháp luật của các nước như Mỹ, Australia chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh. Các nước này không chỉ kế thừa cắc quy phạm pháp luật cụ thể mà còn cả các quan điểm nền tảng của hệ thống pháp luật. Việc nghiên cứu lịch sử pháp luật cho phép tìm hiểu nguồn gốc của hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật ở đây được hiểu theo hai nghĩa: - Thứ nhất: đó là hệ thống pháp luật của quốc gia như hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống pháp luật Mỹ,... - Thứ hai: hệ thống pháp luật được hiểu là tập hợp một số hệ thống pháp luật quốc gia có nhiều điểm tương đồng, theo những tiêu chí nhất định như hệ thống pháp luật Châu âu lục địa, hệ thống pháp luật Anh - Mỹ,…Theo nghĩa này hệ thống pháp luật đôi khi còn được hiểu là truyền thống pháp luật. 34 Hiện nay vẫn có nhiều quan niệm khác nhau về cách phân chia các truyền thống pháp luật. Theo tôi có bốn hệ thống pháp luật cơ bản là: - Hệ thống pháp luật Châu âu lục địa đại diện là hệ thống pháp luật nước Pháp, Đức. - Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, đại diện là hệ thống pháp luật nước Anh, nước Mỹ. - Hệ thống pháp luật tôn giáo, điển hình là hệ thống pháp luật các nước hồi giáo. - Hệ thống pháp luật XHCN, đại diện là hệ thống pháp luật Liên Xô cũ và hệ thống pháp luật của các nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như Việt Nam, Trung Quốc. Không một hệ thống pháp luật của nước nào lại chỉ thuần nhất các dấu hiệu của một truyền thống pháp luật. Những nước đã từng là thuộc địa, đã bị thực dân nước ngoài xâm lược thì hệ thống pháp luật của quốc gia đó có thể áp dụng nhiều truyền thống pháp luật. Tương ứng với mỗi một truyền thống tư pháp thì địa vị pháp lý của Thẩm phán lại có những điểm khác nhau. Trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, do đặc điểm nguồn luật là luật bất thành văn. Các nước theo hệ thống này chấp nhận án lệ là nguồn luật chủ yếu. Nên các Thẩm phán được giao quyền sáng tạo luật thông qua hoạt động xét xử. Đối với hệ thống luật Châu âu lục địa Thẩm phán chỉ xác định sự thật của vụ án và tìm ra căn cứ pháp luật để áp dụng. Trong truyền thống pháp luật XHCN có những đặc trưng riêng. Pháp luật trao quyền cho Toà án tối cao được theo dõi, tổng kết thực tiễn xét xử của các Toà án cấp dưới. Trên cơ sở đó ban hành các Thông tư, Nghị quyết hướng dẫn xét xử. Do đó, Thẩm phán ngoài nhiệm vụ xét xử ở một mức độ nào đó còn thực hiện nhiệm vụ lập pháp. Còn đối với hệ thống luật Hồi giáo, Thẩm phán được quyền độc lập giải thích kinh Koran và Sunna dựa trên sự hiểu biết của mình để áp dụng vào vụ án cụ thể. 35 Sự khác biệt chính của các truyền thống pháp luật lại là lĩnh vực tố tụng hình sự. Như phân tích ở phần trên, trong quá trình hình thành và phát triển cho đến nay các nhà khoa học pháp lý đã phân ra hai mô hình tố tụng gồm: mô hình tố tụng xét hỏi thường được áp dụng trong truyền thống pháp luật Châu âu lục địa, mô hình tố tụng tranh tụng thường áp dụng trong truyền thống pháp luật Anh - Mỹ, ngoài ra còn có mô hình tố tụng hỗn hợp (pha trộn) thường được áp dụng trong hệ thống pháp luật tôn giáo và hệ thống pháp luật XHCN. Còn về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong tố tụng hình sự phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn mô hình tố tụng đối với các quốc gia. Đối với các nước lựa chọn mô hình tố tụng tranh tụng thì quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán được tập trung tại giai đoạn xét xử. Trong phiên toà Thẩm phán không có quyền xét hỏi, không có quyền đưa ra quan điểm của mình mà chỉ là người điều khiển bên buộc tội và bên bào chữa sao cho phiên toà diễn ra theo đúng trình tự luật định. Thẩm phán giữ vai trò thụ động hơn luật sư. Vai trò chính của Thẩm phán trong khi xét xử là đảm bảo sự tuân thủ các thủ tục tố tụng. ở Anh có câu thành ngữ "Thẩm phán nào mở miệng nói thì không còn suy nghĩ được"[27, tr96]. Còn ở Pháp, Thẩm phán đóng vai trò quyết định trong quá trình xét xử. Thẩm phán có trong tay toàn bộ tài liệu về quá trình điều tra, là người đặt ra câu hỏi cho những người tham gia phiên toà. Vị trí của luật sư gỡ tội rất lu mờ. Luật sư chỉ được phát biểu khi Thẩm phán chủ toạ phiên toà cho phép. 1.3.3. Yếu tố văn hoá pháp lý Văn hoá pháp lý là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá nói chung. Văn hoá pháp lý là sự thống nhất của các yếu tố: kiến thức pháp lý, đánh giá và xử sự phù hợp với pháp luật. Là hình thức đặc thù của văn hoá, văn hoá pháp lý liên hệ mật thiết với văn hoá đạo đức, văn hoá chính trị và văn hoá nói chung. “ở các nước phương Tây, tôn trọng pháp luật là một truyền thống. Đối với họ không có khái niệm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật”[9,tr 190]. Bởi vì việc tìm hiểu pháp luật ở phương Tây là quyền của mỗi công dân 36 để nhằm mục đích bảo vệ chính lợi ích của mình tại Toà án. Còn ở Việt Nam lại khác. Người Việt rất trọng tình cảm. Họ cho rằng luật pháp chứa đựng những nguyên tắc cứng nhắc nhiều khi là hà khắc. Do vậy tâm lý của người Việt là sợ pháp luật, "vạn bất đắc dĩ mới phải ra chốn công đường".[9, tr 183]. Hơn nữa, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo về đạo đức. Con người bị ràng buộc bởi rất nhiều nghĩa vụ như nghĩa vụ làm con, nghĩa vụ làm cha, làm chồng. Cái tôi, cái cá nhân không được đề cao. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán trong pháp luật tố tụng hình sự và trong xã hội. Bởi vì ban hành một đạo luật không khó bằng việc đưa đạo luật đó vào cuộc sống. Chúng ta có thể căn cứ vào yếu tố chính trị, vào truyền thống pháp luật để quy định về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Nhưng nếu không tính đến yếu tố văn hoá thì những quy định đó chỉ là lý thuyết, sách vở mà thôi. Bởi vì bản thân Thẩm phán cũng được giáo dục những truyền thống đạo đức chung nhất như mọi người trong xã hội. Do đó, không thể tách biệt hẳn họ ra khỏi đời sống xã hội. Không thể không tính đến những yếu tố văn hoá đạo đức chi phối cách sống, cách làm việc của họ. Các quy tắc xử sự của họ trong xã hội chính là tiền đề trực tiếp cho hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng địa vị pháp lý cho chính bản thân họ. Ngoài các yếu tố trên, để hình thành địa vị của Thẩm phán trong tố tụng hình sự còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới quá trình này. Tuy nhiên theo chúng tôi đây là ba yếu tố cơ bản nhất. Tiểu kết chương 1: Thẩm phán là một chức danh tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Lao động của thẩm phán là lao động trí não, đầy khó khăn, phức tạp đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của xã hội, của công dân. [15, tr16]. Thẩm phán hoạt động trên cơ sở pháp luật và những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. 37 Pháp luật tố tụng bao gồm một tổng thể các quy định về thẩm quyền, chức năng, nghĩa vụ của từng cơ quan tố tụng, các quy định về địa vị, tư cách pháp lý của từng cá nhân, chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Thẩm phán là một trong các chủ thể tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Địa vị pháp lý của Thẩm phán là tổng thể các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ pháp lý của Thẩm phán khi tiến hành các hành vi tố tụng được pháp luật quy định. Việc nghiên cứu đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự giúp chúng ta có cơ sở khoa học để tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Trong mỗi một mô hình tố tụng, vị trí, vai trò, quyền hạn của Thẩm phán khác nhau. Tuy nhiên, qua phân tích trên chúng ta có thể nhận thấy vai trò trung tâm của Thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự. Vị trí trung tâm này còn được thể hiện thông qua mối quan hệ với những người tiến hành tố tụng khác. Để xây dựng địa vị pháp lý của thẩm phán phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, chúng ta phải hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, các yếu tố ảnh hưởng đến địa vị pháp lý của Thẩm phán. Ngoài các yếu tố pháp lý thì yếu tố văn hoá, yếu tố con người cũng ảnh hưởng tới quá trình hình thành quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. 38 Chương 2. Pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam về địa vị pháp lý của thẩm phán và thực tiễn áp dụng 2.1. Các quy định pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự của Việt Nam 2.1.1. Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1980 Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy chế độ thực dân phong kiến bị xoá bỏ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Đó là các Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 và Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 về thành lập các Toà án quân sự; Sắc lệnh ngày 10/10/1945 về tổ chức các đoàn luật sư; Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức các Toà án và ngạch thẩm phán,... Trong các văn bản pháp luật nêu trên, lần đầu tiên ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nước ta, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, của người bào chữa và các chủ thể tham gia tố tụng khác; trình tự và thủ tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Đặc biệt là Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định một cách đầy đủ và tương đối hoàn chỉnh về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự. Các văn bản pháp luật này là một bước ngoặt lớn trong lịch sử lập pháp của nước ta với một nền tư pháp nhân dân của chế độ mới. Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 đã thiết lập hệ thống Toà án gồm: Toà án sơ cấp, Toà án đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Thẩm phán được chia làm hai ngạch: Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp, Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở Toà đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Các Thẩm phán đệ nhị 39 cấp lại chia thành hai loại: Thẩm phán xét xử và Thẩm phán buộc tội. Thẩm phán xét xử có thể được chuyển sang làm Thẩm phán buộc tội và ngược lại. Theo Sắc lệnh này, Thẩm phán có quyền hạn rất lớn trong xét xử. Mặc dù quy định về sự tham gia của Phụ thẩm "khi xét xử ngoài Chánh án chủ toạ phiên toà còn có hai phụ thẩm" nhưng quyền hạn của Phụ thẩm còn hạn chế "ông Chánh án hỏi ý kiến của Phụ thẩm về tội trạng các phạm nhân và về hình phạt rồi tự mình quyết định"(điều 27 sắc lệnh 13).Thẩm phán là người quyết định sau khi hỏi ý kiến của Phụ thẩm. Ngoài ra, Chánh án còn có quyền tuyên phạt đối với hai Phụ thẩm. Trong thời kỳ này, nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và biểu quyết mới chỉ manh nha xuất hiện thông qua phiên toà đại hình. Điều 31 Sắc lệnh quy định:"sau khi nghe các bị can, người làm chứng, cáo trạng của ông biện lý và sau cùng nghe lời bàn cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Thẩm phán và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị án để cùng xét xử về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt, trường hợp tăng tội, giảm tội". Ngoài ra, Sắc lệnh 51/SL ngày 17/4/1946 còn quy định về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán như: "ông Chánh án chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ điều khiển cuộc thẩm vấn và bảo vệ trật tự phiên toà", "ông Chánh án nếu cần có thể mở phiên toà ngoài trụ sở của Toà án, nơi cách xa toà", "mỗi khi tuyên án tử hình, Chánh án bắt buộc phải báo cho tội nhân biết rằng hắn có quyền xin ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không". Những quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong thời kỳ đầu của Nhà nước ta là cơ sở ban đầu cho việc hoàn thiện hoạt động xét xử sau này. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946) đã ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước ta, trong đó bao gồm cả các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đó là các nguyên tắc: các phiên toà đều phải công khai, trừ những trường hợp 40 đặc biệt; trong khi xét xử các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp,. Sắc lệnh 13 và Hiến pháp 1946 đã xác định Toà án là cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, giữ một vị trí độc lập trong tổ chức bộ máy nhà nước. Đến tháng 5 năm 1950, Nhà nước ta thực hiện cuộc cải cách tư pháp đầu tiên. Sắc lệnh 85/SL được ban hành Toà án có sự thay đổi, Phụ thẩm nhân dân đổi thành Hội thẩm nhân dân. Trong xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954, nước ta bước vào một giai đoạn mới cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miềm Nam tiến tới thống nhất đất nước. Những thay đổi cơ bản của đất nước và xã hội đòi hỏi cần phải có các văn bản pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Hiến pháp năm 1959 và các văn bản pháp luật khác của Nhà nước ta nói chung và văn bản pháp luật tố tụng hình sự nói riêng được ban hành trong thời gian này đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội theo hướng dân chủ hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14/7/1960. Theo Luật này thì hệ thống Toà án gồm có: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân địa phương, các TAQS. Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội thành lập các Toà án đặc biệt. Nhiệm vụ của công tác xét xử trong thời kỳ này là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ trật tự xã hội, tài sản công cộng và quyền lợi hợp pháp của nhân dân góp phần đảm bảo sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có văn bản tố tụng nào quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Song qua các văn bản pháp luật đó chúng ta cũng 41 xác định được địa vị của Thẩm phán trong tố tụng. Điều này được thể hiện ở các nguyên tắc tố tụng như: sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Toà án trong đó có Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân. Hội thẩm khi tham gia xét xử ngang quyền với Thẩm phán; Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, Thẩm phán theo chế độ bầu. Đặc biệt thông qua trình tự xét xử hình sự tại Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về hình sự được ban hành kèm theo thông tư 16 - TATC ngày 27/9/1974 của TANDTC, có thể thấy rõ về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong phiên toà. Tại phiên toà sơ thẩm, chủ toạ phải kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có trách nhiệm bồi thường và những người có tài sản, quyền lợi liên quan đến việc phạm pháp; giải thích quyền và nghĩa vụ để những người tham gia tố tụng biết; giới thiệu thành viên HĐXX, đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa, người phiên dịch, thư ký phiên toà; phải đảm bảo phần xét hỏi, tranh luận và giữ gìn trật tự phiên toà. Tại phần xét hỏi, chủ tọa hỏi trước, các Hội thẩm hỏi bổ sung. ở phần nghị án, HĐXX cùng thảo luận và biểu quyết theo đa số. Thẩm phán chủ tọa phiên toà sẽ tuyên đọc bản án. Bằng bản hướng dẫn này, hoạt động của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án hình sự đã được hướng dẫn chi tiết và thống nhất trong phạm vi cả nước. Các quy định này hầu như được giữ nguyên khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Như vậy, vị trí trung tâm trong xét xử của Thẩm phán đã được khẳng định. Thẩm phán là người điều khiển phiên toà với nhiều trọng trách vừa chứng minh tội phạm, vừa quyết định hình phạt, vừa đảm bảo phiên toà diễn ra đúng luật định. Thẩm phán còn phải giúp Hội thẩm nắm được pháp luật, đường lối, chính sách, đồng thời phải tích cực phát huy vai trò của Hội thẩm khi tham gia phiên toà. 42 2.1.2. Thời kỳ từ năm 1980 đến năm 1992 Sau khi thống nhất đất nước, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1980, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981. Tiếp đó, BLTTHS năm 1988 đã cụ thể hoá các quy định về tổ chức và hoạt động của Toà án bằng cách quy định một cách hệ thống các vấn đề cơ bản của tố tụng hình sự, trong đó có hoạt động của Thẩm phán. Một số nguyên tắc của tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật liên quan trực tiếp tới hoạt động của Thẩm phán, đó là nguyên tắc Toà án xét xử công khai, xét xử tập thể và quyết định theo đa số, chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Điều 1 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 quy định "Trong phạm vi chức năng của mình, Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động,..". Như vậy quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong giai đoạn này đã được mở rộng, cụ thể hơn, cao cả và nặng nề hơn.[15, tr84]. BLTTHS năm 1988 quy định cụ thể các quyền và nhiệm vụ của Thẩm phán khi giải quyết một vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tại phiên toà và sau khi xét xử. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán có nhiệm vụ: - Nghiên cứu hồ sơ để xem xét những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, việc định tội danh có đúng hay không. - Giải quyết khiếu nại và yêu cầu của người tham gia tố tụng - Tiến hành những việc khác để mở phiên toà như triệu tập người tham gia phiên toà, trích xuất bị cáo đang bị tạm giam,.. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải ra một trong số các quyết định sau: quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án. Trước đây theo Bản hướng 43 dẫn của TANDTC về trình tự sơ thẩm hình sự (kèm theo Thông tư số 16 TATC ngày 27/9/1974) thì trong những trường hợp cần yêu cầu điều tra bổ sung hoặc cần thay đổi biện pháp ngăn chặn, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ tố tụng thì Toà án phải họp trù bị với Viện kiểm sát rồi mới ra quyết định. Nay BLTTHS năm 1988 không quy định họp trù bị là một thủ tục bắt buộc cho nên đây chỉ là việc phối kết hợp giữa các cơ quan tố tụng. Theo Thông tư liên ngành số 01- TT/LN ngày 08 -12- 1988 của TANDTC và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thì những trường hợp cần trao đổi là: - Khi Toà án thấy cần trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, đổi tội danh nặng hơn hoặc áp dụng khung hình phạt nặng hơn. - Khi Toà án thấy cần đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. - Khi cần nhập hoặc tách vụ án. - Khi cần chuyển vụ án cho Toà án khác giải quyết. - Khi chuẩn bị xét xử vụ án điểm hoặc vụ án phức tạp. - Các trường hợp cần thiết khác. Như vậy so với quy định trước đây, sự độc lập trong việc giải quyết vụ án hình sự đã rõ và cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Về trình tự tố tụng xét xử tại phiên toà không có nhiều thay đổi so với Bản hướng dẫn năm 1974. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của trình tự tố tụng. Việc xét xử phải đảm bảo nguyên tắc công khai, liên tục, trực tiếp và bằng lời nói, có Hội thẩm tham gia, xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Theo khoản 2 điều 181 BLTTHS năm 1988 thì: Chủ toạ hỏi trước rồi đến các Hội thẩm,, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa. Thực tế cho thấy, thời kỳ này, vai trò của Thẩm phán và HĐXX rất quan trọng. Tại phiên toà, Thẩm phán vừa là người làm sáng tỏ nội dung vụ án, vừa là người buộc tội vừa là 44 người gỡ tội. Vai trò của Kiểm sát viên tại phiên toà mờ nhạt. Phần tranh luận được quy định riêng tại chương XX, song việc tranh luận còn nặng về hình thức. Mục đích của việc tranh luận là để cho những người tham gia tranh luận phân tích, đánh giá việc phạm tội một cách toàn diện. Nhưng hiệu quả thực tế của việc tranh luận tại các phiên toà là không cao, chỉ mang tính hình thức. Kết thúc phần tranh luận, HĐXX vào phòng nghị án và ra tuyên án. Tất cá các giai đoạn này điều được quy định cụ thể tại các điều 196, điều 197, điều 198, điều 199 và điều 200 BLTTHS 1988. Với vị trí và vai trò của Toà án trong tố tụng hình sự như đã nêu trên, pháp luật đã giành cho Thẩm phán những quyền năng pháp lý đặc biệt đồng thời cũng là những trách nhiệm nặng nề trước pháp luật. Ngoài ra, pháp luật tố tụng hình sự còn quy định các điều kiện bảo đảm cho Thẩm phán có thể hoàn thành được vai trò và chức năng của mình trong tố tụng hình sự. Đó là các quy định cụ thể trong BLTTHS năm 1988 như: Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 17); Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 18); Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự (Điều 19); Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục (Điều 159); Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì HĐXX có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm (Điều 160);... Các nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Thẩm phán trong tố tụng hình sự được xác định trên cơ sở chức năng của nó. Chúng phải phù hợp với nhau thì Thẩm phán mới thực hiện tốt chức năng xét xử trong tố tụng hình sự. Phân tích các quy định của BLTTHS năm 1988 về nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Toà án trong tố tụng hình sự, có thể thấy rằng ngoài nhiệm vụ xét xử Thẩm phán còn có nhiệm vụ buộc tội. Cho nên giai đoạn này vai trò của Thẩm phán rất lớn. Tuy nhiên, cũng có hạn chế đôi khi Thẩm phán 45 lại làm thay công việc của Kiểm sát viên. Do vậy, mục tiêu vô tư khách quan của Thẩm phán tại phiên toà bị ảnh hưởng vì mất sự cân bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa. 2.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 Sau khi có Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002, BLTTHS năm 2003 được ban hành đã thể hiện rõ tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII và Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII cũng như Nghị quyết 08 mà Bộ Chính trị đã đề ra. Trong đó, địa vị pháp lý của Thẩm phán có những thay đổi nhất định. Trong hoạt động xét xử của Toà án, Thẩm phán là nhân tố cơ bản quan trọng nhất. Thẩm phán là người nhân danh nhà nước để ra phán quyết một người có tội hoặc không có tội. Quyết định của Thẩm phán ảnh hưởng lớn tới địa vị chính trị, tự do cá nhân và quyền con người. Do đó, pháp luật quy định rất cụ thể các quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Qua nghiên cứu, chúng tôi phân quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán ra thành hai loại quyền hạn, nghĩa vụ nói chung và quyền hạn nghĩa vụ cụ thể trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng. Đối với quyền hạn và nghĩa vụ chung của Thẩm phán được quy định tại điều 9, điều 10. điều 11 điều 12 điều 15 điều 16 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân năm 2002 đã quy định cụ thể như sau: - Thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án theo sự phân công của Chánh án Toà án nơi mình công tác hoặc Toà án nơi mình được biệt phái đến làm nhiệm vụ có thời hạn. - Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành những quyết định có liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác theo quy định của pháp luật. - Thẩm phán không được làm những việc sau đây: 46  Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.  Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật.  Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án.  Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được đồng ý của người có thẩm quyền.  Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định. - Thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do pháp luật tố tụng quy định. - Thẩm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. - Thẩm phán phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật. - Thẩm phán phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật. - Thẩm phán trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại, thì Toà án nơi thẩm phán đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Thẩm phán đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Toà án theo quy định của pháp luật. 47 Trên đây là những quyền và nghĩa vụ chung nhất mà pháp luật quy định cho Thẩm phán. Tuy nhiên vai trò vị trí của Thẩm phán được thể hiện rõ nét nhất trong phiên toà. Bởi vì nhiệm vụ chính của Thẩm phán là xét xử. Do vậy, trong phần này chúng tôi chú trọng tới nghiên cứu quyền và nhiệm vụ của Thẩm phán trong xét xử. Tất cả các quyền và nghĩa vụ này của Thẩm phán đều được xây dựng trên cơ sở những quyền nghĩa vụ chung của Thẩm phán nêu trên và được kết hợp với những đặc thù riêng của từng loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Như phân tích ở trên, Việt Nam đã lựa chọn mô hình tố tụng kết hợp giữa xét hỏi và tranh tụng. Xuất phát từ việc lựa chọn mô hình tố tụng như vậy nên quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán Việt Nam được quy định tại BLTTHS năm 2003 cũng kết hợp cả hai đặc thù của mô hình tố tụng xét hỏi và tranh tụng. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử: - Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ vụ án. Hồ sơ vụ án hình sự là toàn bộ các tài liệu văn bản do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo quy định của pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để chứng minh tội phạm. Đây là một đặc thù của tố tụng xét hỏi. Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ là giúp Thẩm phán nắm vững nội dung vụ án để từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng đắn và chính xác. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán cần phải làm rõ các vấn đề sau: vụ án có thuộc thẩm quyền của Toà án không, các thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố có đảm bảo đầy đủ quy định của pháp luật không, có cần thiết áp dụng thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo không, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm chưa, có căn cứ để ra một trong các quyết định theo điều 176 BLTTHS không. - Thẩm phán được quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Đây là một trong những mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án. Thẩm phán cần xem xét có cần thiết áp dụng biện pháp thay đổi huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn không. Việc áp dụng những biện pháp này phải có căn cứ 48 được quy định tại điều 79 BLTTHS. Thẩm phán có quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc bảo lĩnh. - Trong thời hạn quy định tại điều 151 BLTTHS, Thẩm phán phải ra một trong số các quyết định sau: + Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung: trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu Thẩm phán thấy rằng cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà hoặc thấy rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có thêm đồng phạm, hoặc phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thì Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát. Nếu cơ quan điều tra chỉ bổ sung một phần yêu cầu điều tra bổ sung của Toà án mà Thẩm phán xét thấy vẫn còn khả năng điều tra bổ sung tiếp hoặc thấy cần phải điều tra bổ sung thêm những vấn đề khác thì Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2 theo quy định tại khoản 2 điều 121 BLTTHS năm 2003. + Quyết định đình chỉ vụ án được quy định tại điều 180 BLTTHS năm 2003. Khi có những căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 105 và các quy định tại điểm 3,4,5,6 và 7 điều 107 BLTTHS năm 2003 hoặc khi Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án. Riêng đối với trường hợp không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì luật không quy định, vì vậy trên thực tế, những trường hợp này thường có ý kiến bất đồng giữa Viện kiểm sát và Toà án. Do đó, Thẩm phán vẫn phải đưa vụ án ra xét xử để HĐXX giải quyết sau khi đã xét hỏi và nghe tranh luận tại phiên toà. + Quyết định tạm đình chỉ: khi có căn cứ cho rằng bị cáo đang bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; hoặc thấy rằng bị cáo trốn mà không biết họ đang ở đâu thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. + Quyết định đưa vụ án ra xét xử: sau khi nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy có đủ chứng cứ để xét xử mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, 49 tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. - Giai đoạn xét xử: đây là giai đoạn trung tâm nhất thể hiện rõ nét địa vị pháp lý của Thẩm phán. Bởi vì mọi khâu đoạn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đều nhằm phục vụ cho phiên toà. Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì phiên toà xét xử sơ thẩm chia thành các phần sau đây: phần thủ tục, phần xét hỏi, phần tranh luận, bị cáo nói lời sau cùng, nghị án và tuyên án. Trong toàn bộ quá trình diễn biến phiên toà, Thẩm phán vừa là người điều khiển vừa là người giữ vai trò chính trong việc xét hỏi. Khi xét xử, HĐXX sơ thẩm gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp như vụ án lớn có nhiều bị cáo, liên quan đến nhiều địa phương, đơn vị, các bị cáo nhiều tội, thì HĐXX gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Tại phần thủ tục, chủ toạ tiến hành khai mạc phiên toà, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm tra căn cước và phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, giới thiệu HĐXX để những người tham gia tố tụng có thể thực hiện quyền thay đổi người tiến hành tố tụng. Ngoài ra, Thẩm phán còn phải giải quyết các tình huống phát sinh trong phần này như: yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, giải quyết yêu cầu về xem xét vật chứng và hoãn phiên toà khi có căn cứ theo luật định. Tại phần xét hỏi: trong phần này, Thẩm phán vừa là người điều khiển phiên toà vừa là người chứng minh hành vi phạm tội. Thẩm phán chủ toạ có trách nhiệm làm rõ hành vi cấu thành tội phạm, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thẩm tra toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Bởi vì phán quyết cuối cùng của Thẩm phán phải dựa trên kết quả của phần xét hỏi tại phiên toà. Luật không quy định hỏi ai trước, ai sau tuy nhiên pháp luật giao cho Thẩm phán quyền được hỏi đầu tiên. Điều này cũng chứng minh cho ta thấy vai trò vị trí của Thẩm phán tại phiên toà. 50 Tại phần tranh luận: Thẩm phán không có quyền tranh luận với đại diện Viện kiểm sát hay Luật sư mà chỉ giữ quyền điều khiển tranh luận. Phần tranh luận này là để Kiểm sát viên luận tội và để Luật sư bào chữa cho bị cáo. Trách nhiệm của Thẩm phán là lắng nghe ý kiến của hai bên để có điều kiện xem xét đánh giá vụ án một cách toàn diện. Do đó, chủ toạ không có quyền hạn chế thời gian trình bầy của người bào chữa, song theo quy định tại điều 218 BLTTHS năm 2003 thì "Chủ toạ phiên toà có quyền cắt ý kiến không có liên quan đến vụ án". Qua phần tranh luận này, nếu xét thấy có những vấn đề chưa rõ, cần phải xem xét thêm những chứng cứ mới có thể kết luận được thì HĐXX quyết định quay trở về phần xét hỏi. Chủ toạ phiên toà điều khiển xét hỏi để xác định rõ tình tiết của vụ án. Sau khi kết thúc phần tranh luận, chủ toạ phiên toà cho phép bị cáo nói lời sau cùng và HĐXX nghị án sau ra tuyên án. Phân biệt quyền giữa chủ toạ phiên toà với quyền của HĐXX: HĐXX bao gồm có chủ toạ phiên toà và các thành viên khác có thể là Hội thẩm có thể là Thẩm phán. Trong phiên toà, Thẩm phán mặc dù là người điều hành chính, giữ vai trò trung tâm song mọi quyết định trong phiên toà đều là quyết định của HĐXX trong đó Thẩm phán chủ toạ phiên toà chỉ là một thành viên. Do đó, quyền hạn của HĐXX là rất lớn. Tất cả các quyết định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là của Thẩm phán, tại phiên toà HĐXX cũng có thể ra các quyết định đó. Ngoài ra HĐXX còn có quyền khởi tố vụ án, thay đổi người tiến hành tố tụng, quyết định hoãn phiên toà, quyết định nghị án kéo dài. Tất cả các quyết định trong phiên toà đều phải được thảo luận và quyết định theo đa số giữa các thành viên của HĐXX. Như vậy, tại phiên toà quyền hạn của Thẩm phán bị hạn chế phần nào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vị trí then chốt của Thẩm phán khi ra các quyết định của HĐXX tại phiên toà. Dường như hiện nay, sự điều hành phiên toà của Thẩm phán cũng nhiều khi là sự điều hành HĐXX vì như chúng ta biết vai trò của Hội thẩm chưa phát huy được tính tích cực của nó. 51 Ngoài Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án cũng là những người tiến hành tố tụng tại Toà án và cũng có quyền như Thẩm phán trong khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự. Do đó, chúng ta cần phân biệt chức năng quản lý, chức năng thực hành hoạt động xét xử của Chánh án và Phó chánh án Toà án. Điều 38 BLTTHS năm 2003 đã phân nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Toà án thành hai nhóm: nhóm quyền hạn nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng và nhóm quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp tiến hành giải quyết vụ án hình sự. Tóm lại, việc tìm hiểu nghiên cứu các nét chung nhất về địa vị pháp lý của Thẩm phán qua các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước đã cho chúng ta thấy vị trí trung tâm của Thẩm phán trong hoạt động xét xử của Toà án. Vị trí, vai trò của Thẩm phán được thể hiện thông qua địa vị pháp lý của họ. Tuy nhiên, địa vị pháp l‎ý của Thẩm phán không phải và không thể bất di bất dịch. Địa vị pháp lý của Thẩm phán mang những nét đặc trưng riêng và nó được tạo nên bởi chính đặc thù của từng mô hình tố tụng hình sự. 2.2. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2004 quy định về trình tự thủ tục tố tụng hình sự rất chặt chẽ, có nhiều vấn đề mới mà những người tiến hành tố tụng phải nghiên cứu sâu và thực hiện nghiêm túc chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có một số thiếu sót, bất cập. Những thiếu sót, bất cập này một phần do Thẩm phán chưa hiểu đầy đủ, chính xác những quy định mới, phần khác do tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa làm hết sức mình. 2.2.1. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự 2.2.1.1. Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật 52 Đây là nguyên tắc chủ đạo của Toà án không chỉ đối với những vụ án hình sự mà còn đối với những loại án khác. Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải có đội ngũ Thẩm phán có năng lực, có đầy đủ các tiêu chuẩn và có phẩm chất đạo đức chính trị tốt. Trên thực tế, đã có rất nhiều Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc này. Mặc dù trong HĐXX số lượng Hội thẩm luôn chiếm đa số song không phải vì thế mà mất đi tính độc lập của Thẩm phán. Với trình độ môn nghiệp vụ trong mọi tình huống Thẩm phán luôn giữ vai trò chủ động để có thể vận dụng pháp luật bảo vệ ý kiến đúng đắn của mình Tuy nhiên hiện nay, vì những lý do chủ quan và khách quan mà nguyên tắc này chưa được thực hiện một cách triệt để. Qua phỏng vấn sâu 280 cán bộ tư pháp, Kiểm sát viên và qua các cuộc toạ đàm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, có thể thấy đây là vấn đề có nhiều ý kiến nhất. Có 135/280 người được hỏi cho rằng các quy định của pháp luật về độc lập xét xử còn chồng chéo và mâu thuẫn; 173/280 ý kiến cho rằng nguyên tắc này chưa được thực hiện tốt trong thực tế; 36 ý kiến cho rằng Toà án xét xử đã theo đúng nguyên tắc độc lập. Như phân tích tại phần trên, Toà án phải chịu sự lãnh đạo của Đảng thông qua đường lối chính trị và việc tổ chức cán bộ. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán. Chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng hiện nay còn xảy ra tình trạng Cấp uỷ Đảng và Toà án cấp trên trực tiếp chỉ đạo một số vụ án cụ thể. Có trường hợp do tình hình chính trị tại địa phương trong từng giai đoạn nhất định mà Cấp uỷ đòi hỏi việc xét xử hình sự phải theo hướng nghiêm khắc hơn đối với một số loại tội phạm cụ thể. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Và như vậy, sự độc lập của Thẩm phán sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện qua khâu tổ chức cán bộ. Các Thẩm phán bổ nhiệm mới hay tái bổ nhiệm đều phải có ý kiến của Ban thường vụ Cấp uỷ cùng cấp. Thông qua việc quản lý đảng viên và công tác kiểm tra đảng nhiều lúc cán bộ cấp uỷ đã có tác động gián tiếp đến hoạt động 53 xét xử của Thẩm phán. Nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm kể từ khi được bổ nhiệm. Khi tiến hành làm thủ tục tái bổ nhiệm, quy trình là phải có sự tín nhiệm của cơ quan, có nhận xét của Cấp uỷ và Hội đồng nhân dân cùng cấp, có sự nhất trí của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp trên. Điều này cũng đã ràng buộc Thẩm phán vì trong quá trình hoạt động xét xử của mình, Thẩm phán cần tạo dựng những mối quan hệ hợp lý để tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, cá nhân khác. Cũng còn phải thừa nhận một tình trạng chung là việc thỉnh thị án hay chỉ đạo án vẫn còn diễn ra ở mức độ nhất định và đây là biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử. Đây là một lề lối làm việc đã tồn tại từ nhiều năm trước (khi đội ngũ Thẩm phán đa số chưa được đào tạo cơ bản nhưng được tuyển vào làm việc ở ngành Tòa án), nay đã giảm nhiều những vẫn chưa chấm dứt. Điều đó có thể làm cho hoạt động xét xử không đạt được mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, việc giao cho TANDTC quản lý TAND địa phương về mặt tổ chức và việc Chánh án TAND tỉnh được Chánh án TANDTC ủy quyền thực hiện một số hành vi quản lý về tổ chức, cán bộ đối với TAND huyện, nghĩa là giữa Tòa án các cấp không chỉ tồn tại quan hệ tố tụng mà còn cả quan hệ hành chính, điều hành, chấp hành thì nguyên tắc độc lập xét xử càng khó thực hiện hơn. Toà án không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không có sự phối hợp với các cơ quan khác. Sự hỗ trợ này thể hiện khi các cơ quan này có sự hiểu biết về vướng mắc mà các Toà án gặp phải trong quá trình xét xử. Vì vậy, hàng năm Toà án vẫn duy trì công tác rút kinh nghiệm các bản án bị cải sửa huỷ hay thông qua công tác giám đốc án, để có những định hướng xét xử đúng đắn và đảm bảo mặt bằng chung trong phạm vi cả nước. Hay ngay trong nội bộ Toà án, cũng có khi Thẩm phán được phân công xét xử một vụ án cụ thể nào đó gặp phải một số khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Khi đó việc trao đổi với lãnh đạo Toà án với tư cách là người có kinh nghiệm hơn về chuyên môn nghiệp vụ và là người chịu trách nhiệm chung về hoạt động xét 54 xử của Toà án là điều không có gì làm sai trái. Nhưng nếu những ý kiến đóng góp lại quá trực tiếp và cụ thể hoặc là duyệt bản án do Thẩm phán dự kiến thì lại là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử. Việc xác định là vi phạm hay không vi phạm là một ranh giới mong manh. Và điều quan trọng chính là ý thức trách nhiệm của từng Thẩm phán. Thẩm phán phải nhận thức sâu sắc về quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với các cá nhân, cơ quan tổ chức khác. Nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm còn bị ràng buộc bởi mối quan hệ giữa họ với những người tham gia tố tụng khác. Thẩm phán cũng là con người bình thường với bao nhiêu mối quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè. Nhiều khi các mối quan hệ này không thuộc những trường hợp bị thay đổi vì thế khi xét xử xong, Thẩm phán bị những lời chì trích của họ hàng, làng xóm xung quanh, cho dù bản án đó là hoàn toàn đúng luật. Vì vậy, có khi gặp các trường hợp tế nhị này, để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình Thẩm phán thường nương tay quá mức cần thiết để tránh dư luận phản ứng. Hoạt động xét xử của Toà án luôn mang tính chất tập thể. HĐXX ít nhất cũng là 3 người. Thẩm phán và Hội thẩm là thành phần của HĐXX, cùng biểu quyết để đi đến kết luận một người có tội hay không có tội. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết pháp luật của Hội thẩm còn yếu so với nhu cầu đặt ra. Vì hầu hết họ không được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật mà chỉ sau khi được bầu họ mới được tâp huấn một thời gian ngắn. Hơn nữa, do yêu cầu của công việc chuyên môn, không có điều kiện cập nhật kiến thức pháp lý là điều hiển nhiên. Nên việc xét xử đưa ra phán quyết đối với họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống chứ chưa hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật. Và như vậy, trình độ chuyên môn cũng ảnh hưởng phần nào đến tính độc lập xét xử của họ. Chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm chưa thật sự thoả đáng cũng ảnh hưởng đến sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của họ. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử trong đó có yếu tố về pháp luật và về con người. 55 Hiện nay các quy định của pháp luật chưa đầy đủ và cụ thể hoá về nguyên tắc này. Một vài quy định tố tụng lại hạn chế quyền của Toà án, đặt Toà án vào vị trí phụ thuộc các cơ quan tố tụng khác. Như Toà án chỉ được xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử. Theo quy định trên thì trong gian đoạn chuẩn bị xét xử, nếu thấy hành vi của bị cáo phạm tội danh nặng hơn, Thẩm phán phải ra quyết định yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát vẫn không đổi tội danh thì Thẩm phán có thể kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên. Nếu Viện kiểm sát cấp trên vẫn thống nhất ý kiến với Viện kiểm sát cấp dưới thì Toà án không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn. Rõ ràng quy định này đã hạn chế tính độc lập và tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm. Như vậy, có thể nói chúng ta đã quy định tốt về nguyên tắc độc lập xét xử nhưng lại chưa thực hiện tốt nguyên tắc này. 2.2.1.2. Nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và biểu quyết theo đa số và nguyên tắc khi xét xử có Hội thẩm tham gia Nhìn chung trên thực tế, hai nguyên tắc này đã được đảm bảo, hầu như không xảy ra việc vi phạm các quy định của BLTTHS về thành phần xét xử tại các cấp Toà án cũng như vi phạm về chế độ tham gia xét xử của Hội thẩm. Nhưng nhiều trường hợp: thành phần HĐXX trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lại khác với thành phần HĐXX thực tế. Đặc biệt là những phiên toà bị hoãn nhiều lần. Khi bố trí lại lịch xét xử thì Hội thẩm tham gia phiên toà trước bị bận nên phải thay thế bằng Hội thẩm khác. Nhưng trong quyết định lại không có tên Hội thẩm dự khuyết hoặc không có quyết định thay đổi Hội thẩm. Đây là sai sót của Thẩm phán trong khâu chuẩn bị phiên toà nhưng lại là vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng hình sự. Và hậu quả của việc này có thể dẫn đến việc bản án bị cấp trên huỷ. 56 Nguyên tắc xét xử tập thể biểu quyết theo đa số ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm, đặc biệt trong việc nghị án. Về mặt l‎ý thuyết thì thủ tục nghị án được thực hiện như sau: - Chỉ có HĐXX mới có quyền được nghị án. Trong quá trình nghị án không ai được vào phòng nghị án. - Khi bắt đầu nghị án, chủ toạ phiên toà phải phổ biến nội dung nghị án. Đối với mỗi vấn đề Thẩm phán nêu nội dung cần thảo luận để Hội thẩm cho ý kiến trước. Hội thẩm đưa ra ý kiến trước, Thẩm phán mới nêu quan điểm của mình. Sau khi đã thảo luận dân chủ, HĐXX quyết định bằng biểu quyết về tất cả các vấn đề đã thảo luận. Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng đúng các trình tự này chưa được tuân thủ một cách đầy đủ. Qua nghiên cứu biên bản nghị án trong các hồ sơ hình sự đã xét xử, có thể nhận thấy thông thường tại các biên bản này chỉ ghi rất đơn giản và chú trọng tới vấn đề tội danh và hình phạt. Các vấn đề như án phí hay vật chứng thường bị bỏ sót. Hơn nữa điều 222 BLTTHS năm 2003 quy định: "các thành viên HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một,..". Đa số các biên bản nghị án không ghi ý kiến thảo luận của HĐXX mà chỉ ghi "Sau khi thảo luận HĐXX nhất trí", có những vụ án bị cáo không nhận tội nhưng cũng không ghi ý kiến của từng thành viên HĐXX thảo luận về căn cứ buộc tội bị cáo. Có biên bản nghị án không thảo luận về tội danh như bản án số 416/HSST ngày 21/10/2004 của TAND quận Đống Đa, nhiều biên bản nghị án không thảo luận về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như án số 236/HSST ngày 12.7.2004 của TAND quận Đống Đa, án 64/HSST ngày 12.11.2004 của TAND huyện Sóc Sơn. [30, tr 10]. Như vậy, việc tiến hành nghị án được thể hiện qua biên bản nghị án còn nhiều thiếu sót. Cũng có trường hợp nội dung biên bản nghị án khác với quyết định ghi trong bản án. Tất cả những thiếu sót này trong công tác áp dụng pháp luật là những việc mà 57 bản thân mỗi Thẩm phán cũng như các thành viên trong HĐXX nên thay đổi để việc áp dụng pháp luật được chính xác. Một vấn đề nữa trong việc áp dụng nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền với nhau trong xét xử. Trên thực tế, việc ngang quyền chưa thể hiện đúng bản chất của nó. Hiện nay, do trình độ nhận thức pháp luật của Hội thẩm chưa cao, hơn nữa dù thế nào thì trình độ chuyên môn xét xử của Hội thẩm chưa thể tương xứng với trình độ xét xử của Thẩm phán. Đối với một vụ án hình sự, khi nhận được hồ sơ, Thẩm phán có ít nhất là một tháng để nghiên cứu hồ sơ. Sau khi nghiên cứu xong vụ án, nếu đủ điều kiện để xét xử, Thẩm phán chủ toạ phiên toà sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong 15 ngày kể từ ngày ra quyết định Toà án sẽ phải mở phiên toà và đây cũng là thời gian để Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nhiều trường hợp, Hội thẩm không hề đọc hồ sơ, chỉ xem qua cáo trạng là "đủ" để tham gia xét xử hay nếu có thì chỉ nghiên cứu qua loa đọc một vài lời khai trong hồ sơ. Việc nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm, pháp luật chưa quy định là bắt buộc. Nên công việc này phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhiệt tình của các Hội thẩm. Mặt khác, chế độ chịu trách nhiệm trong trường hợp án bị cải, sửa, huỷ đối với hội thẩm là không có. Trách nhiệm xét xử trong những vụ án hình sự vẫn dồn lên vai của Thẩm phán. Tương ứng với trách nhiệm đó là quyền của Thẩm phán. Và tự nhiên, các vị Hội thẩm của chúng ta hiện nay lại trao quyền lực của mình cho Thẩm phán. ý kiến của Thẩm phán thường được các Hội thẩm chấp nhận hoàn toàn. Vì tâm lý của họ cho rằng về nghiệp vụ họ không bằng được Thẩm phán, về thời gian nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ bằng Thẩm phán, nếu có sai sót gì thì Thẩm phán mới là người chịu trách nhiệm còn họ không phải chịu trách nhiệm gì. Do đó, có người nói Hội thẩm là những người "nghị gật". Thẩm phán nói thế nào cũng nghe, không có lập trường chứng kiến riêng của mình. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguyên tắc ngang quyền cũng như nguyên tắc độc lập trong xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Đánh giá về sự đóng góp của Hội thẩm cho hoạt động xét xử: trong số 280 người được hỏi 58 thì 64 ý kiến cho rằng Hội thẩm tham gia có hiệu quả vào xét xử; 142 ý kiến cho rằng họ không đóng góp gì nhiều do hạn chế về kiến thức chuyên môn; 104 ý kiến cho rằng Hội thẩm hầu như không có ý kiến nào độc lập, do vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. [6, tr 173]. Hiện nay, chúng ta đang rất chú trọng tới việc nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho Hội thẩm. Hàng năm tiến hành công tác tập huấn nghiệp vụ hay phát tài liệu để các Hội thẩm nghiên cứu. Song để đảm bảo thực hiện đầy đủ đúng bản chất các nguyên tắc trên của tố tụng hình sự là vấn đề hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được. 2.2.2. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp Theo tinh thần cải cách tư pháp "nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp", các Toà án đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Phán quyết của Thẩm phán đã bảo đảm khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình. Thẩm phán điều khiển phiên toà đảm bảo nâng cao chất lượng tranh tụng dân chủ giữa Kiểm sát viên với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác; từng bước khắc phục việc xét xử oan, đảm bảo thời hạn xét xử theo quy định; tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị sửa, hủy đã giảm theo từng năm; việc kết án oan, sai cũng từng bước được hạn chế. Về hình thức, các phiên tòa được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm tính trang nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Luật sư tham gia vào quá trình xét xử các vụ án (cấp giấy chứng nhận người bào chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án). Về thủ tục bắt đầu phiên toà: HĐXX đã thực hiện đúng và đầy đủ quy định của BLTTHS về trình tự, thủ tục phiên toà bảo đảm sự trang nghiêm; tạo mọi điều kiện thuận lợi đảm bảo để những người tham gia tố tụng thực hiện 59 tốt các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; giải quyết có căn cứ các yêu cầu của những người tham gia phiên toà (như đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; yêu cầu mời Luật sư bào chữa; triệu tập thêm người làm chứng,...). Về kỹ năng xét hỏi và điều khiển quá trình xét hỏi: Các Chủ toạ phiên toà đã tiến hành xét hỏi và điều khiển quá trình xét hỏi bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS. Nội dung xét hỏi, phạm vi và phương pháp xét hỏi đã được các Thẩm phán chuẩn bị chu đáo và có nhiều tiến bộ. Việc xét hỏi đã bám sát quá trình diễn biến tại phiên toà, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh và tạo điều kiện thuận lợi và sự bình đẳng giữa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra các chứng cứ, tài liệu, yêu cầu nhằm bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Về cơ bản tình trạng ép cung, mớm cung và xét hỏi mang tính chất hình thức đã được khắc phục. Kỹ năng điều khiển quá trình tranh luận tại phiên toà: Chủ tọa phiên tòa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến của mình, hướng quá trình tranh tụng của các bên tập trung vào các vấn đề cần giải quyết trong vụ án bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Chủ toạ phiên toà và các thành viên HĐXX đã chú ý theo dõi, ghi chép ý kiến của các bên, phát hiện kịp thời những vấn đề còn có quan điểm khác nhau mà chưa được các bên đối đáp để yêu cầu Kiểm sát viên, Luật sư và những người tham gia tranh tụng khác thể hiện rõ quan điểm của mình. Nghị án và ra các phán quyết về vụ án: Khi nghị án, Chủ toạ phiên toà đã phát huy được tinh thần dân chủ và trách nhiệm của các thành viên HĐXX, bảo đảm nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. 60 Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tiễn xét xử, hoạt động xét xử của Thẩm phán còn một số điểm tồn tại, vướng mắc. Thứ nhất, hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất thế nào là tranh tụng, tranh tụng diễn ra ở giai đoạn nào trong toàn bộ quá trình tố tụng. Từ các quy định của pháp luật tố tụng cho đến hành động thực tiễn của các cơ quan tư pháp đều chưa thể hiện đúng vị trí cần có của mỗi cơ quan, chức danh tư pháp trong quá trình xét xử để đảm bảo tranh tụng. Ví dụ: quy định về trình tự xét hỏi, tranh luận chưa thể hiện yêu cầu Tòa án phải có vai trò khách quan, công bằng và vô tư của một vị “trọng tài” đứng giữa phán xét chứng cứ do các bên tham gia tranh tụng đưa ra cũng chưa yêu cầu Viện kiểm sát phải có nghĩa vụ tham gia tranh luận một cách bình đẳng với tư cách là một bên tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự. Do đó, trên thực tế, nhiều HĐXX, nhất là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn điều hành phiên tòa chủ yếu theo cách thức thẩm vấn, xét hỏi thiên về buộc tội, áp đặt trên cơ sở hồ sơ điều tra, truy tố, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa chưa coi việc tranh luận là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên chỉ tranh luận chiếu lệ thậm chí không tranh luận và theo xu hướng giữ nguyên nội dung cáo trạng “cho an toàn”. Trong một số vụ án do chủ quan trong nghiên cứu hồ sơ và không làm tốt các công tác chuẩn bị khác cho việc xét xử nên một số Chủ tọa phiên tòa bị động, lúng túng trong quá trình điều khiển phiên toà nhất là các vụ án có nhiều Luật sư tham gia. Có trường hợp HĐXX không đảm bảo cho các bên tham gia tranh tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, thậm chí cá biệt “bỏ quên” không cho họ trình bày ý kiến tranh luận. Vì vậy, chất lượng xét xử hạn chế, sức thuyết phục của bản án chưa cao. Theo khảo sát của đề tài KX 04.06 cho thấy 115/280 ý kiến được hỏi cho rằng không tin phán quyết của Tòa án là công minh.[6, 168]. 61 Thứ hai, theo điều 10 BLTTHS năm 2003 quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó bao gồm cả Tòa án cũng là điều phải xem xét lại vì khi đó Tòa án sẽ không đóng vai trò là một cơ quan “trọng tài” phán xử những sự việc liên quan tới vụ án một cách khách quan, vô tư nữa. Rõ ràng khi được giao nhiệm vụ chứng minh tội phạm, tâm lý đương nhiên của người được giao nhiệm vụ là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao- tức là chứng minh tội phạm. Thêm vào đó, việc các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã hoàn thành hồ sơ vụ án theo hướng buộc tội cũng đồng thời là hướng Tòa án phải theo trong khi tiến hành phiên tòa làm cho Tòa án có phần nào thiên về ý kiến của Viện kiểm sát hơn là ý kiến của bên bị cáo. Đó là chưa nói đến một chi tiết đã được đề cập ở trên là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trong tay cả một bộ máy để điều tra, truy tố; trong khi để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, người bào chữa có rất ít quyền điều tra, thu thập chứng cứ cũng như điều kiện thực tế để thực hiện quyền này. Có thể thấy rõ ràng rằng việc hồ sơ truy tố đầy đủ, chi tiết và có sức nặng hơn so với những lập luận và hồ sơ bào chữa của người bào chữa là điều đương nhiên. Và điều này cũng tác động về mặt tâm lý đối với quyết định cuối cùng của HĐXX. Do đó, để thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về tố tụng theo hướng trao nghĩa vụ chứng minh cho các bên tranh tụng chứ không phải cho Tòa án. - Chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện đôi khi còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm các bản án, phán quyết của Tòa án chủ yếu phải dựa vào kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa. Tư duy, tác phong công tác, kỹ năng và trình độ tranh tụng của nhiều Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư còn hạn chế chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Một bộ phận Thẩm phán còn hạn chế về năng lực, chậm đổi mới về nhận thức, tinh thần 62 trách nhiệm chưa cao, thậm chí một số sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Toà án tuy đã có những cố gắng nhất định nhưng tiến hành còn chậm và chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao. 2.2.3. Thẩm phán với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán phụ thuộc vào hai yếu tố: yếu tố con người và yếu tố pháp luật. Mặc dù BLTTHS đã có nhiều sửa đổi và bổ sung nhưng vẫn còn có những quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế do đó gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng. Mặt khác, ý thức áp dụng pháp luật của Thẩm phán còn chưa cao. Vì vậy, công tác xét xử còn có nhiều hạn chế. Trong phần này, chúng tôi không đề cập tới những thành tựu đã đạt được mà chỉ nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian theo quy định của BLTTHS để Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà thực hiện các hành vi tố tụng cũng như các công việc khác để chuẩn bị cho việc mở phiên toà. Trong thời hạn này, Chủ toạ phiên toà phải có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của người tham gia tố tụng, tiến hành những công việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán phải tiến hành những công việc sau: - Nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm tạo điều kiện để Thẩm phán nắm vững nội dung vụ án để từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng đắn và chính xác. - Nghiên cứu để ra một trong các quyết định trong giai đoạn này theo quy định của pháp luật. - Lập kế hoạch xét hỏi cũng như dự kiến các tình huống xảy ra tại phiên toà và hướng xử ly. 63 Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử này thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều sai sót. Việc nghiên cứu hồ sơ của Thẩm phán chưa đầy đủ đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, sau đó phải quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung với những lý do không đúng quy định của pháp luật, không yêu cầu điều tra bổ sung trong trường hợp cần thiết phải điều tra bổ sung, hoãn phiên toà không đúng quy định. Ví dụ như vụ án Nguyễn Tuấn Phong và Trần Nhật Quang bị truy tố về tội "Cố ‎ ý gây thương tích", do TAND quận Long Biên thụ lý. Qua tài liệu hồ sơ nhận thấy Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16/7/2004 nhưng ngày 16/7/2004 lại có quyết định hoãn phiên toà không có lý do. Theo điều 176 BLTTHS đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải mở phiên toà và phải có biên bản phiên toà. Nếu phải hoãn phiên toà vì lý do nào đó thì phải do HĐXX quyết định tại phiên toà theo khoản 2,3 điều 199 BLTTHS thì tuỳ từng trường hợp HĐXX ra quyết định hoặc ghi vào biên bản phiên toà. Hay ví dụ vụ án Lê Quốc Toản và Hoàng Tuấn Việt bị truy tố về tội Cướp tài sản do TAND quận Đống Đa thụ lý. Lần thứ nhất, thụ lý ngày 9.7.2004. Đến ngày 24.7.2004, Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 5.8.2004, tống đạt quyết định cho bị cáo. Nhưng sau đó, ngày 18.8.2004 có quyết định hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu truy tố thêm người phạm tội. Lần thứ hai, thụ lý ngày 23.9.2004, ngày 24.9.2004, Toà án lại có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 12.10.2004, tống đạt quyết định cho bị cáo. Nhưng không có tài liệu nào phản ánh Toà án đã mở phiên toà ngày 12.10.2004 mà đến ngày 18.10.2004 lại có quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát với lý do "bị cáo sử dụng dao uy hiếp tinh thần người bị hại là trường hợp quy định tại điều 133 khoản 2 điểm d" trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để giải quyết theo thẩm quyền. Ví dụ 3: vụ án Nguyễn Công Đạt bị truy tố về tội Trộm cắp tài sản do TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý. Ngày 2.8.2003, Công an quận Hoàn Kiếm đã 64 ra qu‎yết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản và cùng ngày đã ra quyết định phân công điều tra vụ án hình sự cho điều tra viên Nguyễn Văn Thanh thuộc đội cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đảm nhận từ khi khởi tố đến khi kết thúc điều tra vụ án vẫn do điều tra viên được đảm nhiệm. Ngày 22.3.2004, TAND quận Hoàn Kiếm đã mở phiên toà xét xử. Trong phần xét hỏi thấy việc người bị hại yêu cầu được định giá tài sản là có căn cứ. Do đó HĐXX đã hoãn xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung theo yêu cầu của người bị hại. Nhưng những tài liệu điều tra bổ sung lại do điều tra viên Phạm Trung Thành điều tra. Trong khi không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện điều tra viên Phạm Trung Thành được phân công điều tra vụ án. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của điều tra viên được quy định tại điều 35 BLTTHS. Do đó, Thủ trưởng cơ quan điều tra không có quyết định phân công điều tra viên Phạm Trung Thành nhưng lại tham gia điều tra vụ án là không đúng pháp luật. TAND quận Hoàn Kiếm vẫn tiến hành xét xử với nội dung vụ án như trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Qua những ví dụ trên cho thấy những sai lầm thiếu sót như: - Đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng không mở phiên toà là tráI với quy định tại điều 176 khoản 2 điểm 3 BLTTHS "Toà án phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử". - Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo khoản nặng hơn trong cùng một điều luật không thuộc trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo quy định tại điều 196 khoản 2 BLTTHS thì "Toà án có quyền xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật". - Theo quy định tại điều 121 khoản 2 BLTTHS "Toà án chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần", có nghĩa là Toà án được trả hồ sơ cho Viện kiểm sát lần thứ 2 để yêu cầu điều tra bổ sung. Theo kết luận của Chánh án TANDTC tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1993: 65 "Khi trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, Toà án cần nêu đầy đủ những vấn đề cần được điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án không nêu rõ lý do của việc không điều tra bổ sung hoặc nêu không đầy đủ ly do của việc không điều tra một số vấn đề nào đó mà Toà án đã nêu ra, thì Toà án có quyền trả lại hồ sơ một lần nữa để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung". Từ hướng dẫn này cho thấy: Toà án chỉ được trả hồ sơ đến lần thứ hai trong trường hợp những vấn đề nêu trong lần trả hồ sơ lần thứ nhất không được Viện kiểm sát đáp ứng mà không có lý do. Không thể trả hồ sơ mà mỗi lần trả có yêu cầu điều tra bổ sung khác nhau. Do đó, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tránh việc trả hồ sơ không đúng quy định của pháp luật. - Thẩm phán khi nghiên cứu hồ sơ không phát hiện ra những vi phạm trong quá trình điều tra vụ án của cơ quan điều tra dẫn đến vụ án bị huỷ, trách nhiệm chính thuộc về Thẩm phán và rõ ràng từ khi nhận hồ sơ và quá trình nghiên cứu của Thẩm phán vẫn chưa coi trọng phần tố tụng mà chủ yếu tập trung phần nội dung và hướng giải quyết vụ án. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán trong phiên toà hình sự - Phải bảo đảm việc xét xử công khai, trực tiếp, bằng lời nói và việc tranh tụng tại phiên toà. Ví dụ vụ án đối với bị cáo Đỗ Thị Hoan bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, TAND quận Cầu Giấy đã xét xử vào ngày 6.4.2004. Trong biên bản phiên toà phản ánh: Tại phiên tòa chủ toạ phiên toà xét hỏi người tham gia tố tụng vắng mặt qua điện thoại di động. Hành vi tố tụng này của thẩm phán đã vi phạm điều 184 BLTTHS "xét xử trực tiếp bằng lời nói". - Khai mạc phiên toà: khi bắt đầu phiên toà, chủ toạ đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử (điều 201 BLTTHS). Tuy nhiên trong thực tiễn, mỗi lần mở phiên toà Toà án thường xét xử nhiều vụ án. Do đó, nhiều Thẩm phán thường đọc tất cả các quyết định đưa vụ án ra xét xử cùng một lúc là không 66 chính xác. Nếu có nhiều vụ án cùng xử trong một phiên toà, thì khi xét xử xong vụ thứ nhất, Thẩm phán Chủ toạ phiên toà mới được quyền đọc quyết định đưa vụ án thứ hai ra xét xử. Cũng trong phần khai mạc, Chủ toạ phiên toà tiến hành kiểm tra căn cước của bị cáo, những người được triệu tập tới phiên toà và giải thích quyền và nghĩa vụ của họ. Hiện nay, việc kiểm tra căn cước chỉ mang tính chất hình thức. Ví dụ khi kiểm tra căn cước của bị cáo Chủ toạ phiên toà chỉ hỏi rõ họ, tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú, trình độ văn hoá, họ tên cha mẹ, đã có tiền án tiền sự hay chưa,... Công việc này chỉ dừng lại ở việc hỏi và đáp. Ngoài ra không hề có bất kỳ biện pháp đối chiếu, so sánh về căn cước của những người được kiểm tra vì vậy không thể tránh được những sai sót. Ví dụ như đối với vụ án Vừ Thị Mo bị truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma tuý do TAND tỉnh Lai Châu xét xử ngày 02.10.2001. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này thì căn cước l‎ý lịch của bị cáo chưa được xác định đầy đủ chính xác. Theo biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang thì họ và tên của người bị bắt giữ là Và Thị Mỷ, sinh 1976. Tại lệnh tạm giữ, lệnh khám xét nhà ở, đồ vật, biên bản ghi lời khai của người bị tạm giữ đều ghi là Và Thị Mỷ (tên gọi khác là Vừ Thị Mỏ) và ghi các năm sinh là 1971, 1972, 1976. Tại lệnh tạm giam bị can, bản kê khai lý lịch bị can, kết luận điều tra vụ án, cáo trạng đều ghi là Và Thị Mỷ (tên gọi khác là Và Thị Mo) sinh năm 1971. Tại đơn xin tha tội chết, người bị kết án ghi tên là Và Thị Mỷ (tên gọi khác là Và Thị Mo). Tại giấy chứng minh nhân dân thì người phạm tội có tên là Vừ Thị Mo, sinh 1970, tại sổ hộ khẩu gia đình thì bị cáo có tên là Và Thị Mo sinh 1971. Như vậy, bị cáo Vừ Thị Mò, còn có các tên gọi khác là Và Thị Mo, Và Thị Mỷ, Vừ Thị Mò, sinh 1970 (theo chứng minh nhân dân.). Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm số 19/HSPT ngày 15/1/2002 Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội kết án bị cáo với họ và tên là Và Thị Mỷ (tên gọi khác là Và Thị Mo) là chưa đầy đủ, không phù hợp với giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.[33,tr25]. 67 Ngoài ra, việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng. Theo quy định tại điều 201BLTTHS thì Chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước của những người được triệu tập đã có mặt và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà. Tại điểm 1.3 mục III Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn như sau:"Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người được triệu tập đến phiên toà, chủ toạ phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại điều luật tương ứng của BLTTHS. Ví dụ: Đối với bị cáo phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại điều 50 BLTTHS, đồng thời cần công bố thêm quy định tại điều 188 BLTTHS cho họ biết". Tuy nhiên tại các phiên toà, các Thẩm phán Chủ toạ phiên toà thường không thực hiện đúng các quy định này, việc giải thích và phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập hợp lệ đến phiên toà được tiến hành rất sơ lược và không phổ biến đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã được ghi nhận trong các điều luật tương ứng. Ngay trong giáo trình về kỹ năng xét xử các vụ án hình sự để đào tạo nghiệp vụ xét xử cho Thẩm phán tại Học viện tư pháp, cũng đưa ra cách thức khác. Ví dụ khi hướng dẫn về kỹ năng giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, giáo trình có liệt kê bị cáo có 10 quyền trong đó có quyền "sau phiên toà, được đề nghị xem biên bản phiên toà"[12,tr 280, 281] và quyền này không được ghi nhận tại điều 50 BLTTHS. Hay trong giáo trình cũng không hề nhắc nhở tới việc phổ biến điều 188 BLTTHS theo như hướng dẫn trong Nghị quyết. Về nghĩa vụ, điều 50 BLTTHS quy định "Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã". Không hề có quy định bị cáo phải chấp hành nội quy phiên toà như trong giáo trình đào tạo Thẩm phản hướng dẫn khi phổ biến nghĩa vụ cho bị cáo. Đối với những người tham gia tố tụng khác cũng tương tự như vậy. Mặt khác, việc phổ biến quyền và nghĩa vụ này có đòi hỏi phải đúng từng câu từng chữ trong điều luật không 68 hay Thẩm phán được quyền phổ biến tuỳ nghi miễn sao đủ quyền và nghĩa vụ của họ là được. Đây là những vẫn đề mà pháp luật chưa quy định chi tiết dẫn đến việc áp dụng không đồng bộ trong quá trình xét xử các vụ án hình sự. - Khi xét xử Toà án phải đảm bảo sự có mặt của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng tại phiên toà bao gồm: kiểm sát viên. bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định được vắng mặt. Trong trường hợp những người này vắng mặt tuỳ từng trường hợp mà Toà án phải hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử bình thường. Song trong thực tiễn xét xử vẫn còn có những sai sót. Ví dụ vụ án Nguyễn Thị Loan, Trần Thị Vân bị truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma tuý theo điều 194 khoản 1 BLHS. Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng 10h30 ngày 19.5.2004 Nguyễn Minh Tuệ vào quán nước của Vân mua 1 gói heroin với giá 50.000đ. Sau khi nhận tiền, Vân nói với Loan (là người bán hàng hộ Vân) là đưa cho nó một gói. Loan cầm 1 gói nhỏ mầu hồng dưới khay nhựa đựng bánh để trên bàn nước đưa cho Vân. Vân cầm rồi đưa cho Tuệ. Tuệ cầm gói thuốc cho vào túi thì bị bắt. Tại cơ quan điều tra Vân khai chỉ có mình Vân bán heroin, còn Loan không tham gia và không biết việc bán hêroin của Vân. Nguyễn Thị Loan không nhận tội, không nhận việc đưa gói hêroin cho Vân, không biết việc buôn bán heroin của Vân, Loan chỉ nhận là người trông hộ hàng cho Vân. TAND quận Đống Đa đã áp dụng điều 194 khoản 1 xử phạt Trần Thị Vân 26 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy và Nguyễn Thị Loan 24 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Mặc dù tại phiên toà, Trần Thị Vân trước sau đều khai nhận tội và đều khẳng định Loan không tham gia cùng Vân bán hêroin cho Tuệ. Bên cạnh đó, Loan cũng không nhận tội và cho rằng lời khai của nhân chứng Tuệ và nhân chứng Minh là sai sự thật. Trong hồ sơ vụ án, lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn, nhưng tại phiên toà cả hai nhân chứng đều vằng mặt. Qua vụ án trên cho thấy quá trình điều tra Nguyễn Thị Loan không nhận 69 tội như cáo trạng đã truy tố, lời khai của người làm chứng là căn cứ quan trọng để truy tố bị cáo. Nhưng Toà án không triệu tập người làm chứng đến phiên toà, tại phiên toà bị cáo không nhận tội. Phiên toà vẫn tiến hành xét xử và ra bản án kết tội bị cáo là chưa khách quan và thiếu căn cứ. Trong trường hợp này, Toà án phải triệu tập người làm chứng, tại phiên toà người làm chứng vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên toà để triệu tập người làm chứng xét xử vụ án theo thủ tục chung. Không chỉ đảm bảo sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên toà mà Thẩm phán cần xác định đúng tư cách của họ. Bởi vì tư cách tham gia tố tụng gắn liền với quyền và nghĩa vụ của người đó. Ví dụ bản án số 316/HSST ngày 20/8/2004, TAND quận Đống Đa xét xử bị cáo Nguyễn Quang Vinh về tội "Chống người thi hành công vụ". Nội dung vụ án: Vinh lái xe mô tô vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Anh Nguyễn Văn Tam là cảnh sát giao thông yêu cầu Vinh đưa xe về trụ sở công an để xem xét giải quyết, Vinh không chấp hành, đánh lại cảnh sát, giật đứt phù hiệu cảnh sát. Anh Tam không bị thiệt hại về vật chất. Bản án đưa anh Tam tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại là không đúng. Cũng giống như bản án trên, bản án số 70/2005/HSST ngày 16/11/2005 của TAND huyện Gia Lâm đối với bị cáo Nguyễn Thạc Mơ bị truy tố về tội "Cố ‎ ý gây thương tích". Nội dung vụ án: Mơ đã dùng gậy tre đánh chị Tân gây thương tích tỷ lệ 25%. Chị Nguyễn Thị Duyên gây thương tích cho chị Tư với tỷ lệ 9%. Vì vậy, chị Duyên phải bồi thường cho chị Tư là 3.000.000đ. Bị cáo Mơ không gây thương tích cho chị Tư, mà thương tích của chị Tư do chị Duyên gây ra. TAND huyện Gia Lâm xác định chị Tư là người bị hại là không đúng, đáng nhẽ phải xác định chị Tư là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. - Xét hỏi tại phiên toà: Nói chung các Thẩm phán đã thực hiện tốt việc xét hỏi và trình tự xét hỏi. Nhưng phương pháp xét hỏi tại phiên toà là một nghệ thuật. Có trường hợp Thẩm phán hỏi bị cáo trước rồi hỏi người bị hại hay người làm chứng sau hoặc ngược lại cho bị hại trình bầy trước bị cáo 70 trình bầy sau. Cũng có khi Thẩm phán bắt đầu thẩm vấn từ bị cáo đầu vụ với vai trò phạm tội chính, nhưng cũng có khi lại xét hỏi từ những bị cáo đồng phạm trước. Việc áp dụng phương pháp xét hỏi nào phụ thuộc vào hồ sơ vụ án cũng như kinh nghiệm của người Thẩm phán làm sao đảm bảo vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, khách quan và có tính thuyết phục. Tuy nhiên, hiện nay một số phiên toà vẫn còn có những hạn chế do thói quen trước đây của Thẩm phán theo kiểu tố tụng cũ. Thẩm phán do nghiên cứu hồ sơ từ trước do vậy cách hỏi đôi khi còn nghiêng về việc buộc tội theo cáo trạng, chưa làm rõ các tình tiết gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thẩm phán thường lấn sân của Kiểm sát viên. Do vai trò của Kiểm sát viên tại phiên toà chưa cao, nhiều khi Thẩm phán làm thay cả công việc buộc tội của công tố viên. Các câu hỏi của Thẩm phán còn dài dòng, vòng vo làm cho người được xét hỏi khó nắm bắt được vấn đề trọng tâm. Điều đặc biệt cần hạn chế tới mức tối thiểu việc đặt ra những câu hỏi yêu cầu người bị xét hỏi trả lời có hay không. Như "bị cáo có cầm gậy đánh bị hại không?", hay ngày 20/10/2006, bị cáo có đến nhà chị T để trộm không". Trong trường hợp này phải đặt câu hỏi “ngày 20/10/2006, bị cáo đã đi đâu" để bị cáo nhớ lại và trả lời. Như vậy câu trả lời mới đảm bảo tính chính xác. Chủ toạ phiên toà không được khắng định công khai tại phiên toà việc khai báo của những người được xét hỏi là đúng hay sai. Đặc biệt trong trường hợp lời khai của họ tại phiên toà khác với lời khai tại cơ quan điều tra. Việc khẳng định lời khai đúng hay sai, bị cáo có thành khẩn hay không thành khẩn hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của Thẩm phán khi đánh giá chứng cứ trong vụ án. Không phải trong trường hợp nào, Chủ toạ phiên toà hay thành viên trong HĐXX cũng có quyền công bố lời khai tại cơ quan điều tra của họ. Việc công bố lời khai tại phiên toà phải tuân thủ theo đúng quy định tại điều 208 BLTTHS . Trong thực tế khi công bố lời khai tại cơ quan điều tra, các Thẩm phán thường quên không hỏi lý do tại sao lời khai tại phiên toà lại khác lời khai tại cơ quan điều tra. Khi xét hỏi, HĐXX không đôi co với bị cáo trong trường hợp họ phản 71 cung hoặc không nhận tội. Trường hợp này, Thẩm phán Chủ toạ phiên toà phải hướng để đại diện Viện kiểm sát thực hiện việc xét hỏi nhằm bảo vệ cáo trạng. Một hạn chế nữa là hiện nay do thiếu cơ sở vật chất nên trong những vụ án đồng phạm, việc cách ly các bị cáo cũng như các nhân chứng là rất khó thực hiện. Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. - Tranh luận tại phiên toà: tranh luận là một phần quan trọng trong phiên toà. Thực tiễn cho thấy hầu hết các vấn đề của vụ án đều được làm sáng tỏ tại phần xét hỏi, đến phần tranh luận các bên không phát biểu nhiều. Phần lớn các bị cáo đều nhất trí với bản luận tội của Viện kiểm sát. Ngay cả trong những phiên toà có sự tham gia của Luật sư bào chữa thì thường những Luật sư này đều nhất trí với việc truy tố của Viện kiểm sát, Luật sư chỉ xin toà giảm nhẹ cho bị cáo. Bản thân trong nhiều trường hợp những người tham gia tố tụng còn không nhận thức được tranh luận là gì và vai trò của tranh luận là như thế nào. Tất cả phiên toà thường tập trung vào phần xét hỏi. Việc tranh luận hiện nay vẫn diễn ra một cách hình thức để đảm bảo thủ tục tố tụng chứ chưa phải là tranh luận theo đúng nghĩa của nó. Trong phần tranh luận đòi hỏi HĐXX phải thực sự trở thành trọng tài vô tư, lắng nghe ý kiến của các bên để tìm ra sự thật của vụ án. Nhưng thực tế, các bên thường không tranh luận gì, do đó việc tranh luận tại các phiên toà diễn ra rất nhanh và không có gì khác so với phần xét hỏi. - Một số quyết định của HĐXX tại phiên toà + Quyết định chấp nhận thay đổi hoặc không chấp nhận thay đổi những người tiến hành tố tụng. Tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có quyền đề nghị từ chối hoặc đề nghị thay đổi các thành viên trong HĐXX, Kiểm sát viên, thư k‎ý toà án, người giám định, người phiên dịch. Việc thay đổi này sẽ do HĐXX quyết định bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Theo quy định tại khoản 2 72 điều 199 BLTTHS thì quyết định này phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp quyết định chấp nhận đề nghị thay đổi mà không có thành viên khác dự khuyết tham gia phiên toà thì Hội đồng phải ra quyết định hoãn phiên toà. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nếu chấp nhận yêu cầu thay đổi có cần thiết phải ra hai quyết định: quyết định chấp nhận thay đổi và quyết định hoãn phiên toà. Hay chỉ cần ra quyết định hoãn phiên toà và có thông báo về việc thay đổi như hướng dẫn tại Điểm 5 Mục I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của TANDTC hướng dẫn về việc thay đổi Kiểm sát viên tại phiên toà như sau:"Nếu xét thấy việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên là đầy đủ có căn cứ, trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết, thì HĐXX quyết định hoãn phiên toà và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Việc thảo luận và quyết định hoãn phiên toà, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thay đổi Kiểm sát viên phải được lập thành văn bản và công bố tại phiên toà. Văn bản thông báo phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp quyết định việc cử Kiểm sát viên khác thay thế. Trong văn bản thông báo cần ghi rõ là trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của HĐXX, đề nghị Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên khác thay thế". Chính vì quy định này nên nhiều trường hợp HĐXX chỉ ra quyết định hoãn phiên toà và ra văn bản thông báo trong trường hợp thay đổi Kiểm sát viên, còn nếu thay đổi thành viên HĐXX, thì chỉ ra quyết định hoãn phiên toà mà không ra văn bản thông báo gửi đến Chánh án. Cũng có trường hợp thì HĐXX ra cả hai quyết định bằng văn bản lưu trong hồ sơ vụ án. Do đó, việc quyết định của HĐXX không mang tính chất đồng bộ và nhất quán trong việc áp dụng pháp luật. - Quyết định hoãn phiên toà: đây là quyết định thường xuất hiện trong quá trình xét xử vụ án. Căn cứ để hoãn phiên toà đã được quy định cụ thể tại điều 194 BLTTHS. Tuy nhiên trong thực tế, HĐXX thường không áp dụng đúng các lý do hoãn. Ví dụ vụ án Đoàn Văn Thắng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do TAND quận Long Biên thụ lý. Ngày 24.6.2004, Toà án 73 đã mở phiên toà, tại phiên toà, bị cáo xin hoãn một thời gian để thu xếp tiền bồi thường, HĐXX đã hội ý và đồng ý hoãn 30 ngày cho bị cáo chuẩn bị tiền bồi thường. Việc hoãn phiên toà với lý do như vậy là không đúng với quy định của pháp luật. - Quyết định khởi tố vụ án: theo điều 104 khoản 1 BLTTHS quy định "HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mà cần phải điều tra". Như vậy, HĐXX có quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Theo nguyên tắc của luật tố tụng hình sự hiện nay chúng ta chỉ có hai cấp xét xử là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Do vậy Hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm không có quyền khởi tố vụ án. Điều cần lưu ý là HĐXX chỉ có quyền khởi tố vụ án không có quyền khởi tố bị can. Khi phát hiện ra tội phạm mới tại phiên toà, không phải trường hợp nào HĐXX cũng ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với những trường hợp tội phạm mới đó có liên quan trực tiếp tới vụ án đang xét xử thì thông thường HĐXX trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung theo điều 199 BLTTHS năm 2003. Chỉ khi đó là những tội phạm mới không liên quan đến vụ án đang giải quyết thì HĐXX mới ra quyết định khởi tố vụ án. Tội phạm mới tại phiên toà được hiểu là hành vi phạm tội từ trước đến thời điểm xét xử đều chưa bị phát hiện.[12, tr 58]. Đối với những hành vi của bị can mà đã được các cơ quan điều tra, truy tố đình chỉ mà tại phiên toà có dấu hiệu của tội phạm thì HĐXX cũng không được ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 4 điều 107 BLTTHS năm 2003. Trường hợp thứ hai mà HĐXX được khởi tố vụ án tại phiên toà là khi phát hiện người phạm tội mới tại phiên toà. Tuy nhiên, những trường hợp này HĐXX thường ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ví dụ như A, B bị truy tố về hành vi hiếp dâm chị T theo khoản 1 điều 111 BLHS. Tại phiên toà A và B khai ra C cũng có hành vi hiếp dâm chị T. HĐXX tiến hành thẩm tra các tài liệu, chứng cứ thấy có đủ cơ sở chứng minh được hành vi phạm tội của C, nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã bỏ lọt tội phạm, thì HĐXX có thể khởi tố vụ án hiếp 74 dâm đối với C tại phiên toà. Tuy nhiên, vì việc xét xử C có liên quan đến việc xét xử A và B nên trường hợp này HĐXX căn cứ vào khoản 2 điều 199 BLTTHS năm 2003 ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung để Viện kiểm sát làm rõ trách nhiệm hình sự của C. - Về việc ra bản án: Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể mẫu viết bản án hình sự. Quá trình thực hiện, hầu hết các Thẩm phán đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc này. Tuy nhiên qua nghiên cứu các bản án hình sự vẫn còn có những sai sót về hình thức. Điều này đòi hỏi Thẩm phán phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Hiện nay có ý kiến cho rằng do công nghệ thông tin phát triển hơn nữa để tiết kiệm thời gian, nên chăng bản án chính không cần viết tay, mà cácThẩm phán có thể đánh máy. Cũng có quan điểm cho rằng, bản án chính là bản án phải do chính Thẩm phán viết tay, bản án này sẽ lưu trong hồ sơ, còn các bản án đánh máy khác sẽ được lưu hành. Vì việc viết tay sẽ tránh sai sót và đảm bảo tính chính xác cao. Tuy nhiên, quan điểm của tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất. Hiện nay tin học đã được phổ cập, hầu như tất cả cán bộ Toà án đều sử dụng được máy vi tính. Mặt khác, chúng ta đang muốn nâng cao tính dân chủ trong công tác xét xử, công khai hoá các bản án. Việc Thẩm phán viết bản án bằng máy tính sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tăng tính hiệu quả của công việc. Mặt khác, bản án sẽ bổ sung kịp thời được những tình tiết phát sinh tại phiên toà từ đó bản án có tính thuyết phục cao. Còn đối với vấn đề chính xác thì khi ban hành bản án Thẩm phán phải có trách nhiệm rà soát lại bản án. Liên quan đến bản án, hiện nay người cho rằng bản án của Toà án là bản án bỏ túi. Việc xét xử chỉ là hình thức còn phán quyết của Toà án đã có từ trước khi phiên toà được mở. Vì không thể nào trong một thời gian nghị án rất ngắn mà chủ toạ có thể viết được cả một bản án như vậy. Thực tiễn xét xử cho thấy thông thường các Thẩm phán hay viết trước phần đầu cũng như phần nội dung vụ án, riêng phần nhận định và phần quyết định phải phụ thuộc vào quá trình tranh tụng tại phiên toà. Do đó, phần 75 này các Thẩm phán sẽ phải viết trong quá trình xét xử vụ án. Vì vậy, quá trình ban hành bản án của Thẩm phán không hề vi phạm các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Tiểu kết chương 2: Ngay sau khi giành được độc lập, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta là xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, với nền tư pháp dân chủ. Bằng việc ban hành hàng loạt Sắc lệnh như Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946,… thì địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự đã được hình thành và tạo cơ sở pháp lý để Toà án hoạt động có hiệu quả. Kháng chiến chống thực dân Pháp thành công đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của nền tư pháp nước ta. Trên cơ sở của Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960. Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như: nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, khi xét xử có Hội thẩm tham gia, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán,… đã được thừa nhận. Vị trí trung tâm của Thẩm phán trong xét xử được khẳng định. Sau khi thống nhất đất nước, trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã cụ thể hoá các quy định về tổ chức và hoạt động của Toà án. Địa vị pháp lý của Thẩm phán được quy định trong Bộ luật một cách chặt chẽ, thể hiện được một nền tố tụng dân chủ, khách quan và tiến bộ. Sau 15 năm tồn tại, Bộ luật được pháp điển hoá lần thứ hai, về cơ bản vai trò, vị trí của Thẩm phán trong tố tụng hình sự không có thay đổi lớn. Thẩm phán luôn được xác định có vai trò trung tâm trong tố tụng hình sự, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở pháp luật thực định, chương 2 còn nghiên cứu về thực trạng việc áp dụng các quy định pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán. Bên cạnh những kết quả đạt được, 76 hoạt động của Thẩm phán trong quá trình tiến hành tố tụng còn tồn tại nhiều bất cập và chưa đồng nhất với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Từ đó địa vị pháp lý của Thẩm phán cần có những thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả trong công tác xét xử của Toà án. 77 Chương 3. Những yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra đối với việc hoàn thiện địa vị pháp lý của thẩm phán và một số kiến nghị 3.1. Quan niệm và nội dung cải cách tư pháp Cải cách là một quá trình đổi mới có mục tiêu rõ ràng, có chương trình, yêu cầu cụ thể phải hoàn thành trong một thời gian nhất định với những biện pháp và lộ trình xác định để giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển xã hội phù hợp với quy luật của cuộc sống. Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đây là quá trình đổi mới toàn diện hệ thống tư pháp với trung tâm là hoạt động xét xử nhằm mục tiêu làm cho tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ngày càng thể hiện đầy đủ, đúng đắn bản chất dân chủ, của dân, do dân, vì dân của quyền tư pháp, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường.(6, tr 273). Như vậy, cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay cần phải xuất phát từ chính nhu cầu và cũng là mục tiêu của hệ thống tư pháp là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc cải cách tư pháp phải nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau : Thứ nhất, đây phải là nền tư pháp dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Đó là nền tư pháp của những Thẩm phán lăn lộn với dân, hiểu dân chứ không phải là những quan tòa xa vời, tạo ra sự cách biệt với dân. Hệ thống tư pháp phải giản tiện, dễ tiếp cận, đúng pháp luật, nhanh chóng và hiệu quả. Thứ hai, nền tư pháp đó phải là nền tư pháp công khai, nghiêm minh, công bằng, nhân đạo, trách nhiệm trước nhân dân. Tư pháp là biểu hiện của công lý, lẽ phải. Do đó cần cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng, nâng cao chất lượng tranh tụng công khai, dân chủ công bằng tại các phiên tòa, đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước cơ quan tư pháp mà tập trung nhất là tại phiên tòa xét xử công khai. Mọi thiệt hại do các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện trong hoạt động tư pháp gây ra đều phải bồi thường theo pháp luật. 78 Thứ ba, yêu cầu đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan của các cơ quan tư pháp và những người tiến hành hoạt động tư pháp. Giới hạn duy nhất đối với tính độc lập là sự ràng buộc phải tuân thủ pháp luật trong khi thực hiện hoạt động tư pháp. Vì vậy, yêu cầu về tính độc lập, khách quan cần được cụ thể hóa thành các quy định pháp luật, đặc biệt là quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chức danh tư pháp. Những yêu cầu cải cách cơ bản mang tính mục tiêu trên đây là phù hợp với xu hướng phát triển của nhà nước ta trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước và pháp luật trong đó có nhấn mạnh đến nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp như Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 2/1/2/2002 của Bộ Chính trị về "một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", đặc biệt là Nghị quyết số 49 - NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp. Theo đó, cải cách hệ thống cơ quan tư pháp từ tổ chức đến cơ chế hoạt động, năng lực cán bộ đã được quán triệt và là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Để đảm bảo cho cải cách tư pháp thành công, cần phải quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây: - Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và giữ vững bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp. tư pháp. - Cải cách tư pháp xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, của việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc sự phát triển dân chủ, gắn với đổi mới công tác lập pháp, cải cách hành chính. - Cải cách tư pháp phải xuất phát từ truyền thống pháp lý, kế thừa những thành tựu trong nước, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài. 79 Công cuộc cải cách tư pháp không chỉ tính đến tình hình xã hội hiện tại, mà còn phải tính trước xu thế phát triển của xã hội trong tương lai. - Cải cách tư pháp được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, nhưng có trọng tâm. Nghiên cứu về lịch sử phát triển các cơ quan tư pháp Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy mỗi giai đoạn phát triển của Nhà nước đều gắn với các cuộc cải cách. Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nền tư pháp dân chủ nhân dân được thiết lập sau khi xóa bỏ bộ máy tư pháp thực dân phong kiến. Thời kỳ này quan niệm về hệ thống tư pháp chỉ bao gồm Toà án. Nhiệm vụ của hệ thống Toà án là thực hiện quyền tư pháp nhằm góp phần giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Tuy nhiên, các Toà án vừa giữ quyền công tố, chỉ đạo điều tra và xét xử. Một số địa phương không có Toà án thì Uỷ ban kháng chiến kiêm luôn cả chức năng xét xử của Toà án. Các TAQS, Toà án binh và Toà án đặc biệt có thẩm quyền xét xử sơ chung thẩm nên ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của bị cáo. Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên đội ngũ Thẩm phán phần nhiều là các cán bộ từ các ngành khác chuyển sang nên trình độ kiến thức về pháp luật còn bị hạn chế. Trong bối cảnh ban hành Hiến pháp mới Hiến pháp năm 1959 đã diễn ra cuộc cải cách tư pháp vào đầu những năm 1960. Hệ thống các cơ quan tư pháp được xây dựng theo mô hình của Liên Xô (cũ). Toà án, Viện công tố được tách ra thành hai cơ quan riêng trực thuộc Quốc hội. Toà án có vị trí độc lập với cơ quan hành pháp. Viện công tố tách khỏi Toà án và Chính phủ trở thành Viện kiểm sát nhân dân với hai chức năng: công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Với sự đổi mới này hệ thống cơ quan tư pháp đã góp phần thực hiện mục tiêu chính trị thời kỳ đó là bảo vệ chế độ XHCN. Hệ thống Tòa án được tổ chức theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ bao gồm các TAND (TANDTC, TAND cấp tỉnh và cấp huyện) và các TAQS, Tòa án đặc biệt). TAND thực hiện chế độ hai 80 cấp xét xử. Thẩm phán Tòa án các cấp do cơ quan đại biểu nhân dân cùng cấp bầu và bãi miễn. Công tác quản lý về mặt tổ chức của các Tòa án : trước 1981, TANDTC hướng dẫn về tổ chức, phân bổ biên chế của các TAND địa phương, sau 1981 nhiệm vụ này chuyển giao sang Bộ Tư pháp; chính quyền địa phương đảm bảo điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất cho các Tòa án. Năm 1986 đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng bắt đầu thời kỳ đổi mới đất nước phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Chính từ việc đổi mới kinh tế đã làm tiền đề cho cả một quá trình đổi mới toàn diện mọi mặt của xã hội. Do đó, hệ thống tư pháp cũng không thể nằm ngoài quá trình cải cách đó. Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (01/1994) đã đưa ra luận điểm quan trọng là việc cải cách hệ thống tư pháp không chỉ dừng lại ở từng cơ quan tư pháp riêng lẻ, cụ thể là: - Phân định thẩm quyền giữa các cơ quan tư pháp trên cơ sở tổng kết các mô hình tổ chức của từng cơ quan và tính hiệu quả chung của cả hệ thống tư pháp. - Từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo kịp đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ với yêu cầu và nội dung đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là đổi mới của cả bộ máy nhà nước. - Bảo đảm cơ quan tư pháp phát hiện kịp thời xử l‎ý nghiêm minh, đúng pháp luật mọi hành vi phạm pháp, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, chống tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về hiểu thế nào là cơ quan tư pháp. Nếu hiểu quyền tư pháp là quyền xét xử thì chỉ có Toà án là cơ quan tư pháp. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung thì nội dung cải cách tư pháp chỉ bao gồm nội dung cải cách tổ chức và hoạt động của Toà án. Như trên chúng ta đã phân tích theo Hiến pháp 1946 thì thuật ngữ cơ quan tư pháp được dùng để chỉ Toà án. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào xác định rõ cơ quan tư pháp bao gồm những cơ quan nào. Tuy nhiên, quyền 81 lực nhà nước ta là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó, có nhiều quan điểm cho rằng quyền tư pháp được hiểu theo nghĩa là hoạt động xét xử của Toà án và những hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của Toà án. Hiện nay quan điểm này được nhiều người ủng hộ. Và theo Nghị quyết số 08-NQ/TW thì các cơ quan tư pháp được đề cập đến bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, TAND, Cơ quan thi hành án, các cơ quan hỗ trợ tư pháp như: luật sư, công chứng, giám định, tư vấn pháp luật. Trong đó, TAND, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra là các cơ quan quan trọng nhất. Cải cách tư pháp trong mối quan hệ với phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay cần phải được thực hiện đồng bộ tại các cơ quan tư pháp và trung tâm là hệ thống Toà án. " Cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc". (2,tr5) Theo Nghị quyết 49-NQ/ TW mục tiêu cải cách tư pháp là "xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công l‎ý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân,.., hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao". Cải cách tư pháp đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là nhằm mục đích phát hiện chính xác sự thật khách quan của vụ án để phục vụ cho công tác xét xử của Toà án. Cải cách tư pháp đối với Toà án chính là cải cách hoạt động xét xử để đem lại hiệu quả cao. Hiệu quả của công tác xét xử phụ thuộc vào các yếu tố sau: - Yếu tố con người: đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả và chất lượng xét xử. Để đánh giá chất lượng xét xử của một Toà án cụ thể ta phải căn cứ vào số lượng các bản án bị Toà án cấp trên cải, sửa, huỷ. Mà bản án là sản phẩm của HĐXX sau khi đã nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên toà. 82 Thẩm phán, Hội thẩm là những người trực tiếp xét xử các vụ án. là những người được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, bảo vệ công lý. Bản án đúng hay sai, hợp tình hợp lý hay không phụ thuộc vào năng lực của HĐXX với vai trò chính của Thẩm phán. Năng lực của Thẩm phán quyết định chất lượng xét xử. Do đó, cải cách hoạt động xét xử của Toà án không thể tách rời với việc cải cách quy chế hoạt động của Thẩm phán. - Yếu tố pháp luật: để Thẩm phán nói riêng và HĐXX nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử của mình đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất. Về luật nội dung các quy định rõ ràng cụ thể, đồng bộ và đặc biệt là phải phù hợp với thực tế để khi xét xử, Toà án vận dụng không phải băn khoăn về sự lạc hậu của các quy định pháp luật. Về luật tố tụng quy định rõ chức năng quyền hạn nhiệm vụ của từng chức danh tư pháp để từ đó Thẩm phán và những người tham gia tố tụng áp dụng chính xác. Pháp luật về tố tụng có tác động rất lớn đến chất lượng xét xử. Các quy định của luật tố tụng về địa vị pháp lý của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng cần được xác định rõ, thời hạn tố tụng phải hợp lý. Các chế tài tố tụng cũng phải bảo đảm đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, sự phân công công việc trong Toà án cũng có ý nghĩa rất quan trọng (ví dụ: tỷ lệ giữa Thẩm phán và Thư ký, các phương tiện kỹ thuật đảm bảo cho phiên toà,...) - Mối quan hệ giữa Toà án với các cơ quan tư pháp khác: Hiện nay mô hình tố tụng của Việt Nam vẫn theo mô hình kết hợp tranh tụng với xét hỏi. HĐXX phần lớn vẫn dựa vào những tài liệu do cơ quan điều tra thu thập. Do đó, hiệu quả xét xử của Toà án phụ thuộc rất nhiều vào kết quả xây dựng hồ sơ của Cơ quan điều tra. Nếu hồ sơ của cơ quan điều tra không tốt không đầy đủ thì công tác xét xử gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng điều tra, chức năng công tố tốt sẽ nâng cao chất lượng xét xử của Toà án. 3.2. Xác định vị trí trung tâm của Toà án trong hệ thống tư pháp 83 Là cơ quan trong hệ thống cơ quan tư pháp, Toà án có những đặc thù khác so với các cơ quan khác trong hệ thống này. - Toà án khác với cơ quan lập pháp và hành pháp ở chỗ không hoạch định chính sách kinh tế - xã hội mà có chức năng giải quyết các vấn đề rất cụ thể, những sự kiện cụ thể trong đời sống xã hội. Vì vậy, cách thức tổ chức và hoạt động của Tòa án khác với cơ quan lập pháp và hành pháp. Toà án thực hiện việc áp dụng pháp luật, đưa việc thực hiện quyền lực tư pháp vào cuộc sống. Bởi vì thông qua quyền lực tư pháp mà pháp luật tác động đến những quan hệ xã hội. Những người làm công tác xét xử phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý rất cao, đủ khả năng để giải quyết các vấn đề phức tạp như xác định tội phạm và người phạm tội, áp dụng hình phạt, phán quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức. - Lao động xét xử là lao động sáng tạo trong áp dụng pháp luật, đòi hỏi tư duy ở trình độ cao của người Thẩm phán. Họ phải tiếp cận với một hệ thống đồ sộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kể cả pháp luật của các quốc gia khác khi có liên quan và cả pháp luật quốc tế. - Lao động xét xử luôn luôn bị giới hạn bởi những quy định khắt khe của pháp luật tố tụng về chứng cứ, về thời hạn, về độ chính xác của bản án, quyết định. - Việc xét xử phải tuân theo những nguyên tắc Hiến định cũng như nguyên tắc tố tụng. Các Toà án về nguyên lý không tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất mà tổ chức thành từng cấp, độc lập với nhau khi xét xử. Trong số các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Toà án thì nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật chiếm vị trí đặc biệt và là nguyên tắc rất đặc trưng. Hệ thống tư pháp ở Việt Nam không chỉ có Toà án mà còn bao gồm các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thi hành án và các cơ quan tổ chức bổ trợ tư pháp. Trong đó, Toà án có vị trí trung tâm trọng hoạt động tư pháp và xét xử là hoạt động trọng tâm. 84 - Trong quá trình xét xử, Toà án cần phải sử dụng toàn bộ kết quả của các giai đoạn tố tụng trước. Nói cách khác, hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều nhằm mục đích cuối cùng phục vụ cho công tác xét xử của Toà án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nếu kết quả các giai đoạn tố tụng trước không tốt sẽ ảnh hưởng tới phán quyết của Thẩm phán. - Toà án là cơ quan duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước ra phán quyết về một vụ án cụ thể. Đây không phải là phán quyết của một cá nhân nào đó cũng không phải là phán quyết của bản thân Toà án mà là phán quyết thể hiện trực tiếp thái độ của Nhà nước đối với các vụ án cụ thể. Thái độ ấy chỉ căn cứ vào pháp luật, áp dụng phù hợp với từng vụ án cụ thể để xác định trách nhiệm pháp lý đưa ra chế tài thích hợp cho từng trường hợp. Như vậy hoạt động xét xử phản ánh trực tiếp và sâu sắc bản chất của Nhà nước. Vì thế đòi hỏi xét xử phải chính xác, công minh trong việc vận dụng và áp dụng pháp luật, thể hiện ‎ý chí nguyện vọng của nhân dân. Các bản án, quyết định xét xử của Toà án là nhân danh Nhà nước, thể hiện hiệu lực của Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải gánh chịu trách nhiệm về sự không chính xác hoặc sai lầm của những bản án hay quyết định đó gây ra. - Hoạt động xét xử của Toà án là nhằm đưa ra phán quyết cuối cùng dứt khoát đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực quan trọng nhất như tự do, danh dự, tài sản, nhân thân và cả tính mạng của con người. Có thể nói sau bản án và quyết định có hiệu lực của Toà án không còn một hình thức pháp lý nào để người dân thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì thế, bản án là kết quả của hoạt động xét xử không được để lại sự nghi ngờ nào cho cá nhân và xã hội về việc thiếu công bằng của pháp luật. - Xét xử có vai trò rất lớn trong việc giáo dục công dân. Bằng việc xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng pháp luật chẳng những có tác dụng trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm. Quá trình xét xử đồng thời cũng là quá trình giáo dục. Hoạt động 85 xét xử là hoạt động bảo vệ pháp luật, chủ yếu làm sáng tỏ hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, vai trò của Toà án lại càng được khẳng định. Vì Toà án chính là cơ quan thực thi quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước và việc thực thi quyền này lại ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu và các giá trị của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Toà án là nơi thể hiện nền công lý của chế độ, đồng thời thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của cả hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, cải cách Toà án còn được coi là khâu đột phá trong cải cách tư pháp ở giai đoạn hiện nay. 3.3. Yêu cầu cơ bản đối với cải cách Toà án và Thẩm phán Mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý phục vụ nhân dân. Đó là những yêu cầu mà Nghị quyết 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra cho hệ thống tư pháp. Với vai trò trung tâm của hệ thống tư pháp, công cuộc cải cách đòi hỏi toàn ngành Toà án phải đáp ứng những yêu cầu sau: -Yêu cầu bảo đảm tính độc lập của Tòa án và của Thẩm phán trong hoạt động tố tụng. Nguyên tắc độc lập xét xử là một giá trị phổ biến khi nói về một nền tư pháp công bằng, là một trong những đặc thù của việc thực hiện quyền tư pháp và là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Toà án trong Nhà nước pháp quyền. Các Mác từng nói “ Đối với Thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp… Thẩm phán xem xét hành động của tôi trên cơ sở một đạo luật nhất định”.(6, tr32). Nhìn lại lịch sử, có thể thấy ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nguyên tắc độc lập xét xử đã được khẳng định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1946 quy định: “Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. 86 Trong các Hiến pháp tiếp theo được ban hành vào các năm 1959, 1980, 1992 và trong các Luật tổ chức Toà án nhân dân được ban hành vào các năm 1960, 1981, 1992 và 2002, nguyên tắc này luôn được khẳng định. Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta đã chính thức được thể chế hoá tại Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nhà nước pháp quyền XHCNđòi hỏi ở Toà án các yếu tố, chuẩn mực như sự công minh, công bằng, dân chủ, hiệu quả, trong đó thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử là cơ sở nền tảng thực hiện các đòi hỏi này. Độc lập xét xử được xem như một điều kiện đảm bảo sự vận hành bình thường của Toà án, cho một trình tự tư pháp công bằng trong Nhà nước pháp quyền XHCN. - Yêu cầu bảo đảm quyền cơ bản của công dân trong hoạt động tư pháp: Những quyền cơ bản của con người là những quyền Hiến định. Do vậy, trong công tác xét xử cần phải thực hiện đầy đủ các quyền của công dân như quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự nhân phẩm, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự. - Yêu cầu bảo đảm sự giám sát của nhân dân trong hoạt động xét xử: Đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử là một đặc điểm của nền tư pháp dân chủ. Đây là yêu cầu quan trọng trong việc cải cách ngành Toà án. Dù nội dung cải cách như thế nào nhưng mục tiêu trên hết là Toà án phải gần dân, gắn bó và vì dân. Duy trì nguyên tắc xét xử tập thể và có sự tham gia của Hội thẩm. - Yêu cầu hoạt động xét xử phải công khai, nghiêm minh và công bằng: Toà án là nơi thể hiện công lý tạo cho công dân niềm tin vào sự công bằng đúng đắn của pháp luật, nâng cao chất lượng tranh tụng công khai, dân chủ, tại các phiên toà. Phân biệt rõ ba chức năng gỡ tội, buộc tội và xét xử. Điều khiển phần tranh tụng là do Thẩm phán và HđXX thực hiện tại phiên toà. 87 - Yêu cầu cải cách phải mang tính đồng bộ: Mặc dù chúng ta thừa nhận vị trí trung tâm của Toà án trong hệ thống tư pháp. Nhưng ta cũng phải thấy rằng mỗi cơ quan trong hệ thống tư pháp đều giữ vai trò chủ chốt ở khâu đoạn của mình. Trong tố tụng hình sự, giai đoạn trước là tiền đề cho giai đoạn sau và giai đoạn sau vừa tiếp nhận kết quả vừa giám sát hoạt động của giai đoạn trước. Không có quá trình điều tra, truy tố thì không có phiên toà xét xử bị cáo. Theo trình tự tố tụng hình sự thì Toà án là cơ quan giám sát cuối cùng và toàn bộ hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp đều được thẩm tra tại phiên toà. Chính vì mối quan hệ khăng khít biện chứng giữa các cơ quan tư pháp trong hệ thống tư pháp nên việc cải cách không thể tách rời từng cơ quan riêng lẻ, hay từng bộ phận. Mỗi một cơ quan có chức năng và cách thức tổ chức hoạt động khác nhau nên mục tiêu phương hướng cải cách tư pháp cũng không giống nhau. Song gộp chung tất cả những cải cách đó lại đều để đáp ứng một mục tiêu cuối cùng là làm sao để công tác xét xử của Toà án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao. Trên đây là những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống tư pháp nói chung và hệ thống Toà án nói riêng. Đối với Toà án - Vể cách thức tổ chức: đối với hệ thống Toà án, Nghị quyết số 49NQ/TW đề ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án theo hướng "Tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gồm: Toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, Toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án, Toà án thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập Toà chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp Toà án, từng khu vực." 88 Theo phương hướng xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án các cấp nêu trên thì tổ chức hệ thống Toà án ở nước ta sẽ có mô hình khác hẳn với hệ thống Toà án hiện hành. Việc xây dựng hệ thống Toà án với mô hình mới không đơn giản là việc thay đổi tên gọi các TAND quận, huyện thành Toà án sơ thẩm khu vực, các Toà án cấp tỉnh thành Toà án phúc thẩm, các Toà phúc thẩm TANDTC thành Toà án thượng thẩm. Mà việc cải cách này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đặt ra một cách toàn diện như: thẩm quyền, mô hình tổ chức, bộ máy, quy chế biên chế, cán bộ, cơ sở vật chất trên cơ sở đó sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Toà án. Việc thành lập Toà án khu vực phải đảm bảo đầy đủ yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra cho ngành Toà án và phải đảm bảo tính đồng bộ với cải cách tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra, Cơ quan công tố và Thi hành án. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì Toà án sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện. Như vậy không phải đơn vị hành chính nào cũng có một Toà án sơ thẩm khu vực. Về nguyên tắc thì việc xác định thành lập bao nhiêu Toà án sơ thẩm khu vực sẽ phụ thuộc vào yêu cầu giải quyết các loại án. Việc thành lập Toà khu vực đối với các quận, huyện đồng bằng thì đơn giản. Hiện nay chỉ còn vướng mắc là tại các vùng miền núi diện tích đất rộng số lượng dân cư thấp, số lượng các vụ án không nhiều do đó địa bàn hoạt động của Toà khu vực sẽ là quá rộng, trong đó điều kiện phương tiện giao thông lại hạn chế. Chính điều này làm Toà án khu vực trở nên xa dân và như vậy không đảm bảo được mục tiêu cải cách đã đề ra. Như vậy, có thể nhận thấy số lượng các vụ án không phải là tiêu chí duy nhất để thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, mà còn cần phải kết hợp với các tiêu chí khác như đặc điểm về dân cư, quy mô địa giới hành chính, điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Và đặc biệt là tính đồng bộ về năng lực công tác của các cơ quan tư pháp khác. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì việc giải quyết, xử l‎ý các vụ án hình sự 89 là một quy trình thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ mà kết quả hoạt động của cơ quan này là tiền đề, điều kiện để tiến hành hoạt động của cơ quan khác. Bắt đầu từ khâu khởi tố vụ án, điều tra của Cơ quan điều tra, tiếp theo là khâu truy tố của cơ quan Viện kiểm sát, xét xử của Toà án và cuối cùng là thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế Toà án chỉ có thể thực hiện tốt chức năng của mình khi có sự phối hợp chặt chẽ. đồng bộ của cơ quan tiến hành tố tụng. Để đồng bộ về mặt tổ chức cũng như tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai hoạt động chuyên môn thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần được tổ chức theo mô hình của cơ quan Toà án. Vì vậy, việc xây dựng Toà án sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát khu vực và Cơ quan điều tra khu vực cần được thực hiện đồng thời về thời gian và trên cùng địa bàn. Nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn được tổ chức như mô hình cũ hiện nay thì cách thức tổ chức Toà án theo hướng khu vực sẽ gặp nhiều khó khăn do phải phối hợp với nhiều Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong cùng khu vực. - Về hoạt động tố tụng của Toà án: tình hình tội phạm ở nước ta gần đây diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh chống tội phạm đòi hỏi một mặt phải xử kiên quyết mặt khác phải tôn trọng và bảo vệ quyền cơ bản của công dân, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án cũng như các cơ quan tư pháp khác là nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử các vụ án nói chung và hoạt động tranh tụng tại các phiên toà hình sự nói riêng. Đây là đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình đổi mới phát triển xã hội. Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ:" việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà". Tranh tụng tại phiên toà hình sự là cuộc điều tra công khai, thể hiện tính dân chủ, khách quan và bình đẳng giữa các bên. Vì vậy hoạt động tranh tụng có vai trò quyết định đến toàn bộ quá trình tố tụng hình sự và là cơ sở quan trọng giúp HĐXX giải quyết đúng đắn vụ án. Đối với Thẩm phán 90 Việc cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp nói chung và cơ quan Toà án nói riêng xét cho đến cùng vẫn xuất phát từ mục tiêu đó là hiệu quả trong công tác xét xử của Toà án. Làm sao cải cách để bản án Toà án tuyên luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo được quyền tự do của công dân. Vị trí, vai trò của Thẩm phán như đã phân tích tại chương I cho thấy Thẩm phán là nhân vật trung tâm của Toà án nên chất lượng xét xử của Toà án phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tư cách của bản thân mỗi người Thẩm phán. Do đó trên cơ sở những cải cách đối với Toà án như trên đã phân tích thì chức danh Thẩm phán cùng cần phải có những phương hướng cải cách sao cho phù hợp với sự đối mới của cơ quan xét xử. - Nâng cao địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tranh tụng: Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử các vụ án nói chung và hoạt động tranh tụng tại các phiên toà hình sự nói riêng là một trong những yêu cầu cấp thiết, một nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Tranh tụng tại phiên toà là hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm và các chủ thể khác (Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, người bị hại,...) nhằm làm sáng tỏ vụ án, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì vậy, công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta không thể tách rời với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả tranh tụng tại phiên toà. Tranh tụng tại phiên tòa hình sự là cuộc điều tra công khai, là quá trình tranh tụng dân chủ, khách quan và bình đẳng giữa các bên. Hoạt động này có vai trò quyết định đối với toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, là một trong những cơ sở quan trọng giúp HĐXX giải quyết đúng đắn vụ án. Khi thực hiện chức năng xét xử mình, Thẩm phán có trách nhiệm phải làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ án (bao gồm cả các tình tiết buộc tội, các tình tiết gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo) nhưng không phải để buộc tội hay bào chữa đối với bị cáo mà để thực hiện chức năng xét xử nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Từ 91 đó để ra phán quyết đúng đắn về vụ án. Với vai trò là người trọng tài “cầm cán cân công lý” để phân xử giữa bên buộc tội và bên bào chữa, Thẩm phán phải có thái độ vô tư, khách quan và công minh. Xuất phát từ chức năng và vai trò của Toà án, trong quá trình xét xử vụ án, các thành viên HĐXX không được biểu lộ chính kiến của mình về bất cứ vấn đề gì thuộc nội dung vụ án cũng như các chứng cứ đang xem xét tại phiên toà. - Về trình độ, năng lực công tác: Khi nói đến xét xử là nói đến hoạt động áp dụng pháp luật. Công việc của Thẩm phán là tìm ra sự thật khách quan của vụ án để đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, cần phải đào tạo người Thẩm phán có trình độ chuyên sâu về pháp luật có khả năng điều hành phiên toà một cách khoa học. Trước hết muốn làm thẩm phán yêu cầu là cần phải có kiến thức pháp luật, phải có trình độ cử nhân luật. Ngoài những kiến thức pháp luật cơ bản, Thẩm phán còn phải học qua một khóa học đào tạo, bồi dưỡng về nghề nghiệp xét xử. Ngày nay, do yêu cầu phát triểu của xã hội nên chất lượng hoạt động xét xử ngày càng phải nâng cao, việc đào tạo sau đại học đối với Thẩm phán đang là nhu cầu khuyến khích ở nước ta. Mục tiêu cơ bản của việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán là nhằm trang bị cập nhật cho Thẩm phán tất cả các kỹ năng hành nghề cần thiết nhất. Đó là những phương pháp khoa học, kinh nghiệm và kỹ năng áp dụng pháp luật, đặc biệt là pháp luật tố tụng vào việc giải quyết vụ án. Thẩm phán còn phải được đào tạo cơ bản có hệ thống, phải có chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực của mình phụ trách. Ngoài ra còn phải có những kiến thức hiểu biết về: kinh tế, văn hoá, ngoại ngữ, tin học. - Về đạo đức: những phạm trù đạo đức được vận dụng trong quá trình xét xử các vụ án hình sự cũng là vấn đề rất cần bàn, bởi phạm trù đạo đức tác động trực tiếp tới niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Những phạm trù đạo đức thể hiện ở mọi giai đoạn của tố tụng hình sự, ở hoạt động của mọi chủ thể tham gia tố tụng, trong đó có Thẩm 92 phán. Xét xử là giai đoạn quyết định của quá trình tố tụng, được tiến hành công khai, có tranh tụng, đo đó, chỉ một biểu hiện nhỏ vi phạm pháp luật hay vi phạm các chuẩn mực đạo đức thì rất dể tạo ấn tượng không tốt cho người dân, từ đó làm giảm niềm tin vào công lý và pháp luật. Điều đó đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật phải tôn trọng các nguyên tắc và giá trị đạo đức. Các giá trị đạo đức được thể hiện ở sự công bằng, vô tư khách quan và lương tâm của người Thẩm phán. Trong xét xử các vụ án hình sự, công bằng là sự đánh giá tương xứng giữa hành vi phạm tội và trách nhiệm trước pháp luật của người phạm tội. Hình phạt được tuyên đối với bị cáo phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm xã hội của tội phạm và nhân thân người phạm tội. Thẩm phán vừa có trách nhiệm xử lý nghiêm minh người phạm tội những vẫn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vô tư và khách quan là đòi hỏi về mặt pháp luật cũng như về đạo đức đói với Thẩm phán và Hội thẩm. Nhưng vô tư không có nghĩa là bàng quan và dửng dưng với số phận con người. Sự vô tư của HĐXX thể hiện qua việc đảm bảo sự bình đẳng của các bên. Trong mô hình tố tụng nghiêng về xét hỏi như Việt Nam hiện nay, sự áp đặt định kiến của những người xét xử rất dể xảy ra và điều đó sẽ bất lợi cho bị cáo nếu Thẩm phán, Hội thẩm không ý thức hết được trách nhiệm của mình trước số phận con người. Sự vô tư và khách quan của Thẩm phán còn thể hiện ở chỗ không bị mặc cảm bởi những ấn tượng ban đầu về vụ án hay nhân thân bị cáo cũng như những đương sự khác có lợi ích trong vụ án. Vì nếu những cảm giác hay ấn tượng ban đầu đó mà không dựa trên những sự kiện thực tế của vụ việc thì Thẩm phán rất dễ mắc sai lầm. Và điều đặc biệt quan trọng, không thể xét xử vô tư, khách quan khi Thẩm phán có những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức như nhận hối lộ để xét xử sai lệch với sự thật. Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng về giá trị đạo đức là lương tâm người Thẩm phán. Lương tâm của một người với trọng trách cầm cán cân công lý cần phải thể hiện ở mức độ cao. Đó chính là lương tâm người Thẩm phán nhân danh công lý mà 93 chúng ta thường nói đến. Lương tâm của người Thẩm phán đòi hỏi họ lựa chọn quyết định một cách trong sáng, sẵn sảng khắc phục những sai sót, mạnh dạn nhận và sửa chữa sai lầm của mình. Lương tâm còn đòi hỏi tính nguyên tắc của nghề nghiệp bởi vì trước mắt họ là pháp luật, là niềm tin và công lý của người dân. Phạm trù lương tâm luôn đi đôi với phạm trù nghĩa vụ của người Thẩm phán. Nghĩa vụ đạo đức của Thẩm phán được thể hiện ở việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, bảo đảm công bằng và nghiêm minh, thể hiện sự vô tư khách quan, bảo vệ uy tín của Toà án. Ngoài những phân tích trên, phạm trù đạo đức còn thể hiện ở tính nhân đạo, trung thực, dũng cảm và thanh liêm. Tính nhân đạo không đồng nghĩa với việc xét xử nhẹ tội phạm và người phạm tội so với hành vi nghiêm trọng của họ, mà là xét xử một cách tương xứng tội trạng đến đâu thì chịu hình phạt đến đó. ở khía cạnh này, nhân đạo gắn liền với phạm trù công bằng. Thẩm phán nhân đạo là Thẩm phán luôn luôn chỉ tuân theo một tiêu chí: đó là sự công minh. Những phạm trù đạo đức khác như trung thực, dũng cảm, thanh liêm,... cũng là những đòi hỏi bắt buộc ở người Thẩm phán, không chỉ trong quá trình xét xử mà cả trong cuộc sống của họ. Hơn ai hết, Thẩm phán phải là những công dân mẫu mực về lối sống, đạo đức, mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật như Hồ Chủ Tịch đã nói: Vấn đề tư pháp cũng như các vấn đề khác là vấn đề ở đời và làm người và trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. [32, tr 39]. Vì vậy, việc Thẩm phán vận dụng những phạm trù đạo đức vào quá trình áp dụng pháp luật khi xét xử các vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng. - Cải cách về chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ Thẩm phán: hoạt động xét xử của Thẩm phán là hoạt động trí não mang tính đặc thù đòi hỏi trách nhiệm rất cao. Chế độ tiền lương hợp lý sẽ góp phần tác động tích cực đến việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán và ngược lại. - Cải cách về yếu tố pháp luật: để thực hiện được công tác xét xử thì người Thẩm phán đòi hỏi phải có những hành vi tố tụng. Đây là những hành 94 vi mà pháp luật bắt buộc Thẩm phán phải thực hiện trong quá trình xét xử tại Toà án. Chính vì vậy, ngoài pháp luật về nội dung thì pháp luật về tố tụng có tác động lớn đến chất lượng xét xử. Do đó các quy định của luật tố tụng về địa vị pháp lý của Thẩm phán phải được xác định rõ. 3. 4. Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán Qua nghiên cứu về thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật vê địa vị pháp ly của Thẩm phán trong việc xét xử các vụ án hình sự, cũng như việc nghiên cứu đặc điểm mô hình tố tụng của Việt Nam trên cơ sở các yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, có thể nêu ra một số kiến nghị, giải pháp trực tiếp liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử vụ án hình sự. Các giải pháp này liên quan chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau tạo thành cơ chế vận hành đồng bộ thúc đẩy hoạt động xét xử của Thẩm phán. 3.4.1. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà - Nên quy định trong BLTTHS tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc quy định quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán tại phiên toà. Hiện nay đã có nhiều quy định về tranh tụng nằm rải rác ở một số điều trong BLTTHS, như các điều 5, 11, 19, 50, 51, 52, 53, 54, 58,..., nhưng chưa được ghi nhận với tính chất như một nguyên tắc cơ bản, độc lập của tố tụng hình sự Việt Nam. - Cần cụ thể hoá hơn nữa các quy định về việc tranh tụng tại phiên toà. Vì thực tiễn việc hiểu và vận dụng về vấn đề tranh tụng còn gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như việc hiểu tranh tụng trong tô tụng hình sự như thế nào, được bắt đầu, kết thúc khi nào? hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Điều này ảnh hưởng tới quá trình điều khiển phiên toà của Thẩm phán cũng như thành viên HĐXX. 95 - Điều 10 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Toà án. Tại phiên toà, việc chứng minh bị cáo có tội hay không có tội thuộc về trách nhiệm của HĐXX. Do vậy, hiện nay tại phiên toà, HĐXX vẫn tiến hành một số hoạt động tố tụng để chứng minh tội phạm. Ví dụ: HĐXX sẽ nhắc hoặc công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra nếu lời khai của họ tại phiên toà có mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan điều tra, bị cáo không khai, vắng mặt hoặc đã chết (Điều 208). Hay BLTTHS quy định về trình tự hỏi như sau:"khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa.. (điều 207 BLTTHS 2003) Như vậy, dường như Toà án cũng là một cơ quan có chức năng buộc tội. Chúng tôi cho rằng để Toà án đúng là cơ quan xét xử, cầm cân nảy mực thì cần phải xác định rõ vai trò của HĐXX tại phiên toà là người trọng tài giữa bên buộc tội và bên bào chữa để phán quyết về vụ án. Còn việc xét hỏi theo hướng buộc tội là trách nhiệm của Kiểm sát viên, việc xét hỏi theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ tráh nhiệm hình sự cho bị cáo là trách nhiệm của người bào chữa. Vì vậy, nên sửa đổi các quy định về xét hỏi theo hướng: khi xét hỏi Kiểm sát viên hỏi trước, sau đó đến người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, các thành viên của HĐXX có thể hỏi bất kỳ ở thời điểm nào nếu xét thấy cần thiết nhằm làm sáng tỏ các tình tiết về vụ án hoặc mang tính chất nêu vấn đề để các bên tập trung xét hỏi làm rõ, còn việc hỏi để buộc tội và gỡ tội dành cho Kiểm sát viên và người bào chữa. - Chức năng của Toà án trong tô tụng hình sự là xét xử, có ý nghĩa là vai trò của Toà án (HĐXX) là người trọng tài đứng giữa bên buộc tội và bên bào chữa để giải quyết vụ án. Bởi vậy, Toà án chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm pháp lý thuộc về chức năng xét xử. Khởi tố vụ án hình sự tuy chưa phải là buộc tội đối với một người cụ thể nhưng đó là nhiệm 96 vụ thuộc về chức năng buộc tội. Điều 13, Điều 104 của BLTTHS quy định Toà án có quyền khởi tố vụ án hình sự là chưa phù hợp. Nếu nhằm mục đích không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm thì chỉ nên quy định Toà án được quyền yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới là đủ. 3.4.2. Nâng cao tính độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán Sự độc lập của Toà án cũng như của Thẩm phán được thể hiện trong mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài, quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới và quan hệ giữa chính bản thân những thành viên trong HĐXX. - Nâng cao tính độc lập trong mối quan hệ với các cơ quan, cá nhân bên ngoài hệ thống Toà án. Đổi mới trong mối quan hệ giữa Toà án với Cấp uỷ địa phương. Cấp uỷ Đảng chỉ lãnh đạo thông qua công tác giới thiệu cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Thẩm phán cũng như các chức danh chủ chốt khác của Toà án. Ngoài ra, Cấp uỷ địa phương chỉ giám sát đảng viên thực hiện điều lệ Đảng. Không nên can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn cũng như chỉ đạo việc xét xử của Toà án - Đối với mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới: cần phân biệt cụ thể khi nào là quan hệ tố tụng và khi nào là quan hệ hành chính. Toà án Tối cao tập trung vào nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Việc hướng dẫn này phải được thể hiện bằng văn bản có tính chất áp dụng chung. Cần xoá bỏ ngay tình trạng thỉnh thị án hay án bỏ túi. Mọi hướng dẫn chỉ đạo đường lối của Toà án cấp trên đối với Toà án cấp dưới trong từng vụ án cụ thể phải được xoá bỏ. - Cần phân biệt rõ mối quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán trong cùng một Toà án. Chánh án khi tham gia chức năng quản lý hành chính có trách nhiệm phân công công tác xét xử hợp lý, tạo điều kiện để Thẩm phán độc lập 97 thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình. Chánh án không được can thiệp chỉ đạo Thẩm phán, HĐXX về nội dung, đường lối xét xử, áp dụng pháp luật của từng vụ án cụ thể. Chánh án khi tham gia xét xử với tư cách là Thẩm phán có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với các thành viên khác trong HĐXX. - Điều 185 BLTTHS quy định: HĐXX sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì HĐXX có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Tuy nhiên, đại đa số Hội thẩm là những người không có trình độ chuyên môn nên khi xét xử họ thường ỷ nại và phụ thuộc vào Thẩm phán - chủ toạ phiên toà. Do đó sự tham gia xét xử của Hội thẩm và nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong nhiều trường hợp chỉ mang tính hình thức nhưng họ lại chiếm đa số trong HĐXX nên dễ dẫn tới việc xét xử oan, sai. Vì vậy, Điều 185 BLTTHS hiện hành cần được sửa đổi theo hướng quy định số Thẩm phán chuyên nghiệp chiếm đa số trong HĐXX, cụ thể như sau: “HĐXX sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì HĐXX có thể gồm ba Thẩm phán và hai Hội thẩm”. 3.4.3. Các kiến nghị đổi mới về cơ chế hoạt động của Toà án trên cơ sở đó hoàn thiện địa vị pháp lý của Thẩm phán Tổ chức và hoạt động của các TAND ở nước ta hiện nay theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ tồn tại đã mấy chục năm ngày càng bộc lộ nhiều bất cập trực tiếp ảnh hưởng đến sự độc lập, chất lượng, hiệu quả của hoạt động xét xử, nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” không được bảo đảm trên thực tế. Việc giải quyết phần lớn các vụ án ở Toà án cấp tỉnh đã dẫn đến tình trạng tồn đọng án, bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý oan, sai,...TANDTC chủ yếu tập trung cho xét xử phúc thẩm nên các nhiệm vụ quan trọng khác như tổng kết công 98 tác xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật bị hạn chế. Việc đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động xét xử rất dàn trải, manh mún và gây lãng phí rất lớn trong đầu tư xây dựng. Vì vậy, theo chúng tôi hệ thống Toà án ở nước ta cần được tổ chức thành một hệ thống độc lập từ Trung ương tới các địa phương không phụ thuộc vào đơn vị hành chính (cả về tổ chức Đảng, nhân sự, lương, cơ sở vật chất) bao gồm: Các Toà án sơ thẩm (thay thế các Toà án cấp huyện): Toà án khu vực được thành lập không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Mỗi quận ở các thành phố lớn (như Hà Nội, Hồ Chí Minh) có thể thành lập một số Toà án sơ thẩm; ở các quận, huyện có dân cư và số lượng án trung bình thì mỗi quận huyện thành lập một Toà án sơ thẩm; đối với các huyện ít dân cư và số lượng án phải giải quyết không nhiều, thì một Toà án sơ thẩm đảm nhiệm địa bàn của một số huyện. Các Toà án sơ thẩm thực hiện hoạt động xét xử theo hướng chuyên trách về từng loại án. Các Toà án phúc thẩm: Các Toà án này cũng được tổ chức không phụ thuộc đơn vị hành chính (thành lập một số Toà án phúc thẩm ở một thành phố lớn (như Hà Nội, Hồ Chí Minh,...); thành lập một Toà án phúc thẩm ở mỗi tỉnh có đông dân cư và phải giải quyết nhiều án; thành lập một Toà án phúc thẩm đảm nhiệm một số tỉnh ít dân cư và số lượng án giải quyết hàng năm không nhiều). Các Toà án phúc thẩm có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm đối với một số loại án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó quy định trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) còn chủ yếu là xét xử phúc thẩm và thực hiện chức năng giám đốc thẩm đối với hoạt động xét xử của các Toà án khu vực. * Các Toà án Thượng thẩm: Theo chúng tôi cần tách 03 Toà phúc thẩm tại Hà Nội, tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh ra khỏi TANDTC thành các Toà Thượng thẩm độc lập có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các vụ án do các Toà 99 Phúc thẩm xét xử sơ thẩm mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Hoạt động xét xử của các Toà này được tổ chức theo hướng chuyên trách để đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử phúc thẩm. * TANDTC: bao gồm các Thẩm phán và các chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn có nhiệm vụ thực hiện công tác tổng kết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. 3.4.4. Các kiến nghị về yếu tố con người nhằm nâng cao vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự Công việc xét xử tiến triển nhanh hay chậm, có hiệu quả hay không có hiệu quả, đúng hay sai phụ thuộc rất lớn vào năng lực đội ngũ cán bộ đó, như đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, kiện toàn đội ngũ Thẩm phán các cấp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Thẩm phán phải là người vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, yêu cầu trình độ rất cao, tinh thông về pháp luật, nhanh nhạy, chủ động, sáng tạo, khách quan, công bằng góp phần đấu tranh phòng chống và ngăn ngừa tội phạm. Để xây dựng được đội ngũ Thẩm phán như vậy cần: - Tăng cường đội ngũ Thẩm phán về cả số lượng và chất lượng. Đảm bảo đủ chỉ tiêu Thẩm phán trong hoạt động xét xử. - Đổi mới cơ chế tuyển chọn Thẩm phán, cần mở rộng nguồn để tuyển chọn. Để có được những Thẩm phán thực sự có năng lực, cần tuyển chọn Thẩm phán không chỉ từ đội ngũ cán bộ Toà án mà còn từ đội ngũ các chức danh tư pháp khác như điều tra viên, công tố viên, luật sư, kể cả những luật gia đã qua đào tạo nghề Thẩm phán nhưng chưa làm Thẩm phán. Để được làm Thẩm phán, các ứng cử viên cần trải qua một kỳ thi quốc gia nhằn tạo ra 100 sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa họ cho chức danh này. Vì vậy, cần nghiên cứu từng bước chuyển từ chế độ xét tuyển Thẩm phán ở từng cấp Toà án hiện hành sang chế độ thi tuyển cấp quốc gia. Những người trúng tuyển kỳ thi quốc gia nếu có đủ các tiêu chuẩn khác mà pháp luật quy định sẽ được Chủ tịch nước xem xét và ra quyết định bổ nhiệm làm Thẩm phán. Thẩm phán sẽ là Thẩm phán quốc gia, nên có thể điều động họ dễ dàng khi thấy cần thiết. Việc bổ nhiệm Thẩm phán cần tiến hành theo ngạch, bậc và theo nguyên tắc Thẩm phán không được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn nếu chưa có đủ số năm nhất định giữ chức danh Thẩm phán ở ngạch thấp hơn hoặc giữ các chức danh tư pháp khác (công tố viên, luật sư, chấp hành viên,…). - Cần xem xét việc kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán so với hiện nay, tiến tới chế độ bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời. Bởi vì quy định nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn (5 năm) cùng với cơ chế xét tuyển như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng Thẩm phán chịu sức ép tâm lý trong suốt nhiệm kỳ, có thể không thực sự yên tâm. Ngoài ra hệ tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán và các tiêu chuẩn bổ nhiệm, nâng ngạch Thẩm phán phải được hoàn thiện theo hướng dựa căn bản trên trình độ hiểu biết, mức độ tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xét xử, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức, sự liêm khiết, trung thực của Thẩm phán, loại trừ tối đa những yếu tố mang tính chủ quan, định kiến trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng Thẩm phán. - Cần tiếp tục cải tiến chế độ sử dụng, đãi ngộ, bảo vệ Thẩm phán và tăng cường chế độ giám sát, kỷ luật đối với Thẩm phán. Chế độ sử dụng và đãi ngộ cần đảm bảo cho Thẩm phán không phải lo mưu sinh, đảm bảo để họ và gia đình có thể sống đầy đủ bằng chính đồng lương, không bị phụ thuộcvào những tác động vật chất từ phía các cá nhân, tổ chức liên quan đến công vụ của họ. Mặt khác cần thiết lập một chế độ giám sát chặt chẽ để kịp thời phát 101 hiện, cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh những Thẩm phán hành động không xứng đáng với chức danh cao quý của mình. - Về mặt chuyên môn nghiệp vụ các Thẩm phán sau khi bổ nhiệm phải tham gia bắt buộc vào các khoá bồi dưỡng định kỳ và phải trải qua các kỳ sát hạch, kiểm tra về kiến thức, kỹ năng xét xử, tác phong làm việc. Thẩm phán phải thực hiện chế độ công khai về tài sản và tài chính cá nhân trong suốt thời kỳ giữ chức danh và một thời gian sau khi bãi nhiệm hoặc về hưu. *Tiểu kết chương 3: Cải cách tư pháp theo tinh thần và nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng ta, cần phải có sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Toà án trong bộ máy nhà nước. Toà án có những đặc thù khác so với các cơ quan khác và giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp của nước ta. Toà án nhân danh Nhà nước, thể hiện bản chất và hiệu lực của Nhà nước. Với vị trí như vậy, công cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi ngành Toà án phải đáp ứng những yêu cầu như: cải cách phải mang tính đồng bộ, đảm bảo tính độc lập, đảm bảo xét xử phải công khai, nghiêm minh và công bằng, đảm bảo quyền cơ bản của công dân, cũng như sự giám sát của nhân dân trong hoạt động xét xử. Từ những yêu cầu chung đó, công cuộc cải cách tư pháp đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với Toà án và Thẩm phán. Trên cơ sở nghiên cứu các yêu cầu cải cách tư pháp, đối chiếu với pháp luật hiện hành, chương 3 đã đưa ra một số kiến nghị, giải phán nhằm hoàn thiện địa vị pháp lý của Thẩm phán đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của nước ta. 102 Kết luận Thẩm phán có địa vị pháp lý quan trọng trong tố tụng hình sự, xét trên các phương diện lý luận và thực tiễn. Các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là các Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2002 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 đã chỉ rõ nhiều nội dung cụ thể về cải cách tư pháp đòi hỏi phải được thể chế hóa, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nói chung cũng như địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự nói riêng. Quá trình tổng kết thực tiễn cho thấy những quy định về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập cần được hoàn thiện. Thời gian qua, sự tham gia vào quá trình liên kết và hợp tác khu vực và quốc tế như tham gia vào Hiệp hôi các quốc gia Đông Nam á ASEAn, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương APEC, Tổ chức thương mại thế giới WTO, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ,... cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành Tòa án, đó là cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự quyết định đến việc hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán. Việc phân chia các mô hình tố tụng phụ thuộc vào tập quán, lịch sử và văn hoá của từng dân tộc. Ngoài ra phương thức tổ chức quyền lực nhà nước cũng ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn mô hình tố tụng của từng quốc gia. Hiện nay, hình thành hai mô hình tố tụng chủ yếu là mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng xét hỏi. Cả hai mô hình tố tụng trên đều có những điểm bất hợp lý, cần thiết phải có sự cải cách. Việt Nam duy trì mô hình tố tụng xét hỏi nhưng cũng đang hướng tới những yếu tố hợp lý của tranh tụng. Do đó, địa vị pháp lý của Thẩm phán khi 103 xét xử vụ án hình sự có thay đổi nhất định khi Nhà nước ta ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Thẩm phán được giảm bớt nhiệm vụ khi điều hành phiên tòa, việc thẩm vấn và tranh luận được chuyển cho các bên buộc tội và gỡ tội. Diễn biến thực tế tại phiên tòa mới là căn cứ quyết định của bản án và Thẩm phán không bị ràng buộc bởi việc duyệt án, thỉnh thị án hay án bỏ túi như trước đây. Các quy định pháp luật về vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự ngày càng được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ, bảo đảm tính độc lập khi xét xử, dân chủ trong tố tụng. Thẩm phán đã có tương đối đầy đủ quyền hạn cần thiết khi giải quyết một vụ án hình sự. Bản thân các Thẩm phán đã nhận thức rõ vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của mình đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng còn có nhiều bất cập: Tính độc lập trong xét xử của Thẩm phán chưa triệt để, việc tranh tụng tại phiên toà nhiều khi vẫn còn mang tính hình thức, trình độ năng lực của Thẩm phán còn yếu so với nhu cầu cải cách tư pháp. Từ việc nghiên cứu các yêu cầu cải cách tư pháp đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành nhu cầu thiết yếu phải bổ sung, sửa đổi về pháp luật và về con người. Trong phạm vi luận văn này, tác giả đã đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện địa vị pháp lý của Thẩm phán. Do phạm vi nghiên cứu rộng, bản thân tác giả là người là công tác thực tiễn nên đề tài không tránh khỏi những khiếm khuyết và thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến phản biện, đóng góp của các chuyên gia, các thầy cô giáo và các bạn để đề tài này có thể được nghiên cứu chuyên sâu hơn. Dù sao cũng mong rằng những kiến nghị, đề xuất trong Luận văn sẽ góp phần nào đó vào việc hoàn thiện địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. 104 Danh mục tài liệu tham khảo 1. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 2/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. 2. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. 3. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. 4. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. 5. Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (2004), Tài liệu tập huấn về Bộ luật tố tụng hình sự. 6. Bộ Tư pháp (2006), Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Tòa án trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, Đề tài cấp nhà nước. 7. PGS.TSKH Lê Cảm (2006), Các chuyên đề lý luận chuyên sâu về tư pháp hình sự. 8. PGS.TSKH Lê Cảm (2003), “Nguyên tắc tranh tụng trong hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự”, Tạp chí luật học. 9. PGS.TS Nguyễn Đăng Dung (2004), “Thể chế tư pháp trong nhà nước pháp quyền”, NXb Tư pháp 10. Đảng cộng sản Việt Nam (2006), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Nxb Chính trị quốc gia. 11. PGS.TS. Phạm Hồng HảI (2003), “Mô hình lí luận Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam”, Nxb Công an nhân dân 12. Học viện tư pháp (2007), Giáo trình Kỹ năng giải quyết vụ án hình sự, Nxb Công an nhân dân. 13. Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2001. 14. Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, 1981, 1992, 2002. 105 15.TS. Phạm Văn Lợi, (2004), “Chế định thẩm phán - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb Tư pháp.15 16. Bùi Văn Lương (2006), “Vai trò của thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự”, Luận văn thạc sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 16 17. Mongtexkio (1967), “Tinh thần của luật pháp”, Nxb Sài Gòn 17 18. Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2/10/2004 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất "những quy định chung " của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. 19. Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba"Xét xử sơ thẩm " của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. 20. Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 1993, 2002. 21. TS. Nguyễn Thái Phúc (2007), “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, Tạp chí kiểm sát số 18 22. Đinh Văn Quế (2005), “Pháp luật hình sự thực tiễn xét xử và án lệ”, Nxb Lao động - xã hội. 22 23. Sắc lệnh của Chủ tịch nước từ năm 1945 đến năm 1960. 24. Thông tư liên ngành số 01- TT/LN ngày 08 -12- 1988 của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. 25. Trường Đại học quốc gia Hà Nội (2001), Giáo trình Luật tố tụng hình sự của Khoa Luật. 26. Trường Đại học Huế (2000), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam. 27. Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Tập bài giảng Luật so sánh. 28. Thạc sỹ Đỗ Gia Thư (2006), “Cơ sở khoa học của việc xây dựng đội ngũ thẩm pháp ở Việt Nam”, Luận văn tiến sỹ. 106 29. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (2003), Báo cáo rút kinh nghiệm về công tác xét xử án hình sự đối với các tòa án nhân dân quận, huyện thuộc TAND thành phố Hà Nội. 30. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (2005), Báo cáo rút kinh nghiệm về công tác xét xử án hình sự đối với các tòa án nhân dân quận, huyện thuộc TAND thành phố Hà Nội. 31. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (2006), Báo cáo rút kinh nghiệm về công tác xét xử án hình sự đối với các tòa án nhân dân quận, huyện thuộc TAND thành phố Hà Nội. 32. Tòa án nhân dân tối cao (2002), “Sổ tay thẩm phán”, Nxb Công an nhân dân. 33. Tòa án nhân dân tối cao (2003 – 2004), Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 34. PGS. TS Võ Khánh Vinh (2007), Bình luận khoa học bộ luật tố tụng hình sự, Nxb Công an nhân dân. 35. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ tư pháp (1999), Tư pháp hình sự so sánh. 36. Viện khoa học pháp lý (2006), “Từ điển Luật học”, Nxb Từ điển bách khoa. 107 [...]... thấy, nội hàm địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự được phản ánh và thể hiện ở những phương diện: - Các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự - Các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong tố tụng hình sự 1.2.1.1 Vị trí, vai trò của Thẩm phán trong hoạt động tư pháp hình sự Kết quả hoạt động của Toà án là sản phẩm của toàn bộ... lựa chọn áp dụng mô hình tố tụng thích hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá và truyền thống pháp lý của từng quốc gia và làm cơ sở cho việc pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng nói chung và Thẩm phán nói riêng 1.2 Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong mô hình tố tụng kết hợp xét hỏi và tranh tụng 1.2.1 Khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán Địa vị pháp lý nói chung theo Từ... toà Vị trí của luật sư gỡ tội rất lu mờ Luật sư chỉ được phát biểu khi Thẩm phán chủ toạ phiên toà cho phép 1.3.3 Yếu tố văn hoá pháp lý Văn hoá pháp lý là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá nói chung Văn hoá pháp lý là sự thống nhất của các yếu tố: kiến thức pháp lý, đánh giá và xử sự phù hợp với pháp luật Là hình thức đặc thù của văn hoá, văn hoá pháp lý liên hệ mật thiết với văn hoá đạo đức, văn. .. định của pháp luật. " [6, tr 43] Trong các chức danh tư pháp thì Thẩm phán được xác định là một chức danh tư pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền tư pháp Như vậy, chúng ta có thể rút ra khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán là tổng thể các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ pháp lý của Thẩm phán khi tiến hành các hành vi tố tụng được pháp luật. .. viên, Công tố viên và Thẩm phán là những nhân vật trung tâm trong tố tụng hình sự trong đó Thẩm phán giữ vai trò quan trọng đưa ra phán quyết cuối cùng Bên cạnh những điểm tư ng đồng đó, hai mô hình tố tụng này có những điểm khác biệt Và đây cũng là yếu tố hình thành sự khác biệt về địa vị pháp lý của những người tiến hành tố tụng nói chung, Thẩm phán nói riêng khi giải quyết vụ án hình sự Sự khác nhau... đến việc xác định địa vị pháp lý của Thẩm phán 1.3.1 Sự ảnh hưởng của phương thức tổ chức quyền lực nhà nước Sự ảnh hưởng của Nhà nước, ý chí giai cấp, pháp luật, đường lối chính sách của Đảng cầm quyền, đều ảnh hưởng tới quá trình hình thành địa vị pháp lý của Thẩm phán Quyền lực nhà nước là một thể thống nhất của ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp Quyền tư pháp là nhánh quyền... mô hình tố tụng thẩm vấn Điểm khác biệt nữa là vai trò, vị trí của Thẩm phán Trong mô hình tố tụng thẩm vấn, Thẩm phán trực tiếp xét hỏi Ngược lại, Thẩm phán trong mô hình tố tụng tranh tụng rất ít khi hoặc không tham gia xét hỏi mà chỉ là người điều khiển phần thẩm vấn cũng như phần tranh luận tại phiên toà Do Thẩm phán không biết trước hồ sơ nên việc tranh tụng giữa các bên là nội dung chủ yếu của. .. nhau Thực tế bất kỳ mô hình tố tụng nào cũng là sự pha trộn với những biến đổi theo một trong hai trường phái pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc pha trộn thiên về tranh tụng Việc nghiên cứu đặc điểm của các mô hình tố tụng hình sự là nhằm làm rõ sự tác động và chi phối của các mô hình tố tụng này đối với địa vị pháp lý của cơ quan cũng như của người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán Từ đó, giúp cho... phán trong xã hội 32 Cách thức tổ chức quyền lực nhà nước còn ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán thông qua sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong xét xử Trong hoạt động xét xử của mình, các Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xét xử được quy định trong luật tố tụng của từng quốc gia Điều này là nhằm bảo về công lý cho xã hội, tránh sự lợi dụng quyền lực của chính... chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Thẩm phán 1.3.2 Yếu tố truyền thống pháp lý Lịch sử phát triển của đất nước có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành hệ thống pháp luật Nguồn gốc thuộc địa để lại dấu ấn sâu sắc trong hệ thống pháp luật của các nước đã từng là thuộc địa Chẳng hạn như hệ thống pháp luật của các nước như Mỹ, Australia chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh ... Chương Cơ sở lý luận địa vị pháp lý 10 thẩm phán tố tụng hình 1.1 Đặc điểm mô hình tố tụng hình địa vị pháp lý 10 người tiến hành tố tụng 1.2 Địa vị pháp lý Thẩm phán mô hình tố tụng kết hợp... địa vị pháp lý thẩm phán tố tụng hình Chương Pháp luật tố tụng hình Việt Nam địa vị pháp lý thẩm phán thực tiễn áp dụng Chương Những yêu cầu cải cách tư pháp đặt việc hoàn thiện địa vị pháp lý. .. 1.3.3 Yếu tố văn hóa pháp lý 36 Chương Pháp luật tố tụng hình Việt Nam 39 địa vị pháp lý thẩm phán thực tiễn áp dụng 2.1 Các quy định pháp luật địa vị pháp lý Thẩm phán 39 tố tụng hình Việt Nam

Ngày đăng: 19/10/2015, 15:23

Từ khóa liên quan

Mục lục

  • Danh mục từ viết tắt

  • Mục lục

  • Phần mở đầu

  • 1.2.1. Khái niệm địa vị pháp lý của Thẩm phán

  • 1.2.2. Mối quan hệ giữa Thẩm phán với các chức danh tư pháp khác trong hoạt động xét xử

  • 1.2.3. Những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử và sự chi phối, tác động đến địa vị pháp lý của Thẩm phán

  • 1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định địa vị pháp lý của Thẩm phán

  • 1.3.1. Sự ảnh hưởng của phương thức tổ chức quyền lực nhà nước

  • 1.3.2. Yếu tố truyền thống pháp lý

  • 1.3.3. Yếu tố văn hoá pháp lý

  • Chương 2. Pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam về địa vị pháp lý của thẩm phán và thực tiễn áp dụng

  • 2.1. Các quy định pháp luật về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự của Việt Nam

  • 2.1.1. Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1980

  • 2.1.2. Thời kỳ từ năm 1980 đến năm 1992

  • 2.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003

  • 2.2.1. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự

  • 2.2.2. Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp

  • 2.2.3. Thẩm phán với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS

  • 3.1. Quan niệm và nội dung cải cách tư pháp

  • 3.2. Xác định vị trí trung tâm của Toà án trong hệ thống tư pháp

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan