ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC TIẾNG CƠ TU Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI GÓC NHÌN NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA

11 514 0
ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC TIẾNG CƠ TU Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI GÓC NHÌN NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

Thông tin tài liệu

ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC TIẾNG CƠ TU Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI GÓC NHÌN NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA Trần Văn Sáng (Trường Đại học Phú Xuân - Huế Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học) 1. Dẫn nhập 1.1. Ở Việt Nam, vấn đề địa danh từ lâu đã được rất nhiều nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, địa lý học quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu về địa danh từ những góc độ khác nhau của các tác giả tiêu biểu như Hoàng Thị Châu, Trần Trí Dõi, Đinh Xuân Vịnh, Nguyễn Văn Âu, Lê Trung Hoa,… đã có những đóng góp nhất định trong việc hệ thống tri thức địa danh học Việt Nam. Đặc biệt, đã có một số luận án tiến sĩ ngôn ngữ học nghiên cứu về địa danh 1 . Đây là những công trình nghiên cứu có những đóng góp đáng trân trọng khi tiếp cận địa danh học dưới ánh sáng của ngôn ngữ học. Tuy nhiên, nghiên cứu địa danh dân tộc từ góc nhìn ngôn ngữ học vẫn là một khoảng trống trong các công trình địa danh học. Ngoài các bài viết chúng tôi đã công bố trong [10], [11], [12], [13], [14], cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy một công trình nào đề cập đến các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế một cách hệ thống. 1.2. Nghiên cứu địa danh ở Thừa Thiên Huế nói chung, địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói riêng, là một hướng tiếp cận liên ngành ngôn ngữ và văn hoá về một vùng địa lý hội tụ nhiều lớp, nhiều tầng văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến giữa các dân tộc chung sống trên địa bàn cư trú (Kinh, Chăm, Cơtu, Taôi). Trong quá trình hình thành và chuyển biến, địa danh không chỉ chịu tác động bởi các yếu tố ngôn ngữ mà còn cả các yếu tố ngoài ngôn ngữ. Các yếu tố này làm cho địa danh trở thành những “trầm tích sống” bằng ngôn ngữ, ký thác nhiều thông tin tư liệu quý giá đối với các ngành khoa học hữu quan: ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hoá học, lịch sử và khảo cổ học. 1.3. Tiếp cận hệ thống địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế từ góc nhìn ngôn ngữ học, chúng ta có thể xem xét trên các phương diện: 1) Xem xét các địa danh về mặt ngữ âm (chỉ ra qui luật phiên chuyển các địa danh tiếng dân tộc ra chữ quốc ngữ); 2) Xem xét về mặt cấu tạo các địa danh tiếng dân tộc; 3) Xem xét về mặt ngữ nghĩa các địa danh tiếng dân tộc trên địa bàn khảo sát, qua đó chỉ ra các đặc trưng văn hoá tộc người được ký thác qua mỗi địa danh. Do khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi chỉ đề cập đến đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ý nghĩa và đặc điểm văn hoá của các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế. Vấn đề phiên chuyển địa danh từ tiếng Cơtu sang tiếng Việt sẽ được chúng tôi đề cập trong một bài viết khác. Ở Thừa Thiên Huế, các tộc người thiểu số chủ yếu cư trú ở huyện Nam Đông và A Lưới, ngoài ra còn có một số nhỏ sinh sống ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà và Phong Điền. Pacô-Taôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều là ba tộc người thiểu số sống tựa vào sơn hệ Trường Sơn, tạo thành một bộ phận gắn kết lâu đời trong bức tranh dân cư Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu bình diện ngôn ngữ-văn hoá của địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu trên địa bàn là một cánh cửa rộng mở cho việc tiếp cận bước đầu bức tranh văn hoá tộc người đầy sinh động và giàu màu sắc trong đời sống của các dân tộc thiểu số định cư trên dải Trường Sơn Bắc này. 2.Đặc điểm cấu tạo của địa danh tiếng Cơtu 1 Các luận án tiến sĩ đã bảo vệ: “Những đặc điểm chính của địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh”(1990) của Lê Trung Hoa; “Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (sơ bộ so sánh với một số vùng khác)”(1996) của Nguyễn Kiên Trường; “Nghiên cứu địa danh Quảng Trị”(2003) của Từ Thu Mai; “Những đặc điểm chính của địa danh Đak Lăk”(2005) của Trần Văn Dũng; “Khảo sát các địa danh ở Nghệ An”(2006) của Phan Xuân Đạm. 1 2.1. Khảo sát, thống kê 2.248 địa danh ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi xác định được X địa danh gốc Cowtu trong tổng số Y địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số, chiếm T%. Địa danh tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế chủ yếu được phân bố ở huyện Nam Đông và một số xã của huyện A Lưới có dân tộc Cơtu sinh sống như Hương Lâm, Hương Nguyên, Hồng Hạ. Thừa Thiên Huế là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hoá và giàu bản sắc. Bức tranh ngôn ngữ văn hoá tộc người giàu bản sắc ấy, trước hết, được thể hiện qua hệ thống địa danh. Mỗi địa danh là một “vật dẫn văn hoá” về vùng đất mà nó chào đời. 2.2. Các địa danh tiếng Cơtu có cấu tạo đơn Kiểu cấu tạo đơn trong địa danh là kiểu cấu tạo chỉ có một từ đơn (đơn tiết hoặc đa tiết). Do vậy, các địa danh đơn có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số Cơtu được cấu tạo từ hai nhóm chính: 2.2.1.Các địa danh có cấu tạo bằng từ đơn đơn tiết: Địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu mang một âm tiết chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong hệ thống địa danh dân tộc trên địa bàn. Ví dụ: Các địa danh Cơtu trên địa bàn huyện A Lưới: kakoong Ong(núi - tên người anh hùng Ong), karung Joóng(sông- nai rừng), tơơm Yong(khe - một loại chim sáo), vil Ngeaq(thôn-tên một nhân vật trong làng), kakoong Chóh(núi - cắm mốc). Các địa danh Cơtu trên địa bàn huyện Nam Đông: kakoong Guy(núi - cái gùi mang đi rẫy), kakoong Lâp (núi - ăn hết rồi), gơơp Ếp(động - thấp), kakoong Mang(núi-cái trán), bôl Sap(đồi- hương trầm),… Số lượng các địa danh được cấu tạo bằng một âm tiết chiếm một tỉ lệ khiêm tốn trong hệ thống địa danh. Điều này phản ánh rõ nét sự khác biệt và nét đặc trưng của các địa danh gốc Cơtu so với các địa danh đơn tiết thuần Việt cùng một địa bàn nghiên cứu. Trong địa danh tiếng Việt, loại cấu tạo đơn tiết thuần Việt có nghĩa, đồng thời là một từ đơn thường chiếm ưu thế như : làng Sình, làng Sam, thị trấn Sịa, thôn Đông, núi Truồi, xóm Thượng, xóm Hạ, cầu Truồi, làng Chuồn, chơ Nọ, chợ Dinh, (Thừa Thiên Huế). 2.2.2. Các địa danh có cấu tạo bằng từ đơn đa tiết: Phần lớn các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc Cơtu có cấu tạo bằng từ đơn đa tiết, trong đó, nhóm địa danh cấu tạo bằng từ đơn song tiết chiếm đa số. Ví dụ: Các địa danh Cơtu thuộc huyện A Lưới: kakoong Parleech(núi - điểm cuối ), tơơm Patang(khe- bằng phẳng), trơ-ot Talơang(đèo- làm vỡ đôi, cong keo), kakoong Ahóq(núi- há miệng), kakoong Ala(núi-chiếc lá), karungTaham(sông- làm cho máu chảy), karung Panông(sông- cái cầu bắc qua),… Các địa danh Cơtu phân bố ở Nam Đông có cấu tạo bằng từ đơn song tiết: kakoong Ating(núi- lá dong gói bánh), kakoong Kanăm(núi- bóng tối), kakoong Chitang(núi- một loại nứa mọc ở từng), vil Rirang(thôn- cây tầm vông), vil Aprung(thôn- cái bẫy, tên dòng họ kiêng vật tổ là cái bẫy cung), vil Tivac(thôn- cây Tà vạt, tức cây đoác), vil Aroong(thôn- một loại cá trê),… Khảo sát các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu có đặc điểm cấu tạo đơn (tương đương với một từ đơn), chúng ta có thể suy luận đến những khác biệt của địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số thuộc nhóm Katuic(Taôi, Bru-Vân Kiều, Cơtu) ở Thừa Thừa Thiên Huế so với địa danh tiếng Việt(thuần Việt, Hán Việt) qua mấy đặc điểm sau: 1) Địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số thuộc nhóm Katuic, những ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn-Khơme, có loại hình đơn lập đơn âm tiết tính không triệt để nên từ đơn đa tiết chiếm ưu thế trong cấu tạo các địa danh. Điều này đã phản ánh đúng đặc điểm cấu tạo từ trong ngôn ngữ này(Taôi, Cơtu): Trong vỏ ngữ âm của từ (từ ngữ âm-âm vị học) còn tồn tại nhiều cấu trúc đa tiết, trong đó âm tiết cuối từ (còn gọi là âm tiết chính) là âm 2 tiết mang trọng âm từ. Ví dụ: kakoong Ahốq( “A” là một tiền âm tiết, “hốq” là âm tiết chính), kakoong Ala( “a” là một tiền âm tiết, “la” là âm tiết chính), kakoong Aviq( “a” là tiền âm tiết, “viq’ là âm tiết chính), karung Taham(“Ta” là một tiền âm tiết, “ham” là âm tiết chính),… 2) Địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhóm Katuic (tiếng Pacô- Taôi, Cơtu) trên địa bàn Thừa Thiên Huế hầu hết đã được Việt hóa, Hán Việt hoá theo phiên âm quốc ngữ nên hiện tượng những âm tiết tồn tại độc lập, vô nghĩa trong địa danh trở nên phổ biến theo cách ghi trong văn bản tiếng Việt. Quá trình quốc ngữ hoá các địa danh tiếng dân tộc ở đây chủ yếu là song tiết hoá, đáng chú ý hơn cả là quá trình âm tiết hoá các tổ hợp phụ âm đầu trong các địa danh. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tổ hợp phụ âm có trong địa danh Cơtu đều được song tiết hoá bằng các âm thuần Việt hoặc Hán Việt khi phiên chuyển sang văn bản tiếng Việt. Chẳng hạn, karung Bhrang(sông Ba Ràng), kakoong Aplat (núi A Pi Lát), karung Taham(sông Tà Hàm), … Đặc điểm này cũng tìm thấy phổ biến ở các địa danh tiếng Taôi: achúh Rka(thác Ra Ka: cá suối), toóm Ltưng(suối Lơ Tin), koóh Prang(núi Ba Ràng: tới nơi), toóm Pleng(suối Pa Leng: thiêng liêng), dak Kluông(sông Kà Luông: chiếc gùi), veel Priêng(thôn Bơ Riêng: cây ổi), ahơar Krul(khe Cơ Ru- cây chôm chôm),… Quả thật, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm ngữ pháp-ngữ nghĩa ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên địa bàn nghiên cứu(Cơtu, Bru-Vân Kiều, Taôi) thì rất khó có thể biết rõ được các âm tiết có mối quan hệ ngữ pháp hay ngữ nghĩa gì với nhau trong mỗi địa danh đa tiết. Đây cũng là những khó khăn thường gặp phải khi tìm hiểu mối quan hệ ngữ pháp-ngữ nghĩa giữa các yếu tố trong cấu tạo các địa danh phức. Từ đó cho thấy việc nghiên cứu địa danh không thể không bắt bầu bằng con đường ngôn ngữ học. 2.3. Các địa danh tiếng Cơtu có cấu tạo phức Kiểu cấu tạo phức được thể hiện trong các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc Cơtu ở Thừa Thiên Huế là những địa danh tồn tại ở dạng cấu trúc một từ ghép hoặc một cụm từ. Trong các địa danh có cấu tạo phức, giữa các yếu tố sẽ có mối quan hệ chủ yếu: quan hệ chính phụ, quan hệ đẳng lập và quan hệ chủ vị. Tuy nhiên, qua dữ liệu hiện có, chúng tôi chưa tìm thấy quan hệ chủ vị trong cấu tạo địa danh. 2.3.1.Về các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ chính phụ Về số lượng địa danh: loại địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ chính phụ trong địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc Cơtu chủ yếu rơi vào nhóm địa danh có sự kết hợp giữa tiếng Việt (bằng số) và tiếng dân tộc thiểu số (bằng chữ) như: vil Aroang 1, vil Aroang 2, vil Aroang 3 (Aroang: tên một dòng họ kiêng ăn con trút); vil Aso 1, thôn Aso 2 (Aso; đỏ hồng); vil Kanông 1, vil Kanông 2(kanông: cái nôi màu hồng),… Trường hợp các địa danh có cấu tạo bằng các cụm từ chính phụ thuần tiếng Cơtu xuất hiện trong một vài lần khiêm tốn, chỉ xuất hiện trong trường hợp thành tố A(tiền từ chung) được chuyển hoá thành thành tố A(tên riêng, tức địa danh): kakoong Bol Drui, kakoong Bol Dol, kakoong Bol Prion, trong đó, “bôl” có nghĩa là động trong tiếng Cơtu; hay các địa danh: tơơm Tu Tơơm(tu tơơm: đầu ngọn suối), tơơm Tu Kơp(tu kơp: đầu nguồn của loài ếch), tơơm Tu Chưnh(tu chưnh: ngọn núi đá), tơơm Tu Parleenh(tu parleenh: cuối ngọn),… trong đó, yếu tố “tu” ở các địa danh trên trong tiếng Cơtu, Taôi đều mang nghĩa là “ngọn”. Chúng ta cũng có thể tìm thấy kiểu cấu tạo địa danh chính phụ thuần tiếng Taôi trên địa bàn huyện A Lưới, dù cũng xuất hiện rất hạn chế: dak Dak Krông(krong là sông, một từ chung của các ngôn ngữ Đông Nam Á), toóm Toom Rôn(toóm:suối), amoól Tu Nơ Trong (đồi-tu Ntrong: đầu của chiếc cầu), amoól Đol Parnis (đồi-dol parnis: cán chổi quét nhà),… 3 Về vị trí các yếu tố: trong các địa danh có cấu tạo theo quan hệ chính phụ, yếu tố chính và yếu tố phụ dường như có sự ổn định khá bền vững: yếu tố chính thường đứng trước yếu tố phụ. Chẳng hạn, trong các địa danh: Aroang 1, Aroang 2, Kanông 1, Kanông 2, Aso 1, Aso 2, Nhâm 1, Nhâm 2, Dak Krông, Toóm Rôn,… thì các yếu tố ARoang, Kanông, Aso, Dak, Toóm,… đảm nhận yếu tố chính, còn 1,2, Krông, Rôn,… đảm nhận yếu tố phụ, có chức năng hạn định yếu tố chính. Đặc điểm vị trí này có sự tương đồng với các địa danh thuần Việt kiểu: thôn Cây Si, thôn Đá Bàn, thôn Bến Mưng, (ở Quảng Trị); thôn Bến Củi, thôn Hói Mít, thôn Rú Hóp, thôn Khe Su,…(ở Thừa Thiên Huế) nhưng lại có vị trí ngược lại với đa số các địa danh Hán Việt, kiểu như: làng Mỹ Xá, Đặng Xá, Thủy Điền, Tây Thành, (ở Thừa Thiên Huế). Đặc biệt, kiểu cấu tạo địa danh theo quan hệ chính phụ với một số công thức điển hình như “X + Xá”, “Kẻ + X”, “Vạn + X” thường gặp trong địa danh tiếng Việt, Hán Việt lại rất hiếm khi bắt gặp trong mô hình cấu tạo các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn Thừa Thiên Huế. 2.3.2. Về các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ đẳng lập Các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ đẳng lập chiếm một số lượng hạn chế trong cấu tạo địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc nói chung, tiếng Cơtu nói riêng. Theo quan hệ đẳng lập, các yếu tố có vai trò bình đẳng với nhau về mặt ý nghĩa cũng như việc tham gia vào các vị trí trong địa danh. Đa số các địa danh có cấu tạo theo quan hệ đẳng lập đều rơi vào nhóm các địa danh hành chính Hán Việt: thôn Phú Xuân, thôn Phú Thượng, xã Hồng Hạ, xã Hồng Quảng, …Trường hợp địa danh Pacô-Taôi cấu tạo ghép đẳng lập kiểu như làng Quảng Mai ở xã A Ngo do hai làng Quảng Thọ và Karmai(cái vá) nhập làm một mà thành chỉ gặp đúng một lần. Địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Qua khảo sát, chúng tôi chỉ xác định được một số trường hợp, chẳng hạn, vil Bá Tang do ghép vil Chitang(thôn- cây hóp) với vil Lapar(thôn- lá trầu); vil Ra Đàng do ghép vil Ara(thôn- một loại cá) với vil Bhadang(thôn-cây lá lốt), vil Rung Gềnh do ghép vil Tu Karung(ngọn sông) với vil Gêêng(tên dòng họ), vil Ga Hinh có cấu trúc bằng cách ghép vil Grhing(tên dòng họ) với vil Yahin(tên dòng họ). So với các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc, nhóm các địa danh làng xã Hán Việt có cấu tạo theo kiểu ghép đẳng lập này lại là hiện tượng phổ biến trong lối định danh của địa danh Việt Nam nói chung, ở Thừa Thiên Huế nói riêng: Phước Phú = Phước Tích+ Phú Xuân; Bình Điền = Bình lợi + Thuận Điền; Lại Lộc = Vĩnh Lại + Vĩnh Lộc, Bình Trị Thiên= Quảng Bình+ Quảng Trị- Thừa Thiên Huế,… 2.3.3. Điểm đáng lưu ý đối với các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở Thừa Thiên Huế so với địa danh dân tộc vùng Tây Nguyên hoặc cùng Tày Nùng đó là có sự khác biệt cơ bản trong cấu tạo địa danh. Trong địa danh vùng Tây Nguyên và vùng Tày Nùng, các thành tố chung A(thành tố chung) thường có sự chuyển hóa thành tên riêng B(địa danh), tạo nên những cấu trúc địa danh trùng nghĩa nhau trong cách gọi. Chẳng hạn, suối Êa Tam (Êa:suối - Chăm, Ê Đê, Gia Rai), sông Krông Nô (Krông:sông - Pa Na), làng Bòn Đung, Bòn Tô (Bòn: làng- Cơ Ho), làng Bù Đốp (Bù: làng - Xtiêng), ở địa danh vùng Tây Nguyên 2 ; hay Bản Bo, Bản Chang, Bản Nưa (Bản: làng- Tày, Nùng, Thái), Bó Đảy, Bó Lài, Bó Tháy (Bó: nguồn nước - Tày, Nùng), Nặm Ngan, Nậm Chầy (Nậm, nặm: 2 Về địa danh Tây Nguyên, xem thêm: Nguyễn Tố Uyên, Hoàng Thị Châu, Khảo sát địa danh tiếng dân tộc thiểu số trên bản đồ vùng Tây Nguyên, trong "Tiến tới chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng dân tộc thiểu số trong văn bản tiếng Việt", đề tài của Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, 2001; Trần Văn Dũng, Đặc điểm về cấu tạo của địa danh ở Dak Lăk, Tạp chí Ngôn ngữ số 03, 2005, tr. 71-79; Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, Nxb KHXH, TP. Hồ Chí Minh, 2006. 4 nước- Tày, Nùng, Thái), trong địa danh Tày - Nùng 3 . Trong khi, địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc Taôi ở A Lưới, theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, chỉ có mấy trường hợp sau có cấu tạo theo phương thức chuyển hóa nói trên. Đó là: dak Dak Krông (dak: sông, nước- Cơtu, Taôi; krong: sông, từ chung của các ngôn ngữ Đông Nam Á), toóm Toom Rôn (toóm: suối-Taôi), ahơar Tu Tôm (toóm: suối), koóh Cô Ca Va Đụt (koóh: núi- Taôi), koóh Cô Ta Koong (koóh: núi- Taôi). Các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu có thành tố chung A chuyển hoá thành thành tố tên riêng B(tức địa danh) cũng không phải là hiện tượng phổ biến như đã dẫn ở trên: kakoong Bol Drui, kakoong Bol Dol, kakoong Bol Prion (“bôl” có nghĩa là đồi trong tiếng Cơtu). Ở địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế, kiểu cấu tạo chuyển hóa thành tố chung (A)như karung, kakoong, vil, tơơm, daq… trở thành tên riêng (B) với nghĩa giống nhau như địa danh vùng Tây Nguyên hay vùng Tày Nùng chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Vì vậy, việc khảo sát địa danh dân tộc ở Thừa Thiên Huế chỉ tập trung vào yếu tố tên riêng (B), tức các địa danh, còn thành tố chung (A) đều được gọi theo tiếng Việt hoặc Hán Việt: sông, suối, ao, hồ, khe, làng, xã, thôn, bản khi được phiên chuyển sang tiếng Việt. Việc các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu có cấu trúc gồm thành tố chung A có nguồn gốc thuần Việt hoặc hoặc Hán Việt (sông, suối, làng, thôn, xã, khe, động, ) kết hợp với thành tố tên riêng B (tức các địa danh đích thực) có nguồn gốc tiếng dân tộc phản ánh sự đan xen, giao thoa văn hoá-ngôn ngữ giữa các dân tộc qua việc gọi tên các địa danh trên địa bàn cư trú. 3. Phương thức định danh của địa danh tiếng Cơtu 3.1. Địa danh là một bộ phận trong từ vựng. Nó được xuất phát từ vốn từ chung và mang theo chức năng định danh. Chức năng định danh của địa danh là một dạng của chức năng biểu vật mà mỗi từ mang trong nó. Về bản chất, địa danh là những từ ngữ lấy trong vốn từ vựng của ngôn ngữ, nó hoạt động và chịu tác động của qui luật ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Nghiên cứu các yếu tố cấu tạo địa danh cũng là nghiên cứu mặt nghĩa của đơn vị từ. Vì thế, “khi tìm hiểu những đặc điểm về ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên địa danh phải bám chắc vào nghĩa của từng yếu tố, từng từ ngữ này và phải đặt chúng trong ngữ cảnh, hoàn cảnh mà địa danh xuất hiện”[Từ Thu Mai, 2004, tr.98]. Đối với các địa danh nói chung, nghĩa của địa danh chính là nghĩa của từng yếu tố cấu tạo địa danh đó. Mỗi tên riêng “tạo nên trong trí óc ta sự liên hệ đến một thực thể. Đó là chức năng ý nghĩa của tên riêng"[Nguyễn Kiên Trường, 1996, tr.90]. Như vậy, nghiên cứu đặc điểm ý nghĩa các địa danh chính là chỉ ra các phương thức định danh và giá trị phản ánh hiện thực của các địa danh. Bởi lẽ, phương thức định danh là cách thức đặt tên cho đối tượng địa lí; còn đặc điểm phản ánh hiện thực chính là nói tới ý nghĩa của các thành tố, của từng địa danh và hệ thống các địa danh. 3.2. Đặc điểm định danh của địa danh tiếng Cơtu 3.2.1. Địa danh được đặt theo tên các loại thực vật có trên địa bàn: Chẳng hạn, tơơm Taraq(khe- bồ kết); vil Kire(thôn- cây mây); gơơp Kăm(động- môn tía); tơơm Aroq(khe- môn đỏ); kakoong Aviq(núi- thóc, cơm); kakoong Chitang(núi- cây nứa), vil Rirang(thôn- cây tầm vông), vil Tivac(thôn- cây đoác), vil Kadăng(thôn- tên một loại cây ăn đắng, chữa đau bụng), vil Axăt(thôn- cây mây lợp nhà Rông), vil Kađoong(thôn- một loại tre làm giấy), vil Aroong(thôn- câu lau cây lách),… 3.2.2. Địa danh được đặt theo tên các loại động vật có trên địa bàn: 3 Về địa danh vùng Tày Nùng, xem thêm: Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, Nxb KHXH, TP. Hồ Chí Minh, 2006; Hoàng Văn Ma, Về địa danh vùng Tày Nùng, trong "Những vấn đề ngôn ngữ học", Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học, 2002, tr. 202-213. 5 Ví dụ: karung Joóng(sông- một loại nai), tơơm Yong(khe- một loại chim sáo); kakoong Hacop(núi- con rùa), tơơm Kajach(khe- cá cơm), kakoong Xung Alin(núi-con trút), vil Ưgông(thôn-con gà trống), vil Aka(thôn-cá suối),… 3.2.3. Địa danh được đặt theo tên các vật dụng trong gia đình: Ví dụ: gơơp Hatéeh(động- cái gùi), gơơp Đrập(động- cái bẫy chuột), vil Aprung (thôn- hầm bẫy chông), … 3.2.4. Địa danh được đặt theo tên các dòng họ tiêu biểu: Các địa danh phản ánh các dòng họ của tộc người Cơ Tu: vil Munuq(thôn- tên một dòng họ kiêng ăn con trút), vil Kichê(thôn- tên dòng họ), vil Aroang(thôn-tên dòng họ kiêng con trút), … 3.2.5.Địa danh được đặt theo tên người: Ví dụ: kakoong Ong(núi- tên người anh hùng ở làng Hương Nguyên-A Lưới), karung Apaoq(sông- tên nhân vật anh hùng trong làng Đông Sơn- A Lưới), vil Nghiaq(thôn- tên nhân vật nổi tiếng trong làng Hương Nguyên- A Lưới), vil Aloóch(thôn- tên người đàn ông hung dữ ở làng Hương Sơn- Nam Đông, chuyên cướp vợ người khác), thôn La Hia(lahiêr: tên người đàn ông hiền hậu nổi tiếng trong làng Hương Sơn- Nam Đông), vil Achiêu(thôn- tên người đàn ông hay đi đâm người, gan dạ, không sợ chết ở Thượng Long- Nam Đông), kakoong Koonh Tang(núi- tên người đàn ông có con tên Tang), 3.2.6. Địa danh được đặt tên dựa vào các đặc điểm của chính bản thân đối tượng Địa danh gọi theo hình dáng của đối tượng: kakoong Asap(núi- hình ảnh như tổ ong), kakoong Ahốq(núi- há miệng), kakoong Ala(núi-hình chiếc lá), kakoong Mooqơơn(núi- có hình tròn trịa), kakoong Chibhung(núi- cong queo, quắp), kakoong Chagong(núi- nhô mặt phía trước),… Địa danh gọi theo kích thước của đối tượng: tơơm Patang(khe- rộng, bằng phẳng), gơơp Êp(động-thấp), … Địa danh gọi theo tính chất và màu sắc của đối tượng: kakoong Pók Ky Ha(núi- màu trắng), vil Poiring(thôn- một cách thấu đáo), vil Aso(thôn- đỏ hồng), vil Kanông(thôn- cái nôi màu hồng), kakoong Kanăm(núi- bóng tối do cây che phủ), … Địa danh gọi theo vị trí, địa điểm hình thành đối tượng: Ví dụ: kakoong Parleech(núi- nằm ở điểm cuối), bôl Charlét(đồi- điểm đi qua), tơơm Tu Tôm(tu: ngọn, điểm bắt đầu), kakoong Chóh(núi- điểm cắm mốc), kakoong Arum Karrứm(núi- nằm dưới mặt trăng), … 3.2.7. Các địa danh tiếng Cơtu còn được đặt theo phương thức chuyển hoá: Đặc điểm này phản ánh nét phổ biến và dễ thấy trong cách định danh của các địa danh của những vùng miền khác nhau. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các địa danh thường được chuyển hoá theo các phương thức sau: * Chuyển hoá giữa các địa danh thuộc cùng một loại hình địa danh, chẳng hạn, kakoong Parleech – tơơm Parleech; bôl Charlét)-pik Charlét; kakoong Charléenh- karung Charléenh,… * Chuyển hoá giữa các địa danh khác loại hình địa danh với nhau. Phương thức chuyển hóa này thường là từ địa danh chỉ đối tượng địa lí tự nhiên chuyển hóa thành địa danh cư trú-hành chính. Chẳng hạn, kakoong Asap- vil Asap; bool Aso- vil Aso, kakoong Talu- vil Talu; kakoong Ating- vil Ating; kakoong Parleech- vil Parleech,… * Chuyển hoá từ thành tố chung A(danh từ chung) thành thành tố B(tên riêng, tức địa danh). Phương thức này phổ biến ở địa danh Hán Việt và thuần Việt, cũng như địa danh tiếng dân tộc khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Chúng tôi nhận thấy các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở Thừa Thiên Huế nói chung, tiếng Cơtu nói riêng ít được hình 6 thành bằng lối định danh chuyển hoá này, chỉ bắt gặp ở một vài trường hợp tiêu biểu khi phiên chuyển sang tiếng Việt, chẳng hạn, thành tố chung Cô(cóoh: núi, đồi), Tôm(tơơm: suối, khe) được chuyển hoá thành tên riêng trong các địa danh tiếng Taôi như: suối Tôm Rôn, khe Tu Tôm, núi Cô Ca Va Đụt, núi Cô Ta Koong. Trong địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu, chúng tôi chỉ tìm thấy một trường hợp danh từ chung Bol(bool- đồi, đỉnh núi) chuyển hoá thành tên riêng(địa danh) như: núi Bol Drui, núi Bol Dol, núi Bol Prion. 4. Đặc điểm văn hoá được phản ánh qua địa danh tiếng Cơtu 4.1. Địa danh, trước hết, là một hiện tượng ngôn ngữ. Nó là những “khối ngôn ngữ kí sinh” được dùng để định danh các đối tượng địa lí. Nhưng địa danh được sinh ra cùng văn hoá, phát triển cùng văn hoá, do vậy, nó cũng là một hiện tượng văn hoá. Địa danh không chỉ thực hiện chức năng cơ bản là định danh sự vật, cá thể hoá đối tượng mà còn thực hiện chức năng phản ánh. Mỗi địa danh đều ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nên nó phản ánh nhiều mặt xã hội xung quanh. Đây cũng có thể quan niệm là chức năng xã hội của địa danh. Ngoài ra, địa danh còn biểu hiện đặc điểm văn hoá ngôn ngữ của cộng đồng. Mỗi địa danh hay một lớp địa danh đều gắn với văn hoá của cộng đồng hay từng khu vực cụ thể. Nói như A.V.Superanskaja, nhà địa danh học người Nga, địa danh chính là “những tấm bia bằng ngôn ngữ độc đáo về thời đại của mình” 4 . Theo đó, nghiên cứu địa danh tiếng Cơtu, chúng ta biết thêm về các đặc điểm văn hoá của tộc người Cơtu trên địa bàn Thừa Thiên Huế trên cả ba phương diện: không gian văn hoá, thời gian văn hoá và chủ thể văn hoá của vùng đất mà địa danh chào đời. 4.2. Không gian văn hoá của địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế thể hiện qua các phương diện: đặc điểm địa hình tự nhiên, thế giới thực vật, thế giới động vật gắn với vùng đất chứa địa danh. Về đặc điểm địa hình tự nhiên, địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu phản ánh qua cách định danh theo đặc điểm địa thế, hình dáng, vị trí riêng của một vùng đất. Qua các địa danh, chúng ta biết thêm về những thông tin thú vị về địa lí tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt vùng cao nguyên Trung Trường Sơn. Cư dân các dân tộc thiểu số chủ yếu định cư ở miền Tây Thừa Thiên Huế, với đặc điểm địa hình núi non hiểm trở, nhiều đèo nhiều suối nằm chênh vênh giữa núi rừng heo hút. Đặc điểm địa lí tự nhiên nổi bật này được phản ánh rõ nét qua nghĩa của các địa danh. Những từ ngữ được chọn dùng để đặt tên núi tên sông trong địa danh Cơtu đã phản ánh một cách hiện thực nhất đặc điểm địa hình ở đây: ngọn núi hình tổ ong(kakoong Asap), núi trọc(kakoong Kalơang), núi hình há miệng(kakoong Ahốq), núi cong queo(kakoong Chabhung), khe đầu ngọn suối(tơơm Tu Tôm), núi nằm dưới mặt trăng(kakoong Arum Karrứm),… Về thế giới thực vật, việc dùng tên cây cỏ để đặt địa danh là một hiện tượng phổ biến bởi thực vật là yếu tố tự nhiên gần gũi với con người, trực quan và thường được nhận biết sớm. Thế giới thực vật được phản ánh một cách phong phú nhất qua địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu đã tạo nên một nét văn hoá thực vật trong lối định danh của cư dân bản địa về vùng đất mà mình sinh sống. Đó phần lớn là những loại cây cỏ hết sức đặc trưng cho vùng đất mà tộc người Cơ Tu cư trú được chọn để gọi tên các đối tượng địa lí có trên địa bàn: cây bồ kết (taraq), cây mây(kire), môn tía(kăm: môn tía), cơm gạo(Aviq), cây nứa(Chitang), cây tầm vông(rirang), cây đoác(tivac),…Những loại cây cỏ này đều đã được hoá thân thành địa danh:ví dụ vào dây, tạo nên những trầm tích văn hoá đặc sắc về một vùng cao nguyên miền Trung. Về thế giới động vật, các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu phản ánh văn hoá dân dã về lối ứng xử với môi trường tự nhiên qua thế giới loài vật. Dân tộc Cơtu đã biết lựa 4 Dẫn theo: Lê Trung Hoa(2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.52. 7 chọn những động vật quen thuộc, gắn với đời sống sinh hoạt của cộng đồng để đặt tên cho sông, núi, khe, suối, thôn bản của mình như: nai rừng(joóng), chim sáo(yong), thằn lằn (tilu), kỳ nhông(kajoong), con rùa(hacop), con thạch sùng(atuq trên),…ví dụ Như vậy, môi trường tự nhiên hội đủ các đặc điểm về tính chất và địa hình vùng đất, một thế giới động-thực vật phong phú gắn với đặc trưng vùng cao nguyên miền Trung, tất cả đều được “hoá thân” thành địa danh, qua đó khắc hoạ rõ nét nhất một không gian văn hoá của các tộc người ở Thừa Thiên Huế giàu bản sắc. Sinh tụ trên dạng môi trường đặc thù, các dân tộc ít người nơi đây đều xem rừng núi, cây cỏ, sông suối như bà mẹ lớn, không chỉ nơi cung cấp thức ăn, thức uống, nguyên liệu làm nhà mà còn là chốn nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần, khởi nguồn cho mạch sống văn hoá. Con người và rừng gắn chặt với nhau, hoà quyện vào nhau, sức sống và âm vang của núi rừng đã tạo nên một không gian văn hoá đầy sinh khí. 4.3. Thời gian văn hoá tộc người Cơtu ở Thừa Thiên Huế được phản ánh qua địa danh một cách rõ nét. Mỗi địa danh ra đời trong một hoàn cảnh xã hội và lịch sử nhất định. Do vậy, các địa danh ngôn ngữ dân tộc ở Thừa Thiên Huế là một trong những nguồn tài liệu có thể giúp các nhà sử học, dân tộc học nghiên cứu về quá trình di trú của một hay nhiều tộc người trong lịch sử. Thừa Thiên Huế, trước khi trở thành vùng đất kinh sư của Triều Nguyễn, xét về lịch sử hình thành và phát triển, nó được biết đến là vùng đất “phên dậu”, “biên viễn xa xôi”, nơi cư trú của tộc người Chăm, và cư dân Môn-Khơ Me bản địa. Nhiều địa danh còn bảo lưu những “dấu vết” của dân tộc Chăm(Chàm) và các cuộc di dân của người Kinh(Việt) trong tiến trình lịch sử văn hoá vùng Thuận Hoá. Tên các địa danh như Sình, Sam, Nong, Sịa, Truồi, Lồi, Ô Lâu ở vùng đồng bằng hiện nay đều có vết chân của cư dân nói ngôn ngữ Chăm và cư dân nhóm ngôn ngữ Katuic bản địa như Pacô-Taôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều sinh sống. Địa danh là một phạm trù lịch sử, mang những dấu vết của thời điểm mà nó chào đời. Nó được xem là “đài kỷ niệm” hay là “tấm bia bằng ngôn ngữ độc đáo về thời đại của mình”. Vì vậy, địa danh ở Thừa Thiên Huế còn cho chúng ta biết được các biến cố- sự kiện lịch sử đã xảy ra trên một vùng đất. Nhắc đến đồi A Bia thuộc huyện A Lưới, chúng ta liên tưởng ngay đến những trận đánh khốc liệt trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đồi A Bia được gọi là “Đồi thịt băm” cũng do tính khốc liệt nói trên, mặc dù theo nguồn gốc tiếng Cơ Tu, A Bia là cách Việt hoá của “Abiah”, nghĩa là một loại sóc có ở chốn này. Hiện nay, địa danh này trở thành di tích lịch sử chiến tranh nổi tiếng và là nơi hàng trăm du khách ghé thăm mỗi lần lên vùng cao A Lưới. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, những cái tên động A So-A Túc, A Bia, động Tiên Công, sân bay A So, A Sầu, A Lưới, đèo La Hi, đèo Tà Lương,… tất cả những địa danh lịch sử đó đều gắn liền với những chiến tích oai hùng, khốc liệt của bao thế hệ cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. 4.4. Mỗi địa danh đều được ra đời và hình thành gắn liền với đặc điểm văn hoá của chủ thể tạo nên chúng. Do vậy, địa danh có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin về văn hoá-tâm lí của một tộc người, cũng như nguồn gốc dân cư với tư cách là những chủ thể của một vùng văn hoá, chủ thể tạo nên các địa danh. Đối với các địa danh thuần Việt và Hán Việt, chúng phản ánh tên các dòng họ có công khai canh khai khẩn lập làng. Sự có mặt tên các dòng họ qua địa danh đã để lại những “dấu tích” về thời điểm lịch sử hình thành làng xã của cư dân trên địa bàn cư trú: Văn Xá, Lê Xá, Cao Xá, Võ Xá, Lê Xá Đông, Lê Xá Tây, Cao Xá Hạ, Cao Xá Thượng,… Theo các nhà nghiên cứu, loại địa danh “X + Xá” 5 có thể hình thành từ một trong hai lí do 5 Mô hình địa danh “X + Xá” là một kiểu đặt địa danh mang đặc trưng cho quá trình tự cư lập làng của người Việt từ Thừa Thiên Huế trở ra. Xem thêm: Lê Trung Hoa(2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 8 sau: một dòng họ chiếm địa vị độc tôn hoặc đa số trong một khu dân cư; hoặc một dòng họ vốn nổi tiếng nhất trong khu vực ấy. Đối với các địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu ở Thừa Thiên Huế, nhờ các địa danh mà tên một số dòng họ của người Cơtu đã đổi theo họ người Kinh nhưng vẫn còn được bảo lưu cho đến tận ngày nay. Chẳng hạn, tên thôn được đặt theo một dòng họ kiêng ăn thịt con trút: thôn MùNú (munuq), dòng họ có vật tổ phải kiêng là cái bẫy hầm chông: thôn Ap Rung(aprung),…Rõ ràng, mỗi dòng họ đều thờ những vật tổ của mình và đó cũng là những con vật kiêng đối với cả cộng đồng thôn bản. Mỗi địa danh mang tên dòng họ đều ký thác trong mình những câu chuyện cổ tích mang đậm dấu ấn văn hoá của dân tộc mình. Bên cạnh đó, địa danh dân tộc thiểu số được đặt theo tên người đã góp phần phản ánh đặc điểm văn hoá của chủ thể văn hoá là cư dân Môn-Khơ Me sống trên mảnh đất Thừa Thiên Huế. Phần lớn các địa danh dân tộc đặt theo tên những vị anh hùng của cộng đồng, là nhân vật trong các truyền thuyết, sử thi hay những người có công khai phá làng bản thôn xóm. Chẳng hạn, các địa danh Pacô-Taôi: đồi Pơ Rok (Prók: tên một nhân vật tiêu biểu trong làng ở xã A Đớt), núi Quỳnh Trên (Koonh Trên: tên nhà cách mạng, nhà lãnh đạo huyện A Lưới), thôn A Lưới (Alơaiq: nhân vật anh hùng của cộng đồng trong sử thi), thác A Nô (Anôr: nhân vật lịch sử trong sử thi). Địa danh Cơtu đặt theo tên người cũng phản ánh rõ nét đặc điểm văn hóa của tộc người Cơtu trong cách đặt tên. Dân tộc Cơtu không chỉ ghi nhớ những người tốt, có công lao với thôn bản như: núi Ong(tên người anh hùng ở làng Hương Nguyên-A Lưới), sông A Páo (Apaoq: tên nhân vật anh hùng trong làng Đông Sơn- A Lưới), thôn Nghĩa(Nghiaq: tên nhân vật nổi tiếng trong làng Hương Nguyên- A Lưới) thôn La Hia(lahiêr: tên người đàn ông hiền hậu nổi tiếng trong làng Hương Sơn- Nam Đông) mà còn lấy tên những người bị coi là xấu để lưu giữ những sự kiện đã xảy ra trong đời sống văn hoá của mình, chẳng hạn như: thôn A Chiếu(tên người đàn ông hay đi đâm người, gan dạ, không sợ chết ở Thượng Long- Nam Đông),…), thôn A Lốt(aloóch: tên người đàn ông hung dữ ở làng Hương Sơn- Nam Đông, chuyên cướp vợ người khác). Mỗi địa danh là những bài học ngắn gọn viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc mình. Đặc biệt, địa danh gắn với danh nhân là những người được sinh ra trên mảnh đất Thừa Thiên Huế sẽ mãi là “tấm gương”, “đài tưởng niệm” cho thế hệ con cháu ở địa phương noi theo. 5. Kết luận 5.1. Các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số Cơtu ở Thừa Thiên Huế phần lớn có thể giải thích được nguồn gốc và ý nghĩa nếu chúng ta căn cứ nguồn gốc ngữ nguyên của các địa danh. Tuy nhiên, vấn đề các địa danh mang nghĩa gì phải được lí giải trong mối liện hệ với chức năng phản ánh hiện thực của mỗi địa danh. Bởi lẽ, địa danh không chỉ là những “khối ngôn ngữ kí sinh” mà còn là những “tấm bia về lịch sử, văn hóa dân tộc”. Thông qua địa danh, chúng ta có thể biết được lịch sử, văn hóa, đặc điểm tộc người, hình thái kinh tế xã hội, tâm lí của một hay nhiều cộng đồng dân cư đã và đang sống ở tại vùng đất có chứa địa danh. Khảo sát địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơtu ở Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể biết thêm nhiều điều thú vị về nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh, cũng như đặc điểm văn hoá của các dân tộc sống trên địa bàn cư trú. 5.2. Đặc điểm cấu tạo địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơtu ở Thừa Thiên Huế có những điểm khác biệt, đặc trưng so với địa danh thuần Việt, địa danh Hán Việt nói chung và địa danh ngôn ngữ dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên hay địa danh Tày Nùng ở phía Bắc. Cũng giống với địa danh có nguồn gốc tiếng Pacô-Taôi, địa danh có nguồn gốc tiếng Cơtu rất ít dùng phương thức chuyển hóa thành tố chung, danh từ chung(A) thành tên Hà Nội; 9 riêng(B), tức địa danh, như thường xảy ra trong các địa danh dân tộc thiểu số ở các vùng khác. Mỗi tên núi, tên sông, tên làng, là những cách định danh không lặp lại ở các yếu tố, ở các loại hình địa danh khác nhau. Chính đặc điểm chế định ngôn ngữ tạo địa danh cũng như các lớp từ ngữ được dùng để đặt tên đã làm nên tính đặc trưng trong văn hoá địa danh tiếng Cơtu. 5.3.Việc tìm hiểu ý nghĩa và giá trị phản ánh hiện thực của các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số đi liền với việc chỉ ra các phương thức định danh của địa danh; đồng thời chỉ ra được những đặc điểm văn hoá tộc người thể hiện qua mỗi đơn vị địa danh. Ý nghĩa các địa danh dân tộc nơi đây không “chuyển tải” nhiều ước vọng cao xa, lí tưởng, khát vọng, những mĩ từ tượng trưng ước lệ như trong các địa danh Hán Việt hay thuần Việt mà qua đó, thể hiện một lối tư duy dân dã, lối sống hoà hợp với thiên nhiên, cây cỏ, gắn liền với đời sống lao động cộng đồng bền chặt, thiêng liêng nhằm khắc hoạ những đặc trưng văn hoá tộc người Cơtu, cư dân Môn-Khơ Me bản địa của vùng cao nguyên Trường Sơn ở Thừa Thiên Huế. T.V.S TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Tiếng Việt 1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu đính và dịch chú), Nxb Thuận Hoá, Huế. 2. Nguyễn Tài Cẩn (2001), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), tái bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Hoàng Thị Châu (1966), “Mối liên hệ về nguồn gốc cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông”, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 2, Nxb Giáo dục. 4. Trần Trí Dõi(1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Trần Trí Dõi(2001), Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 6. Phạm Đức Dương (2007), Bức tranh ngôn ngữ-văn hoá tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 7. Lê Quí Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 8. Lê Trung Hoa(2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Quốc sử quán triều Nguyễn(1997), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, Huế. 10. Trần Văn Sáng(2008), Bước đầu tìm hiểu đặc điểm cấu tạo và ý nghĩa các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, Báo cáo Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ nhất, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Cần Thơ, ngày 18-4. 11. Trần Văn Sáng(2009), Cách phiên chuyển địa danh từ tiếng Pa-cô Ta-ôi ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt, Báo cáo Hội thảo Ngôn ngữ học toàn toàn, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tháng 11, Hà Nội. 12. Trần Văn Sáng(2009), Các phương diện văn hoá của địa danh ở Thừa Thiên Huế, Báo cáo Hội thảo quốc tế Việt Nam- Trung Quốc về nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, tháng 11, Hà Nội. 13. Trần Văn Sáng(2010), Giá trị phản ánh hiện thực của địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5(131). 10 [...]...14 Trần Văn Sáng(2011), Đặc điểm cấu tạo và ý nghĩa các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Pacô-Taôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) , Tạp chí Ngôn ngữ, số 1(260), tr 66-76 15 Hoàng Sơn chủ biên (2007), Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 16 Ngô Đức Thọ (1997), Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn hoá, Hà Nội 17 Nguyễn Hữu Thông chủ biên(2007), Katu, kẻ sống đầu... sống đầu ngọn nước, Nxb Thuận Hoá, Huế 18 Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (2009), Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 19 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế( 2005), Địa chí Thừa Thiên Huế: phần tự nhiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 20 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế( 2005), Địa chí Thừa Thiên Huế: phần lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội B Tiếng Anh 1 Anderson, John M (2007),... Asian Studies, The Australian National University 4 Paul Sidwell, 2006, A Mon- Khmer comparative dictionary, Pacific Linguistics, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University 5 Richart L Watson(1969), “pacoh names”, Mon-Khmer Studies III, The Linguistic Circle of Saigon & The Summer Institute of Linguistic, 77-88 6 Watson K (1964), “pacoh phonemics”, Mon-Khmer Studies... Institute of Linguistic, 77-88 6 Watson K (1964), “pacoh phonemics”, Mon-Khmer Studies I, The Linguistic Circle of Saigon & The Summer Institute of Linguistic, 135-148 7 Wanllance J.M(1966), “Katu phonemes”, Mon-Khmer Studies I, The Linguistic Circle of Saigon & The Summer Institute of Linguistic, 55-68 11 . 2.248 địa danh ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi xác định được X địa danh gốc Cowtu trong tổng số Y địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số, chiếm T%. Địa danh tiếng C tu ở Thừa Thiên Huế chủ. ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC TIẾNG CƠ TU Ở THỪA THIÊN HUẾ DƯỚI GÓC NHÌN NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA Trần Văn Sáng (Trường Đại học Phú Xuân - Huế Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học) 1. Dẫn nhập 1.1. Ở Việt. đất có chứa địa danh. Khảo sát địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ C tu ở Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể biết thêm nhiều điều thú vị về nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh, cũng như đặc điểm văn

Ngày đăng: 05/04/2015, 17:40

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan