Báo cáo nghiên cứu khoa học: " CẤU TRÚC XOAY VÒNG TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI YÊU DẤU” CỦA TONI MORRISON" docx

10 939 9
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " CẤU TRÚC XOAY VÒNG TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI YÊU DẤU” CỦA TONI MORRISON" docx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 96 CẤU TRÚC XOAY VÒNG TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI YÊU DẤU” CỦA TONI MORRISON CIRCULAR STRUCTURE IN “BELOVED” OF TONI MORRISON NGUYỄN PHƯƠNG KHÁNH Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Năm 1993, Toni Morrison nhận giải thưởng Nobel Văn chương, trở th ành nhà văn Mỹ gốc Phi đầu tiên và là người phụ nữ thứ tám nhận được giải thưởng cao quý này. Xuất phát từ một sự kiện có thực trong lịch sử, cuốn tiểu thuyết Người yêu dấu kể về câu chuyện một người phụ nữ bị ám ảnh bởi đứa con gái nhỏ mà bà đã sát hại để nó thoát khỏi kiếp nô lệ. Mang dáng dấp một câu chuyện ma trộn lẫn truyện kể hiện thực, cuốn tiểu thuyết khắc họa những chấn thương sâu nặng về tinh thần và thể xác mà chế độ nô lệ gây ra trong lịch sử, cũng như nỗi đau dai dẳng con người phải chịu đựng sau khi chế độ này đi qua. Với bút pháp tiểu thuyết độc đáo, Toni Morrison đã chứng tỏ tài năng của mình trong việc xây dựng một cấu trúc xoay vòng biểu hiện qua các cấp độ: cốt truyện, hệ thống không gian, thời gian, nhân vật và ngôn từ. ABSTRACT In 1993 Toni Morrison was awarded the Nobel Prize in Literature, becoming the first African American and just the eighth woman to earn the accolade. Inspired by an actual historical incident, Beloved tells the story of a woman haunted by the daughter she murdered rather than have returned to slavery. Partly a ghost story, partly realistic narrative, this novel examines the mental and physical trauma caused by slavery as well as the lingering damage inflicted on its survivors. With the special writing style, Toni Morrison demonstrates her artistic skill in her circular structures showed in the levels: plot, space, time, characters and language. Người yêu dấu là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mỹ đương đại Toni Morrison (1931- ). Tác phẩm đã được tạp chí New York Times đánh giá là hay nh ất nước Mỹ trong vòng hai mươi lăm năm qua. Ở một góc độ nào đó, người đọc có thể cảm nhận đây là cuốn truyện mang màu sắc kỳ ảo, hoặc một tác phẩm xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực để tố cáo chế độ nô lệ và tình trạng phân biệt chủng tộc, hay đây cũng có thể là một cuốn tiểu thuyết tâm lý, một cuốn sách về câu chuyện tình yêu lãng mạn. Trong đó, nhà văn sử dụng một lối văn xuôi hiện đại, cộng hưởng với những bài thơ ngắn, dài và đặc biệt là lối cấu trúc xoay vòng vô cùng độc đáo. Chính cấu trúc như vậy khiến cho tác phẩm gia tăng tính huyền ảo và chất thơ, tạo nên một sức mạnh xoáy sâu vào một vùng ký ức còn tươi rói nỗi đau, mãi mãi tỏa bóng xuống những tháng ngày còn lại. Theo từ điển Thuật ngữ văn học, cấu trúc tác phẩm được quan niệm là “tổ chức nội tại, mối quan hệ qua lại của các yếu tố của tác phẩm mà sự biến đổi một yếu tố nào trong đó sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác” [2,4]. Như vậy, cấu trúc tác phẩm TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 97 tạo nên từ sự đan bện các yếu tố nội tại, gắn kết chặt chẽ với nhau theo một trật tự nhất định. Ở đó, chúng được đặt trong các cấp độ phụ thuộc vào nhau: từ chủ đề, kết cấu, đến hệ thống hình tượng (nhân vật, không gian thời gian), ngôn từ Trên mỗi cấp độ, các yếu tố kết nối chặt chẽ với nhau theo một “lộ trình” có chủ ý. Vậy nên mọi sự sắp đặt các yếu tố của văn bản sẽ tạo nên cấu trúc riêng biệt cho tác phẩm nghệ thuật. Trong Người yêu dấu, chúng ta nhận ra một cấu trúc vòng tròn thể hiện qua sự tuần hoàn của cốt truyện, một số mô típ, không gian, thời gian, sự kiện, nhân vật và ngôn từ. Các tầng bậc bên trong tác phẩm phát triển theo kiểu đồng tâm lan toả, các yếu tố gặp nhau về bản chất, không ngừng gợi nhắc cái trước đó, cái đã qua. Cuộc sống cứ xoay vòng như tiếng dội của sự tuyệt vọng. Con người cố gắng vượt qua ranh giới này để rồi lại tiếp tục chạm mặt với những điều tương tự. Sự xoay vòng trong cấu trúc tiểu thuyết khắc sâu thêm những ẩn ức tinh thần bế tắc của nhân vật, sự tồn tại dai dẳng của quá khứ và định kiến xã hội. Câu chuyện trở nên ám ảnh và tha thiết gọi về những nghĩ suy. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu cấu trúc xoay vòng thể hiện trong các cấp độ cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật và ngôn từ. 1. Cốt truyện Cốt truyện được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật về người phụ nữ da đen tên là Margaret Garner, cộng thêm hình dung về một thời kỳ tồn tại chế độ nô lệ trên đất Mỹ. Các sự kiện trải dài từ nửa đầu thế kỷ XIX cho đến thời kỳ Tái thiết, sau cuộc Nội chiến Nam- Bắc. Mặc dù vậy, câu chuyện không phải là chuỗi sự kiện liên hoàn tiếp nối thông thường - một cách kể đầy cổ điển. Ở đây, cốt truyện phát triển theo kiểu xoay vòng, mở rộng lan toả theo những vòng tròn đồng tâm và ở mỗi phần đều có sự lặp lại những sự kiện của quá khứ, của cái trước đó. Sự hiện diện của những mô típ trở đi trở lại trong tác phẩm cũng cho thấy tính chất xoay vòng của cốt truyện. Thứ nhất, chúng ta thấy rằng tác phẩm chia làm ba chương lớn và mỗi chương đều bắt đầu bằng tình trạng của ngôi nhà 124. Mở đầu các chương luôn là hình ảnh đầy xáo động và có tính thúc đẩy cao trào cho sự kiện trong tác phẩm: − Chương một: “Ngôi nhà 124 đầy hận thù ” − Chương hai: “Ngôi nhà 124 ầm ĩ ” − Chương ba: “Ngôi nhà 124 im lặng ” Chương một mở ra vấn đề đang tiềm ẩn trong tác phẩm. Sự thù hằn, lạnh lẽo, cô độc của ngôi nhà 124 hay chính là cuộc đời của các nhân vật sống trong đó báo hiệu tính gay cấn của các sự kiện tiếp theo. Và đây chỉ là “mồi nhử” để dẫn tới sự giải quyết tất yếu. Cho đến chương hai, mâu thuẫn đã cao trào. Sự náo động bắt đầu đỉnh điểm. Cho đến chương cuối, nhịp điệu chậm lại và các sự kiện đi đến điểm nút cuối cùng. Tuy nhiên, mặc dù sự vận động của tiểu thuyết có vẻ khoác một dáng dấp “kịch tính” và được giải quyết theo chiều hướng mở đầu - thắt nút - mở nút như vậy, nhưng thực sự đó chỉ là kiểu xoay vòng của cốt truyện. Tác giả xác định điểm bắt đầu của TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 98 truyện kể và câu chuyện tiếp theo có thể triển khai theo nhiều hướng, nhưng vòng tròn đồng tâm lan toả rộng đến đâu cũng xuất phát từ một tâm điểm. Khi ký ức của nhân vật dẫn dắt ta đi qua các không gian khác nhau cùng rất nhiều biến cố, nhiều giai đoạn khác nhau của từng số phận con người… thì bao giờ câu chuyện cũng bắt đầu lại tại chính ngôi nhà 124 - không gian bị một con ma trẻ con quấy phá, ám ảnh suốt mười mấy năm trời - nhưng mở thêm những xung đột, những đòi hỏi giải phóng của bao nhiêu ẩn ức và trói buộc, của sự thức tỉnh và khát khao tìm lại chính mình trong từng nhân vật. Chính kiểu vòng tròn của cốt truyện như thế tạo điều kiện cho các sự kiện, các mô típ được trở lại, với những điểm nhấn khác nhau, nhưng luôn tạo cho người đọc cảm giác bưng bít của một thế giới. Dường như nhân loại trải qua bao thăng trầm biến cố, rốt cuộc cũng không đi ngoài mấy vấn đề muôn thuở: tình yêu, sự hy sinh, ý thức cá thể, tội lỗi Vậy nên, chúng ta gặp lại bóng dáng của mặc cảm tội lỗi của Cain, một câu chuyện xa xưa từ Kinh Thánh. Người ta có thể nghĩ tới mô típ tội ác và trừng phạt, khi xuất hiện yếu tố giết con - ám ảnh tội lỗi - ẩn ức tâm lý, nhưng Morrison đã đưa chủ đề này đi sang một hướng khác khi đ ặt nó trong bối cảnh xã hội có sự tồn tại chế độ nô lệ vô nhân đạo. Vụ án người mẹ trẻ Sethe (một nô lệ chạy trốn) cắt cổ đứa con gái mới lên hai của mình trong nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng tột cùng trước sự săn lùng của tên chủ nô. Tội lỗi của người đàn bà da đen vượt ra khỏi phạm vi đạo đức, đứng giữa ranh giới của tội ác kinh khủng và một hành động cao thượng. Và chị đã phải đối mặt với tội lỗi ấy, nỗi đau ấy không chỉ một lần. Đứa trẻ đã chết một lần nữa hiện diện trong đời chị với hình hài người thật: cô gái trẻ Beloved chính là hồn ma sống lại, gieo rắc xung quanh một không khí huyễn hoặc, ám ảnh, đầy bí ẩn ngột ngạt. Các tình tiết liên quan đến sự kiện này cứ tái lặp trong mỗi chương. Mỗi mảnh đoạn của câu chuyện gợi ra một phần của quá khứ, mở ra một số thông tin liên quan đến cuộc đời nhân vật, nguyên nhân vụ giết con của Sethe, quãng đời nô lệ, tù ngục, chạy trốn gian khổ của Paul D , rồi dừng lại lưng chừng và chuyển sang các sự kiện khác. Tính chất mảnh ghép và cách thức tự sự đa chủ thể giúp tác giả tự do chuyển mạch truyện, các sự kiện rời rạc không tiếp nối. Người đọc phải đợi qua các chương sau, sự kiện được trần thuật tiếp tục, ngược về quá khứ để lý giải nguyên nhân hoặc hướng đến tương lai để đón nhận hậu quả. Lối tự sự xoay vòng như vậy khiến tác phẩm gia tăng tính huyền ảo, đồng thời có độ ngân vang, lan toả, thấm dần những nỗi đau, sự khốc liệt, tính chân thực lịch sử trong từng sự kiện. Nó cũng gợi liên tưởng đến tính chất lãng mạn Mỹ (American romance) bay bổng trên nền câu chuyện hiện thực sâu sắc khi nhà văn cố gắng khai thác chủ đề tình yêu mạnh mẽ của người đàn bà, của người mẹ, những dồn nén tâm tư bao nỗi đau, tuyệt vọng, điên cuồng trong bao thân phận trên miền đất mới nhiều hứa hẹn mà cũng đầy cay đắng. 2. Hệ thống hình tượng (không gian, thời gian, nhân vật) Hai không gian trung tâm của tác phẩm là Sweet Home - một đồn điền của chủ nô da trắng trước Nội chiến và ngôi nhà 124 thực chất cũng là sự lặp lại của tình trạng nô lệ, tủi nhục, cô độc. Sethe vượt qua đoạn đường dài để tìm đến tự do, nhưng rốt TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 99 cuộc, ở ngôi nhà 124, chị lại rơi vào sự giam hãm khác, còn đau đớn, ngột ngạt hơn xưa, đó là sự cầm tù trong quá khứ và tội lỗi giết con. Các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết đã cố gắng bức thoát khỏi không gian nô lệ, tràn ngập nỗi ám ảnh bị phủ nhận cá tính, bị hạ nhục và huỷ hoại cuộc đời. Sweet Home là thiên đường ảo tưởng của những thân phận nô lệ bị khoá kín về mặt không gian và cả thời gian, khi họ bị đoạn tuyệt với cội rễ và bị ru ngủ trong mơ mộng về cuộc sống “tự do” dưới sự cai quản của một chủ nô cấp tiến. Và kẻ chủ nô da trắng mới, thay thế ông bà Garner, đã chứng tỏ cho họ thấy quyền lực của người da trắng và thân phận hèn mọn của người nô lệ da đen. Nhưng viễn cảnh tự do ở ngôi nhà 124 cũng sớm lụi tắt. Những nhân vật của chúng ta một lần nữa lại bị cầm tù trong một không gian cô độc, ma ám, tràn ngập điều phi lý, huyễn hoặc. Sự xoay vòng về tính chất không gian gắn liền với sự xoay vòng về thời gian khiến cuốn sách có sự dồn tụ rất cao. Quá khứ - hiện tại - quá khứ cứ đan xen quay vòng khiến nhân vật chìm trong uẩn ức, tự dày vò mình và bị cô lập khỏi môi trường xung quanh. Con người luôn có cảm giác đau đớn, mặc cảm thường trực. Họ gồng mình kiêu hãnh, bất cần như để tự giương cao cái tôi, tự ám thị mình về một cội rễ chưa bao giờ bị cắt đứt. Tác phẩm được tạo dựng bằng kỹ thuật vận dụng điêu luyện thời gian kể chuyện trong đó tác giả thay thế sự phát triển tuyến tính bằng một loạt những khoảnh khắc mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng đồng hiện. Nó là câu chuyện chứa đựng những tầng bậc của quá khứ, từ chiếc tàu buôn nô lệ đến Sweet Home, cũng như hiện tại trong ngôi nhà bị ma ám thời kỳ Tái thiết sau cuộc Nội chiến tương tàn Nam - Bắc. Quá khứ có thể vừa mới đây thôi trong nỗi nhớ của nhân vật, có khi nó lùi về thật xa, không còn gắn với riêng một cuộc đời nô lệ nào mà là quá khứ của cả một cộng đồng người da đen bị đánh cắp thân phận trong lịch sử. Tất cả như là huyền thoại hiện lên qua dòng hồi tưởng, nhưng nhiều khi nó được kể một cách rõ ràng, trực tiếp như đang xảy ra trong hiện tại. Thời gian trôi ngược trong thực tại, con người cố gắng nhớ lại cội rễ của chính mình, cuộc đời thực sự của mình nhưng luôn bị những nỗi dằn vặt, mặc cảm ám ảnh. Sethe đánh mất chính mình bên Beloved như hàng tri ệu người da đen bị “mất trí nhớ” trên toàn quốc. Thời gian trong Người yêu dấu di chuyển theo một đường tròn, lặp lại con đường khép kín từ hiện tại trở lại quá khứ rồi xoay vòng lại hiện tại. Ngay trong từng đoạn, từng chương của cuốn tiểu thuyết, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất mảnh ghép, đồng hiện thời gắn với sự thay đổi điểm nhìn liên tục. Trong dòng thời gian chuyển động dích dắc ấy, những sự kiện của quá khứ hiển hiện trong hiện tại, chẳng hạn trường đoạn tả cảnh Sethe và Paul D nằm bên nhau, cuộc tình hai người lồng trong dòng hồi tưởng về một tình yêu nữa thuộc về quá khứ: đó là tình yêu giữa Sethe với người chồng cũ Halle. Hai người đàn ông trong đời chị khiến chị nhớ đến những kỷ niệm đẹp, bao rung động đầu đời, tình chồng vợ và niềm mơ mộng của một cô gái trẻ trong chị ngày xưa. Nhà văn khéo léo di chuyển ống kính liên tục từ người này sang người kia để bắt trọn hồi ức của từng người trong cùng giây phút ấy. Việc xây dựng một kết cấu không - thời gian trong đó có sự gặp gỡ giữa quá khứ TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 100 và hiện tại, tính chất không - thời gian xoay vòng, lặp lại, lồng ghép khiến tác phẩm gia tăng độ hư ảo, nó trở thành kiểu truyện kể không ngừng tự vấn lại chính mình, gặp lại chính mình trên từng nếp suy nghĩ. Con người không thoát được vòng xoáy luẩn quẩn của không-thời gian ấy, cho nên thân phận cũng dẫm lên nhau những nỗi đau mòn. Chính vì thế, chúng ta cũng nhận thấy trong hệ thống nhân vật có sự song trùng về nhiều mặt. Đó là hồn ma đứa trẻ đã chết lúc lên hai và nhân vật Beloved; đó là Baby Suggs và Sethe. Sự trở về của đứa bé bị sát hại trong hình hài cô gái mười chín, hai mươi tuổi – Beloved - có bóng dáng mô típ ma- người trong các loại truyện kỳ ảo ma quái, ở đây nhà văn khoác cho nhân vật ma một cuộc đời nữa trong tác phẩm với hình hài người thực. Hai nhân vật thuộc về hai thế giới âm - dương cách biệt, nhưng luôn dự phần và có vai trò vô cùng đặc biệt đối với sự sống trong ngôi nhà 124. Hồn ma đứa trẻ và Beloved là hai hình tượng gắn bó song trùng. Cả hai là hình bóng của nhau soi chiếu nửa tối nửa sáng. Nhưng nói chung, chúng đều là bóng ma của quá khứ cứ ám ảnh không yên trong cuộc đời từng nhân vật. Còn Sethe là hình ảnh của một Baby Suggs mạnh mẽ đầy khát vọng nhưng cũng cô đơn và yếu đuối vô cùng. Hai người đàn bà nô lệ với hai cuộc đời đầy tổn thương, họ chỉ là món hàng để mua bán, phục dịch, sinh nở cho người da trắng. Chiếc áo cưới tự may từ những mảnh vải vụn cũ nát, tình yêu với người chồng chỉ thấy mặt nhau trong bóng tối, khát vọng tự do để rồi chứng kiến người thân bị huỷ hoại Cả Baby Suggs và Sethe đều chịu chung một số phận mù mịt của thân phận phụ nữ nô lệ. Họ cùng gắn bó với người con trai Halle, người đã hy sinh năm năm làm việc ngày chủ nhật để chuộc lấy tự do cho mẹ, người đã đau đớn đến câm lặng khi bất lực chứng kiến vợ mình bị hành hạ làm nhục. Hai người đàn bà rốt cuộc đã mất chàng trai yêu thương, mất mát người thân, tinh thần và thể xác. Mọi nỗi cay đắng đã dìm họ xuống nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Baby Suggs thôi cố gắng xây dựng tôn giáo da đen của mình. Đến lượt Sethe nằm liệt giường chờ chết giống Baby Suggs Những cảnh cuối cùng của cuốn tiểu thuyết cho thấy một cảnh tượng lặp lại: Ông Edward Bodwin, một người da trắng, đến giúp cô bé Denver đi làm hoà nhập cuộc sống trở lại, bị Sethe trong cơn cuồng loạn tâm trí lao đến định giết chết. Sethe vẫn ám ảnh về gã thầy giáo da trắng năm xưa. Chị hoang tưởng trong nỗi sợ hãi có người đến tước đoạt đứa con của chị, tước đoạt tự do của mẹ con chị. Nhưng lần này cộng đồng người da đen đã có mặt bên người phụ nữ ấy và ngăn chặn được một bi kịch lặp lại. Beloved biến mất. Có hình ảnh “người đàn ông không da với chiếc roi trong tay đang đứng nhìn” Beloved ở cuối đoạn. Người ta nhớ lại cảnh tượng mười tám năm về trước. Đứa trẻ chết, Sethe man dại, Baby Suggs tuyệt vọng. Giờ đây, Beloved đã trở lại nơi nó đã đến, và đến lượt Sethe rối loạn tinh thần và gục ngã. Sự đan cài các chi tiết và hình tượng mang tính song trùng cùng với cách thiết kế cốt truyện phản ánh một chung cục khải huyền: Beloved biến mất, Sethe sắp chết, thế giới u ám của ngôi nhà 124 sụp đổ… Nhưng bằng tình yêu thương, sự mạnh mẽ, Denver và Paul D đang mở ra một thế giới khác của sự phục sinh. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 101 3. Ngôn từ Tiểu thuyết Người yêu dấu tràn ngập một chất thơ gợi nên từ ngôn từ đầy âm vang, nhiều hình ảnh sống động. Một cách viết dịu dàng đầy nữ tính khiến người đọc xúc động sâu sắc trước cuộc đời của những người nô lệ. Trước hết, ta nhận thấy một cách thức sắp đặt các câu văn, đoạn văn mang tính điệp trùng, sự lặp lại các cấu trúc câu đoạn tạo nên nhạc tính và chất thơ phong phú cho tác phẩm. Bắt đầu mỗi chương cũng xuất hiện kiểu câu: “124 WAS SPITEFUL” (Ngôi nhà 124 đầy hận thù) “124 WAS LOUD” (Ngôi nhà 124 ồn ào) “124 WAS QUIET” (Ngôi nhà 124 thật yên tĩnh) Hay, khởi đầu ba đoạn liên tiếp trong chương cuối là: “It was not a story to pass on”. (Đó không phải là câu chuyện để lan truyền). “It was not a story to pass on”. “This is not a story to pass on”. Ở một đoạn khác là: “Mưa. Rắn rết kéo xuống từ cây thông lá ngắn và cây độc cần. Mưa. Cây bách, cây bạch dương vàng, tần bì và cọ lùn rũ xuống dưới s ức nặng của trận mưa ” Chúng ta còn nhận thấy lối sử dụng ngôn ngữ điệp trùng, lặp lại về cú pháp cũng như từ ngữ của nhà văn Morrison ở các đoạn tự sự ngôi thứ nhất liên tiếp. Tác giả luôn bắt đầu bằng cách tự giới thiệu bản thân để nhập vào dòng suy tư, nội tâm của các nhân vật chính, trong đó có cả nhân vật hồn ma. “Beloved, nó là con gái tôi, là của tôi ” “Beloved là chị tôi ” “Tôi là Beloved và mẹ là của tôi ” “Tôi là Beloved và bà là mẹ của tôi ” Những khởi đầu và lặp lại kiểu câu như thế ở mỗi chương, mỗi đoạn đồng thời cũng gợi nên tính chất xoay vòng trong tiểu thuyết. Mỗi khúc đoạn của cuộc đời từng nhân vật được tái hiện rất ngắn và sau đó trở lại trong một lối cấu trúc đoạn tương đối gần gũi. Nó nhấn mạnh nỗi ám ảnh khổ đau trong từng số phận, đi sâu bộc lộ cảm xúc nội tâm của những con người da đen ấy. Mỗi hình ảnh sống động của quá khứ đều đánh thức trong họ bao niềm xúc động sâu xa, như tâm hồn Sethe lúc tưởng nhớ khoảnh khắc yêu đương với người chồng Halle. Tình yêu khiến chị nhận ra nỗi khao khát tự do âm thầm cháy bỏng trong tiềm thức của chính mình. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 102 “Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao. [ ] Râu ngô mượt và dễ rụng làm sao. Thật tuyệt vời, cái tự do.” Nhan đề của cuốn tiểu thuyết là “Người yêu dấu” (Beloved), kết thúc tác phẩm cũng là một từ hoàn toàn tách biệt “Yêu dấu” (Beloved). Ngay cả lời đề từ cũng luyến láy lặp lại “Tôi sẽ gọi họ, những người không phải đồng bào của tôi, là đồng bào của tôi, và gọi nàng, người không được yêu dấu, là người yêu dấu ” (I will call them my people, which were not my people; and her beloved, which was not beloved). Tất cả điều đó gợi nên một chất thơ miên man trong lối kể hiện thực pha huyền ảo hết sức độc đáo. Nhà văn sử dụng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách biểu đạt đầy nhạc tính khi dẫn dắt người đọc vào thế giới hư cấu trong tiểu thuyết. Nhiều nhà phê bình nhận định lối viết của Toni Morrison tràn đầy tính trữ tình và chất thơ bởi cách sử dụng hình ảnh sống động, giàu biểu tượng của bà. Thay vì việc phải miêu tả vết thương đương rỉ máu trên lưng người phụ nữ nô lệ, nhà văn đã thông qua cái nhìn của nhân vật Amy Denver để liên tưởng đến hình ảnh cây anh đào với đủ lá cành và hoa nở. Bức tranh sống động trên lưng chị ấy gây ấn tượng mạnh trong nhận thức người đọc hơn sự mô tả trực diện thông thường. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc tác giả đã sử dụng những hình ảnh tự nhiên đẹp đẽ để làm nổi bật nét tương phản với nỗi đau khủng khiếp của người nô lệ, là cách thức tuyệt vời để nhấn mạnh nỗi cay đắng nhục nhã của những con người đó. Trên nền một hiện thực khốc liệt, Morrison lại mở ra một chất trữ tình âm thầm chảy giữa bao tâm tư. Tất cả đúng không phải là câu chuyện để kể, để lan truyền, nó chỉ là cõi lòng miên man lúc sục sôi tha thiết, lúc chậm chạp ủ ê, là chứng nhân của tình yêu bị tổn thương, của những mất mát không bao giờ vơi cạn. Những bài thơ được sử dụng rải rác trong tác phẩm chính là tiếng lòng của người mẹ khổ đau, của nhân gian không ngớt tiếng thở dài. “Hãy nói thật đi con. Con đến từ thế giới bên kia phải không? Vâng. Con ở thế giới bên kia. Con trở về đây là vì mẹ ư? Vâng. Con còn nhớ đến mẹ? Vâng, con nhớ mẹ.” Bài thơ là những dòng đối thoại bên trong, ngầm trong thần giao cách cảm, để hai mẹ con - người sống kẻ chết - trao đổi với nhau bao nỗi thương nhớ, ân hận dày vò. Bài thơ đồng thời cũng là những dòng cô đọng đầy cảm xúc về một quá khứ, một sự thực lịch sử mà tâm sự của hồn ma ngay trong đoạn phía trước đã trình bày. Sự lặp lại TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 103 nhưng dưới một hình thức thể hiện khác chính là một cách sáng tạo độc đáo của ngòi bút đầy nữ tính Toni Morrison. Sự kết hợp lối cấu trúc xoay vòng từ cốt truyện đến hệ thống hình tượng và ngôn từ gợi nên một chất trữ tình sâu thẳm nhưng không kém phần đau đớn khốc liệt khi vết thương như bị trăn đi trở lại, không ngừng bị dày vò, như thể chưa bao giờ muốn lãng quên, như thể không bao giờ nguôi ngoai được. Con người bị cuốn vào một vòng xoáy từ thái độ, định kiến tàn nhẫn đối với người da đen, người nô lệ. Chính vì thế, một câu chuyện ma xen lẫn trong cốt truyện của một tiểu thuyết lịch sử và một tiểu thuyết tâm lý- tình cảm khiến tác phẩm đi đến một kết thúc kép: một mặt nó hướng về kết cục của con ma Beloved và gia đình Sethe, mặt khác câu chuyện lại hướng người đọc đến số phận của người nô lệ, của Sethe và Paul D, cùng với Denver. Có thể là kết thúc đóng khi con ma biến mất và ngôi nhà 124 trở lại bình thường trong tình cảm cộng đồng giữa những người da đen. Nhưng vẫn là một kết thúc mở còn đọng nhiều nghĩ suy khi nhân vật nữ chính tuyệt vọng chờ chết và chỉ có bàn tay yêu thương của người đàn ông mạnh mẽ, nỗi khát khao được trở lại là chính mình, với cuộc đời mình trong tâm hồn những con người ấy mới vực dậy được sự sống. Câu chuyện ngừng lại tại đó và chỉ mơ hồ dẫn ra những dự cảm. “Đi xuôi theo con suối phía sau nhà 124, những dấu chân cô đến rồi đi, đến rồi đi. Chúng đã quá quen thuộc. Nếu như một cậu bé, một người lớn đặt chân lên thì nó sẽ vừa như in. Nhưng khi họ đưa chân ra, những dấu chân lại biến mất như chưa hề có ai in dấu ” Cấu trúc xoay vòng gợi cho người đọc nghĩ đến cấu trúc của thơ. Và thật vậy, một chất thơ lan toả từ kết cấu đến lối sử dụng ngôn từ biểu cảm, hình ảnh sống động hoà với cảm xúc thấm đẫm trong ký ức, trong suy tư và trong cả số phận nhân vật khiến cuốn tiểu thuyết gây xúc động sâu thẳm. Câu chuyện chứa đựng nhiều tình tiết khốc liệt, kinh dị, kỳ ảo vì thế lại được kể bằng lối văn tràn đầy chất thơ biểu cảm đậm đặc nữ tính. Ở đây lộ rõ cá tính sáng tạo của Toni Morrison trong dòng chảy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Có thể nói, bên cạnh việc tiếp nối những đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong cách xây dựng nhân vật và người kể chuyện, không gian, thời gian, Morrison khơi sâu thêm dòng chảy văn học từ Mỹ Latinh vào chính hiện thực của cộng đồng, của dân tộc mình. Nếu đọc những tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, chúng ta nhận ra hơi thở của vùng đất hoang sơ đầy bí ẩn, dữ dội mà thơ mộng, vừa ngây thơ vừa đáng sợ, nơi lịch sử vẫn đang mở ra những trang mà nhân loại đã qua từ lâu, thì đọc tiểu thuyết Toni Morrison, độc giả hình dung được một bức tranh hiện thực lịch sử nhiều ghềnh thác và thế giới tâm hồn sâu thẳm những vết thương của người Mỹ da đen trên mảnh đất đa sắc tộc, đa văn hoá này. Quá trình sinh sống và hoà hợp chủng tộc của người Mỹ gốc Phi trong lịch sử phải trải qua nhiều đấu tranh với thế lực bên ngoài và với cả chính mình để gìn giữ cội rễ tổ tiên, truyền thống văn hoá Phi châu vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức. Điều đó được ngòi bút Morrison tái hiện một cách trữ tình, mang lại chất thơ cho tiểu thuyết. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 104 Chất thơ đó bộc lộ qua cấu trúc xoay vòng, từ cốt truyện đến hệ thống hình tượng và ngôn từ, một cách lặp lại tuần hoàn các yếu tố cấu trúc tác phẩm tạo nên một nhịp điệu riêng, gần với cấu trúc thơ. Bên cạnh đó, một lối viết biểu cảm thiên về tâm lý, sử dụng những hình ảnh mang tính chất biểu tượng, đầy ám gợi và đặc biệt là âm hưởng nhạc Jazz ngẫu hứng, da diết, thâm trầm mà náo động bàng bạc suốt tác phẩm khiến người đọc đắm chìm trong “cảm giác từ thế giới ấy” chứ không phải là “hình dung về thế giới ấy” nữa. Đây có thể coi là một trong những nét sáng tạo độc đáo của Toni Morrison trong sự tiếp thu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Các nhà văn Mỹ Latinh thường sáng tạo một lối viết mạnh mẽ, thẳng thừng, gai góc, đầy tính baroque với những đề tài nóng bỏng chính trị nhưng chứa đựng những vỉa tầng văn hoá bản địa sâu sắc. Trong khi đó, Toni Morrison lại phát huy truyền thống dân tộc, văn hóa da đen, lịch sử đấu tranh của người nô lệ da đen ở châu Mỹ để cất lên một “khúc ca da đen” sâu thẳm tình yêu, nỗi buồn, sự nhẫn nại, hy sinh, niềm khát khao được giao cảm, nối liền con người với con người, ý chí mạnh mẽ để khẳng định bản sắc của dân tộc mình, cá tính của chính bản thân mình. Chính cội nguồn văn hoá dân tộc ấy đã tưới đẫm tâm hồn người nữ văn sỹ ngay từ thời thơ ấu đã góp phần hình thành cá tính sáng tạo của một nhà văn tài năng. Dưới mái nhà mình, Toni đã lớn lên cùng với những bài hát và những câu chuyện cổ tích da đen của bà nội. Thế giới mà bà nội đã tạo dựng cho cô bé Chloe Anthony Wofford (tên thật của Toni Morrison) được xây cất từ những chất liệu folklore của người da đen, của huyền tích và ma thuật. Trong thế giới đó, hiện thực không có ý nghĩa gì nữa mà chỉ như một hình ảnh mờ nhạt của trí tưởng tượng. Toni đã lớn lên và được nuôi dưỡng để tự hào với lịch sử tổ tiên của mình. Tâm hồn đầy nữ tính, những giác quan tinh tế và nhạy cảm của một người phụ nữ từng trải giúp cho thế giới nghệ thuật của bà chứa đựng chiều sâu thêm tình cảm, sự suy nghiệm và không ngừng mở ra những khát vọng muôn thuở về tình yêu, tình mẫu tử, tình người. Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho bà giải văn chương Nobel cao quý bởi : “ Toni Morrison đã vẽ lên hết sức sống động thực chất của hiện thực Mỹ với nghệ thuật tiểu thuyết được thể hiện bởi trí tưởng tượng mãnh liệt và tràn đầy chất thơ ”. Người ta sẽ nhớ tới những tác phẩm của bà với giọng văn thấm đẫm nỗi buồn, tình yêu thương, sự cảm thông, sự nhẫn nại, đức hi sinh (những điều mà nhà văn William Faulkner tin rằng chính nó làm cho con người trở nê n bất tử). Qua những tác phẩm của bà, người ta sẽ biết về nỗi buồn thương và đau đớn của hàng trăm năm thân phận nô lệ, nỗi buồn đau có tính di truyền đã khắc vào tâm hồn những người Mỹ da đen đã từ bao nhiêu thế hệ. Và vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu con người bừng sáng trên từng trang viết. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 105 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. [3] Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới. [4] Nhiều tác giả (2003), Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. [5] Hữu Ngọc (2000), Hồ sơ văn hoá Mỹ, NXB Thế giới Hà Nội. [6] Kathryn Vanspanckeren (2001), Phác thảo văn học Mỹ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. [7] Phan Tấn Hải (dịch), Giới thiệu tiểu thuyết hậu hiện đại Hoa Kỳ, Website: www.tapchitho.org. [8] Nguyễn Thị Hiếu Thiện (2003), Luận văn Thạc sĩ: Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. [9] Bernard W. Bell (1989), The Afro-American Novel and Its Tradition, The University of Massachusetts Press. [10] Solomon O. Iyasere, Marla W. Iyasere (2000), Understanding Toni Morrison's Beloved and Sula: Selected Essays and Criticisms of the works by the Nobel Prize- winning author, Whitston Publishing Company, Troy, New York. Copyright: www.questia.com [11] N.Lindstrom (1994), Twentieth - Century Spanish American Literature, University of Texas Press. [12] Lois Parkinson Zamora & Wendy B. Faris (1995), Magical Realism: Theory, History, Community, Duke University Press, Durham& London. Copyright: www.questia.com. . TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 96 CẤU TRÚC XOAY VÒNG TRONG TIỂU THUYẾT “NGƯỜI YÊU DẤU” CỦA TONI MORRISON CIRCULAR STRUCTURE IN “BELOVED” OF TONI MORRISON. đựng sau khi chế độ này đi qua. Với bút pháp tiểu thuyết độc đáo, Toni Morrison đã chứng tỏ tài năng của mình trong việc xây dựng một cấu trúc xoay vòng biểu hiện qua các cấp độ: cốt truyện,. đặt các yếu tố của văn bản sẽ tạo nên cấu trúc riêng biệt cho tác phẩm nghệ thuật. Trong Người yêu dấu, chúng ta nhận ra một cấu trúc vòng tròn thể hiện qua sự tuần hoàn của cốt truyện, một

Ngày đăng: 22/07/2014, 18:22

Từ khóa liên quan

Mục lục

  • NGUYỄN PHƯƠNG KHÁNH

  • Cốt truyện

  • Hệ thống hình tượng (không gian, thời gian, nhân vật)

  • Ngôn từ

    • Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

    • Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.

    • Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới.

    • Nhiều tác giả (2003), Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

    • Hữu Ngọc (2000), Hồ sơ văn hoá Mỹ, NXB Thế giới Hà Nội.

    • Kathryn Vanspanckeren (2001), Phác thảo văn học Mỹ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

    • Phan Tấn Hải (dịch), Giới thiệu tiểu thuyết hậu hiện đại Hoa Kỳ, Website: 7TUwww.tapchitho.orgU7T.

    • Nguyễn Thị Hiếu Thiện (2003), Luận văn Thạc sĩ: Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

    • Bernard W. Bell (1989), The Afro-American Novel and Its Tradition, The University of Massachusetts Press.

    • Solomon O. Iyasere, Marla W. Iyasere (2000), Understanding Toni Morrison's Beloved and Sula: Selected Essays and Criticisms of the works by the Nobel Prize-winning author, Whitston Publishing Company, Troy, New York. Copyright: 7TUwww.questia.comU7T

    • N.Lindstrom (1994), Twentieth - Century Spanish American Literature, University of Texas Press.

    • Lois Parkinson Zamora & Wendy B. Faris (1995), Magical Realism: Theory, History, Community, Duke University Press, Durham& London. Copyright: 7TUwww.questia.comU7T.

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan