Người trần thuật trong truyện ngắn g g márquez

9 380 7
Người trần thuật trong truyện ngắn g  g  márquez

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

NGƯỜI TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN G. G. MÁRQUEZ Nguyễn Thị Vân Anh 1 ự thành công về phương diện trần thuật của G. G. Márquez ở thể loại truyện ngắn được tạo ra từ nhiều yếu tố. Trong đó, người trần thuật (người kể chuyện) được xem là một nhân tố cơ bản bộc lộ tài năng nghệ thuật và sức sáng tạo dồi dào của ông. Vẫn là hình thức người kể ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, song, ở truyện ngắn G. G. Márquez, chúng lại có sự biến hóa linh hoạt, bất ngờ. Các truyện ngắn của ông hấp dẫn bạn đọc không chỉ bởi đã mang đến những bức tranh hiện thực đa dạng, phức tạp về xã hội Mĩ Latinh mà còn bởi những câu chuyện ấy được trần thuật bằng lối kể trùng phức (nhiều người kể) hoặc người kể là những hồn ma hay ma và người bất phân khiến cho câu chuyện tăng thêm tính li kì, huyền ảo Bài viết này tập trung tìm hiểu đặc điểm người trần thuật trong truyện ngắn G. G. Márquez nhằm chỉ ra những sáng tạo độc đáo của nhà văn ở lĩnh vực vừa nêu. 1. MỞ ĐẦU Văn hào Gabriel Garcia Márquez là một trong những đại diện tiêu biểu và xuất sắc nhất của Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ La tinh. Sáng tác của ông chụm vào hai thể loại chính là tiểu thuyết và truyện ngắn. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, Márquez đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang với những tác phẩm lừng lẫy như: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của ngài trưởng lão… Còn đối với truyện ngắn, tên tuổi ông cũng không kém phần nổi tiếng. Một trong những phương diện góp phần mang lại sự thành công cho G. G. Márquez ở thể loại truyện ngắn đó là ông đã sáng tạo ra những chủ thể kể (người trần thuật) độc đáo có khả năng dẫn dắt bạn đọc thâm nhập vào một thế giới nghệ thuật vừa thực vừa ảo với những biểu hiện vô cùng phong phú. Tác phẩm tự sự không bao giờ vắng bóng người trần thuật. “Đó là một người do nhà văn tạo ra để thay mình thực hiện hành vi trần thuật” [8, tr.101]. Trong các sáng tác văn học cụ thể, người kể chuyện có thể thực hiện hành vi trần thuật của mình ở ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba. Điều này phụ thuộc vào dụng ý nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Như vậy, người trần thuật đảm nhiệm một vai trò quan trọng đặc biệt trong tác phẩm tự sự. Nhấn mạnh vai trò của nhân tố này, T. Todorop cho rằng: “Người kể chuyện là một nhân tố chủ động trong việc kiến tạo thế giới hư cấu. Chính người kể chuyện là hiện thân của những khuynh hướng mang tính xét đoán và đánh giá” [9, tr.197]. Khảo sát truyện ngắn G. G. Márquez thấy ông vận dụng linh hoạt cả hai hình thức kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Có thể nói, 1 ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2 S mỗi kiểu người trần thuật nêu trên đều ẩn chứa sức hấp dẫn riêng và thể hiện khả năng sáng tạo kì diệu của nhà văn vĩ đại này. 2. NỘI DUNG 2.1. Người kể chuyện ngôi thứ ba và vai trò dẫn nhập Trong số 36 truyện ngắn G. G. Márquez mà chúng tôi khảo sát, có tới 20 truyện được kể bởi người kể chuyện toàn thông ngôi thứ ba. Như đã nói, người trần thuật dạng này không lộ diện trong tác phẩm, đóng vai trò là người dẫn dắt, kể ra các sự kiện tình tiết trong tác phẩm bằng khả năng bao quát hiện thực rộng lớn của mình. Người kể chuyện ở đây dường như “biết mọi thứ cần biết về nhân vật, sự kiện, hoàn toàn tự do di chuyển theo ý muốn trong thời gian và không gian, chuyển dời từ nhân vật này đến nhân vật khác, kể lại (hoặc giấu giếm) những gì anh ta chọn về ngôn ngữ hay hành động của họ, anh ta cũng có đặc quyền xâm nhập vào ý nghĩ, tình cảm và động cơ của nhân vật cũng như đối với ngôn ngữ và hành động công khai của anh ta” [5, tr.76]. Với lối kể chuyện tự nhiên, không áp đặt, người trần thuật ngôi thứ ba trong truyện Márquez phần lớn chỉ đóng vai trò dẫn dắt bạn đọc đến với sự việc chứ không tỏ ra là kẻ thông thái, cắt nghĩa hay lí giải tỉ mỉ các tình tiết, sự kiện nhằm giúp độc giả hiểu tác phẩm. Trong Biển của thời đã mất, người kể đã phơi mở trước mắt bạn đọc cuộc sống ngột ngạt, bế tắc của những người dân tại một làng nhỏ trên đất nước Côlômbia. Nơi đây, con người luôn sống trong niềm hoảng loạn, hoang mang. Cảm giác bất an là trạng thái tâm lí thường xuyên ngự trị ở họ. Một khi xã hội vẫn còn tồn tại những kẻ độc tài, quyền lực và tham vọng như Hơcbơt thì con người còn phải gánh chịu nhiều thảm họa khốc liệt: biến thành trò tiêu khiển (nhân vật Patrixiô), mất nhà cửa (ông già Giacốp), bị chà đạp lên nhân phẩm và biến thành gái điếm… Không dừng lại ở việc khám phá đời sống thực tại, người trần thuật trong tác phẩm này còn đưa bạn đọc thâm nhập vào một thế giới khác - một ngôi làng dưới đáy biển. Đó là lãnh địa của những người đã chết với đủ mọi tư thế khác nhau. Nhưng, chính ở đây con người lại được yên nghỉ một cách bình yên và thanh thản, không còn bất cứ lo âu và đe dọa nào. Có thể nhận thấy, khi muốn phản ánh các vấn đề hiện thực ở phạm vi rộng, Márquez thường vận dụng hình thức trần thuật ngôi thứ ba. Theo đây, bức tranh toàn cảnh về xã hội Mĩ Latinh được tái hiện sống động và phức tạp trong các tác phẩm của nhà văn. Bên cạnh Biển của thời đã mất đã nói ở trên, nhiều truyện ngắn khác của Márquez như Mười bảy người Anh bị đầu độc, Giấc ngủ trưa ngày thứ ba, Một trong những ngày này, Một ngày sau thứ bảy, Thần chết thường ẩn sau ái tình, Đám tang của Bà Mẹ vĩ đại, Ngài đại tá chờ thư… đều kể về các vấn nạn (độc tài, tham tiền và danh vọng…), tình trạng hỗn loạn, thái độ bất tín, cảm thức cô đơn… của xã hội và con người thời đại ông sống. Trong tác phẩm Mười bảy người Anh bị đầu độc, người kể chuyện dẫn dắt bạn đọc đến với chuyến viễn du từ Côlômbia sang Ý để gặp đức Giáo hoàng của bà cụ Prudênhxa Linêrô. Cuộc hành trình dài ngày đã diễn ra nhiều sự kiện có tác động lớn đến thế giới tinh thần của bà. Thoạt tiên là hình ảnh người chết trôi trên biển, tiếp đến là đám đông náo loạn chen lấn và vô cảm, rồi cảnh tượng khiếp đảm về mười bảy người Anh bị đầu độc… Những sự kiện ấy khiến bà cụ cảm thấy kinh hoàng, rơi vào một trạng thái cô đơn đến tột cùng. Với cách kể khách quan và khả năng kiểm soát hiện thực chặt chẽ, người kể chuyện toàn thông ngôi thứ ba ở tác phẩm này đã trình ra trước độc giả một xã hội Châu Mĩ La tinh bất thường, xô bồ và đầy dãy những hiểm nguy rình rập, đe dọa con người. Các truyện ngắn Thần chết thường ẩn sau ái tình, Đám tang của Bà Mẹ vĩ đại cho ta thâm nhập sâu hơn vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước Côlômbia. Ở đất nước này, đâu đâu cũng thấy bóng dáng những kẻ độc tài như tên nghị viên Ônêximô Xăngchêt, bà Mẹ Vĩ đại. Trong các tác phẩm kể trên, người kể chuyện để cho nhân vật xuất hiện ở những hoàn cảnh đặc biệt, miêu tả hành động và việc làm của chúng nhằm làm nổi bật bản chất gian xảo, độc ác, tham vọng tiền bạc và quyền lực của những kẻ đó. Đọc Thần chết thường ẩn sau ái tình, hình ảnh về Ônêximô Xăngchêt gây một ấn tượng đặc biệt đối với người tiếp nhận. Hắn được khắc họa trong buổi tiếp xúc với công chúng để vận động tuyển cử mặc dù hắn thừa biết mình sắp chết bởi một căn bệnh quái ác. Tại đây, chủ thể trần thuật để cho hắn lộ rõ chân tướng của mình bằng những trò mị dân giả dối. Gánh xiếc do Ônêximô Xăngchêt chỉ huy đã làm những trò hề để phụ họa cho bài diễn thuyết về một viễn cảnh huy hoàng mà hắn hứa sẽ đem lại cho công chúng: “Trong lúc ngài diễn thuyết thì mấy kẻ giúp việc tung lên những con chim giấy. Những con vật hàng mã ấy bỗng nhiên có sức vỗ cánh lượn quanh diễn đàn rồi bay ra biển. Cũng lúc ấy, số khác lấy những cây giả, lá làm bằng nỉ từ trong thùng những chiếc xe hàng đem trồng ở phía sau đám công chúng trên đất mỏ diêm sinh. Cuối cùng bọn chúng dựng lên một bức áp phích bằng các tông ráp lại vẽ cảnh những ngôi nhà ngói đỏ có cửa sổ bằng kính. Với những bức vẽ này bọn thuộc hạ của nghị viên Ônêximô Xăngchêt đã che khuất những túp lều tranh rách nát của cuộc sống thực tại” [6, tr.296]. Qua lời người kể chuyện, bạn đọc còn biết được nhiều hành động có tính chất mua chuộc công chúng và hết sức giả dối của Ônêximô Xăngchêt như: tặng bà nạ dòng một con lừa để lấy phiếu ủng hộ, bón cháo cho người ốm để tạo hình ảnh đẹp về bản thân mình… Hắn tuy là một quan chức nhưng lại có mối quan hệ với bọn tội đồ bất hảo giết người man rợ như Nenxông Pharina. Không chỉ thế, Ônêximô Xăngchêt còn bộc lộ bản tính dâm đãng của mình trong mối quan hệ có sự thỏa thuận với Laura Pharina (con gái của Nenxông Pharina). Cái chết của hắn được nhà văn miêu tả rất thảm hại ở cuối truyện: nằm úp mặt trong một nỗi cô đơn của sự bỏ rơi. Như thế, trong tác phẩm này, người trần thuật với lối kể tự do không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian đã mang đến cho người đọc câu chuyện cuộc đời của một tên nghị viên (Ônêximô Xăngchêt) tham lam vô độ. Bằng cách đó, G. G. Márquez giúp ta hình dung một cách cụ thể và chân thực về gương mặt của bộ máy chính trị xã hội ông sống. Đó là một xã hội được điều hành bởi những kẻ độc tài, tham lam, phi nhân tính. Và, người dân lương thiện chính là nạn nhân phải gánh chịu nhiều khổ đau nhất trong xã hội ấy. Trong Đám tang của bà mẹ Vĩ đại, ngay lời mở đầu tác phẩm, người kể chuyện đã khẳng định: “Đây là một câu chuyện có thực, thực tới mức khó tin trên thế gian này của bà Mẹ Vĩ đại, người quyền thế nhất của vương quốc Macônđô từng nắm quyền cai quản suốt chín mươi hai năm và đã chết trong danh thơm của chúa vào một ngày thứ Ba tháng Chín vừa qua, và đám tang của bà được vinh dự đón Đức Giáo hoàng” [6, tr.306]. Có thể thấy, câu chuyện về bà mẹ Vĩ đại được tác giả kể bằng một cốt truyện phi tuyến tính, bộn bề các sự kiện. Thoạt tiên, người kể tái hiện lại quang cảnh xã hội sau khi đám tang bà Mẹ Vĩ đại kết thúc: “Nay đất nước từng xao xuyến đã trở lại bình yên, nay dân thổi sáo ở Haxinhtô, dân buôn lậu ở Goahira, dân trồng lúa ở Xinu, dân phù thủy ở Xiêprê, dân làm điếm ở Goamacagian, dân trồng lúa ở Aracataca đã căng lều lên để nghỉ ngơi lấy lại sức sau bao đêm thức trắng mệt mỏi […]; nay thật khó lòng mà len chân nổi trên những nẻo đường của vương quốc Ma côn đô bởi chỗ nào cũng ngập ngụa những vỏ chai, những mẩu tàn thuốc lá, những khúc xương thối, những thùng rỗng, những mẩu giẻ rách, những bãi phân mà đám đông đã để lại sau khi dự đám tang của bà Mẹ Vĩ đại” [6, tr.306-307]. Như vậy, đến tham dự đám tang của người phụ nữ quyền lực này có đủ mọi loại người trong xã hội. Đám tang kết thúc cũng là lúc người dân Macônđô phải sống trong một bãi rác ngập ngụa bẩn thỉu mà những kẻ đến dự đã thải ra. Tiếp đến, tác giả tái hiện lại căn bệnh hiểm nghèo và quá trình điều trị bệnh của bà Mẹ Vĩ đại rồi kể tường tận về nguồn gốc xuất thân, chính sách cai trị hà khắc, sự tham lam và lối sống xa hoa phung phí của người phụ nữ “thế lực nhất trên trần gian này” [6, tr.309]. Chẳng hạn như, để rào giậu kĩ lưỡng tài sản và uy quyền của dòng họ, bà Mẹ Vĩ đại đã tác hợp nhiều cuộc hôn nhân cùng huyết thống: “các ông chú, bà cô phải lấy ngay cháu họ ba đời của mình, các anh em trai phải lấy ngay chị dâu hoặc em dâu của mình nếu như chồng của họ bị chúa gọi đi hầu, cho tới khi hình thành một hệ đồng huyết thống được sinh sôi nảy nở trong vòng loạn luân” [6, tr.308]. Những cuộc ăn chơi sa sỉ thâu đêm suốt sáng mừng sinh nhật bà Mẹ Vĩ đại bảy mươi tuổi được nhà văn kể lại một cách chi tiết, sống động. Trước mắt người đọc hiện ra cái khung cảnh tiệc tùng và hội chợ náo loạn. Nhân cơ hội này, người người tranh nhau buôn bán để tranh thủ làm giàu. Kết thúc lễ sinh nhật là hình ảnh bà Mẹ Vĩ đại “bước ra tận ban công lộng lẫy những vòng hoa, rồi từ trên ban công bà tung tiền xuống giữa đám đông đứng dưới” [6, tr.312]. Trong phút hấp hối, bà Mẹ Vĩ đại vẫn còn lo lắng đến việc bảo vệ tài sản, quan tâm đến số phận thi hài của mình và việc tổ chức tang lễ ra sao. Trong khi đó, những đứa cháu của bà thì chỉ nóng lòng chờ xem họ được thừa kế những gì từ gia tài kếch xù của bà Mẹ Vĩ đại. Đám tang bà Mẹ Vĩ đại diễn ra suốt mười bốn ngày. Đó là một lễ tang hội tụ tất cả mọi thành phần trong xã hội: từ tổng thống, Đức giáo hoàng cho đến những người nông dân, bọn con buôn, thậm chí cả những cô gái điếm. Khi quan tài của bà Mẹ Vĩ đại được hạ xuống và nắp mồ đóng lại, dân chúng thở phào nhẹ nhõm vì họ vừa tiễn đưa một con người đại diện tiêu biểu cho chế độ độc tài kinh hoàng nhất trong lịch sử. Và, họ hi vọng rằng một thời đại mới tốt đẹp hơn sẽ đến với những người dân nơi đây. Sự phân tích ở trên đã cho thấy đặc điểm và vai trò của người kể chuyện ngôi thứ ba trong truyện ngắn G. G. Márquez. Nhờ khả năng bao quát hiện thực rộng lớn và hành vi trần thuật năng động, linh hoạt của người kể chuyện dạng này mà bạn đọc được thâm nhập vào nhiều tầng vỉa hiện thực của Mĩ Latinh nói chung và xã hội Côlômbia nói riêng qua sáng tác của G. G. Márquez. Lối dẫn dắt hấp dẫn trong lời kể cộng với năng lực hư cấu kì diệu các yếu tố huyền ảo đã mạng đến cho những truyện ngắn có phương thức trần thuật ngôi thứ ba của G. G. Márquez một sự hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiếp nhận. 2.2. Nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất và những chiêu thức trần thuật Một trong những đặc điểm nổi bật trong phương thức tự sự của Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nói chung là thường hay vận dụng hình thức người kể chuyện toàn thông ngôi thứ ba. Song, tìm hiểu truyện ngắn G. G. Márquez, chúng tôi lại nhận thấy ông khá ưa chuộng hình thức nhân vật kể chuyện (người trần thuật ngôi thứ nhất) và có nhiều sáng tạo ở phương diện này. Khảo sát những truyện ngắn do nhân vật kể chuyện của G. G. Márquez, thấy có những nét độc đáo sau: 2.2.1. Cái nhìn đa chiều về nghệ thuật Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong truyện ngắn G. G. Márquez thường xưng “tôi” hoặc xưng “mình” trong tác phẩm. Câu chuyện được kể ra thường có liên quan ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp đến người kể. Lựa chọn hình thức trần thuật này, nhà văn đã tạo ra được nhiều cái nhìn nghệ thuật phong phú và đa dạng. Khi chủ thể trần thuật là những con người xã hội cụ thể, cá biệt thì những câu chuyện do chúng kể lại cũng được nhìn nhận, lí giải và đánh giá không giống nhau. Chẳng hạn như, truyện ngắn Ai đó làm rối những bông hồng do hồn ma của một cậu bé kể; còn câu chuyện Những bóng ma tháng Tám lại do một người đàn ông kể lại khi ông ta cùng vợ và các con đến tham quan một lâu đài cổ và rơi vào một tình trạng hoảng loạn bởi ở đó có ma. Tác phẩm Ông bạn Mutit của tôi mang dáng dấp tự truyện, người kể chuyện trong đây chính là tác giả. Ông kể về tình bạn thân thiết giữa mình với nhà văn Mutit và những đức tính cao quý của người bạn đáng kính này Với mỗi dạng chủ thể kể như thế, tác phẩm của G. G. Márquez đã đưa đến cho người đọc những nội dung đời sống thú vị. Mỗi người kể là mỗi câu chuyện khác nhau thể hiện những cái nhìn, thái độ và tình cảm của chủ thể đối với hiện thực theo một cách riêng. 2.2.2. Người kể chuyện xưng “tôi” đột ngột chen ngang vào giữa hoặc cuối truyện Một phương diện lí thú khác trong nghệ thuật trần thuật của G. G. Márquez là, có nhiều tác phẩm khi mới đọc thường khiến chúng ta tưởng nó được kể theo kiểu truyền thống (người kể giấu mặt ngôi thứ ba) nhưng đến giữa hoặc gần cuối truyện bỗng dưng xuất hiện một người xưng “tôi” đột ngột chen ngang vào câu chuyện. Phương thức kể này rõ ràng đã mang lại sự bất ngờ đối với độc giả. Nó vừa cho thấy ý thức không ngừng tìm tòi sáng tạo ở phía nhà văn, đồng thời tạo thêm cơ sở để những câu chuyện được kể ra có thêm độ tin cậy và có sức thuyết phục hơn. Có thể thấy đặc điểm vừa nêu qua nhiều tác phẩm của ông như: Dấu máu em trên tuyết, Quà tết, Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđia đáng thương và người bà bất lương, Thánh Bà, Tôi chỉ đến để gọi điện thoại… Chẳng hạn, tác phẩm Dấu máu em trên tuyết kể về mối tình và cuộc hôn nhân giữa Bidi Săngchêt và Nina Đacôntê. Lúc đầu, câu chuyện được kể bởi một chủ thể giấu mặt ngôi thứ ba. Thậm chí đến đoạn cuối - khi Nina Đacôntê đã chết với một lí do cực kì phi lí: bị gai hoa hồng đâm chảy máu tay thì nhân vật xưng “tôi” mới xuất hiện: “Vào lúc hai giờ chiều chủ nhật đám tang được cử hành ở cái nơi chỉ cách hai trăm mét căn phòng khách sạn, nơi Bidi Săngchêt đang chết lặng trong nỗi cô đơn vì tình yêu của Nina Đacôntê. Quan chức ngoại giao tiếp anh ở sứ quán nói với tôi nhiều năm sau rằng chính ông ta đã nhận bức điện của ngài ngoại trưởng, một giờ sau khi Bidi Săngchêt ra khỏi văn phòng của ông ta, và ông ta đã lặn lội tìm kiếm anh ở các quán rượu trong khách sạn Phôbuôc” [6, tr.47]. Như vậy, sự xuất hiện muộn màng của chủ thể kể xưng “tôi” giống như một nhân chứng xác thực về những điều đã xảy ra để khiến bạn đọc tin rằng cái chết đầy phi lí của cô gái trong truyện là có thực. Trong Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđia đáng thương và người bà bất lương, nhân vật “tôi” cũng đột nhiên chen ngang vào đoạn giữa của câu chuyện: “Thời kì ấy tôi có biết bà cháu cô gái này. Đây là thời kì hành nghề phát đạt nhất của họ. Dẫu rằng lúc ấy tôi chưa có được nhiều tài liệu về đời sống của cô gái như nhiều năm sau này. Nhưng khi nghe bài hát do nhạc sĩ Raphaen Excalôna sáng tác nói về đoạn kết tấn bi kịch đời cô, tôi đã nghĩ ngay rằng nếu viết về cô ta thì hay tuyệt…” [6, tr.467]. Ở đây, cuộc đời nhiều đau đớn và bi kịch của Êrênhđia được kể lại dựa trên cơ sở những hiểu biết trực tiếp của nhân vật xưng “tôi”, một phần khác là dựa vào nội dung bài hát do một nhạc sĩ sáng tác mà người kể chuyện này đã nghe được. 2.2.3. Nhân vật kể chuyện là những hồn ma hoặc không phân định ma và người Truyện ngắn G. G. Márquez lôi cuốn bạn đọc một phần nữa cũng bởi nhà văn đã sáng tạo ra một kiểu nhân vật kể chuyện là những hồn ma hoặc nửa ma nửa người (không có sự phân định rõ ràng) nhằm dẫn dắt bạn đọc vào một thế giới huyền ảo với những tình tiết li kì, rùng rợn. Những tác phẩm tiêu biểu cho hình thức trần thuật này là Ai đó làm rối những bông hồng, Đôi mắt chó xanh, Độc thoại Isabel ngắm mưa ở làng Macônđô… Ai đó làm rối những bông hồng là một câu chuyện đậm chất trữ tình, hầu như không chứa đựng một lời đối thoại trực tiếp nào giữa các nhân vật. Toàn bộ tác phẩm do hồn ma xưng “mình” của một cậu bé kể lại. Nội dung câu chuyện chủ yếu xoay quanh nguyên nhân cái chết của cậu bé và tình trạng sống cô đơn, lặng lẽ của cô gái hàng xóm - người bạn thân thời ấu thơ của hồn ma. Truyện được kể theo dòng hồi ức của cậu bé. Do vậy, các sự kiện không theo trình tự tuyến tính mà có sự đảo lộn và đan xen nhiều lớp thời gian khác nhau. Có lẽ không gì thuyết phục và xúc động hơn khi ta được chính người đã chết thuật lại cái chết đau thương của mình qua dòng ý thức: “…ở nàng, mình nhận ra cái cô bé trong cái buổi chiều tháng Tám giông tố ấy của mình đi lấy tổ chim trong chuồng gia súc. Nàng đứng như thế trước cửa, tay cầm vali, đầu đội mũ xanh, cứ như thể sắp sửa ra ngoài gào toáng lên, để nói chính điều nàng đã nói khi người ta thấy mình nằm ngửa giữa cỏ dại trong chuồng gia súc, vẫn vịn chặt lấy đong ngang của chiếc cầu thang hỏng” [6, tr.252]. Qua lời trần thuật của hồn ma cậu bé, người đọc có được những giây phút lắng đọng trong nỗi xúc động khi chứng kiến sự ngăn cách trớ trêu giữa thế giới của người sống và người chết. Trong khi người phụ nữ sống âm thầm và lưu giữ mãi những kỉ niệm ấu thơ, đi qua hết tuổi thơ, tuổi trẻ và đang già đi mỗi ngày ở chính căn nhà xưa cũ thì hồn ma lại luôn dõi theo cuộc đời của cô gái, lo lắng và ái ngại cho cảnh ngộ đơn độc của nàng. Do thế, hồn ma khao khát được kết nối với người còn sống (bằng cách làm chuyển động những bông hoa hồng trên bàn thờ) để mong tìm được sự sẻ chia cho vơi đi nỗi cô đơn đã kéo dài dằng dặc gần nửa thế kỉ. Trong tác phẩm Độc thoại Isabel ngắm mưa ở làng Macônđô, nhân vật kể chuyện là Isabel (người xưng “mình”) kể về những trận mưa liên tiếp, dai dẳng khiến cho làng Macônđô rơi vào cảnh ngập lụt. Mỗi ngày qua đi, cơn mưa thêm triền miên và mang đến cho con người nhiều phiền toái và u buồn hơn: “Nhà cửa lộn xộn bừa bãi, những người nông dân không áo không giày, quần xắn đến đầu gối đang chuyển các đồ vật nội thất vào nhà ăn […]. Mình đi lại không phương hướng, không tự nguyện, cảm thấy mình bị biến thành một cánh đồng hiu quạnh được trồng toàn rong rêu và các loại nấm” [6, tr.502]. Mưa làm cho con người “mệt mỏi và bất lực trước cái vần vũ của thiên nhiên” [6, tr.503], làm đổ nhà thờ, cuốn trôi đường ray tàu hỏa, khiến nhiều người chết đuối… Điều đáng chú ý ở đây là diễn biến tâm trạng của người kể chuyện. Thoạt tiên, cơn mưa mang lại cho người ta cảm giác hân hoan vì trước đó là một ngày thứ Bảy oi nắng. Nhưng, từ chiều chủ nhật trở đi mưa tầm tã, kéo dài lê thê hết ngày này đến ngày khác khiến cho Isabel cảm thấy “rùng mình, với một nỗi buồn mòn mỏi” [6, tr.499]. Tiếp đến, cô cảm giác “nước đau đớn và nhức nhối ở trong tim” [6, tr.500], rồi chìm đắm vào cơn mộng du khiến cho nhân vật cũng không biết mình còn sống hay đã chết. Như vậy, những truyện được kể bởi hồn ma hoặc nửa ma nửa người như trên đã mở ra một cánh cửa để bạn đọc có dịp khám phá hiện thực tâm trạng của con người. Phần lớn những tác phẩm vận dụng lối kể này thường thiên về độc thoại nội tâm, người kể tự giãi bày thế giới tinh thần của mình với độc giả. Qua đây, Márquez cho ta cảm biết thấm thía hơn về nỗi cô đơn của con người thời đại ông sống. Xét đến cùng, đó cũng là một cách chia sẻ của nhà văn với bạn đọc, một sự “giải thoát” giúp nghệ sĩ vợi đi chút nào đó chăng những bức xúc, nỗi niềm trăn trở về đời sống con người. 2.2.4. Lối kể chuyện trùng phức Tìm hiểu truyện ngắn Márquez thấy ông còn sáng tạo lối kể chuyện trùng phức bởi nhiều người. Họ là những nhân vật khác nhau trong tác phẩm cùng tham gia vào hoạt động kể chuyện. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phương thức trần thuật vừa nêu là Kí sự về một cái chết được báo trước. Trong đây, câu chuyện anh em sinh đôi nhà Vicariô thảm sát Santiagô được kể bởi hai mươi mốt nhân vật. Nhân vật xưng “tôi” chỉ đóng vai trò là người thu thập thông tin từ những lời kể của các nhân vật khác và mang kể lại với độc giả. Lối kể này tạo ra một xa lộ thông tin nên nó vừa đáng tin lại vừa không đáng tin. Chẳng hạn, khi kể đến quang cảnh, thời tiết của buổi sáng hôm Santiagô Nasar bị giết, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: “Nhiều người nhớ giống nhau rằng buổi sáng đó rực rỡ, có gió nồm từ biển qua những cánh đồng thổi vào, rằng đó là thời tiết đẹp của tháng hai. Nhưng số đông khác lại nhớ rằng hôm đó thời tiết buồn như chết, vòm trời đen đục, thấp tè, một mùi nước tù oi nặng, và lúc thảm kịch xảy ra trời lất phất mưa phùn…” [6, tr.572]. Qua lời kể của các nhân vật trong tác phẩm, cái chết bi thảm của Santiagô Nasar càng lúc càng thêm sáng tỏ. Một điều lạ lùng là, Santiagô Nasar cho đến lúc chết cũng không hiểu được lí do tại sao mình bị giết trong khi đó tất cả thiên hạ - những người quen biết anh đều biết vì nó là một cái chết được anh em nhà Vicariô báo trước. Nhiều người muốn cứu Santiagô Nasar bằng cách này hay cách khác. Có người báo cho cha xứ, có người đến gặp ngài thị trưởng, có người viết giấy bỏ vào nhà anh, có người thông báo cho bạn thân anh… và người cuối cùng nói thông tin ấy trực tiếp với Santiagô Nasar là vợ sắp cưới của anh - Phlôra. Chỉ có điều, cô không nói cặn kẽ và giải thích cho Santiagô hiểu vì sao hai anh em sinh đôi nhà Vicariô lại tìm giết anh. Nguyên nhân dẫn đến án mạng Santiagô gồm cả mặt khác quan và mặt chủ quan. Về phương diện khách quan, một số người không nhiệt tình giúp Santiagô, chẳng hạn như: thị trưởng, cha xứ, mẹ con bà Vichtoria Gútxman… Họ chủ quan, tắc trách (thị trưởng, cha xứ) hoặc có tư thù với gia đình Santiagô (Vichtoria Gútxman). Còn Phlôra thì nóng quá mất khôn, giận dỗi, nghi ngờ người yêu trong khi anh cần được giúp đỡ… Về mặt chủ quan, Santiagô Nasar không bình tĩnh và tỉnh táo tìm hiểu sự việc. Anh cũng mắc chứng kiêu ngạo, cậy mình thanh thế không ai dám động vào. Anh không lựa chọn những phương án mà bố vợ tương lai đưa ra: “trước mắt anh chỉ có hai con đường: hoặc là anh lánh tại đây, hoặc mang theo khẩu súng của tôi mà về” [6, tr.671]. Do vậy, trong tình huống nguy hiểm ấy, Santiagô Nasar vô cùng đơn độc và anh đã bị giết một cách dã man trước sự chứng kiến của rất nhiều người. 3. KẾT LUẬN Tóm lại, sự phân tích trên đây đã cho thấy những sáng tạo miệt mài của G. G. Márquez về phương diện người trần thuật. Vẫn từ ngôi kể thứ nhất và thứ ba, song, ở truyện ngắn G. G. Márquez, chúng đã có sự biến hóa linh hoạt, bất ngờ. Nhà văn đặc biệt thành công với hình thức nhân vật kể chuyện từ ngôi thứ nhất. Lựa chọn chủ thể kể dạng này, G. G. Márquez đã có cơ hội thể hiện thế mạnh và khả năng hư cấu tuyệt vời của mình. Các truyện ngắn của ông hấp dẫn bạn đọc không chỉ bởi chúng đã mang đến những bức tranh hiện thực đa dạng, phức tạp của Mĩ Latinh mà còn bởi những câu chuyện ấy được trần thuật bằng lối kể trùng phức (nhiều người kể) hoặc người kể là những hồn ma hay ma và người bất phân khiến cho câu chuyện tăng thêm tính li kì, huyền ảo Những nỗ lực này đã đưa đến sự thành công về nghệ thuật kể chuyện của G. G. Márquez và mang lại phần thưởng xứng đáng cho người nghệ sĩ đó là tình cảm yêu mến và ngưỡng mộ mà bạn đọc nhiều nơi trên thế giới dành cho ông trong suốt nhiều thập kỉ qua. Nhắc đến văn học Mĩ Latinh và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo người ta không thể không kể tới tên tuổi G. G. Márquez, bởi ông chính là đại diện tiêu biểu, vĩ đại nhất - người đã có công khai mở và mang lại những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng làm nên diện mạo của nền văn học này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huy Bắc, Truyện ngắn: Lí luận, tác gia và tác phẩm, tập 1, Nxb Giáo dục, H., 2004. 2. Lê Huy Bắc, Truyện ngắn: Lí luận, tác gia và tác phẩm, tập 2, Nxb Giáo dục, H., 2005. 3. Lê Huy Bắc, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và G. Márquez, Nxb Giáo dục, H., 2009. 4. Lê Nguyên Cẩn, Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2003. 5. Đào Thu Hằng, Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, Nxb Giáo dục, H., 2007. 6. Márquez G., Truyện ngắn tuyển chọn, Nxb Văn học, H., 2007. 7. Martin G., Về thế giới của A. Mutis và G.G. Márquez (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), eVan.com.vn. 8. Trần Đình Sử (chủ biên), Lí luận văn học (tập 2) - Tác phẩm và thể loại văn học, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2008. 9. Todorov T., Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), Nxb Đại học Sư phạm, H., 2004. 10. Todorov T., Dẫn luận về văn chương kì ảo (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), Nxb Đại học Sư phạm, H., 2008. THE NARRATOR IN G. G. MÁRQUEZ’S SHORT STORIES Nguyen Thi Van Anh Abstract The success in works of G. G. Márquez was made from many factors. In G. G. Márquez’s short stories, the narrative is a artistic factor which plays an important role. Forms of the narrator in the first person and the third person have been used creatively by the author. This article studies some characteristics of the narrator in G. G. Márquez’s short stories to point out the unique creativity of the writer and attraction in his works. . NGƯỜI TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN G. G. MÁRQUEZ Nguyễn Thị Vân Anh 1 ự thành công về phương diện trần thuật của G. G. Márquez ở thể loại truyện ngắn được tạo ra từ nhiều yếu tố. Trong. cũng không kém phần nổi tiếng. Một trong những phương diện g p phần mang lại sự thành công cho G. G. Márquez ở thể loại truyện ngắn đó là ông đã sáng tạo ra những chủ thể kể (người trần thuật) . thường khiến chúng ta tưởng nó được kể theo kiểu truyền thống (người kể giấu mặt ngôi thứ ba) nhưng đến giữa hoặc g n cuối truyện bỗng dưng xuất hiện một người xưng “tôi” đột ngột chen ngang vào

Ngày đăng: 04/09/2015, 20:31

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan