CHUYÊN đề KHÁM PHÁ lí TƯỞNG của NGƯỜI NGHỆ sĩ TRONG văn học HIỆN đại VIỆT NAM

11 749 2
CHUYÊN đề KHÁM PHÁ lí TƯỞNG của NGƯỜI NGHỆ sĩ TRONG văn học HIỆN đại VIỆT NAM

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH YÊN BÁI CHUYÊN ĐỀ: KHÁM PHÁ LÍ TƯỞNG CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ TRONG VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM TG: Đỗ Lê Nam I. Đặt vấn đề Trong các tác phẩm thơ văn hiện đại, ta thấy xuất hiện nhiều hình tượng người nghệ sĩ. Hệ thống nhân vật ấy khá phong phú, đa dạng, độc đáo và có ý nghĩa tư tưởng rất sâu sắc. Theo nghĩa hẹp, ta có thể hiểu nghệ sĩ là những nhà văn, nhà thơ như: hình tượng “thi gia” trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu trong “Hầu Trời” (Tản Đà), văn sĩ Hộ trong “Đời thừa”, văn sĩ Điền trong “Giăng sáng” của Nam Cao, thi sĩ trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên… Theo nghĩa rộng, ta còn bắt gặp hình tượng nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như: nghệ sĩ viết thư pháp Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, kiến trúc sư Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng, nhiếp ảnh gia Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu,… Chính điều này đã khiến hình tượng người nghệ sĩ xuất hiện trong văn học hiện đại với diện mạo rất phong phú, đa dạng và mang đến cho người đọc nhiều khám phá thú vị, sâu sắc. Đây là những hình tượng nghệ thuật rất đặc biệt bởi họ không chỉ đóng vai trò như một nhân vật trong tác phẩm mà còn được xem như hình bóng của chính tác giả, được tác giả gửi gắm trong đó những thông điệp nghệ thuật của riêng mình. Vì thế, việc nghiên cứu những hình tượng này sẽ giúp cho chúng ta hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu sâu hơn về giá trị nội dung tư tưởng lẫn giá trị nghệ thuật của các tác phẩm văn học. Không chỉ giúp củng cố kiến thức về tác phẩm, việc tìm hiểu các hình tượng này còn cho ta những kiến thức thực tiễn quý giá trên phương diện lí luận văn học. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bồi dưỡng học sinh khá giỏi ở bộ môn Ngữ Văn. Tuy nhiên, vì đây là một vấn đề tương đối rộng nên trong bài viết này chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu một khía cạnh nhỏ, đó là lí tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ trong văn học hiện đại Việt Nam. II. Giải quyết vấn đề 1. Giai đoạn văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 Tác phẩm đầu tiên mà ta nói đến để làm sáng tỏ lí tưởng của người nghệ sĩ là vở kịch “Vũ Như Tô” với đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”. Bản thân nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một nghệ sĩ đặc biệt, bởi ông luôn đam mê sáng tạo những tác phẩm có quy mô lớn, dựng lên những hình tượng hoành tráng về lịch sử bi hùng của dân tộc, nêu được những vấn đề nhức nhối, có tầm vóc lớn lao của văn chương nghệ thuật. Trong cả vở kịch và đoạn trích, nhà văn đã thực hiện được điều đó qua việc khắc họa mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật thuần tuý của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân (lí tưởng và thực tế, nghệ sĩ và nhân dân, đam mê và tội lỗi). Qua đó, ta thấy được quan điểm nhân dân của tác giả; đồng thời thấy được thái độ cảm thông, trân trọng của tác giả đối với những nghệ sĩ tài năng và hoài bão lớn nhưng lại lâm vào bi kịch giữa lí tưởng và thực tế. Hành trình kiếm tìm lí tưởng của Vũ Như Tô thể hiện rõ ở những hồi đầu của vở kịch: Vũ Như Tô được giới thiệu như người nghệ sĩ thiên tài. Ông là một kiến trúc sư siêu phàm, ngàn năm chưa có một, biết sai khiến gạch ngói như tướng cầm quân, xây đài cao nóc vờn mây mà không tính sai một viên gạch. Nhưng Như Tô lại không có điều kiện để sáng tạo và thi thố tài năng. Khi biết có thể mượn tay bạo chúa để thực hiện hoài bão thì ông bất chấp tất cả, kể cả công sức, tiền bạc, máu xương của nhân dân. Chính việc quá đắm chìm trong khát vọng nghệ thuật vĩnh cửu đã khiến nghệ sĩ rơi vào thế đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân. Điều này đã khiến dân chúng hiểu lầm: “Vua xa xỉ vì ông, công khố hao hụt vì ông, dân gian lầm than vì ông, man di oán hận vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”. Thậm chí, khi có biến loạn, Như Tô vẫn không tỉnh mộng: Đan Thiềm giục đi trốn, nhắc “ông đừng mơ mộng nữa” nhưng ông không nghe. Dân chúng cho ông là thủ phạm (vua xa xỉ, dân lầm than là vì ông), ông vẫn nghĩ “họ hiểu nhầm”. Nhìn cảnh đốt phá, nghe tiếng quân tìm mình phanh thây, ông vẫn cho là “vô lý”. Bị bắt trói về trình chủ tướng, ông hy vọng có thể “giảng giải” cho người đời hiểu mình. Chỉ khi Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô mới nhận ra bi kịch, nhưng sự thức tỉnh ấy quá muộn. Cuối cùng, tác phẩm Cửu Trùng Đài là một công trình tuyệt mĩ nhưng quá cao siêu, đối lập với lợi ích thiết thực của nhân dân, là một “bông hoa ác” nên bị dân chúng phá hủy. Còn người nghệ sĩ Vũ Như Tô thì bị người dân hiểu lầm, căm ghét, sát hại, giấc mộng nghệ thuật hoàn toàn tan vỡ, chết mà vẫn ôm hận: “Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài”. Từ bi kịch của Như Tô, hậu thế hiểu ra bài học đau xót cho hành trình kiếm tìm và thể nghiệm lí tưởng nghệ thuật: nghệ sĩ dù có tài năng và lí tưởng cao siêu đến đâu thì cũng phải biết vì nhân sinh thì mới được tồn tại, trân trọng và bảo vệ và ngược lại. Đồng thời, qua bi kịch của Vũ Như Tô, người đời cũng thấm thía một bài học khác: cần phải trân trọng và tạo điều kiện để người nghệ sĩ được phát huy tài năng và thực hành lí tưởng của mình. Giống như Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, nhân vật văn sĩ Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” được xây dựng như một người nghệ sĩ có lí tưởng đặc biệt. Ngay ở nhan đề của tác phẩm ta đã thấy dụng ý của tác giả. Đời thừa là cuộc đời vô ích, vô nghĩa, có mà như không. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ trung thực, tỉnh táo để ý thức về tình trạng sống thừa như thế. Chỉ có những người luôn khao khát sống cho có ý nghĩa, có ích, có giá trị mới thấy được. Trong tác phẩm, người lâm vào tình trạng sống thừa và ý thức được tình trạng đó là nhân vật Hộ, rộng hơn là người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Bi kịch của của Hộ chính là biểu hiện sinh động nhất của quá trình thực hiện lí tưởng sống của người nghệ sĩ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong đó, nổi bật hơn cả là bi kịch đầu tiên - sự đổ vỡ khát vọng văn chương. Hộ vốn say mê văn chương, có hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương: anh muốn viết một tác phẩm vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn để trở thành tài sản tinh thần chung cho cả loài người. Nhờ niềm say mê lí tưởng mãnh liệt đó, Hộ đã chấp nhận được cuộc sống cực khổ: “Đói rét không có nghĩa lí gì với gã tuổi trẻ say mê lí tưởng”, và biết khinh thường những lo lắng tủn mủn về vật chất, tiền bạc. Đồng thời, lí tưởng ấy cũng giúp Hộ có ý thức trách nhiệm rất cao trong nghề nghiệp: anh có cách viết văn thận trọng, vừa viết vừa đọc “ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”. Đặc biệt, Hộ còn có quan niệm tiến bộ và đúng đắn về nghề văn: Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Lúc này, đối với Hộ “nghệ thuật là tất cả”, là trên hết, là ưu tiên số một. Lí tưởng văn chương mà anh kiếm tìm đến đây là rất tốt đẹp. Ít nhất với riêng anh, lúc này lí tưởng ấy là hoàn mĩ và đầy tính hiện thực. Nhưng khi phải cưu mang mẹ con cô Từ bất hạnh, Hộ phải đặt nhiệm vụ kiếm tiền lên hàng đầu để nuôi sống gia đình. Muốn vậy, Hộ phải viết vội vàng, cẩu thả, viết những thứ vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông. Đến lúc này, lí tưởng và hoài bão nghệ thuật đã phải nhường chỗ cho gánh nặng áo cơm đời thường. Hộ bắt đầu gặp phải sự đổ vỡ trong lí tưởng. Điều đó đã khiến Hộ đau khổ vì hơn ai hết anh đã ý thức rõ được sự thiếu trách nhiệm của mình trong nghề văn. Anh tự coi mình là kẻ “vô ích”, thậm chí là kẻ “đê tiện” và “bất lương” trong nghề văn. Tuy đau khổ nhưng Hộ còn có một niềm an ủi lớn: sự hi sinh đó không phải là vô ích, bởi nó giúp Hộ giữ được lẽ sống tình thương với mẹ con Từ. Nhưng sự đổ vỡ lí tưởng không dừng lại ở đây. Bởi từ bi kịch văn chương thuần túy, Hộ đã sa vào bi kịch tình thương, bi kịch làm người. Ban đầu, Hộ đã chấp nhận hi sinh nghệ thuật vì muốn giữ tình thương. Hộ lấy Từ - cô gái nghèo bất hạnh, bị người tình phụ bạc. Hộ vất vả kiếm tiềm nuôi vợ con đang đói ăn, bệnh tật. Hộ đề cao triết lí tình thương: kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên vai người khác để thoả mãn lòng tham và sự ích kỉ, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình. Nhưng vì phải viết cẩu thả, viết vội vàng để kiếm tiền nên Hộ trở nên cáu bẳn, u uất, bực dọc. Hộ tìm sự khuây khoả trong men rượu. Trong cơn say, Hộ đã chửi mắng, đánh đuổi vợ con. Sau mỗi lần như vậy, khi tỉnh rượu, Hộ lại hối hận, khóc xin Từ tha thứ. Vậy là, Hộ đã đánh mất cả nguyên tắc nghệ thuật lẫn nguyên tắc tình thương. Bi kịch của Hộ là biết mình chà đạp lên các nguyên tắc cao đẹp đó nhưng không sao thay đổi được hoàn cảnh. Vì thế, càng ý thức rõ bi kịch ấy bao nhiêu, Hộ càng đau đớn, khổ sở, giằn vặt bấy nhiêu. Điều quan trọng là qua hai tấn bi kịch đó của nhân vật Hộ, nhà văn Nam Cao đã làm sáng tỏ lí tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là quá trình nhà văn thể hiện những quan điểm nghệ thuật tiến bộ của mình: quan điểm về giá trị và chức năng văn chương, những phẩm chất của nghề nhà văn và trách nhiệm của người cầm bút. Trước hết, một tác phẩm văn chương thực sự phải có giá trị nhân đạo sâu sắc: phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng. Nó làm cho người gần người hơn. Bên cạnh đó, văn chương phải có sự sáng tạo những cái mới mẻ, độc đáo. Nó không cần đến những người thợ khéo tay làm theo kiểu mẫu có sẵn. Nó chỉ dung nạp những người sáng tạo những gì chưa có. Muốn vậy, hoạt động văn chương cần sự nghiêm túc, cẩn trọng, không được phép cẩu thả, hời hợt, bởi điều đó đồng nghĩa với sự đê tiện. 2. Giai đoạn văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975: Sau Cách mạng tháng Tám, trong văn học, vấn đề lí tưởng của người nghệ sĩ vẫn được đặt ra một cách cấp thiết. Chỉ có điều, dưới ánh sáng của cách mạng, con đường mà người nghệ sĩ kiếm tìm đã trở nên sáng rõ hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện rất rõ qua hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên. Bài thơ ra đời ngay trong cuộc vận động đi khai hoang Tây Bắc do Đảng phát động trong những năm 1958 – 1960. Tây Bắc là mảnh đất lịch sử, giàu tình nghĩa trong kháng chiến và nay đang trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Bài thơ được trích trong tập “Ánh sáng và phù sa” (1960) - một thành tựu xuất sắc của thơ hiện đại Việt Nam. Tập thơ đã thể hiện hành trình tư tưởng của người nghệ sĩ: từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, từ chân trời một người đến chân trời mọi người. Bài thơ biểu hiện cho khát vọng và niềm vui của nhà thơ khi về với đất nước, nhân dân cũng là trở về với ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật. Hai khổ đầu của bài thơ như một sự trăn trở của nhân vật trữ tình trước những lời mời gọi lên đường. Điều này thể hiện qua hệ thống câu hỏi: “Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?”, “Tàu gọi anh đi sao anh chửa ra đi?”; cùng những lời trách móc: “Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội”, “Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp”, “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”, cuối cùng là lời ước hẹn “Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”. Người đọc nhận thấy dường như nhân vật trữ tình đang tự phân đôi để đưa ra lời thuyết phục, giục giã, hối thúc chính mình từ bỏ thế giới cá nhân nhỏ hẹp chôn vùi hồn thơ để đến với miên đất xa xôi, rộng lớn cho sự sáng tạo. Chín khổ tiếp theo thể hiện niềm hạnh phúc của tác giả khi được trở về với nhân dân và sống lại những kỉ niệm về nhân dân trong kháng chiến. Đầu tiên, tác giả miêu tả hình ảnh mảnh đất Tây Bắc. Trong quá khứ, đây là mảnh đất kháng chiến đau thương mà anh hùng với “mười năm máu rỏ” trên “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”. Đến hiện tại, nơi đây đang hồi sinh mạnh mẽ: “nay dạt dào đã chín trái đầu xuân”. Trong tương lai, mảnh đất này sẽ thành là ngọn lửa soi sáng truyền thống yêu nước, bất khuất của cả dân tộc nghìn năm sau. Đặc biệt, Tây Bắc đã trở thành ngọn nguồn sinh ra nghệ thuật qua suy nghĩ chân thành của tác giả: “Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương”. Để rồi, nhà thơ đã có niềm hạnh phúc tràn ngập khi được về với nhân dân. Với thủ pháp so sánh với những hình ảnh thiên nhiên (nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa) và so sánh với hình ảnh con người (trẻ thơ đói lòng gặp sữa, nôi ngừng gặp tay đưa) tác giả đã cho ta thấy Nhân dân là ngọn nguồn thiết yếu của sự sống, nuôi dưỡng, che chở, cưu mang, nâng đỡ nhân vật trữ tình. Sau đó, rất nhiều kỉ niệm về nhân dân trong cuộc kháng chiến đã được tái hiện trong tâm trí của tác giả. Họ là những người giản dị, gian khó, không có tên cụ thể (người anh du kích, thằng em liên lạc, mế) nhưng hết sức anh hùng, dũng cảm thầm lặng hi sinh cho đất nước: người anh du kích đêm công đồn, thằng em liên lạc mười năm tròn chưa mất một phong thư. Họ còn là những con người đầy nghĩa tình: “Con với mế không phải hòn máu cắt Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi” Gói lại tất cả những kỉ niệm về đất và người Tây Bắc, tác giả đã có những khái quát chân thành, thấm thía và đầy chất triết lí về quy luật của nghệ thuật và lí tưởng của người nghệ sĩ: “Tây Bắc ơi! Người là mẹ của hồn thơ Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa Nay trở về, ta lấy lại vàng ta” Qua tác phẩm, người đọc thấy được một bước tiến quan trọng trong lí tưởng của người nghệ sĩ. Khác với giai đoạn trước 1945, trong dòng chảy của cách mạng nói riêng và cuộc sống nói chung, người nghệ sĩ chân chính đã biết tìm về bến đỗ của nhân dân, đất nước. Bởi đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật. Đến đây, ta thấy hành trình kiếm tìm lí tưởng và con đường của nghệ thuật chân chính đã có câu trả lời thỏa đáng và đầy ý nghĩa. Nếu Vũ Như Tô và Hộ còn băn khoăn và ôm hận trong bi kịch khi không thể tìm thấy lối đi đúng cho cả nghệ thuật lẫn cuộc đời mình thì người nghệ sĩ trong thơ Chế Lan Viên đã tìm ra lối thoát ấy nhờ cách mạng. Rõ ràng, nếu như Vũ Như Tô không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân, nếu Hộ giằng xé trong bi kịch giữa khát vọng văn chương với gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày thì nhân vật trữ tình trong thơ Chế Lan Viên đã biết hòa giải mâu thuẫn ấy, bằng cách tìm nghệ thuật trong chính Nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích của nghệ thuật. Con đường đó đi từ chân trời một người đến chân trời mọi người. 3. Giai đoạn văn học Việt Nam sau 1975: Trong hệ thống các hình tượng người nghệ sĩ trong văn học hiện đại Việt Nam, bên cạnh kiến trúc sư Vũ Như Tô, văn sĩ hộ Hộ, nhân vật thi sĩ trong “Tiếng hát con tàu” ta không thể không nhắc đến nhiếp ảnh gia Phùng, nhân vật chính trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Được viết sau năm 1975, nhưng những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm vừa là những câu chuyện muôn thuở của nghệ thuật mà ta đã bắt gặp trong các tác phẩm trước vừa có những vấn đề mới nảy sinh của thời đại. Hành trình kiếm tìm lí tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng thể hiện qua một loạt sự kiện mang tính nhận thức. Trước hết, ta có thể thấy Phùng vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một ngành nghệ thuật khám phá cuộc sống thông qua đôi mắt, qua cách nhìn của nghệ sĩ. Tình huống xảy ra với Phùng bắt đầu trong lần đi công tác để chụp bộ ảnh lịch. Phùng đã đến một vùng biển miền Trung. Ở đây, anh đã bắt gặp khung cảnh tuyệt mĩ của thiên nhiên vào thời điểm sáng sớm trên biển, sương trắng như sữa, pha màu hồng của mặt trời, điểm thêm vài bóng im phăng phắc như pho tượng trước mui thuyền. Tất cả như bức tranh mực tầu của danh hoạ thời cổ hài hoà, thực đơn giản mà toàn bích. Chứng kiến khung cảnh đó, Phùng cảm thấy vô cùng bối rối, trái tim như có ai bóp thắt trong trạng thái xúc động cực điểm. Lúc này, anh đã có khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn và một niềm hạnh phúc tràn ngập do cái đẹp tuyệt đỉnh mang lại. Điều đó đã khiến Phùng tin rằng “cái đẹp chính là đạo đức”, cái Mĩ chính là cái Thiện. Chi tiết này cho thấy, Phùng là một người có tố chất nghệ sĩ ở phương diện biết khám phá và say mê cái đẹp, nhưng tiếc rằng, cái nhìn của anh về cuộc sống còn quá giản đơn. Sau đó, một sự kiện kinh hoàng xảy ra đã khiến nhận thức của Phùng có bước ngoặt lớn. Đó là, trên nền thiên nhiên tuyệt bích kia, Phùng đột nhiên chứng kiến cảnh bạo lực dã man của một người đàn ông hàng chài với vợ. Phùng kinh ngạc đến mức đứng há mồm ra nhìn trong mấy phút. Sau đấy, anh đã lao vào can ngăn vì không thể dửng dưng trước nỗi đau của con người. Nhưng điều đáng nói nhất là tâm trạng và suy nghĩ của anh sau khi đôi vợ chồng và đứa con gia đình hàng chài bỏ đi: anh vẫn không chịu tin đây là hiện thực mà chỉ “như một câu chuyện cổ đầy quái đản”. Phùng không thể tin nổi cái xấu xa, đau khổ có ngay trong khung cảnh tuyệt mĩ của thiên nhiên. Đến lúc này, Phùng đã hiểu ra rằng, cái đẹp không còn là đạo đức nữa, cái Mĩ chưa chắc là cái thiện. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong nhận thức của Phùng về cuộc sống. Sự kiện tạo ra bước ngoặt thứ hai của anh là câu chuyện xảy ra ở toà án. Ban đầu, Phùng và Đẩu – người bạn thân của anh, hiện đang làm chánh án - khuyên người phụ nữ bỏ chồng cho đỡ khổ. Đây là cách nghĩ tốt đẹp nhưng đơn giản, bởi hai anh chỉ biết bênh vực quyền sống con người bằng pháp luật. Vì thế, sau khi nghe lời nói của người đàn bà hàng chài, trước cái lí, cái tình rất thật, không thể bác bỏ của người đàn bà, anh cảm thông, đồng tình với chị, hiểu quy luật khắc nghiệt của cuộc đời. Đến đây, anh đã thấy cả nỗi khổ lẫn vẻ đẹp trong người đàn bà và trong cuộc sống khổ cực của chị. Anh đã hiểu rằng cuộc sống là một điều phức tạp, không thể có cái nhìn giản đơn, phiến diện. Không thể chỉ dùng lí trí máy móc để phán xét và hành động. Đến đây, nhận thức của Phùng đã có bước ngoặt thứ hai. Cuối cùng, sự kiện tạo bước ngoặt thứ ba cho nhận thức của Phùng đến khi anh trở về sau chuyến công tác. Anh đã quyết định thay đổi tác phẩm của mình: dùng ảnh đen trắng thay cho ảnh màu để làm nổi bất hai mảng tương phản, qua đó để diễn tả sâu sắc những nghịch lí cuộc đời. Đặc biệt, từ trong bức anh ấy, nếu “ngắm kĩ”, người ta vẫn thấy màu hồng. Đó là cái nhìn lạc quan về cuộc đời dù trong đó còn có biết bao đau khổ, tăm tối. Nhất là, nếu “nhìn lâu hơn”, người ta thấy bước ra khỏi tấm ảnh là người đàn bà thô kệch, lam lũ, nhợt nhạt vì kéo lưới suốt đêm (cái khổ) nhưng bước chân vẫn chậm rãi, chắc chắn (cái đẹp của sức sống mạnh mẽ), lẫn vào đám đông (cái phổ biến, bị che lấp đòi hỏi sự khám phá). Tới lúc này, thực sự Phùng đã thấm thía sứ mệnh của nghệ thuật: không chỉ thấy vẻ đẹp bề ngoài mà còn thấy cả hiện thực đau khổ, đặc biệt là vẻ đẹp ẩn sâu bên trong cuộc sống, trong con người lao động. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc đời. III. Kết luận Qua những điều đã phân tích ở trên, có thể thấy hình tượng người nghệ sĩ trong tác phẩm văn học hiện đại là một đối tượng rất quan trọng. Từ việc khái niệm về người nghệ sĩ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, nhiều cấp độ đến việc nhân vật này được xây dựng một cách đa chiều trong các tác phẩm (có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả thành công lẫn thất bại) đã giúp ta thấy rằng kiểu nhân vật này mang trong mình tất cả sự đa dạng, phức tạp của một hình tượng nghệ thuật điển hình. Thực tế đó đỏi hỏi các nhà nghiên cứu phê bình, các giáo viên giảng dạy và cả người học cần phải có sự nhìn nhận và khám phá đối tượng ấy một cách nghiêm túc, bài bản và có tính hệ thống. Một trong những điều quan trọng nhất khi nói tới nhân vật người nghệ sĩ trong các tác phẩm văn học là ta phải hiểu lí tưởng nghệ thuật của họ. Cuộc hành trình kiếm tìm và thực hiện lí tưởng của họ rất dài lâu, gian khổ, bởi lí tưởng không phải là thứ nhất thành bất biến, càng không dễ thực hiện trọng cuộc sống. Quá trình đó hết sức đòi hỏi con người phải đi qua nhiều thử thách, thăng trầm. Để rồi sau mỗi lần vấp ngã, sau mỗi đắng cay và bi kịch họ mới dần vỡ lẽ và tỉnh ngộ. Sự thức nhận có thể là kịp thời (Hộ, Phùng) nhưng cũng khi đã quá muộn (Vũ Như Tô) nhưng đều để lại những bài học vô cùng quý giá cho những người đi sau. Bài học ấy ở thời nào cũng vậy, dù biểu hiện dưới muôn hình vạn trạng qua phong cách nghệ thuật của từng nghệ sĩ hay qua từng tác phẩm thì cốt lõi vẫn là: nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống để sau đó lại quay trở về phục vụ chính con người. Chân lí này ấy đồng thời cũng đặt ra tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe đối với người nghệ sĩ: phải có cả tài năng và khí phách lẫn cái tâm trong sáng, cao đẹp… Hội đủ những điều kiện ấy họ mới có thể trở thành những người bất tử trong văn chương, nghệ thuật và nhất là trong cuộc đời. Giá như bên cạnh lí tưởng đúng về nghệ thuật và tình thương, Hộ có được bản lĩnh cứng cỏi, kiên cường thì có lẽ anh đã tránh được bi kịch đau đớn của sự sa ngã khi không làm chủ nổi bản thân trước hơi men, có lẽ anh đã đủ sức gánh trên vai tất cả gánh nặng của cơm áo gạo tiền hàng ngày để kiên trì trên hành trình thực thi lí tưởng. Giá như bên cạnh tài năng siêu phàm ngàn năm chưa dễ có một, Vũ Như Tô có thêm sự tỉnh táo, thức thời như Đan Thiềm và tấm lòng nhân nghĩa biết lấy dân làm gốc như Nguyễn Trãi thì có lẽ đã không có cảnh đốt Cửu Trùng Đài, tiêu diệt nhân tài ở phần cuối của vở kịch. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng người đời hiểu rằng việc hiện thực hóa ước mong đó không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng dù khó khăn như vậy, người nghệ sĩ chân chính vẫn không đơn độc bởi họ có công chúng, có độc giả, đặc biệt là những người tri kỉ. Nếu Như Tô chỉ có Đan Thiềm, Hộ chỉ có Từ thì sự tri âm mới chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, cá biệt và kết quả là người nghệ sĩ cùng tác phẩm nghệ thuật vẫn không có được chỗ đứng thực sự vững bền. Sẽ thật hoàn hảo nếu Như Tô được quần chúng nhân dân thấu hiểu và trân trọng như Đan Thiềm thấu hiểu và trân trọng ông. Cuộc đời đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với người nghệ sĩ nhưng xã hội cũng phải biết lắng nghe và tạo điều kiện cho người nghệ sĩ có thể thi thố tài năng của mình. Mối quan hệ giữ nghệ sĩ và cuộc đời là sự tương tác chứ không thể chỉ đặt ra những yêu cầu một chiều. Nói một cách hình ảnh: nếu Tử Kì đòi hỏi Bá Nha phải có tài đánh đàn tuyệt đỉnh thì ngược lại Bá Nha cũng đòi hỏi Tử Kì phải có một đôi tai tuyệt vời. Nhóm Ngữ Văn – Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành [...]...Nhóm Ngữ Văn – Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành ... Giai đoạn văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975: Sau Cách mạng tháng Tám, văn học, vấn đề lí tưởng người nghệ sĩ đặt cách cấp thiết Chỉ có điều, ánh sáng cách mạng, đường mà người nghệ sĩ kiếm tìm... Hộ, nhà văn Nam Cao làm sáng tỏ lí tưởng nghệ thuật người nghệ sĩ Đó trình nhà văn thể quan điểm nghệ thuật tiến mình: quan điểm giá trị chức văn chương, phẩm chất nghề nhà văn trách nhiệm người. .. tìm nghệ thuật Nhân dân, lấy lợi ích nhân dân làm lợi ích nghệ thuật Con đường từ chân trời người đến chân trời người Giai đoạn văn học Việt Nam sau 1975: Trong hệ thống hình tượng người nghệ sĩ

Ngày đăng: 17/10/2015, 11:09

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan