Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Tây Hà Nội

6 497 12
Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Tây Hà Nội

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội- Chi nhánh Tây Hà Nội Trần Thị Lan Anh Trường Đại học Kinh tế Luận văn ThS Chuyên ngành: Tài chính và Ngân hàng; Mã số 60 34 20 Người hướng dẫn: TS. Đinh Thị Thanh Vân Năm bảo vệ: 2014 Keywords. Tín dụng; Quản trị rủi ro; Ngân hàng. Content LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh ngân hàng trong thời gian qua ngày càng trở nên khó khăn. Môi trường kinh doanh vừa trải qua giai đoạn suy thoái, chưa có dấu hiệu phục hồi, tổng cầu của nền kinh tế yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, số lượng các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng, hàng tồn kho lớn. Các Ngân hàng ngày càng phải có sự cạnh tranh quyết liệt để chiếm lĩnh thị trường, phải nới lỏng các yêu cầu khi cho vay cũng như cắt giảm lãi suất tạo ra nhiều nguy cơ rủi ro trong hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và do đó gián tiếp ảnh hưởng đến các ngân hàng. Các doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận có thể sử dụng vốn vay của ngân hàng không đúng mục đích hoặc đầu tư không hiệu quả, thu nhập không đủ bù đắp chi phí dẫn đến không thể trả được nợ ngân hàng khi đến hạn. Tất cả những điều đó đều có thể gây ra rủi ro cho ngân hàng đặc biệt là rủi ro đối với hoạt động tín dụng. Vì vậy, trong thời gian tới việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng là thực sự có ý nghĩa và luôn là một đề tài cấp thiết đối với các Ngân hàng thương mại Việt Nam. Tìm được các biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng để tăng hiệu quả trong kinh doanh ngân hàng là mong muốn của tất cả các nhà kinh doanh tiền tệ khi phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt, giành giật thị phần để mang lại lợi nhuận. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội là một trong những Ngân hàng cổ phần lớn ở Việt Nam được xếp hạng mức độ tín nhiệm cao trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng cũng như chi nhánh Tây Hà Nội tỷ lệ nợ xấu trong những năm gần đây không cao nhưng có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động tín dụng nói riêng và kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung. Vấn đề này nếu không được giải quyết nhanh chóng kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và giảm lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị rủi ro tín dụng trong các ngân hàng nói chung và sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội nói riêng trong giai đoạn hiện nay, tôi quyết định chọn đề tài: “ Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội” làm luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu Quản trị rủi ro tín dụng là hoạt động rất quan trọng và không thể thiếu trong quản trị ngân hàng thương mại. Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị rủi ro tín dụng nên đã có rất nhiều đề tài về vấn đề này: Luận án tiến sĩ của tác giả Lê Thị Huyền Diệu(2010) với tên đề tài “ Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”. Luận án đã đưa ra những lý thuyết cơ bản về mô hình quản lý rủi ro và xây dựng mô hình quản lý rủi ro đồng thời cũng đưa ra những điều kiện để các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể áp dụng. Tuy nhiên, tác giả lại chưa phân tích cụ thể về vấn đề nợ xấu và quản lý nợ xấu, một nội dung quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng. Luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Đức Tú( 2012) với tên đề tài” Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam”. Luận án đã hệ thống hóa và làm sáng tỏ lý luận về rủi ro tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng áp lực cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại. Trên cơ sở phân tích thực trạng quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam đã đề ra một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng này. Các luận văn thạc sĩ có cùng tên đề tài như: Luận văn thạc sĩ tác giả Nguyễn Thị Quyên(2012) với tên đề tài “ Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Láng Hạ; Luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Anh Dũng( 2012) với tên đề tài “ Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển – Chi nhánh Bình Định” ; Luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Mạnh Phát( 2012) với tên đề tài “ Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội” và nhiều luận văn thạc sĩ khác. Các luận văn này đã đề cập tới các mô hình quản trị rủi ro tín dụng và thực trạng quản trị rủi ro của tại một Chi nhánh Ngân hàng cụ thế, phân tích những mặt đạt được và những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý rủi ro tín dụng tại các Chi nhánh này, từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản trị rủi ro tín dụng áp dụng cho các Chi nhánh ngân hàng. Các công trình nghiên cứu khác có liên quan như: Luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thị Hoài Phương(2012) với tên đề tài “Quản lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong luận án này, tác giả đã đưa ra quy trình quản lý nợ xấu. Tác giả đã chứng minh rằng: “ Chỉ khi nào nợ xấu được nhận biết một cách chính xác thì Ngân hàng mới có thể quản lý nó hiệu quả” đồng thời đưa ra cách đo lường nợ xấu theo các chỉ tiêu định lượng và khuyến nghị phân loại nợ thành mười nhóm nợ với tỷ lệ trích lập dự phòng cho từng nhóm nợ từ 0% đến 100%. Tuy nhiên, nợ xấu chỉ là biểu hiện của rủi ro tín dụng và là thước đo truyền thống của rủi ro tín dụng. Vấn đề nợ xấu ở Việt Nam trong thời gian qua được các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị như bài viết của tác giả NGND. PGS. TS. Tô Ngọc Hưng, giám đốc Học viện Ngân hàng. Bài viết có tên “ Thực trạng xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2012 – 2013 và một số khuyến nghị chính sách”, bài viết cho thấy thực trạng nợ xấu ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 -2012 bùng phát mạnh mẽ “ tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2012( chỉ đạt 8,91%), trong khi quy mô nợ xấu tăng lên 118 nghìn tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu đạt mức 4,16%.” “ Sang năm 2013, quy mô nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng. Nợ xấu tăng từ mức 118,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2012 lên mức 142 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 11/2013 mặc dù toàn hệ thống đã triển khai nhiều biện pháp tích cực xử lý và kiểm soát nợ xấu”[6]. Đồng thời tác giả cũng đã đưa ra một số biện pháp và khuyến nghị chính sách kiểm soát và xử lý nợ xấu. Vấn đề nợ xấu trong thời gian qua cũng được thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Nguyễn Văn Bình nhận định: “ con số này là đáng báo động nhưng chưa đến mức hốt hoảng, nguy kịch hóa”.[5] Trên thế giới, hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động giám sát ngân hàng do Ủy ban Basel ban hành. Hiệp ước Bazel khuyến khích các Ngân hàng thương mại xây dựng các cách thức và mô hình nhằm lượng hóa rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam vẫn đo lường rủi ro tín dụng dựa trên chỉ tiêu nợ xấu và nợ quá hạn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay cũng đã và đang dự thảo và ban hành thông tư Quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, trong đó có quản lý rủi ro tín dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư sẽ tạo cơ sở cho các Ngân hàng xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro phục vụ cho quản trị, điều hành được đồng bộ. Bản thân các ngân hàng trong thời gian qua cũng đã thiết lập hệ thống quản lý rủi ro bao gồm các văn bản về chiến lược, chính sách, quy trình quản lý rủi ro và các hạn mức rủi ro, tuy nhiên còn chưa đầy đủ, rõ ràng, khoa học, chưa đề cao cũng như chưa thấy được vai trò của hệ thống quản lý rủi ro. Thông tư về quản lý rủi ro sẽ tạo khuôn khổ pháp lý trong công tác quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng theo chuẩn mực quốc tế, giảm khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của ngân hàng. Thông tư quy định về quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng là cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng đồng thời đánh giá chất lượng quản lý rủi ro của ngân hàng. Bản thân Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội để thực hiện công tác quản lý rủi ro, ngân hàng cũng đã thành lập khối quản trị rủi ro. Khối quản trị rủi ro của ngân hàng được thành lập nhằm mục đích quản lý rủi ro trong hoạt động của toàn ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro của ngân hàng nói chung và rủi ro tín dụng của ngân hàng nói riêng xảy ra trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh do các chi nhánh trực tiếp thực hiện. Do đó, công tác quản trị rủi ro tại các chi nhánh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh có vai trò quan trọng, ảnh hưởng và quyết định đến hiệu quả quản trị rủi ro của toàn hệ thống. Việc xây dựng hệ thống chính sách quản lý rủi ro do hội sở quy định và áp dụng chung cho toàn hệ thống nhưng việc thực hiện các chính sách đó là do các chi nhánh thực hiện. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh cũng đã tuân thủ đầy đủ những quy định pháp luật, quy định của hội sở, quy định về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, do mới thành lập( năm 2008) nên trong quá trình hoạt động cũng như quản trị rủi ro tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân ngân hàng cũng chưa có những công trình nghiên cứu, đánh giá về công tác quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu phân tích đánh giá hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội, từ đó đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro tại Chi nhánh là hết sức cần thiết giúp ngân hàng phát triển ngày càng vững mạnh. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. * Mục đích: Tìm ra những biện pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng của chi nhánh. * Nhiệm vụ: - Hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về quản trị rủi ro tín dụng. - Đánh giá thực trạng quản trị rủi tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội trong những năm gần đây và chỉ ra những tồn tại trong quá trình quản trị rủi ro tín dụng của chi nhánh. - Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quản trị rủi ro tín dụng của chi nhánh. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. * Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội. * Phạm vi nghiên cứu: Phân tích và đánh giá hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội giai đoạn 2010 – 2013. 5. Phương pháp nghiên cứu. - Phương pháp thu thập số liệu: thu thập số liệu qua các báo cáo tổng kết năm của chi nhánh. - Phương pháp xử lý số liệu: Phân tích các số liệu thực tế thông qua các báo cáo, tài liệu của chi nhánh. So sánh, phân tích và tổng hợp các con số biến động qua các năm qua đó có thể thấy được thực trạng ngân hàng trong những năm qua, trong hiện tại và cả những định hướng trong tương lai. 6. Dự kiến những đóng góp mới của luận văn. Đánh giá thực trạng hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội, qua đó giúp Ban Giám đốc chi nhánh ngân hàng quan tâm và hoàn thiện hơn công tác quản trị rủi ro tín dụng trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 7. Bố cục luận văn. - Tên đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Tây Hà Nội”. - Kết cấu của đề tài: Ngoài phần mở đầu và phần kết luận thì đề tài được chia thành 3 chương: Chương 1: Tổng quan về quản trị rủi ro tín dụng trong ngân hàng thương mại Chương 2: Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – chi nhánh Tây Hà Nội Reference TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Diệu (2002), Quản trị Ngân hàng, Nxb Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Trần Thị Thái Hà(2009), Các thị trường và định chế tài chính, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội. 3. Phan Thị Thu Hà(2009), Quản trị ngân hàng thương mại, Nxb Giao thông vận tải. 4. Nguyễn Thị Liên Hoa (2008), “Hiệp ước Basel mới và vấn đề kiểm soát rủi ro trong NHTM”, Tạp chí phân tích kinh tế. 5. Chung Hoàng(2014), “Nợ xấu chưa đến mức hốt hoảng, nguy kịch, Vietnamnet. 6. Tô Ngọc Hưng(2014), “Thực trạng sử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2012-2013 và một số khuyến nghị chính sách”, Tạp chí Ngân hàng. 7. Nguyễn Văn Ngọc(2009), Lý thuyết chung về thị trường tài chính, ngân hàng và chính sách tiền tệ, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân. 8. Nguyễn Minh Kiều(2008), Nghiệp vụ ngân hàng, Nxb Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Nguyễn Văn Tiến (2003), Đánh giá và Phòng ngừa trong rủi ro kinh doanh Ngân hàng, Nxb Thống kê, Hà Nội. 10. Nguyễn Văn Tiến(2011), Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nxb Thống kê, Hà Nội. 11. Cosin D.H Pirotte(2001), advanced credit risk analysis p 30 – 35. 12. Mishkin F.S. (1999), Tiền tệ Ngân hàng và thị trường tài chính, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. 13. Rose P.S. (2004), Quản trị Ngân hàng thương mại, Nxb Tài chính, Hà Nội. 14. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, các báo cáo thường niên, báo cáo kết quả họat động tín dụng, báo cáo công tác quản trị rủi ro tín dụng qua các năm 2010 - 2013. 15. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Sổ tay tín dụng. website: 16. www.sbv.gov.vn 17. www.moi.gov.vn 18. Doanhnhanhanoi.net

Ngày đăng: 25/04/2015, 11:52

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan